Máy CNC hỗ trợ con người tạo ra những họa tiết phức tạp với độ chính xác cao mà gia công thủ công khó có thể hoàn thành được. Vậy CNC là gì? CNC viết tắt của từ gì? Hãy cùng palada.vn tìm hiểu về khái niệm và các loại máy CNC phổ biến nhất hiện nay nhé!
Tóm tắt
CNC là gì?
CNC là loại máy gia công vật liệu hoạt động dưới sự điều khiển từ hệ thống máy tính. CNC viết đầy đủ là “Computerized Numerical Control” (điều khiển số thông qua máy tính).
Nguyên tắc vận hành của máy CNC khá đơn giản. Các kỹ sư lập trình sẽ mã hóa bản vẽ kỹ thuật 2D, 3D sang ngôn ngữ lập trình để hệ thống máy tính đọc và điều khiển máy, tạo ra sản phẩm có hình dạng và kích thước theo yêu cầu.
Các thương hiệu máy CNC nổi tiếng và được lựa chọn nhiều nhất hiện nay là Okuma, Hurco, Moriseiki, Dossan, Mazak, Mikron Hem, Shoda, Hass, Amada,…
Công nghệ CNC là gì?
Công nghệ CNC là phương pháp gia công cơ khí hiện đại, sử dụng kết hợp giữa công cụ vật lý (máy CNC) và thiết bị điện tử hiện đại (công nghệ máy tính) để tăng cường độ chính xác và rút ngắn thời gian làm việc. Gia công CNC ra đời từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước và ngày càng phát triển để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của con người.
Sự ra đời của công nghệ CNC đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp. Nó giúp con người thực hiện được nhiều công việc phức tạp, giảm thiểu tối đa sai sót trong quá trình gia công. Từ đó tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp với số lượng lớn, đáp ứng tốt nhu cầu thị và thị hiếu của người dùng.
Vai trò, ứng dụng của công nghệ CNC là gì?
Công nghệ CNC có vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp. Nó được ứng dụng để gia công, chế tạo, lắp ráp,… nhiều máy móc, trang thiết bị phục vụ cho đời sống. Cụ thể như sau:
- Y tế: Tạo ra các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành y tế, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng như vỏ bọc an toàn, thiết bị chỉnh hình, máy MRI, dụng cụ phẫu thuật, chỉnh nha, chỉnh hình,….
- Đồ thủ công, mỹ nghệ: Dùng để chạm khắc các họa tiết, hoa văn phức tạp nhanh chóng, chính xác và có thẩm mỹ cao.
- Công nghiệp ô tô: Dùng để chế tạo nhiều bộ phận ô tô như tay nắm, lưới tản nhiệt, mâm xe, cửa, trục,…
- Hàng không vũ trụ: Dùng để sản xuất các chi tiết phức tạp, cần độ chính xác cao để sử dụng cho động cơ, thân máy bay,… nhằm đảm bảo sự an toàn của máy bay khi di chuyển.
- Tự động hóa: Máy CNC được tích hợp vào hệ thống sản xuất tự động hóa để cải thiện năng suất, hạn chế lỗi và giảm thiểu tối đa sự can thiệp của con người,….
- Ngoài ra, CNC còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như sản xuất đồ gia dụng, quân sự, phòng không, sản xuất linh kiện điện tử,…
Ưu – nhược điểm khi sử dụng máy CNC là gì?
– Về ưu điểm:
- Có thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc như cắt, mài, dũa, gia công các chi tiết nhỏ, họa tiết hoa văn phức tạp,…
- Độ chính xác cao, gần như tuyệt đối, đảm bảo sản phẩm cuối cùng có chất lượng tốt nhất. Do toàn bộ quá trình vận hành đã được lập trình sẵn trên máy tính.
- Sử dụng máy CNC giúp quá trình gia công được xử lý nhanh chóng, giúp cải thiện hiệu suất làm việc và tiết kiệm đáng kể thời gian, nhân lực.
- Tính linh hoạt cao, người dùng có thể lập trình lại quá trình điều khiển sao cho phù hợp với yêu cầu sản xuất.
– Về nhược điểm:
- Chi phí đầu tư máy CNC ban đầu khá cao. Đây là khó khăn thường gặp của các xưởng gia công có quy mô gia đình, quy mô nhỏ hoặc mới thành lập.
- Mặc dù ít bị hư hỏng nhưng khi gặp sự cố, chi phí sửa chữa và bảo trì thiết bị cũng tương đối cao. Vì vậy, các đơn vị nên thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy để hạn chế các sự cố phát sinh ngoài ý muốn.
- Người điều khiển, vận hành máy phải có trình độ cao, được đào tạo bài bản.
Các loại vật liệu trong gia công CNC
Gia công CNC là phát minh vĩ đại của nhân loại đối với hoạt động sản xuất. Nó không chỉ có độ chính xác cao, vận hành tự động mà còn có thể sử dụng trên nhiều loại vật liệu khác nhau như đá, gỗ, nhựa và các loại kim loại như nhôm inox, titan, đồng thau, magie, thép,…
Các loại máy CNC phổ biến
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng có nhiều loại máy CNC ra đời, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của con người. Các loại máy CNC phổ biến nhất hiện nay là:
Phân loại máy CNC theo công cụ
- Máy tiện CNC: Dùng để gia công mặt ngoài của các chi tiết có dạng hình tròn như ren, lỗ, bánh xe, vòng chặt, trục, côn,… Thiết bị này còn được dùng để gia công lỗ, cắt ren, cắt rãnh, khoa, đánh bóng, chà nhám,… Hiện nay, máy tiện CNC được cải tiến với nhiều tính năng hiện đại, có thể thực hiện nhiều công việc mà trước đó chỉ làm được trên máy phay.
- Máy pháy CNC: Có chức năng chính là doa, phay, xoay,.. với độ chính xác lên đến 0.1mm. Máy có thể di chuyển theo đường ngang, dọc, tròn, di chuyển lên xuống,… để thực hiện thao tác cắt gọt nhiều kiểu chi tiết khác nhau theo yêu của người dùng.
- Máy khoan CNC: Có thể phay, khoan,… nhiều chi tiết máy khác nhau với độ chính xác cao, tiết kiệm nhiều thời gian gia công. Máy có thể thực hiện trên nhiều loại vật liệu khác nhau và khoan nhiều chi tiết cùng lúc mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
- Máy đột dập CNC: Máy được thiết kế với công suất lớn, dùng để gia công các loại mái tole. Thiết bị có thể sử dụng nhiều loại dao khác nhau, tạo ra đường dập sắc nét và có tính thẩm mỹ cao.
Ngoài ra, còn có máy mài CNC, máy cắt rãnh CNC,…
Phân loại máy CNC dựa trên phương pháp cắt
- Máy cắt CNC router: Dùng để cắt các vật liệu như nhựa, gỗ, vật liệu tổng hợp, nhôm và các loại kim loại mềm.
- Máy cắt laser: Sử dụng nguồn điện laser công suất cao để cắt các vật liệu như thép nhẹ, giấy, vải, gỗ, nhựa, thép không gỉ, nhôm,…
- Máy cắt CNC plasma: Dùng năng lượng hồ quang nóng chảy giữa 2 điện cực để cắt các loại kim lại như đồng, đồng thau, thép không gỉ, thép, nhôm.
Phân loại máy CNC theo số trục
Máy CNC thông thường có ít nhất 3 trục. Đó là các trục:
- Trục X: Trục hướng dọc
- Trục Y: Trục hướng ngang
- Trục Z: Độ sâu
Với những sản phẩm yêu cầu độ chính xác cao sẽ có thêm các trục bổ sung. Các trục bổ sung được ký hiệu là A (xoay quanh trục X), B (xoay quang trục Y) và C (xoay quanh trục Z). Ví dụ, máy CNC 4 trục có các trục X, Y, Z và một trong 3 trục bổ sung trên. Máy CNC 5 trục có có các trục X, Y, Z và hai trong 3 trục bổ sung.
Trên đây là bài viết chia sẻ máy CNC là gì, máy cắt CNC là gì và các loại phổ biến. Hy vọng sẽ mang đến nhiều thông tin tham khảo hữu ích giúp bạn đọc có thể lựa chọn thiết bị phù hợp với nhu cầu sử dụng.