Những thay đổi liên tục trong cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải có các kỹ năng sống cơ bản thiết yếu để đáp ứng được yêu cầu trong công việc hay là biết cách đối phó với tình trạng căng thẳng, buồn bã, thất vọng. Mỗi người chắc chắn sẽ trải qua rất nhiều giai đoạn trong cuộc đời với nhiều áp lực khác nhau. Do đó cần rèn luyện kỹ năng sống để áp dụng chúng thật linh hoạt trong đời sống. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu khái niệm kỹ năng sống là gì, ý nghĩa của kỹ năng sống cùng cách rèn luyện nhé.
Tóm tắt
Kỹ năng sống là gì?
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (viết tắt UNICEF), “kỹ năng sống” được định nghĩa là những khả năng về tâm lý xã hội cho các hành vi thích ứng và tích cực giúp cá nhân đối phó hiệu quả với những yêu cầu hoặc thách thức của cuộc sống hàng ngày. Kỹ năng sống bao gồm những gì? Có thể chia thành 3 nhóm kỹ năng sống lớn là:
- Kỹ năng sống nhận thức để có thể phân tích, sử dụng các thông tin thu được.
- Kỹ năng sống cá nhân để phát triển nhân cách cùng với khả năng tự quản lý bản thân.
- Kỹ năng sống kết nối để giao tiếp và tương tác hiệu quả với mọi người.
Giáo dục kỹ năng sống là một chương trình học dựa trên những nhu cầu và kết quả mong muốn gia tăng hành vi tích cực và khả năng thích ứng bằng cách hỗ trợ cho các cá nhân phát triển và luyện tập kỹ năng, nhằm giảm bớt các nguy cơ rủi ro và tăng tối đa những nhân tố hữu ích cuộc sống.
Ý nghĩa của kỹ năng sống
Nhiều người vẫn không nắm được học kỹ năng sống để làm gì. Một đánh giá của UNICEF cho thấy các phương pháp dựa trên giáo dục kỹ năng sống đã có hiệu quả trong việc giúp thanh niên nhận thức đúng đắn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe như những tác hại của rượu, bia, thuốc lá, ma túy, cách phòng ngừa HIV/AIDS cùng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa việc có thai ngoài ý muốn…
Các chương trình giáo dục kỹ năng sống cũng góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học và bạo lực trong giới trẻ. Từ đó, đặt nền móng phát triển những kỹ năng cần thiết cho nhiều công việc sau này.
Lợi ích cho cá nhân
Trong cuộc sống hàng ngày, việc phát triển kỹ năng sống giúp bạn:
- Có những suy nghĩ mới, tìm ra cách giải quyết vấn đề.
- Nhận thức được sự ảnh hưởng của các hành động cá nhân, tự chịu trách nhiệm thay vì đổ lỗi cho người khác.
- Xây dựng sự tự tin trong các kỹ năng nói, làm việc nhóm.
- Phân tích các sự lựa chọn để đưa ra quyết định.
- Nâng cao tính tự giác và biết trân trọng những người xung quanh
Lợi ích trong công việc
Ngày nay, nhà tuyển dụng không chỉ tìm những ứng cử viên tài giỏi, có thành tích cao trong học tập mà còn có những kỹ năng sống phù hợp như:
- Tự quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, nắm bắt nhanh những việc phải làm.
- Làm việc theo nhóm hiệu quả.
- Nhanh nhẹn, dễ thích nghi với những môi trường làm việc khác nhau.
- Có tiềm năng phát triển thành một người dẫn đầu.
Lợi ích cho xã hội
Khi bạn phát triển tốt những kỹ năng sống của cá nhân sẽ góp phần mang lại những lợi ích cho sự phát triển chung của xã hội:
- Nhận thức về các nền văn hóa cùng quyền công dân giúp việc hợp tác quốc tế dễ dàng hơn.
- Tôn trọng sự đa dạng cho phép con người vượt ra ngoài giới hạn, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo.
- Phát triển kỹ năng đàm phán, thấu hiểu lẫn nhau để cùng nhau xây dựng thay vì tạo ra mâu thuẫn.
Cách để rèn luyện các kỹ năng sống là gì?
Mặc dù cha mẹ và thầy cô đã dạy cho chúng ta rất nhiều bài học và kiến thức quý giá, nhưng vẫn cần rèn luyện thêm nhiều kỹ năng sống cần thiết. Để có thể trở thành một người độc lập, có khả xử lý mọi tình huống trong cuộc sống, chúng ta cần xây dựng nhiều kỹ năng sống như kỹ năng tư duy phản biện, các kỹ năng cơ bản trong đời sống hay cả những kỹ năng chuyên môn cần để phát triển sự nghiệp.
Cách để rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản
Đặc điểm của kỹ năng sống cơ bản gồm có:
1. Quản lý tài chính
Đây là một trong các kỹ năng sống cơ bản nhất. Nếu khả năng quản lý tài chính kém, bạn sẽ khá khó khăn để xoay sở, thậm chí vay tiền từ người khác. Hãy đặt các mục tiêu cụ thể và lập ngân sách cho những khoản chi phí cần thiết. Sau đó, cố gắng tuân thủ để không gặp trường hợp “vung tay quá trán”.
Bên cạnh đó, bạn nên để dành một tỷ lệ phần trăm từ thu nhập gửi vào tài khoản tiết kiệm, đề phòng những sự cố bất ngờ. Bạn có thể thực hiện điều này một cách thủ công hoặc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ rất tiện lợi. Hãy luôn đảm bảo rằng mình đang chi tiêu ít hơn những gì đã có.
2. Quản lý thời gian
Mỗi người đều chỉ có 24 giờ một ngày và cần phải biết cách làm sao để sử dụng thời gian một cách khôn ngoan, hiệu quả. Đừng sử dụng thời gian vào những hoạt động không cần thiết hoặc không giúp giải quyết được vấn đề gì. Hãy lên kế hoạch hàng ngày, hàng tuần và sắp xếp mức độ quan trọng, bạn sẽ dễ dàng phân bổ thời gian thật hợp lý.
Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ như những ứng dụng nhắc nhở, lịch trên điện thoại để dễ dàng theo dõi lịch trình và mục tiêu quan trọng.
3. Tập ăn uống theo cách lành mạnh
Thực phẩm cũng sẽ tác động đến sức khỏe của bạn. Hãy luôn chọn những thực phẩm bổ dưỡng trong tự nhiên như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các nguồn protein tốt. Tránh ăn quá nhiều, kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày.
4. Học cách tự nấu ăn
Tự nấu ăn là cách tốt nhất giúp chúng ta kiểm soát được chế độ dinh dưỡng cho bản thân. Khi kỹ năng nấu ăn tốt hơn, bạn có thể nấu ăn cho gia đình và cả những người xung quanh. Điều này không những giúp cải thiện sức khỏe mà còn tăng khả năng kết nối với mọi người. Trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19 vừa rồi thì các kỹ năng sống cơ bản như nấu ăn đã cho thấy sức mạnh của mình.
5. Tập thể dục
Giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh bằng cách tập thể dục 2 đến 3 lần/tuần. Đặt nhắc nhở thông báo vào lịch trình để bạn không quên thực hiện. Tốt nhất bạn nên tập vào buổi sáng hoặc sau giờ làm. Bên cạnh đó, hãy rủ thêm bạn bè cùng tập để có động lực.
6. Học cách tự dọn dẹp
Biết cách dọn dẹp, giặt quần áo và giữ phòng riêng sạch sẽ cũng là một kỹ năng sống. Giữ môi trường sống xung quanh gọn gàng, ngăn nắp sẽ giúp làm việc hiệu quả.
7. Chủ động làm việc mà không phải nhắc nhở
Tự giác là một biểu hiện của kỹ năng sống đánh dấu sự trưởng thành ở mỗi người. Bạn cần chủ động thực hiện công việc cũng như là chịu trách nhiệm trước các hành động đó. Từ đó mới có thể giúp đỡ và hỗ trợ được mọi người xung quanh.
Phát triển những kỹ năng tư duy và đánh giá
Những kỹ năng sống về tư duy gồm có:
1. Suy nghĩ về chính mình
Bạn cần phải tôn trọng suy nghĩ của bản thân để đưa ra những quyết định độc lập. Mọi người có thể đưa cho bạn vô vàn lời khuyên nhưng cuối cùng thì cuộc sống của bạn vẫn do bạn làm chủ. Đừng để người khác bắt ép bạn phải làm điều gì theo ý họ.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên tôn trọng và tham khảo những ý kiến của người thân, bàn bạc trước khi đưa ra những lựa chọn trong cuộc đời vì dù sao chúng cũng mang một phần khách quan.
2. Tìm hiểu/nghiên cứu về mọi vấn đề
Để xây dựng và phát triển kỹ năng về tư duy đánh giá, bạn cần học cách nghiên cứu về những chủ đề mà mình quan tâm. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc tìm kiếm thông tin đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Khi thu thập được nhiều quan điểm khác nhau, chúng ta sẽ có khả năng đưa ra những ý kiến cá nhân một cách đa chiều.
3. Tự giải quyết vấn đề
Chúng ta nên luyện tập đối mặt và giải quyết vấn đề thay vì nhờ đến cha mẹ, người thân hay bạn bè. Trước tiên, hãy dành thời gian để xác định nguyên nhân vấn đề, liệt kê các giải pháp phù hợp và lựa chọn cách giải quyết nào mà bạn cho là tốt nhất.
4. Giúp não bộ luôn được hoạt động
Để đảm bảo cho tâm trí luôn được hoạt động hiệu quả và sáng tạo, bạn cũng cần thường xuyên luyện tập não bộ. Đọc nhiều sách là một cách rất tốt giúp phát triển tư duy. Bạn cũng có thể cùng chơi các trò chơi đòi hỏi sự suy nghĩ logic cùng bạn bè, gia đình. Vào thời gian rảnh, chúng ta cũng nên ghi lại những suy nghĩ trong ngày vì biết đâu chúng sẽ giúp sáng tạo ra vài điều mới mẻ.
Xây dựng những kỹ năng sống về chuyên môn, chuyên nghiệp
Kỹ năng sống cũng có ý nghĩa rất nhiều trong công việc.
1. Tìm người hướng dẫn giỏi
Một người cố vấn giỏi có thể hướng dẫn chúng ta làm việc một cách chuyên nghiệp và truyền được cảm hứng trong lĩnh vực yêu thích. Hãy tìm kiếm những người mà bạn đang mong muốn có con đường học vấn hay sự nghiệp tương đồng với họ. Từ đó mà bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên thật sự hữu ích để đạt được mục tiêu.
2. Phát triển mục tiêu cá nhân
Khi bạn lập được kế hoạch và mục tiêu trong cuộc sống thì sẽ có động lực để tìm cách đạt được những gì mong muốn. Hãy đặt ra những mục tiêu cả ngắn hạn và dài hạn, rồi hoàn thành những việc dễ trước chính là kỹ năng sống sẽ giúp bạn không nản chí cho mục tiêu khó khăn hơn.
3. Học cách đặt câu hỏi
Sẽ không một ai có thể biết được hết tất cả mọi thứ trên đời. Biết cách đặt câu hỏi cũng là một kỹ năng sống quan trọng và cần thiết. Điều này giúp chúng ta nắm rõ kiến thức và áp dụng chính xác vào công việc. Nếu có nhiều thắc mắc mà không thể tự nghiên cứu được đừng ngại gì mà hãy hỏi những chuyên gia trong lĩnh vực đó. Từ đó bạn sẽ nâng cao được kiến thức cũng như là nhận thức cá nhân.
Trên đây chúng mình đã chia sẻ với các bạn khái niệm kỹ năng sống là gì, ý nghĩa của kỹ năng sống cùng cách để rèn luyện. Chúc các bạn áp dụng thành công và hãy chia sẻ kinh nghiệm trong phần bình luận bên dưới nhé.