Câu chúc song hỷ lâm môn được sử dụng rất phổ biến hiện nay mỗi khi nhà ai đó có đám cưới. Vậy chính xác thì song hỷ lâm môn nghĩa là gì? Hãy cùng khám phá ý nghĩa song hỷ lâm môn cùng với nguồn gốc của câu chúc này trong bài viết dưới đây nhé.
Tóm tắt
Song hỷ lâm môn là gì?
Trong phong tục cưới xin của người Việt thì chữ song hỷ là điều không thể thiếu ở không gian diễn ra lễ cưới. Bởi đây chính là sự thông báo về việc gia đình có tin vui, có một sự kiện mang tính trọng đại của gia đình. Vì vậy mà chữ song hỷ lâm môn được sử dụng rất nhiều.
Về bản chất thì song hỷ chính là từ tiếng Hán và được du nhập vào Việt Nam. Với sự học tập có chọn lọc thì chữ song hỷ cũng được người Việt áp dụng trong đời sống văn hóa tinh thần của mình. Cho dù không biết chữ Hán nhưng với mức độ phổ biến của hình ảnh chữ song hỷ thì rất nhiều người sẽ nhận ra ngay được mặt chữ này chỉ trong tích tắc.
Ý nghĩa của câu song hỷ lâm môn thì song có nghĩa là hai còn hỷ chính là niềm vui, tin vui. Vì thế mà song hỷ lâm môn sẽ được hiểu là 2 niềm vui cùng tới một lúc. Niềm vui nhân đôi chính là điềm báo về sự may mắn, thuận hòa đến với gia đình. Bởi không phải lúc nào trong cuộc đời chúng ta cũng có thể đón nhận tin vui một cách liên tục và tức thì như vậy. Song hỷ lâm môn chính là sự chúc tụng những điều may mắn nhất đến cùng nhau.
Người Trung Quốc sử dụng chữ hỷ trong rất nhiều trường hợp khác nhau như cưới xin, thi cử đỗ đạt, nhà có thành viên mới chào đời,…. Tuy nhiên, việc cưới xin có lẽ là được ứng dụng nhiều nhất với việc dán chữ hỷ lên để thông báo tin mừng này. Hơn hết, việc kết hôn cũng là một việc trọng đại của cô dâu chú rể, vì thế mà càng nhận được nhiều lời chúc thì chính là sự may mắn của cặp đôi uyên ương.
Ở Việt Nam, ý nghĩa từ song hỷ lâm môn được sử dụng tương tự. Tuy nhiên, song hỷ ở đây cũng có thể hiểu là 2 niềm vui đến cùng nhau khi 2 gia đình có thêm dâu thảo rể hiền. Và song hỷ lâm môn chính là ngụ ý về việc cầu mong những tin vui sẽ đến liên tiếp với cặp đôi vừa mới cưới. Đó có thể là về công danh, sự nghiệp hay là về đường con cái,…
Sự tích song hỷ lâm môn
Dù đã biết ý nghĩa của song hỷ lâm môn, nhưng không phải ai cũng rõ về nguồn gốc, sự ra đời của song hỷ lâm môn là như thế nào. Thực tế thì câu chúc này gắn liền với câu chuyện về một trạng nguyên đời nhà Tống, có tên là Vương An Thạch.
Tương truyền, Vương An Thạch là một nho sĩ đã dùi mài kinh sử 2 năm nhưng vẫn chưa đỗ bảng vàng. Vì thế mà lần này ông quyết định lên kinh dự thi lần thứ 3, mong có thể thi đỗ Trạng Nguyên.
Trên đường lên kinh dự thi, Vương An Thạch đi qua một vùng trù ph, thấy được trên cổng nhà Mã Viên ngoại đề một câu đối “Mã tẩu đăng, đăng tẩu mã, đăng tức, mã đình bộ” (ngựa chạy theo đèn, đèn lại chạy theo ngựa, đèn tắt thì ngựa dừng chân”. Phía dưới câu đối sẽ là chỗ trống cho bất cứ ai nếu có thể đối lại câu đối này thì sẽ được trở thành con rể của Mã Viên Ngoại.
Thực chất thì đây là một gia đình cực kỳ giàu có và có học thức. Vì vậy mà việc kén rể cũng cần có chút khó khăn mới tương xứng với gia thế. Vương An Thạch đọc câu đối này nhưng nghĩ mãi cũng không ra, tuy nhiên vẫn buông lại một câu: “Câu này dễ thôi” và sau đó ông tiếp tục lên đường.
Tại trường thi, Vương An Thạch chính là thí sinh nộp bài đầu tiên và được đánh giá cao. Vì thế mà ông được giám khảo gọi lên để thử tài. Một câu đối được đặt ra đó là: “Hổ phi kỳ, cờ phi hổ, kỳ quyển, hổ tàng hình” (hổ bay theo lá cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn thì hổ ẩn mình). Vừa nghe thấy câu đối này Vương An Thạch đã nghĩ ngay tới câu đối tại nhà Mã Viên Ngoại, nhanh chóng đọc ra được vế đối của mình. Vừa hay là cả 2 câu đối đều rất hoàn chỉnh, trọn nghĩa. Giám khảo thấy sự phản ứng nhanh của Vương An Thạch cũng rất vui mừng.
Khi đi thi về qua nhà Mã Viên Ngoại, Vương An Thạch nhanh chóng viết ra vế đối của mình và được gia đình đánh giá cao. Vương An Thạch đã trở thành người được chọn làm rể nhà viên ngoại. Lễ cưới được tiến hành ngay sau đó, Vương An Thạch ở lại nhà của Mã Viên ngoại. Tin mừng lấy được vợ vừa đẹp lại giàu có chưa dừng thì ở kinh thành đã truyền tin đến thông báo Vương An Thạch thi đậu Trạng nguyên. Niềm vui nhân đôi này thực sự là quá bất ngờ. Vì thế mà 2 chữ hỷ đã được ông viết ra dán lên cổng:
“Vận may đối đáp mà thành song hỷ
Cờ hổ, đèn quân kết phu thê”.
Và kể từ đó, chữ song hỷ được sử dụng phổ biến trong cưới xin và song hỷ lâm môn cũng được dùng để nói về những điều may mắn tới liền nhau.
Lưu ý gì khi dán chữ song hỷ lâm môn trong đám cưới?
Trở thành một phong tục không thể thiếu, chữ song hỷ lâm môn luôn được sử dụng trong lễ cưới với ngụ ý về niềm vui, sự may mắn dành cho đôi vợ chồng mới cưới. Vì thế mà cách dán chữ hỷ có ý nghĩa rất quan trọng.
Thực tế thì không có quy định nào quá khắt khe về vấn đề dán chữ song hỷ ở đâu. Bạn có thể dán trên phông bạt, đèn lồng, trên cửa, trên tường ở xung quanh không gian diễn ra lễ cưới. Nhờ vào chữ song hỷ mà mọi người có thể nhận biết dễ dàng về việc gia đình đang diễn ra đám cưới, mong mọi người tới chung vui.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một điều khi dán chữ song hỷ là tránh dán ngược. Bởi khi dán ngược thì ý nghĩa cũng như mặt chữ sẽ có sự thay đổi. Điều này sẽ mang tới những ngụ ý không hay và ảnh hưởng tới tâm trạng của những thành viên trong gia đình trong lễ cưới.
Ngoài việc dán chữ song hỷ trong nhà thì trên thiệp cưới của cặp đôi cũng nên có hình này. Đây được xem như một lời thông báo trang trọng nhưng vẫn hết sức tinh tế về tin vui của mình với những người thân và bạn bè thân thiết ở xa. Thông qua chữ song hỷ trên thiệp để thể hiện cho lời mời với việc mong mọi người có thể tới chung vui, sẻ chia niềm vui để sự kiện trọng đại trong đời của cô dâu, chú rể diễn ra được suôn sẻ, ấm cúng nhất.
Câu chúc song hỷ lâm môn với những ý nghĩa tốt đẹp nhất chính là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn nhận được khi niềm vui có thể được nhân đôi cùng một lúc. Hy vọng là với những thông tin trên, các bạn đã hiểu được song hỷ lâm môn là gì, nguồn gốc và ý nghĩa song hỷ lâm môn để có thể sử dụng trong cuộc sống chính xác nhất nhé.