Với hình dáng đẹp, sắc hoa rực rỡ, lá xanh non mơn mởn và đặc biệt chỉ nở vào mùa xuân đúng dịp tết cổ truyền, đào phai và đào bích được nhiều người lựa chọn làm loại hoa biểu trưng trong dịp năm mới. Hãy cùng Palada.vn tìm hiểu đào bích là gì, đào phai là gì và cách phân biệt hai loại hoa đào này trong bài viết dưới đây nhé.
Tóm tắt
Nguồn gốc của cây hoa đào
Theo giáo sư Gary Crawford tại Đại học Toronto (Canada), cây đào có nguồn gốc hình thành khoảng 7.500 năm trước. Cây giống hoa đào phai, đào bích cùng các loại đào khác được con người thuần hóa, lai ghép và trở thành loài cây mang ý nghĩa tốt đẹp trong đời sống con người.
Hoa đào vào ngày Tết lần đầu được biết đến ở vùng đất Ba Tư, sau đó nó đã được lai tạo và phổ biến ở nhiều quốc gia khác như: Mông Cổ, Lào, Trung Quốc,… dần trở thành biểu tượng đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của người châu Á.
Hoa đào bích là gì?
Hoa đào có nhiều giống, ví dụ như hoa đào bích, hoa đào phai, cây đào thế, đào cảnh…
Cây đào bích hay bích đào chính là giống hoa đào phổ biến nhất, tán rộng, hoa kép thắm đỏ rải đều khắp các cành, kể cả những cành tăm nhỏ xíu. Hoa đào bích có thể chơi chậu lớn, cắt cành to cắm lọ lộc bình trang trí trong phòng khách. Cành đào nhỏ được gọi là đào dăm dùng để cắm trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết.
Hoa đào phai là gì?
Hoa đào phai là giống đào hoa màu nhạt, phơn phớt hồng. Đào phai có loại cánh kép, cũng có loại cánh đơn, trông mỏng manh và rất thanh nhã.
Phân biệt đào phai và đào bích
Để phân biệt đào phai và đào bích cũng khá đơn giản, chúng ta chỉ cần quan sát kỹ một chút là được. Nếu là hoa đào bích thì bông hoa to, sắc hoa thắm, cánh xếp khít nhau. Hoa đào phai thì cánh nhẹ màu hơn, chỉ hơi phớt hồng.
Một số loại đào khác
Ngoài đào phai và đào bích, một số loại hoa đào cũng được ưa chuộng để chơi trong dịp tết có thể kể tới như:
Bạch đào
Bạch đào hay đào trắng là loài hoa đào cực kỳ hiếm bởi sắc trắng tinh khôi, thuần khiết rất riêng của những cánh hoa đan xen đầy tinh tế và sang trọng. Hiện nay, chúng ta khó có thể bắt gặp loài hoa này.
Đào thất thốn
Đây là giống đào vô cùng quý và hiếm. Thời xưa đây là loài hoa chỉ dành cho vua thưởng thức bởi sự đặc biệt trong hình dáng, cấu trúc và những sắc độ của từng cánh hóa. Mỗi nhánh đào chỉ có 7 hoa, mỗi cánh hoa đỏ rực lại được xếp đan xen tạo nên màu sắc cuốn hút.
Đào má hồng Đà Lạt
Đào má hồng hay còn được gọi là đào lông, đào vạn trượng. Là loại đào lai, được ghép từ gốc cây đào rừng Đà Lạt với mầm của các loại đào khác như hồng đào, liễu đào, bích đào, bạch đào… Đào lai cho hoa kép khoảng 25 cánh chụm lại, hoa giữ được lâu, có mùi thơm đặc trưng.
Đào đá
Đào đá được mọc chủ yếu trong rừng sâu, thân cây xù xì, cành to khỏe, do có các thực vật khác ký sinh nên thân loại cây này có hình dạng rất đặc biệt. Đào đá có 5 cánh đơn rất đẹp mắt nhưng thường có kích cỡ lớn và ít hoa hơn so với đào bích hay đào phai, chỉ hợp với những ai có nhu cầu sưu tầm hoa đào độc lạ.
Ý nghĩa của đào phai và đào bích trong ngày Tết Cổ Truyền
Hoa đào phai và đào bích không chỉ là sắc hoa để tô điểm cho không gian ngày Tết, mà phía sau sắc hương hoa là nhiều tầng ý nghĩa được gửi gắm từ bao đời nay vào ngày Tết cổ truyền.
Tinh hoa ngũ hành
Chính sắc độ nhẹ nhàng, tươi thắm của đào phai và đào bích đã được xem như tinh hoa ngũ hành, có thể xua đuổi những điều không may và mang lại cho chúng ta một năm mới thật an yên, hạnh phúc.
Biểu tượng sinh sôi nảy nở
Sự mơn mởn, tinh tế và cùng sự sinh sôi, khoe sắc của đào phai và đào bích cho một năm mới đã làm chúng ta thêm hy vọng về một cuộc sống tốt lành, gặp được may mắn, mở ra trước mắt một chặng đường đầy thuận lợi.
Biểu tượng sự hòa thuận, gắn kết
Hoa đào còn gợi người ta nhớ tới tình nghĩa gắn kết bởi 3 nhân vật Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi đã cùng kết nghĩa huynh đệ trong một vườn đào. Qua câu chuyện ấy, hoa đào trở nên đầy giá trị và sự gửi gắm những mong muốn về một năm mới đầy sự gắn kết và hòa thuận.
Biểu tượng sự thịnh vượng
Sắc hồng của đào phai và đào bích được xem là màu sắc may mắn, mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi chúng ta niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp, mang đến những điều thịnh vượng, hạnh phúc, an yên, ấm áp trong một năm mới.
Cách để đào phai và đào bích nở đúng ngày Tết
Cây hoa đào là loại cây ưa sáng, chúng sống tốt trong môi trường khí hậu rét, lạnh. Khả năng sinh trưởng ở mức trung bình, thích hợp trồng với các loại đất pha cát. Để chăm sóc cây hoa đào ngày Tết thật đẹp cần chú ý những điều sau:
Kích thích hoa đào nở nhanh
Tùy vào thời tiết mà hoa đào sẽ có thể nở sớm hoặc muộn hơn so với thời gian ngày tết dự tính, trong trường hợp này thì các bạn có thể áp dụng các phương pháp giúp kích thích hoa đào nở:
– Tạo không gian ấm áp giúp hoa nở nhanh hơn bằng cách quây nilon và thắp đèn điện để làm tăng nhiệt độ.
– Tưới nước cho cây đào ở nhiệt độ 40 đến 50 độ C quanh gốc đào, tưới khoảng 5 đến 6 lần/ngày.
– Sử dụng phân lân và phân kali pha loãng để tưới cho cây hoa đào, cũng là cách giúp hoa đào nở nhanh hơn.
Cách hãm hoa đào nở chậm lại
Vào những lúc thời tiết thất thường thì không thể tránh khỏi việc đào có thể nở nhanh hơn ngoài ý muốn, vì thế các bạn có thể áp dụng các phương pháp dưới đây để có thể hãm được hoa đào nở chậm lại rơi vào đúng dịp Tết.
– Với thời tiết nóng ấm, các bạn sử dụng nước lạnh để tưới cho hoa nhằm giảm nhiệt, hãm không cho hoa nở. Tưới nước lên toàn bộ tán lá cây và tưới lên thân gốc cây.
– Ngoài che chắn kỹ cho hoa, chúng ta có thể sử dụng thêm phân ure nồng độ 1% pha loãng để tưới cho cây đào.
Trên đây là giải thích đào phai và đào bích là gì cùng cách phân biệt, ý nghĩa và chăm sóc hoa đào trong ngày tết. Chúc các bạn áp dụng thành công và có một cây đào thật đẹp chơi tết 2023 này.