Kim ngạch là thuật ngữ khá phổ biến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mà chúng ta thường bắt gặp trong các bản tin trên thời sự, báo đài. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu sâu hơn kim ngạch là gì và các vấn đề liên quan.
Tóm tắt
Kim ngạch là gì?
Kim ngạch được chia làm 2 khái niệm chính là kim ngạch nhập khẩu và kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu là gì?
Kim ngạch xuất khẩu là tổng giá trị hàng hóa được xuất đi hay lượng tiền thu về của một quốc gia hoặc doanh nghiệp trong một khoảng thời gian cụ thể (thường là theo tháng, quý hoặc năm) và được quy đổi thành một loại tiền tệ chung.
Kim ngạch xuất khẩu càng cao đồng nghĩa với giá trị xuất khẩu cao, kinh tế của doanh nghiệp hoặc quốc gia càng phát triển tốt. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu thấp, nhập khẩu cao, chứng tỏ nền kinh tế của quốc gia kém phát triển, tụt hậu.
Kim ngạch nhập khẩu là gì?
Kim ngạch nhập khẩu là tổng giá trị ngân sách, chi phí dành cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, loại kim ngạch này còn được tính theo tình hình nhập khẩu được thống kê trên toàn quốc.
Tương tự như kim ngạch xuất khẩu, giá trị này cũng được xác định theo định kỳ là tháng, quý hoặc năm và được quy đổi thành một đơn vị tiền tệ thống nhất.
Thông thường, các quốc gia sẽ điều chỉnh sao cho giá trị kim ngạch nhập khẩu không vượt quá kim ngạch xuất khẩu. Vì kim ngạch xuất khẩu chính là nội lực kinh tế của một quốc gia.
Để tính kim ngạch xuất nhập khẩu (hay còn gọi là kim ngạch thương mại), ta có công thức như sau:
Tỉ lệ xuất nhập khẩu = (Giá trị xuất khẩu / Giá trị nhập khẩu) x 100%
Từ công thức này, chúng ta có thể biết được cách tính kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tương ứng.
Chỉ số kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020
Có thể nói, năm 2020 là một năm đầy sóng gió với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với những nỗ lực phi thường, Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng đáng kinh ngạc.
Tính chung 11 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD (tăng 9,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khu vực trong nước nhập siêu là 12,4 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,5 tỷ USD.
Đối với xuất khẩu
Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt được 73 tỷ USD, tăng 1,6% và chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt được 181,6 tỷ USD, tăng 6,9% và chiếm 71,3%.
Trong năm qua, nước ta có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%.
Cụ thể:
- Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt được 46,9 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước
- Điện tử, máy tính và linh kiện đạt được 40,2 tỷ USD, tăng 24,3%
- Dệt may đạt được 26,7 tỷ USD, giảm 10,5%
- Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt được 23,9 tỷ USD, tăng 44,5%
- Giày dép đạt được 14,9 tỷ USD, giảm 9,8%
- Gỗ và sản phẩm liên quan đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,1%
- Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt được 8,1 tỷ USD, tăng 4,1%
- Thủy sản đạt được 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của đa số mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Riêng gạo đạt được 2,8 tỷ USD, tăng 10,4%.
Cụ thể:
- Rau củ quả đạt được 3 tỷ USD, giảm 11,7%
- Hạt điều đạt được 2,9 tỷ USD, giảm 1,7%
- Hạt tiêu đạt được 596 triệu USD, giảm 11,5%
- Cà phê đạt được 2,5 tỷ USD, giảm 2,9%
- Chè đạt được 201 triệu USD, giảm 5,3%
- Cao su đạt được 2 tỷ USD, giảm 1,4%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu:
- Công nghiệp nặng và khoáng sản: ước tính 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 54,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính 90,2 tỷ USD, tăng 1,5% và chiếm 35,4%.
- Nông, lâm sản ước tính đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1% và chiếm 7,3%.
- Thủy sản ước tính đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9% và chiếm 3%.
Về thị trường:
- Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
- Trung Quốc đứng thứ hai, đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%.
- Thị trường EU ước tính đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%.
- Thị trường ASEAN đạt được 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%.
- Hàn Quốc đạt được 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%.
- Nhật Bản đạt được 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%.
Đối với nhập khẩu
Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu của nước ta ước tính đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt được 85,43 tỷ USD, giảm 9,6 %; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt được 149,07 tỷ USD, tăng 9,2%.
Trong năm qua, nước ta có 34 mặt hàng với kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 49,3%.
Cụ thể:
- Điện tử, máy tính và linh kiện ước tính đạt 57,4 tỷ USD; chiếm 24,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; tăng 22% so với cùng kỳ năm trước
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước tính đạt 33,1 tỷ USD, bằng cùng kỳ năm trước;
- Điện thoại và linh kiện ước tính đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9,3%
- Vải ước tính đạt 10,6 tỷ USD, giảm 12,3%
- Chất dẻo ước tính đạt 7,5 tỷ USD, giảm 9,4%
- Sắt thép ước tính đạt 7,3 tỷ USD, giảm 16,7%
- Sản phẩm chất dẻo ước tính đạt 6,5 tỷ USD, tăng 9,7%
- Ô tô ước tính đạt 5,5 tỷ USD, giảm 18,5%
- Kim loại thường ước tính đạt 5,4 tỷ USD, giảm 7,5%
- Sản phẩm hóa chất ước tính đạt 5,1 tỷ USD, tăng 3,1%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu:
- Tư liệu sản xuất đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu;
- Hàng tiêu dùng đạt 15,7 tỷ USD, tăng 0,5% và chiếm 6,7%.
Về thị trường:
- Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước;
- Hàn Quốc đứng thứ hai, đạt 42 tỷ USD, giảm 2,9%
- Thị trường ASEAN ước tính đạt 27,3 tỷ USD, giảm 6,9%
- Nhật Bản ước tính đạt 18,6 tỷ USD, tăng 4,8%
- Thị trường EU ước tính đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3%
- Hoa Kỳ ước tính đạt 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%.
Trên đây là tổng hợp kiến thức liên quan đến kim ngạch xuất nhập khẩu. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về các chỉ số kinh tế quan trọng này và ứng dụng trong công việc, cuộc sống.