Hacker mũ xám là gì? Hack có phải là một “nghề”

Nói đến việc bảo mật Internet thì bạn đã bao giờ nghe nói đến hacker mũ xám chưa? Có phải hacker mũ xám là trung gian giữa đen và trắng? Hãy cùng khám phá hacker mũ xám là gì trong bài viết dưới đây nhé.

Hacker là gì?

Theo cách hiểu chung hiện nay, hacker hay tin tặc là từ dùng để chỉ những người truy cập vào thiết bị hoặc vào hệ thống mạng mà không được cho phép. Mặc dù hầu hết chúng ta thường nghĩ rằng đây là hành vi tội phạm mạng nhưng thực ra họ cũng có thể hack giúp tăng cường bảo mật.

Hacker
Hacker

Để phân biệt mục đích tốt và xấu thì người ta thường chia ra hacker mũ đen và mũ trắng. Nếu mục tiêu của việc hack là phạm tội thì những người đó bị gọi là hacker mũ đen, nhưng nếu mục tiêu là cải thiện tính bảo mật thì gọi là hacker mũ trắng.

Tuy nhiên vẫn có một số hacker lại được xếp vào một thể loại khác, đó là hacker mũ xám. Vậy sự khác biệt giữa những người này là gì?

Hacker mũ đen là gì?

Hacker mũ đen là những tội phạm mạng cố gắng xâm nhập bất hợp pháp vào các mạng an toàn. Thường việc xâm nhập này là với mục đích đánh cắp thông tin để bán hoặc cài đặt mã độc làm hại đến dữ liệu để tống tiền gọi là ransomware.

Hacker mũ đen thường chính là những chuyên gia về máy tính. Đôi khi cũng có một số kẻ cũng không có trình độ quá cao mà hành vi của chúng chỉ đơn giản là đánh cắp mật khẩu hoặc là sử dụng các chương trình phần mềm tự động và xâm nhập vào hệ thống máy tính.

Hacker mũ trắng là gì?

Điểm giống nhau giữa hai kiểu này là hacker mũ trắng cũng tìm cách đột nhập vào các mạng an toàn của người khác. Nhưng sự khác biệt ở đây là họ chỉ làm như vậy khi được yêu cầu, ví dụ như họ có thể được các doanh nghiệp thuê để kiểm tra tính bảo mật của hệ thống và sửa các lỗi nếu có.

Hacker mũ trắng là những người có trình độ cao về máy tính và biết cách sử dụng kiến thức của mình để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng chứ không phải là thực hiện những việc tấn công người khác. Thông thường các doanh nghiệp sẽ thuê đội ngũ hacker mũ trắng để tìm ra lỗ hổng bảo mật bên trong hệ thống của họ và khắc phục chúng để không bị tấn công trong tương lai.

Hacker mũ xám là gì?

Đúng như tên gọi thì hacker mũ xám đứng ở giữa đen và trắng, cụ thể là họ cũng đột nhập vào mạng khi không được yêu cầu, nhưng không có ý định xấu.

Hacker mũ xám
Hacker mũ xám

Nếu như hacker mũ trắng chỉ thực hiện việc đột nhập khi được thuê hoặc yêu cầu thì hacker mũ xám có thể tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào chứ không cần cho phép. 

Có khá nhiều động cơ để họ thực hiện hành vi này, ví dụ như truy cập vào các thông tin bí mật hoặc là chứng minh rằng hệ thống mạng của một tổ chức nào đó không hề đảm bảo an toàn như họ tự tuyên bố.

Mục đích của những hacker mũ xám là gì?

Động cơ của những hacker này không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng điểm chung là họ không hề có ý định xấu. Một số hacker mũ xám muốn tăng cường tính bảo mật để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng thì họ cũng có thể đề nghị sửa các lỗ hổng mà họ phát hiện ra, tức đây cũng là một cách để tìm việc làm. Một số người khác chỉ đơn giản là thích hack, tìm cách xâm nhập hệ thống của người khác để cho vui hoặc thể hiện bản thân.

Một số người cho rằng hacker mũ xám nhìn chung cũng tốt cho cộng đồng, vì họ thường chỉ ra các lỗ hổng mà bản thân những người điều hành mạng còn không biết đến. Trong một số trường hợp, hacker mũ xám cũng có thể sẽ góp phần ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.

Hacker mũ xám liệu có vi phạm pháp luật không?

Việc xâm nhập các mạng an toàn khi không được cho phép và không được yêu cầu luôn là bất hợp pháp, kể cả khi hacker mũ xám không hề đánh cắp bất cứ thứ gì và không gây tổn hại gì cho hệ thống đó thì hành vi đột nhập của họ vẫn là vi phạm pháp luật. Điều này cũng hợp lý, vì nếu nhận thấy có những lợi ích hấp dẫn thì mũ xám rất có thể sẽ trở thành mũ đen.

Điều quan trọng cần lưu ý là nếu như muốn tăng cường tính bảo mật cho hệ thống thì có nhiều cách hoàn toàn hợp pháp để làm thay vì trở thành hacker mũ xám. Những doanh nghiệp có thể treo thưởng cho những người tìm cách hack được mạng của họ. Do đó nếu bất kỳ ai chọn cách không chính thức như mũ xám thì đều nên cảnh giác.

Có nên làm việc với một hacker mũ xám không?

Có rất nhiều tranh luận về việc các công ty có nên thuê hacker mũ xám hay không. Về lý thuyết thì hành vi của họ vẫn vi phạm pháp luật, nếu một người đã có khả năng xâm nhập vào mạng an toàn mà không được cho phép thì khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ không tin tưởng họ.

Nhưng ngược lại, nếu một hacker mũ xám phát hiện ra được lỗ hổng của doanh nghiệp và lên tiếng cảnh báo thì điều đó chứng tỏ rằng họ có trình độ cao, và họ đã chọn cách hợp tác giúp đỡ với công ty thay vì lợi dụng lỗ hổng đó để làm chuyện xấu.

Mã hóa thông tin là gì? Một số cách mã hóa thông tin thông dụng

Làm cách nào để tự bảo vệ mình trước hacker mũ xám?

Cả hacker mũ đen và hacker mũ xám đều bị coi là mối đe dọa đối với tất cả các doanh nghiệp. Hacker mũ xám ban đầu có thể không cố tình làm hại cho hệ thống mạng. Tuy nhiên điều đó không đảm bảo là họ sẽ không vô tình gây hại. Đối với những người điều hành doanh nghiệp, dưới đây sẽ là một số cách để tự bảo vệ mình trước các thể loại hacker.

Cách đề phòng hacker mũ xám
Cách đề phòng hacker mũ xám

Dùng mật khẩu mạnh

Tất cả nhân viên trong hệ thống của công ty phải được yêu cầu sử dụng mật khẩu mạnh. Đồng thời tất cả mọi người cũng không nên sử dụng 1 mật khẩu cho nhiều loại tài khoản khác nhau.

Sử dụng xác thực với hai yếu tố

Xác thực với hai yếu tố là yêu cầu bắt buộc ngày nay, trong đó những người muốn đăng nhập vào tài khoản của mình cần phải có cả mật khẩu và một thiết bị khác kèm theo. Điều này có nghĩa là ngay cả khi hacker đã tìm ra mật khẩu của mạng thì cũng chưa thể xâm nhập vào ngay được.

Đề phòng tấn công lừa đảo

Tất cả nhân viên trong hệ thống công ty nên được học về các hình thức tấn công lừa đảo trên mạng, đặc biệt là lừa đảo qua email, để có thể biết cách nhận diện và né tránh chúng.

Cài đặt phần mềm chống virus

Các công ty nên sử dụng một loại phần mềm chống virus cho toàn bộ hệ thống mạng của mình, bởi vì biết đâu một nhân viên nào đó sẽ vô tình tải những phần mềm độc hại về máy. Phần mềm chống virus có thể ngăn chặn các mã độc khởi chạy trước khi chúng tạo ra lối vào cho hacker mũ xám xâm nhập.

Cập nhật các phần mềm

Các cuộc tấn công hệ thống mạng tinh vi thường dựa trên việc lợi dụng các lỗ hổng phần mềm. Cách duy nhất để loại bỏ các lỗ hổng này là chúng ta nên thường xuyên cập nhật chúng, bởi thực tế có nhiều hacker đã chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp không thực hiện điều này để tấn công dễ dàng.

Hacker là một mối đe dọa nguy hiểm trong thời đại Internet phát triển hiện nay, không chỉ với các doanh nghiệp mà cả cá nhân cũng nên đề phòng. Về lý thuyết thì động cơ của những hacker mũ xám là “an toàn” hơn, nhưng bất kỳ sự xâm nhập nào không được cho phép đều sẽ có nguy cơ gây hại cho hệ thống mạng.

Hacker mũ xám hay mũ đen chủ yếu nhắm vào các hệ thống sử dụng phần mềm không được cập nhật và có lỗ hổng, cũng như gửi những email lừa đảo hàng loạt cho nhiều người. Do đó bạn có thể ngăn chặn được phần lớn các cuộc tấn công mạng bằng cách cập nhật phần mềm và không mở những file lạ không rõ nguồn gốc được người khác gửi đến.

Trên đây là những thông tin về hacker mũ xám là gì và cách để bảo vệ mình trước những đối tượng này. Nếu muốn biết thêm điều gì về chủ đề này, các bạn hãy để lại bình luận bên dưới cho chúng mình biết nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *