Sĩ diện là “căn bệnh” mà nhiều người mắc phải trong xã hội hiện đại ngày nay. Đã có những bài học đau đớn về thói sĩ diện hão của con người gây ra. Vậy sĩ diện là gì? Bệnh sĩ diện biểu hiện ra sao? gây ra những hậu quả gì? Cách bỏ tính sĩ diện là gì? Cùng Palada.vn tìm hiểu nhé.
Tóm tắt
Sĩ diện là gì?
Từ “sĩ diện” là từ ghép, gồm 2 từ Hán – Việt, là “sĩ” và “diện” ghép thành. Theo đó:
- “Sĩ” (士): là người trí thức, có học thức, có phẩm chất đạo đức cao. Trong quá khứ, từ sĩ dùng để chỉ các quan chức thời xưa, người có địa vị và lòng yêu nước.
- “Diện” (面): là mặt, vẻ bề ngoài. Từ này dùng để chỉ diện mạo của một người, nét đẹp, tốt hoặc xấu của một người. Hoặc dùng để miêu tả sự tôn trọng, danh dự và uy tín của một ai đó trong xã hội.
Theo từ điển tiếng Việt, “sĩ diện” khi là danh từ có nghĩa là thể diện cá nhân (Ví dụ: giữ sĩ diện, mất hết sĩ diện).
Còn khi là động từ, “sĩ diện” chỉ những người muốn làm ra vẻ không thua kém ai để được mọi người nể trọng.
Sĩ diện tiếng Anh là “face”
Như vậy, hiểu đơn giản, từ “sĩ diện” có nghĩa là sự tôn trọng, danh dự và uy tín của 1 người trong xã hội dựa trên phẩm chất đạo đức, tri thức và năng lực của người đó.
“Sĩ diện” cũng có thể dùng để thể hiện hành vi thể hiện bản thân thái quá, phô trương vẻ bề ngoài để nhận được sự tôn trọng từ người khác, hoặc muốn che giấu đi sự thua kém của mình để không bị người khác coi thường.
Sỉ diện hay sĩ diện?
Sĩ diện là từ đúng chính tả. Còn “sỉ diện” là cách phát âm của người dân miền Trung. Do cách phát âm sai nên khi viết thành từ sai chính tả.
Vì sao phải sĩ diện? Sĩ diện tốt hay xấu?
Người sĩ diện thường là vì nội tâm mềm yếu, thiếu tự tin, cho nên mới cần dùng thể diện để chứng minh bản thân. Người có nội tâm mạnh mẽ thường không để ý quá nhiều nếu chẳng may bị mất mặt hay xấu hổ vì một vấn đề nào đó.
Sĩ diện không hẳn là tốt hay xấu. Có những người sĩ diện đề cao bản thân từ trong tâm, điều này khiến cho bản thân ngày càng mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu để phát triển bản thân.
Ngược lại, không ít kẻ sĩ diện hão thích theo đuổi vẻ bề ngoài, thường khổ sở vì những thứ không đâu, không chịu nỗ lực tiến lên, cả đời mãi ham mê hư vinh, khoác lác về bản thân để tìm kiếm sự chú ý. Loại sĩ diện này khiến tâm trí con người bị u mê, lạc lối.
Biểu hiện sĩ diện trong xã hội ngày nay
Nhìn vào xã hội Việt Nam ngày nay người, chúng ta dễ dàng bắt gặp biểu hiện của thói sĩ diện hão ở khắp nơi, bất kể ở người giàu hay nghèo. Nó hiển hiện ở mọi tầng lớp từ người lao động đến giới giang hồ, từ tầng lớp bình dân cho đến tầng lớp nhà giàu và thể hiện rõ ràng nhất là trong giới quan chức, thậm chí trong cả các chính sách phát triển kinh tế, xã hội.
Quan chức là biểu hiện rõ nhất của bệnh sĩ diện hão, không ít kẻ thiếu đi phẩm chất tốt đẹp, không có kiến thức và văn hóa lại được giao phó quyền lực lớn trong xã hội, lạm dụng chức quyền kiếm chác, xây biệt phủ thật to thật nổi bật để người ngoài nhìn vào phải lác mắt.
Mải chạy theo sự sĩ diện mà không tập trung xử lý việc nước, không có các chính sách để phát triển kinh tế bền vững, từ chính quyền cơ sở đến trung ương. Những phát ngôn của quan chức thiếu hiểu biết, thiếu sự sâu sát trở thành trò cười cho quần chúng…
Nhiều người tìm mọi cách để đắp lên người hàng hiệu, đồ sang, xe đẹp, điện thoại đắt tiền để thể hiện và mong cầu ánh nhìn ngưỡng mộ từ người khác. Thấy người khác mua xe sang thì mình cũng phải vay mượn giật gấu vá vai để mua cho bằng được, không chịu thua kém ai dù gia đình đang nợ nần chồng chất.
Không ít gia đình có con cái ăn chơi, phá phách nhưng ra ngoài vẫn hết lời khen ngợi con cái, phô trương những thứ giả tạo để tránh người đời đánh giá
Ngay cả việc đi ăn uống, đi chơi cũng thể hiện sự sĩ diện. Kể như việc khi đi ăn thì gọi thật nhiều, thật đắt, thừa mứa ăn không hết cũng không dám đem về vì sợ mất thể diện. Chơi phải thật sang, thật chất. Làm công nhân, ở nhà trọ nhưng điện thoại thì phải đời mới nhất dù không biết hết các chức năng, chỉ để nghe, gọi, nhắn tin, vào mạng xem phim giải trí.
Thói sĩ diện hão cũng được khoa trương khắp mạng xã hội, có một chút tài sản là khoe khoang khắp chốn, “flex” trên mọi nền tảng mạng xã hội từ Facebook, Zalo, Tiktok,…Ai góp ý gì cũng không nghe, ai chỉ ra cái thiếu sót thì cho rằng người đó ghen ghét. Mới học được chút kiến thức thì đã huênh hoang, muốn người khác phải nể phục mình chứ không phải để truyền đạt.
Nhu nhược là gì? Tướng đàn ông nhu nhược và cách khắc phục
Cố chấp là gì? Biểu hiện người cố chấp, bảo thủ trong tình yêu
Đàn ông sĩ diện có biểu hiện gì?
Đàn ông sĩ diện hão có những biểu hiện sau đây:
- Luôn khoe khoang về sự giàu có của bản thân và gia đình: Một người chỉ thích nói về tiền bạc, về sự giàu có của mình, thì trong tình yêu, họ đích thị là một người coi trọng vật chất hơn tình cảm.
- Đáp trả mạnh mẽ khi bị xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm.
- Coi trọng ý kiến của bản thân và ít chịu lắng nghe góp ý từ người khác, luôn cho mình là nhất
- Thích thể hiện mình là người thông minh, tài giỏi quá mức, thậm chí còn coi thường, xỉa xói, chê bai người khác.
Hệ quả của thói sĩ diện hão
Phải thừa nhận một điều, ai trong chúng ta dù ít hay nhiều cũng đều có tính sĩ diện hão. Thậm chí, tính sĩ diện hão cũng đã được ẩn dụ trong nhiều câu tục ngữ, thành ngữ Việt Nam như “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại” hay “con gà tức nhau tiếng gáy”,…
Thói sĩ diện hão mang đến nhiều hệ lụy. Nó làm con người sống mà rời xa thực tế, càng “hão huyền” lại càng xa. Cuối cùng biến cả cuộc đời của mình thành hư ảo, không một chút thảnh thơi vì chạy theo những thứ xa hoa, phù phiếm, không phù hợp.
Cách bỏ tính sĩ diện hão
Để dần bỏ được thói sĩ diện hão, chúng ta nên thực hiện những việc làm như sau:
- Mỗi người cần học, trau dồi kiến thức mỗi ngày dù ở bất cứ lứa tuổi nào. Đọc nhiều sách sẽ giúp bạn tự nhận ra mình còn thiếu sót nhiều lắm, còn phải học nhiều để biết khiêm tốn, hành xử đúng mực hơn.
- Học lại những giá trị đạo đức nền tảng để biết rằng, con người được tôn trọng bởi những giá trị cốt lõi bên trong chứ không phải những thứ vật chất thể hiện bên ngoài.
- Học để biết cách ứng xử, đi đứng, nói năng sao cho đúng mực, đúng giá trị của mình thì tự nhiên bản thân sẽ đẹp lên trong mắt người khác và được tôn trọng đúng nghĩa.
- Học để biết chấp nhận con người mình, vị trí của mình hiện tại mà cố gắng nỗ lực vươn lên bằng thực lực chứ không phải đẩy người khác xuống để tự tôn bản thân mình lên.
- Luôn kiên trì bỏ thói lười biếng thì mới tiếp thu được những điều hay lẽ phải trong cuộc sống này.
Sĩ diện là điều cần thiết phải có trong mỗi con người những bệnh sĩ diện hão thì phải loại bỏ càng sớm càng tốt. Người có phẩm cách đạo đức, có tri thức, có văn hóa thì luôn được tôn trọng. Chẳng cần bạn phải chạy theo bất kỳ thứ vật chất phù phiếm nào. Hiểu được điều này, mỗi chúng ta sẽ biết cần phải hoàn thiện bản thân mình như thế nào để giữ được “sĩ diện” cho bản thân.