Ngụy biện là một khái niệm quan trọng cần biết khi lập luận. Hiểu biết về ngụy biện và khả năng bác bỏ chúng là một kỹ năng quan trọng để đảm bảo cho chúng ta có lập luận và suy nghĩ mang tính logic, chính xác. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngụy biện là gì, các loại ngụy biện và cách bác bỏ ngụy biện ngay trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt [hide]
- 1 Ngụy biện là gì?
- 2 Các loại ngụy biện và ví dụ
- 2.1 Ngụy biện tấn công cá nhân (hay còn gọi là ad hominem)
- 2.2 Ngụy biện bôi xấu (hay còn gọi là poisoning the well)
- 2.3 Ngụy biện bạo lực (ad baculum fallacy hay appeal to force fallacy)
- 2.4 Ngụy biện kiểu “bạn cũng vậy” (tu quoque fallacy)
- 2.5 Ngụy biện trượt dốc (hay slippery slope fallacy)
- 2.6 Ngụy biện dùng bằng chứng vụn vặt (anecdotal evidence fallacy)
- 2.7 Ngụy biện bù nhìn rơm (hay còn gọi là straw man)
- 2.8 Ngụy biện cá trích đỏ (hay red herring)
- 2.9 Ngụy biện vin vào truyền thống (hay appeal to the tradition)
- 2.10 Ngụy biện thống kê (hay statistical fallacy)
- 3 Cách bác bỏ ngụy biện
Ngụy biện là gì?
Ngụy biện (tiếng Anh: fallacy) là lập luận sai về mặt logic. Nói cách khác, ngụy biện là việc vi phạm các quy tắc logic trong suy luận để giành phần lợi trong tranh luận, đối thoại, thậm chí có thể biến sai thành đúng, biến đúng thành sai.
Tại sao người ta ngụy biện? Nguyên nhân khiến con người sử dụng lời nói ngụy biện thường do tâm lý háo thắng, do thói quen nói chuyện, hoặc do nhiễm cách lý luận của báo chí.
Việc bao biện và ngụy biện trong tranh luận tưởng chừng như không đáng kể nhưng nếu không khắc phục, dần dần những ai thường ngụy biện sẽ quen tư duy theo lối mòn.
Tần suất mắc lỗi càng nhiều thì càng dẫn đến hậu quả to lớn. Chẳng hạn như làm chệch hướng, giảm đi chất lượng chủ đề tranh luận; lập luận thiếu sắc bén, không phục vụ mục đích tranh luận; làm mất thời gian, sứt mẻ tình cảm và đặc biệt là làm xấu đi hình ảnh bản thân.
Các loại ngụy biện và ví dụ
Trên thực tế các lỗi ngụy biện không những dễ mắc phải mà còn rất khó để phát hiện ra. Để hiểu rõ hơn về ngụy biện là tốt hay xấu thì sau đây là 10 lỗi ngụy biện thường xuất hiện trong cuộc tranh luận cũng như trong giao tiếp cuộc sống hàng ngày mà chúng ta nên biết.
Ngụy biện tấn công cá nhân (hay còn gọi là ad hominem)
Có thể nói là trong 50 kiểu ngụy biện, ngụy biện tấn công cá nhân là kiểu thường gặp nhất vì nó… dễ nhất. Thay vì bàn luận vào đúng chủ đề, người tranh luận lại sỉ nhục, hạ bệ, công kích đối tượng đang tranh luận để làm giảm uy tín của họ. Các câu ngụy biện kiểu tấn công cá nhân thường thấy là “có làm được chưa mà nói”, “chưa làm được chỉ biết gõ phím thì nói gì ai”,…
Kiểu ngụy biện theo cách tấn công cá nhân này xuất hiện rất nhiều trong các cuộc tranh cãi trên mạng. Khi tranh luận, nhiều người không hề bàn luận vào chủ đề chính mà chỉ mắng nhiếc, nhục mạ người khác.
Ngụy biện bôi xấu (hay còn gọi là poisoning the well)
Nói điều không tốt về người đang tranh luận với mình nhằm hạ uy tín của người đó trước khi người đó đưa ra luận điểm của họ.
Ví dụ ngụy biện bôi xấu: “Đừng nhờ A giúp mày tổ chức tiệc. Tao thấy gu chọn nhạc của nó chán lắm!”
Trong ví dụ trên, người này đã sử dụng kiểu ngụy biện bôi xấu, đưa ra một thông tin tiêu cực (thông tin có thể đúng hoặc sai) về A để làm giảm uy tín của A. Tổ chức một bữa tiệc bao gồm rất nhiều khía cạnh khác chứ không chỉ là cần chọn nhạc hay. Chính vì vậy dù A không có gu âm nhạc thì hoàn toàn vẫn có thể hỗ trợ tổ chức tiệc được.
Ngụy biện bạo lực (ad baculum fallacy hay appeal to force fallacy)
Ngụy biện bạo lực là thay vì dùng lý lẽ, logic thì người ngụy biện lại dùng lời ám chỉ, đe dọa để bắt người đối thoại phải đồng tình với ý kiến của mình.
Ví dụ ngụy biện bạo lực:
Nhân viên: “Thưa anh, vì sao em phải làm thêm giờ nhưng không có thêm phụ cấp?”
Sếp: “Hoặc em chấp nhận làm, hoặc em nghỉ việc, thế thôi.”
Người sếp trong ví dụ ngụy biện trên đã mắc phải lỗi ngụy biện bạo lực khi đe dọa đuổi việc anh nhân viên thay vì đưa ra lý lẽ có logic. Kiểu ngụy biện này thường xuyên xuất hiện khi hai người tranh luận ở trong một mối quan hệ bất bình đẳng, chẳng hạn như người lớn với trẻ con, cấp trên với cấp dưới.
Người mắc phải lỗi ngụy biện này thường do thiếu kiên nhẫn, một phần còn do có tâm lý của “kẻ mạnh”, ỷ lại mình ở thế trên để ép người còn lại chấp thuận ý kiến của mình.
Ngụy biện kiểu “bạn cũng vậy” (tu quoque fallacy)
Ngụy biện kiểu này là khi một người nhắc đến thiếu sót hay khuyết điểm của người tranh luận cùng để phủ định ý kiến của người đó. Thường thì khi đã phạm vào “tu quoque fallacy” người ta cũng sẽ phạm luôn “ad hominem” (công kích cá nhân).
A: “Gian lận như bạn là sai.”
B: “Làm như bạn chưa từng gian lận bao giờ vậy. Hồi đi học bạn chẳng quay cóp suốt thì giờ nói được ai!“
Thực chất thì việc A có sai sót gì trong quá khứ, có làm được gì hay không làm được gì trong quá khứ cũng đều không liên quan đến tính logic đang tranh luận.
Ngụy biện trượt dốc (hay slippery slope fallacy)
Đây là kiểu ngụy biện đưa ra những suy diễn thiếu căn cứ về tương lai để chứng minh cho một điều nào đó là sai. Người ngụy biện thường suy diễn theo một cách tùy tiện, thiếu căn cứ về một hậu quả trong tương lai, nhằm làm trầm trọng hóa vấn đề chứ không bàn đến tính logic của những luận điểm đã đưa ra.
Ví dụ ngụy biện trượt dốc: Bạn xin bố mẹ đi chơi nhưng không được, lý luận của bạn là: “Hôm nay bố mẹ không cho con đi, con sẽ mất hết bạn bè! Rồi con sẽ ế tới già cho xem!”
A mang bánh kẹo đến lớp học, B hỏi xin A nhưng A từ chối với lý do: “Tớ không thể cho cậu vì các bạn khác sẽ thấy và cũng xin tớ, tớ sẽ không còn gì để ăn cả!”
Ngụy biện dùng bằng chứng vụn vặt (anecdotal evidence fallacy)
Thay vì đưa ra bằng chứng, thì người ngụy biện lại đưa ra những kinh nghiệm cá nhân không được kiểm nghiệm để làm cơ sở bác bỏ luận điểm của người khác.
Ví dụ ngụy biện bằng chứng vụn vặt:
A: “Hút thuốc có hại cho sức khỏe.”
B: “Ông nội của mình hút thuốc 50 năm nay nhưng vẫn khỏe mạnh có bệnh tật gì đâu.”
Điểm sai của loại ngụy biện này là kinh nghiệm và những điều ta đã biết, đã trải qua không phải lúc nào cũng bao quát cả trường hợp của người khác. Do đó, muốn đưa ra ý kiến có tính thuyết phục chúng ta cần phải có cái nhìn toàn diện, có thể dựa vào kinh nghiệm bản thân nhưng còn phải suy xét và lựa chọn kỹ lưỡng.
Ngụy biện bù nhìn rơm (hay còn gọi là straw man)
Đây là cách một người bóp méo (bằng cách chế giễu, xuyên tạc, cường điệu…) luận điểm của đối phương để tấn công nhận định của họ, mục đích cho thấy ý kiến của mình là “đúng đắn hơn” hay “có lý hơn”.
Ví dụ ngụy biện bù nhìn rơm:
A: “Mình ủng hộ quyền làm chủ cơ thể của phụ nữ, họ nên có quyền tự quyết trong việc phá thai.”
B: “Ph.á thai là giết hại sinh mạng vô tội. Bạn ủng hộ việc gi.ết người à?”
Trong ví dụ này, B đã cường điệu hóa việc “ph.á một bào thai” thành “g.i.ết người hàng loạt” để dễ phản bác lại và tấn công luận điểm của A là đang “ủng hộ việc gi.ết người hàng loạt”.
Ngụy biện cá trích đỏ (hay red herring)
Ngụy biện cá trích đỏ là việc một người đưa những phát ngôn không liên quan đến chủ đề đang được đề cập nhằm mục đích đánh lạc hướng hay dừng cuộc tranh luận.
Ví dụ ngụy biện cá trích đỏ:
A: “Anh vẫn chưa hoàn thành công việc tôi giao à?”
B: “Sếp ơi công nhận cái áo sơ mi hôm nay anh mặc đẹp thật đấy!”
B đã cố tình đánh lạc hướng khi bị A hỏi thăm về công việc bằng cách khen A mặc đồ đẹp.
A: “Gấu trúc đang bên bờ vực tuyệt chủng nên chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ chúng!”
B: “Tại sao phải lo lắng về gấu trúc trong khi có hàng ngàn người đói nghèo ngoài kia?”
Trong ví dụ này, B thay vì đưa ra ý kiến về “gấu trúc tuyệt chủng”, anh ta lái vấn đề sang hướng khác (người vô gia cư, không liên quan đến gấu trúc), mang ý trách móc khiến A cảm thấy tội lỗi để từ đó tấn công vào luận điểm của A.
Ngụy biện vin vào truyền thống (hay appeal to the tradition)
Đây cũng là một trong các loại ngụy biện ngụy biện thường gặp khi chúng ta đưa ra lý lẽ rằng trước giờ ai cũng làm vậy hoặc mọi người đều tin điều đó là đúng, nên điều đó đúng.
Ví dụ ngụy biện vin vào truyền thống:
A: “Chúng ta nên đổi mới quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ để tăng hiệu suất của nhà máy.”
B: “Mặc kệ đi, đã làm mấy chục năm rồi cũng có sao đâu, cần gì phải thay đổi cho mệt!”
B cho rằng một quy trình sản xuất trải qua nhiều chục năm hiển nhiên sẽ là một điều đúng đắn, phản bác lại lý lẽ của A rằng muốn đổi mới, áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, không phải cái gì mang tính truyền thống cũng đúng, mà cần phải phù hợp với bối cảnh hiện tại nữa.
Ngụy biện thống kê (hay statistical fallacy)
Ngụy biện thống kê là việc đưa ra những con số, thống kê sai, hoặc tệ nhất là bịa ra những số liệu theo ý muốn để tranh luận. Tâm lý con người dễ dàng bị thuyết phục bởi số liệu thống kê. Hơn nữa, muốn kiểm chứng mức độ đúng sai thì cũng cần mất nhiều thời gian tìm hiểu, vì thế rất nhiều người đã lợi dụng điều này để củng cố độ đáng tin cho sự ngụy biện của mình.
Một ví dụ ngụy biện rõ rệt nhất chính là số liệu thống kê “huyền thoại” về các sinh viên đã tốt nghiệp MBA tại Yale năm 1953. Đó là 3% sinh viên tốt nghiệp đã đặt ra mục tiêu và viết xuống giấy đều sở hữu tài sản lớn hơn 97% còn lại không xác định mục tiêu trước.
Thống kê này thậm chí được trích dẫn trong hàng trăm cuốn sách self-help nhằm chứng minh luận điểm “việc đặt mục tiêu có ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với thành công của bạn.” Thực tế thì chưa từng có nghiên cứu nào như vậy được thực hiện tại Yale cả.
Cách bác bỏ ngụy biện
Sau khi tìm hiểu các loại ngụy biện và ví dụ bên trên, nếu gặp một người đang ngụy biện thì, bạn có thể áp dụng các bước sau để bác bỏ ý kiến của họ:
Nhận biết ngụy biện: Đầu tiên, hãy xác định các loại ngụy biện mà bạn muốn bác bỏ. Hiểu rõ vấn đề và lý luận của người đưa ra ngụy biện đó.
Nghiên cứu và thu thập thông tin: Hãy tìm hiểu thêm về vấn đề và thu thập các thông tin, dẫn chứng hoặc tài liệu liên quan. Đảm bảo bạn có kiến thức đầy đủ và thật chính xác về vấn đề đó.
Phân tích ngụy biện: Phân tích loại ngụy biện được hình thành và tìm ra điểm yếu trong lập luận. Xác định các thiếu sót hoặc giả định không hợp lý trong ngụy biện.
Đưa ra lập luận phản bác: Sử dụng thông tin và lập luận hợp lý, đưa ra lập luận phản bác một cách rõ ràng và logic. Sử dụng các dẫn chứng, tài liệu để minh chứng cho quan điểm của bạn.
Trình bày một cách lịch sự: Khi phản bác ngụy biện, hãy trình bày quan điểm của bạn một cách lịch sự và tôn trọng. Tránh việc chính bạn sẽ gặp phải lỗi ngụy biện công kích cá nhân.
Lắng nghe và tương tác: Cho phép người kia trình bày quan điểm của họ và lắng nghe một cách chân thành. Tương tác và thảo luận để tìm hiểu thêm về quan điểm của nhau để đạt được sự thấu hiểu.
Trên thực tế, các loại ngụy biện tồn tại ở khắp mọi nơi, từ cuộc tranh luận cá nhân đến chính trường và truyền thông. Việc nhận biết ngụy biện là gì, các loại ngụy biện và cách bác bỏ ngụy biện đòi hỏi sự nhạy bén, kiến thức và khả năng lập luận logic. Hãy luôn duy trì một tư duy phản biện và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chấp nhận một lập luận dựa trên ngụy biện.