An toàn vệ sinh lao động là các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong quá trình làm việc. Hãy cùng tìm hiểu an toàn lao động là gì và các quy định cụ thể trong bài viết sau đây nhé!
Tóm tắt
Khái niệm an toàn lao động và vệ sinh lao động
An toàn lao động là giải pháp phòng chống tác động của các yếu tố nguy hiểm trong quá trình làm việc, bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người.
Vệ sinh lao động là giải pháp phòng chống tác động của yếu tố có hại trong quá trình làm việc gây suy giảm sức khỏe, bệnh tật cho con người.
Hiểu một cách đơn giản, an toàn lao động là giải pháp phòng tránh tai nạn lao động. Còn vệ sinh lao động là giải pháp phòng tránh các bệnh liên quan đến nghề nghiệp.
Tùy từng lĩnh vực sản xuất sẽ có quy định riêng về an toàn lao động và phạm trù ngành bảo hộ lao động, bao gồm các biện pháp, trang thiết bị bảo vệ người lao động, tiền lương, phụ cấp độc hại, bảo hiểm lao động, thời gian làm việc…
Ý nghĩa của Luật an toàn vệ sinh lao động
- Tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động và các cá nhân, tổ chức, cơ quan có liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, áp dụng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý hiện đại, công nghệ tiên tiến trong quá trình làm việc
- Hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động tại Viện bảo hộ lao động (hay còn gọi là Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động)
- Hỗ trợ các tổ chức xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc
- Hỗ trợ huấn luyện, đào tạo cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
- Tạo điều kiện cho đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với cơ chế đóng, hưởng linh hoạt để giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.
Quyền và nghĩa vụ của người lao động trong an toàn vệ sinh lao động
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
Quyền lợi
- Được đảm bảo làm việc trong điều kiện môi trường vệ sinh an toàn lao động
- Tiếp nhận thông tin liên quan đến các yếu tố độc hại, nguy hiểm tại địa điểm làm việc, được đào tạo và hướng dẫn cách phòng tránh
- Được cung cấp các chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, được đóng bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, hưởng các chế độ nếu bị tai nạn trong quá trình làm việc
- Được phép yêu cầu người sử dụng lao động đưa ra nhiệm vụ phù hợp nếu vừa ổn định sức khỏe sau khi bị tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp
- Nếu phát hiện hoặc thấy được nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạnh như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì có quyền từ chối và thông báo cho quản lý. Chỉ tiếp tục làm việc khi đã đảm bảo điều kiện an toàn lao động
- Khiếu nại, khởi kiện hoặc tố cáo theo quy định của pháp luật
Nghĩa vụ
- Tuân thủ nội quy, quy trình, biện pháp an toàn lao động trong hợp đồng và theo luật vệ sinh an toàn lao động
- Sử dụng và bảo quản thiết bị, dụng cụ bảo hộ cá nhân được cung cấp
- Nếu phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố liên quan đến an toàn vệ sinh lao động thì phải báo ngay với quản lý, người sử dụng lao động để xử lý
Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động
Quyền lợi
- Được đảm bảo môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước
- Được tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (Cục An toàn Lao động) về các kỹ năng, biện pháp phòng tránh tai nạn và bệnh nghề nghiệp
- Được đóng và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động bằng cách tham gia tự nguyện theo quy định
- Có quyền tố cáo, khiếu nại, khởi kiện theo pháp luật
Nghĩa vụ
- Phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vệ sinh an toàn lao động trong công việc
- Phải đảm bảo cho những người liên quan trong quá trình làm việc về an toàn vệ sinh lao động
- Nếu phát hiện nguy cơ tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp thì phải xử lý, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết
Các ngành nghề cần được an toàn vệ sinh lao động
Nguyên tắc an toàn lao động trong sản xuất luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là trong các ngành nghề có tính đặc thù, rủi ro, nguy hiểm như: xây dựng, cơ khí, hóa chất, may mặc, điện lực…
An toàn lao động trong xây dựng
Đối với người sử dụng lao động:
- Thực thi kế hoạch về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình
- Hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm và biện pháp phòng ngừa. Kiểm tra, giám sát, quản lý việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động.
- Khi phát hiện nguy cơ, vi phạm về an toàn lao động cần xử lý kịp thời như: tạm dừng thi công xây dựng, đình chỉ tham gia lao động với người lao động không tuân thủ các biện pháp an toàn và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trình.
- Tích cực xử lý, khắc phục sự cố, tai nạn lao động trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Trách nhiệm của người lao động
- Tuân thủ các quy định tại Điều 17 Luật vệ sinh an toàn lao động.
- Từ chối thực hiện các nhiệm vụ không đảm bảo an toàn lao động hoặc không được cung cấp phương tiện bảo hộ
- Chỉ nhận thực hiện các công việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động sau khi được huấn luyện và cấp thẻ.
An toàn lao động trong cơ khí
- Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động về thiết kế, chế tạo, lắp đặt, sử dụng và quản lý máy móc, thiết bị theo quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật
- Xác định vùng nguy hiểm và các nguy cơ gây tai nạn lao động trong quá trình sử dụng máy móc, thiết bị. Thực hiện nguyên tắc an toàn, kiểm tra máy thường xuyên và trước khi vận hành
- Triển khai đầy đủ các biện pháp an toàn, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp cho người lao động
- Mặt bằng nhà xưởng phải phù hợp với điều kiện an toàn lao động
An toàn vệ sinh lao động ngành may
Do đặc thù và tính chất công việc, ngành dệt may có môi trường làm việc ồn ào, độc hại, bụi bặm, rác thải và thiếu ánh sáng. Do đó, nguy cơ mắc bệnh phổi chiếm đến 74%, bệnh viêm đường hô hấp chiếm 32%, điếc 17%… Chưa kể đến các vụ tai nạn lao động liên quan đến hỏa hoạn, cháy nổ tại các khu xí nghiệp dệt may.
- Để đảm bảo sức khỏe, tính mạng người lao động, cần nâng cao ý thức trách nhiệm và thực thi chính sách an toàn lao động đối với người lao động và người sử dụng lao động.
- Thực hiện kiểm tra, bảo trì định kỳ thiết bị, máy móc để phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ
An toàn vệ sinh lao động ngành điện lực
Do đặc thù công việc, người lao động thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, độc hại như: nhiệt độ, điện cao áp, độ cao…
Công tác an toàn vệ sinh lao động của ngành điện lực nước ta được thực thi khá tốt, bao gồm:
- Cung cấp dụng cụ, trang thiết bị hỗ trợ (quần áo, mũ bảo hộ), găng tay cách điện, các buổi tập huấn và thi về an toàn vệ sinh lao động.
- Bảo trì định kỳ thiết bị, các chốt điện, kiểm tra đột xuất hiện trường công tác để sửa chữa, nâng cấp kịp thời, tránh nguy cơ tai nạn lao động
Trên đây là tổng hợp thông tin và các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng, người lao động cần đặc biệt cần chú ý đến công tác an toàn lao động cho bản thân, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.