Tình bằng hữu là gì? Sự bùng nổ của mạng xã hội tạo nên mạng lưới kết nối rộng lớn, chúng ta dễ dàng tìm kiếm bạn bè, quen biết và chia sẻ cùng nhau mỗi ngày. Tuy nhiên, chính lối sống hối hả, sự thân mật ở mức xã giao cũng như thiếu độ tương tác thực tế đã dẫn đến khó khăn trong việc duy trì và giữ tình bằng hữu lâu dài. Hãy theo dõi bài viết này để biết cách xây dựng một tình bằng hữu đẹp nhé.
Tóm tắt
Tình bằng hữu là gì?
Bằng hữu – 朋友 phiên âm [péng·you] là một từ Hán Việt. Bằng 朋 có nghĩa là bạn bè và hữu 友 lại cũng có nghĩa là bạn bè. Tuy nhiên giữa hai chữ này có chút khác biệt về nét nghĩa. Bằng là bạn bè nhưng dùng để chỉ những bạn bè cùng học một Thầy. Hữu dùng để chỉ những người chung chí hướng.
Một trong những câu nói hay về tình bằng hữu đó là: “Không chung chí hướng thì không thể nào mưu tính cho nhau được”. Tức là chỉ có chung chí hướng người ta mới có thể hi sinh cho nhau, giúp đỡ, mưu tính cho nhau, đồng cảm với nhau, chia ngọt sẻ bùi, đồng điệu về hoài bão lý tưởng. Cũng như vậy, trong tình yêu và hôn nhân, hai người đến với nhau nếu không tìm được người cùng chung chí hướng với mình ắt hôn nhân khó hạnh phúc.
Cách xây dựng tình bằng hữu
Nhiều người đôi lần rơi vào bối rối rằng tại sao trông tôi ổn, tôi có thể trò chuyện với mọi người, tôi làm nhiều thứ nhưng tôi lại chẳng có lấy một người bằng hữu thân thiết? Vậy thì bạn đã thật sự dành bao nhiêu sự quan tâm cho những mối quan hệ ấy? Nếu chưa biết, thì thử tham khảo những gợi ý dưới đây nhé.
Giữ trạng thái kết nối với tình bằng hữu
Một tình bằng hữu tuyệt vời là thứ mà mỗi người cần đặt sự trân trọng và bảo vệ. Mức độ gắn kết được đánh đổi bằng sự quan tâm mà chúng ta đặt vào cảm xúc và hành động của đối phương. Muốn duy trì một tình bằng hữu bền vững phải xây dựng một nền tảng vững chắc. Cụ thể là thiết lập một sự kết nối cho bản thân và đối phương, giải quyết những bất đồng, hiểu lầm đồng thời giữ tôn trọng đối với sự hiện diện của đối phương.
Sự quen thuộc và thoải mái trước bằng hữu thân thiết đôi lần sẽ mang chúng ta vượt qua lằn ranh kết nối đến mức quên mất việc biểu lộ cảm xúc. Một người bạn tốt sẽ biết đặt sự quan tâm vào việc đối phương là ai cùng với những khó khăn mà họ đang đối mặt. Hiển nhiên, chỉ khi sự quan tâm đến từ hai phía, cả hai bạn học được cách cởi mở với nhau thì mới có thể thiết lập được sự kết nối bền vững và lâu dài.
Kiểm soát cái tôi trước bằng hữu
Cãi vã và bất đồng quan điểm là những điều không thể tránh khỏi trong tình bằng hữu. “Cái tôi” chính là ngõ cụt trong việc giải quyết những mâu thuẫn. Lời khuyên cho mỗi người là hãy kiểm soát lại “cái tôi” của bản thân, hạ nó xuống và chấp nhận lùi trong những thời điểm khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau.
Tuổi trẻ vốn là cuộc khảo nghiệm của mỗi đời người, có sai lầm vẫn đáng giá. Thay vì sợ sai lao vào chứng tỏ bản thân, chúng ta cần học cách để kìm hãm “cái tôi”, điều chỉnh cảm xúc, chấp nhận sự khác biệt và nhớ rằng mình đã dành tình cảm cho đối phương nhiều như thế nào.
Cố gắng cân bằng cảm xúc
Việc thành thật mang tính quan trọng và đòi hỏi một vị trí nhất định trong bất kì mối quan hệ nào. Tình bằng hữu cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thành thật không có nghĩa là chúng ta được phép thoải mái làm tổn thương đối phương bằng những lời nói của mình.
Khi chúng ta hiểu rõ bằng hữu của mình cũng là lúc chúng ta biết được toàn bộ ưu điểm, khuyết điểm của họ. Chúng ta biết cách lấy lòng họ đồng thời cũng sẽ biết rõ cách tổn thương họ. Trong hoàn cảnh tức thời, khi căng thẳng dần nuốt trọn những suy nghĩ sáng suốt, ta cứ thế tuôn ra những lời mà ta cho là “thật” nhất, “đúng” nhất về người bạn của mình mà chẳng hay biết điều ấy chắc chắn đang tổn thương họ.
Không một ai là hoàn hảo cả. Chúng ta cần học cách điềm tĩnh giữa những thăng trầm cảm xúc. Hãy tìm lấy một điểm cân bằng trong lời nói, ghi nhớ hoàn cảnh của bằng hữu mình, tránh những đánh giá chủ quan là điều quan trọng để duy trì niềm tin trong tình bằng hữu.
Tôn trọng sự tự do của bằng hữu
Hãy hiểu rằng chúng ta không thể bên cạnh người bằng hữu của mình 24/7. Mỗi người đều cần những khoảng thời gian riêng, đôi khi họ chỉ muốn ở một mình. Có thân đến thế nào thì cả hai đều có cuộc sống và trách nhiệm khác nhau, vì vậy đừng quá ngỡ ngàng về điều đó mà hãy tôn trọng tự do của đối phương. Đôi lúc, khoảng thời gian sống một mình lại là thời điểm hoàn hảo cho cả hai người nghỉ ngơi, khám phá bản thân, từ đó hiểu được sự quan trọng của tình bằng hữu.
Tri kỷ là gì? Hồng nhan tri kỷ là gì? Thế nào là bạn tri kỷ?
Lan tỏa một sự tích cực
Sự cạnh tranh ngầm giữa những người bằng hữu không phải không có và sự ám ảnh trước thành tích của đối phương thường sẽ đi kèm những góp ý tiêu cực. Việc tìm kiếm lỗi hay đánh giá sự hơn thua sẽ kéo nhau đến chỗ suy sụp, mất đi mục tiêu cuộc sống.
Thay cho sự đối đầu, chúng ta hãy trở thành người chứng kiến những biểu hiện tốt nhất, những trải nghiệm thú vị của đối phương. Tình bằng hữu sẽ thiên biến thành những khoảnh khắc tận hưởng và đáng trân trọng khi cả hai bạn có thể cùng nhắc nhở nhau về những mục tiêu, kế hoạch trong cuộc sống, những giây phút tuyệt vời nhất của mỗi người.
Trên đây là những chia sẻ về tình bằng hữu là gì và cách xây dựng một tình bằng hữu đẹp. Tình cảm nào mà đẹp bằng tình bằng hữu cơ chứ? Chúc các bạn sẽ có một tình bằng hữu đẹp và không phải cảm thấy cô đơn trong cuộc sống này.