Một món lẩu ấm bụng trong những ngày mưa lạnh, thích hợp để cùng cả gia đình tụ tập hoặc thiết đãi bạn bè chính là món lẩu bò vừa ngon lại giàu dinh dưỡng. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp 3 cách nấu lẩu bò chuẩn vị nhà hàng ngon nhất, cách làm đơn giản nhất đảm bảo thành công, cùng theo dõi nhé!
Tóm tắt
Cách mua nguyên liệu ngon nấu lấu bò
Cách chọn mua sườn bò tươi ngon
- Để mua sườn bò tươi ngon, bạn nên chọn mua những miếng sườn có màu hồng đỏ, tươi sáng, ấn vào có độ đàn hồi tốt và không có mùi hôi, hăng khó chịu.
- Ngoài ra, khi mua bạn nên chọn những miếng sườn bò có xương dẹt với khung sườn có kích thước vừa phải sẽ ngon hơn những miếng sườn tròn với kích thước to và mất nhiều thời gian để ninh hơn.
- Tránh chọn mua sườn lợn có màu đỏ sậm, chảy nhớt vàng, vì có thể những miếng sườn này là của những con bò được cho ăn thuốc tạo nạc.
Gia vị nấu lẩu bò mua ở đâu?
Hiện nay bạn có thể dễ dàng tìm mua gia vị nấu lẩu bò ở các tiệm thuốc bắc, tiệm tạp hóa lớn hoặc trong các siêu thị với mức giá dao động cho 1 gói 50gr là 28.000 – 30.000 VNĐ.
Cách chọn mua thịt bò tươi ngon
- Thịt bò tươi ngon sẽ có màu đỏ tươi, các đường gân trắng xen kẽ lẫn nhau, phần mỡ bò màu vàng tươi.
- Ngoài ra, khi sờ vào miếng thịt bò sẽ cảm giác được độ săn chắc, đàn hồi tốt, không mềm nhũn. Đồng thời, các thớ mềm, nhỏ và không quá mịn.
- Trái lại, không mua thịt bò đã bị chuyển màu tái xanh hoặc đỏ sẫm, mỡ vàng đậm, xuất hiện các nốt trắng hay đốm li ti trên bề mặt.
- Đặc biệt, nếu thấy thịt bò đã bị nhão và có nhớt, có mùi hôi tanh nồng nặc tức là thịt bò đã để lâu ngày, không nên ăn vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cách chọn mua gân bò ngon
- Nên mua gân bò có màu trắng hồng, thoang thoảng mùi nồng hăng đặc trưng bởi đây là dấu hiệu của gân bò mới, còn tươi.
- Đặc biệt, không nên mua gân bò chuyển sang màu trắng nhợt nhạt, màu xanh hoặc đã chảy dịch màu vàng, vì đây là gân bò đã bị xử lý qua hóa chất, ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Ngoài ra, tránh chọn gân bò có mùi hôi hoặc không có mùi. Gân hôi là do đã để quá lâu ngày. Trái lại, gân không có mùi là do đã bị xử lý qua thuốc.
Cách chọn mua khoai môn ngon
- Khoai môn ngon là thường có kích thước vừa hoặc to. Phần ruột bên trong màu trắng sữa xen kẽ là các đường gân, ngược lại nếu thấy khoai có màu sắc nhợt nhạt là khoai môn không ngon.
- Ngoài ra, khoai môn có nhiều tinh bột thì trên thân có càng nhiều mắt càng tốt. Đồng thời, lớp vỏ sần sùi, chia thành từng đường vân ngang, nhiều râu và đất vẫn còn bám trên vỏ.
- Hạn chế mua khoai môn có quá ít hoặc không có mắt, da mịn vì đó đều là những củ khoai dễ bị sượng và có vị nhạt, ăn sẽ không ngon.
Cách nấu lẩu bò khoai môn
Nguyên liệu nấu lẩu bò khoai môn
(Cho 4 người)
- Thịt bắp bò 500gr
- Sườn bò 1 kg
- Khoai môn 300g
- Đậu hũ trắng 100g (2 miếng)
- Tàu hũ ky 20 gr
- Gia vị lẩu bò 1 gói
- Sả 4 nhánh
- Hành tây 1 củ
- Hành tím 3 củ
- Đầu hành lá 10 nhánh
- Gừng 1 nhánh
- Dầu ăn 4 thìa canh
- Giấm ăn 200 ml
- Vắt mì ăn liền 1 ít
- Rau ăn kèm 1 ít ( mồng tơi/ rau cải đắng/ rau má)
- Muối 2.5 thìa canh
Hướng dẫn cách nấu lẩu bò khoai môn
Bước 1: Sơ chế sườn và thịt bò
Sườn bò và thịt bắp bò để khử mùi hôi bạn dùng 200ml giấm ăn pha cùng 2 thìa canh muối chà xát và để yên trong khoảng 10 phút. Sau đó đem rửa với nước sạch.
Sau đó, bạn thái thịt bắp bò thành từng miếng nhỏ, sườn bò chặt thành các khúc vừa ăn.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Khoai môn bạn gọt bỏ đi lớp vỏ rồi rửa sạch và cắt thành các miếng vừa ăn có chiều dài chừng 2 lóng tay.
Đậu hũ bạn rửa sạch đợi ráo và cắt thành các miếng vuông nhỏ vừa ăn với các cạnh khoảng 1 lóng tay.
Sả bạn đập dập. Hành tím sau khi lột vỏ bạn cũng đập dập. Hành tây lột vỏ cắt múi cau. Gừng cạo vỏ rồi cắt lát.
Rau ăn kèm (mồng tơi, rau má, rau cải đắng) bạn nhặt lá, rửa sạch và để ráo.
Bước 3: Hầm và nấu nước dùng lẩu
Trước tiên bạn bắc chảo lên bếp rồi cho vào chảo 1 thìa canh dầu ăn cùng sả, hành tím và gừng vào, phi thơm trên lửa nhỏ khoảng 2 phút mỗi mặt cho các gia vị vàng đều và dậy mùi thơm thì bạn tắt bếp.
Tiếp theo, bạn cho 1.5 lít nước và 1/2 thìa canh muối vào nồi, đun với lửa lớn khoảng 1 phút để nước trong nồi sôi nhẹ thì bạn cho phần sườn bò, thịt bắp bò, hành tây cùng với túi gia vị nấu lẩu bò, các nguyên liệu vừa phi thơm vào.
Hầm với lửa nhỏ liu riu khoảng 30 phút cho thịt sườn bò chín mềm và các nguyên liệu ra hết vị ngon thì bạn vớt ra và có thể nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, rồi tắt bếp.
Bước 4: Chiên khoai môn và tàu hũ
Cho khoảng 3 thìa canh dầu ăn vào chảo, bắc chảo lên bếp đun với lửa vừa cho dầu nóng lên thì bạn cho khoai môn đã ráo nước vào.
Chiên với lửa nhỏ và nhớ thường xuyên trở mặt khoảng 5 phút cho khoai môn chín vàng đều cả 2 mặt thì bạn gắp khoai ra giấy thấm dầu.
Tiếp theo, bạn cho những miếng tàu hũ vào chảo vừa chiên khoai môn để tiếp tục chiên với lửa nhỏ đến khi tàu hũ vàng giòn thì tắt bếp và gắp ra để ráo dầu.
Bước 5: Hoàn thành
Cuối cùng khi thưởng thức bạn chỉ cần múc phần nước dùng ra nồi nhỏ hơn, hâm nóng lại với lửa nhỏ khoảng 3 phút cho nước sôi lại.
Tiếp đó, bạn cho các nguyên liệu gồm: khoai môn chiên vàng, tàu hũ chiên, tàu hũ trắng cắt miếng vuông cùng 10 nhánh đầu hành lá vào.
Đảo đều rồi đợi lẩu sôi mạnh lại là bạn có thể nhúng rau ăn kèm và mì vắt gói vào nồi, nấu mềm là có thể thưởng thức rồi!
Bước 6: Thành phẩm
Lẩu bò khoai môn khi ăn sẽ đem đến cho người ăn cảm giác ấm cúng, gần gũi với người thân, bạn bè đặc biệt phù hợp vào những ngày trời se lạnh.
Món lẩu này ngon không chỉ bởi phần nước lẩu đậm đà, ngọt thịt và thơm phức mà còn ở vị mềm ngọt của thịt bò và sườn bò hòa cùng vị bùi ngon của khoai môn và vị tươi giòn ngon của rau nhúng lẩu.
Cách nấu lẩu bò thập cẩm
Nguyên liệu nấu lẩu bò thập cẩm
(Cho 4 người)
- Bắp bò 600g
- Gân bò 400g
- Ba chỉ bò 400g
- Bò viên 200g
- Củ cải trắng 200gr (2 củ)
- Khoai môn 150g (1 củ)
- Hành tây 2 củ
- Gừng 30g (1 củ)
- Sả 6 cây
- Táo tàu 30 gr (7 trái)
- Kỷ tử 10g (2 thìa cà phê)
- Thảo quả 2gr (2 quả)
- Hạt ngò 2 gr
- Hoa hồi 3 gr (3 hoa)
- Quế 3gr (3 cây)
- Tương đen 1.5 thìa canh
- Rượu trắng 100 ml
- Nước mắm 1 thìa canh
- Đường phèn 3 thìa canh
- Dầu ăn 100 ml
- Tàu hũ ky 5 lá (chiên giòn)
- Gia vị nấu lẩu (Hạt nêm/ Muối/ Bột ngọt)
Dụng cụ thực hiện
Nồi áp suất, chảo, chậu, dĩa, đũa,…
Cách nấu lẩu bò thập cẩm
Bước 1: Sơ chế thịt bò
Đầu tiên, ba chỉ bò mua về bạn lấy dây chỉ cột rút ở 1 đầu miếng thịt, tiếp tục cuộn chặt tay theo vòng tròn cho đến hết phần thịt. Cuối cùng, bạn cột rút lại để cố định phần thịt là được.
Kế đến, lấy cái chậu cho toàn bộ ba chỉ bò, bắp bò, gân bò, 1/2 củ gừng giã nhuyễn, 100ml rượu trắng và 2 thìa cà phê muối vào, dùng tay chà xát vào phần thịt 3 – 5 phút, rồi rửa lại vài lần với nước sạch, đợi ráo.
Cách khử mùi hôi của thịt bò
- Cách 1: Lấy gừng giã nhuyễn nướng chín rồi đem chà xát qua phần thịt rồi rửa sạch lại.
- Cách 2: Bên cạnh đó, sử dụng rượu cũng rất hiệu quả trong việc khử mùi hôi thịt bò bằng cách ngâm thịt với rượu 15 phút.
- Cách 3: Ngoài ra, bạn có thể dùng nước cốt chanh hoặc giấm ngâm với thịt bò khoảng vài phút là được.
- Cách 4: Hoặc bạn có thể dùng muối chà xát qua phần thịt trong vòng 5 phút thì mùi tanh sẽ biến mất ngay.
Bước 2: Rang các gia vị
Bắc chảo lên bếp cùng 1 củ hành tây và 1/2 củ gừng cắt đôi rồi tiến hành rang đều 2 mặt 3 – 5 phút với lửa nhỏ, đến khi thấy tỏa ra hương thơm thì tắt bếp và cho ra dĩa.
Kế đến, cũng với cái chảo đó bạn tiếp tục cho vào 2gr quả thảo quả, 2gr hạt ngò, 3 cây quế, 3 hoa hồi vào, rang trên lửa nhỏ trong 3 phút, đến khi thấy mùi thơm thì tắt bếp, rồi cho toàn bộ nguyên liệu vừa rang vào 1 túi lưới có dây rút nhé!
Bước 3: Hầm nước dùng bò
Lấy nồi áp suất rồi cho phần thịt ba chỉ bò, gân bò, bắp bò, 1 củ cải trắng gọt vỏ cắt khúc, 1 củ hành tây và nửa củ gừng đã rang, túi lưới gia vị, 1 thìa canh đường phèn, 2 thìa cà phê muối, 3 thìa cà phê hạt nêm, 6 cây sả và 3 lít nước vào, nấu ở chế độ hầm trong khoảng 40 phút, đến khi thịt bò mềm là được.
Bước 4: Sơ chế các nguyên liệu còn lại
Kế đến, lấy 1 cái bát rồi cho 2 thìa cà phê kỷ tử, 30gr táo tàu và 100ml nước vào, tiến hành ngâm trong khoảng 30 phút.
Đối với khoai môn thì bạn dùng dao gọt vỏ, cắt thành các khúc vừa ăn, đồng thời ngâm trong nước muối pha loãng 10 phút. Sau đó rửa sạch lại với nước, để ráo.
Tiếp tục, bắc chảo lên bếp cùng 100ml dầu ăn đun ở lửa vừa. Dầu nóng thì cho khoai môn đã cắt miếng vào chiên sơ 2 mặt 5 – 7 phút, cuối cùng tắt bếp và cho ra dĩa.
Cách gọt khoai môn không bị ngứa
- Cách 1: Nên dùng tay thật khô để gọt vỏ khoai môn và ngâm trong nước muối loãng ngay sau khi gọt để loại bỏ chất gây ngứa và nhớt của khoai.
- Cách 2: Có thể đeo găng tay khi gọt khoai môn để ngăn cho chất gây ngứa không dính vào da. Tuy nhiên, cách này lại gây bất tiện trong khi gọt.
- Cách 3: Bên cạnh đó, bạn có thể luộc sơ khoai trước, sau đó để nguội bớt rồi mới gọt vỏ sẽ không bị ngứa.
Bước 5: Hoàn thành nước lẩu
Khi hầm bò xong, bạn tiến hành vớt toàn bộ thịt bò ra, kế đến cho phần nước lẩu, 6 cây sả, túi lọc gia vị và 1 lít nước qua cái nồi khác.
Sau đó, bắc cái nồi đó lên bếp cùng với 2 thìa canh đường phèn, 2 thìa cà phê bột ngọt, 2 thìa cà phê muối, 1 thìa canh nước mắm và 1.5 thìa canh tương đen vào, nấu với lửa vừa khoảng 10 – 15 phút.
Khi thấy nước lẩu sôi trở lại, bạn thêm vào 1 củ cải trắng, còn lại gọt vỏ rửa sạch cắt khúc cùng với kỷ tử và táo đỏ đã ngâm vào, nấu thêm 10 phút nữa thì nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Mách nhỏ: Để bò vẫn giữ được độ dai và có màu đẹp mắt, thì khi vớt ra bạn nên ngâm bò vào nước lạnh 5 – 7 phút rồi mới cắt nhé!
Bước 6: Thành phẩm
Lẩu bò thập cẩm đã hoàn thành chỉ với những bước đơn giản, độ thơm ngon của nó sẽ không hề kém cạnh so với các hàng quán ở ngoài đâu!
Khi thưởng thức, bạn chỉ cần cho vào nồi lẩu 1 củ hành tây còn lại cắt múi cau, khoai môn, thịt bò viên cùng phần nước lẩu vừa nấu thế là thưởng thức ngay được rồi!
Nước dùng lẩu ngọt thanh, đậm đà rất ấn tượng, bò vừa dai vừa mềm quả là cuốn hút, đã thế khoai môn thì bùi bùi quyện cùng các nguyên liệu khác khiến cho nồi lẩu bò thập cẩm càng thêm phần đặc sắc hơn rất nhiều.
Cách nấu lẩu bò những giấm (dấm)
Nguyên liệu nấu lẩu bò nhúng giấm (dấm)
(Cho 4 người)
- Thịt bò 1 kg
- Thơm 1/2 quả (dứa)
- Hành tây 1 củ
- Tỏi 4 tép
- Hành tím 1 củ
- Sả 2 nhánh
- Ớt hiểm 2 trái
- Nước dừa tươi 1.5 lít
- Giấm 100ml (dấm)
- Đường phèn 30 gr
- Mắm nêm 4 thìa canh
- Dầu ăn 2 thìa canh
- Muối/ đường 1 ít
Hướng dẫn cách nấu lẩu bò nhúng giấm (dấm)
Bước 1: Sơ chế thịt bò
Đầu tiên, thịt bò mua về đem rửa sơ qua với nước. Kế đến, dùng khăn ẩm sạch lau trên bề mặt để sạch hết các bụi bẩn còn dính trên miếng thịt. Sau đó, dùng dao thái ngang thớ thịt bò thành các lát mỏng vừa ăn.
Cách sơ chế thịt bò không bị hôi:
- Bạn có thể sử dụng rượu trắng, muối, gừng, chanh hoặc giấm sau đó chà xát lên miếng thịt và để yên trong khoảng 5 – 10 phút rồi rửa sạch lại bằng nước.
- Ngoài ra, trong lúc ướp thịt, bạn hãy nướng thêm một củ hành tím, bóc vỏ, giã nhuyễn và ướp thêm với thịt bò thịt bò sẽ giúp khử mùi hôi vô cùng hiệu quả.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Dứa mua về bạn gọt vỏ, đồng thời loại khứa bỏ sạch mắt dứa, sau đó rửa sơ với nước cho sạch, để ráo, rồi dùng dao cắt dứa làm 2 phần, 1 phần cắt lát mỏng, 1 phần băm nhuyễn.
Sả thì bạn cắt gốc, rửa sạch, đập dập, cắt khúc. Tỏi và hành tím bạn lột vỏ, ớt hiểm bỏ cuống rồi băm nhuyễn cả tỏi, hành tím và ớt.
Hành tây bạn lột bỏ vỏ, 1 nửa đem cắt lát mỏng, 1 nửa cắt múi cau. Phần hành tây cắt mỏng bạn cho vào đĩa thịt bò, trộn đều.
Bước 3: Nấu nước dấm nhúng bò
Chuẩn bị nguyên liệu xong, bạn bắc nồi lên bếp rồi cho vào 2 thìa canh dầu ăn với lửa vừa. Dầu sôi lăn tăn thì bạn cho phần sả đập dập vào phi thơm.
Kế đến, bạn cho phần tỏi, hành tím cùng ớt hiểm băm nhuyễn vào, tiếp tục dùng đũa xào đều thêm tầm 2 phút.
Sau đó, bạn thêm 1.5 lít nước dừa, 100ml giấm ăn, 30gr đường phèn, hành tây cắt múi cau vào, dùng thìa đảo đều rồi nấu khoảng 5 phút.
Tiếp đó bạn nêm nếm gia vị cho vừa ăn nữa và nhúng thịt bò vào là thưởng thức thôi!
Bước 4: Pha nước chấm
Bạn lấy bát rồi cho phần dứa băm nhuyễn, 4 thìa canh mắm nêm, 2 thìa canh đường, dùng thìa trộn đều để tất cả được hòa quyện lẫn với nhau.
Bước 5: Thành phẩm
Lẩu bò nhúng giấm quả là món ăn được nhiều người yêu thích bởi vừa thơm ngon lại bổ dưỡng.
Chỉ với vài bước đơn giản, thế là bạn đã có những miếng bò dai mềm nhúng với phần nước mặn mà, chua ngọt dịu nhẹ để thưởng thức, hấp dẫn vô cùng!
Đặc biệt, lẩu bò nhúng dấm (giấm) còn có thể ăn kèm với bún tươi, hoặc cuốn với bánh tráng và rau sống nữa đó! Chắc chắn phải chấm kèm với mắm nêm để món lẩu thêm tròn vị nữa đấy!
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm cách nấu lẩu bò nấm, lẩu bò gân chua cay cực kỳ ngon và hấp dẫn, thử xem nha!
Vậy là chúng tôi vừa hướng dẫn các bạn 3 cách nấu lẩu bò ngon nhất, chuẩn vị ngoài hàng với cách chế biến cực kỳ đơn giản, không mất nhiều thời gian. Hi vọng bạn sẽ có thêm nhiều “bí kíp” nấu ăn ngon để đổi vị cho cả gia đình vào những buổi tụ họp cuối tuần.