Bảo vệ lãnh thổ là một trong những tập tính không thể thiếu của bất kỳ loài vật nào. Vậy tập tính bảo vệ lãnh thổ là gì? Tập tính bảo vệ lãnh thổ của chó sói, ong, đại bàng, hổ,…như thế nào? Cùng tìm hiểu về tập tính bảo vệ lãnh thổ qua bài viết sau nhé.
Tóm tắt
Tập tính bảo vệ lãnh thổ là gì?
Lãnh thổ động vật là thuật ngữ được sử dụng để chỉ khu vực, phạm vi thuộc quyền kiểm soát của một cá thể động vật hoặc một bầy, đàn, được các con vật tuần tra, bảo vệ thường xuyên. Động vật bảo vệ lãnh thổ theo cách này được gọi là tập tính bảo vệ vùng lãnh thổ.
Tập tính bảo vệ lãnh thổ là tập tính bẩm sinh ở động vật, dùng để đánh dấu lãnh thổ, chống lại các cá thể khác cùng loài hay khác loài; bảo vệ nguồn thức ăn, nơi ở,…Tập tính bảo vệ lãnh thổ diễn ra giữa các cá thể cùng loài.
Động vật đánh dấu lãnh thổ bằng mùi hương, tiếng ồn ào, tiếng gầm, tiếng hú để thể hiện sự hiện diện của mình trong lãnh địa của chúng.
=> Tập tính bảo vệ lãnh thổ ở mỗi loài khác nhau, phức tạp dần theo tổ chức thần kinh.
Động vật bảo vệ lãnh thổ như thế nào?
Chiếm giữ và bảo vệ vùng lãnh thổ là tập tính quan trọng ở giới động vật, từ động vật bậc thấp đến các nhóm động vật bậc cao. Chúng chủ yếu dùng các chất tiết từ ra từ tuyến thơm, nước tiểu, để đánh dấu và xác định vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, chúng còn chiến đấu với những kẻ xâm phạm lãnh thổ để giữ nguồn thức ăn và nơi ở, hoặc canh giữ hậu cung động vật. Vì vậy, ở mỗi vùng lãnh thổ, mỗi đàn động vật thường có một con đầu đàn chỉ huy các trận đấu để tranh giành lãnh thổ, chống lại các động vật khác định ăn trộm thức ăn của cả đàn hay khi bị đe dọa ăn thịt.
Nhiều loài động vật đánh dấu lãnh thổ của mình bằng cả những giọng luyến, âm thanh vang xa (tín hiệu cảnh báo) ở cách xa như tiếng gầm của loài sư tử, tiếng rống của hổ, tiếng hú của chó sói, tiếng cười của linh cẩu.
Một số loài còn đánh dấu lãnh thổ bằng trạng thái cơ thể ví dụ như đến tuổi trưởng thành, con kỳ đà xanh đực có màu xanh ngọc hay xám tối, trong khi con cái có màu xanh ô liu.
Khi ở trên núi đá, cơ thể cự đà xanh chuyển dần sang màu xám để lẫn với màu đá, tránh sự phát hiện của kẻ địch nhưng khi có sự hiện diện của những loài khác thì toàn bộ cơ thể chúng chuyển sang màu xanh để thiết lập lãnh thổ.
Phân loại lãnh thổ
Vùng lãnh thổ đã được phân loại gồm 6 loại:
– Loại 1:Vùng lãnh thổ được thiết lập để dành cho các mục đích tự nhiên. Trong đó, tất cả các hoạt động của động vật sẽ diễn ra trong phạm vi này, ví dụ như là sân khấu cho màn tán tỉnh, giao phối, làm tổ, đào hang hay kiếm ăn hay gặp ở loài chim biết hót.
– Loại 2: Khu vực lãnh thổ để diễn ra quá trình giao phối và làm tổ, trong đó có tất cả các hoạt động sinh đẻ, nhưng việc tìm kiếm thức ăn hầu hết lại diễn ra ở những nơi khác (như ở bãi kiếm ăn, bãi săn khác). Tức là, nơi đây chỉ để trú ngụ chứ không đồng thời là nơi kiếm ăn.
– Loại 3: Khu vực lãnh thổ để làm tổ, xây cất mái nhà trong đó bao gồm các tổ cộng với việc trang trí khu vực nhỏ xung quanh như một sân vườn, hay gặp ở các loài chim nước.
– Loại 4: Một cặp đôi giao phối và chiếm giữ một vùng lãnh thổ này để diễn ra việc giao phối. Các loại lãnh thổ kiểu này được bảo vệ bởi con đực cùng loài.
– Loại 5: Là địa điểm lãnh thổ, đây giống như là một lãnh địa của loài vật, là vương quốc của kẻ ngự trị.
– Loại 6: Lãnh thổ tạm thời là vùng lãnh thổ mùa đông, thường bao gồm các lĩnh vực tìm kiếm thức ăn và các vùng để các loài chim đậu và cư trú theo mùa. Có thể là tương đương vị trí để một thể loại lãnh thổ, hoặc cho một loài di cư, có thể là trên các nơi ẩn náu để trú đông.
Ví dụ về tập tính bảo vệ lãnh thổ
Tập tính bảo vệ lãnh thổ của chó sói
Sói bảo vệ lãnh thổ của mình từ các đàn khác thông qua một sự kết hợp của việc đánh dấu mùi hương, tấn công trực tiếp và tiếng hú. Đánh dấu mùi hương được sử dụng cho việc tuyên bố lãnh thổ, và bao gồm cả nước tiểu, phân và đào đất.
Tập tính bảo vệ lãnh thổ của đại bàng
Để bảo vệ lãnh thổ và lôi cuốn được bạn tình của mình, đại bàng thường xuyên thực hiện những pha xiếc ngoạn mục trên không. Có khi, việc làm này khiến chúng đánh đổi bằng việc mất khả năng giữ thăng bằng và rơi tự do trên không. Nguy hiểm hơn, chúng còn có thể bỏ cả mạng sống nhưng chúng vẫn thích làm điều này vì đó là bản năng và chúng muốn khẳng định vị thế oai phong của mình trên bầu trời rộng lớn.
Tập tính bảo vệ lãnh thổ của hổ
Hổ trưởng thành thường sống ổn định trong khu vực lãnh thổ của riêng mình. Lãnh thổ của một con hổ đực có thể rộng tới 160 km vuông và bao trùm cả lãnh thổ của nhiều con hổ cái. Hổ đánh dấu lãnh thổ bằng cách tiểu tiện vào các bụi và gốc cây, cào sâu vào các thân cây. Ngoài ra, chúng cũng dùng phân để đánh dấu phạm vi lãnh thổ. Cứ vài ngày chúng lại đi vòng quanh lãnh thổ 1 lần.
Mùi phân và nước tiểu của các con hổ sẽ không giống nhau. Chỉ có chúng mới có thể phân biệt được chính mùi nước tiểu và phân của đồng loại.
Tập tính bảo vệ lãnh thổ của hà mã
Hà mã có tính bảo vệ lãnh thổ cao, chúng sẽ bảo vệ nghiêm ngặt những khúc sông hoặc khu vực đầm lầy mà mình đang chiếm giữ. Đánh dấu lãnh thổ của chúng bằng cách phóng uế trong và ngoáy đuôi để phát tán phân.
Tập tính bảo vệ lãnh thổ của gấu trúc
Các con gấu trúc đực đặc biệt lười và không muốn lãng phí sức vào việc bảo vệ lãnh thổ hay giao tiếp xã hội. Chúng hạn chế việc đối đầu nhau bằng cách đánh dấu mùi hương để tạo ra khoảng cách giữa các cá thể.
Gấu trúc sẽ tưới nước tiểu lên các cột mốc quanh khu vực sống của mình. Những con gấu trúc đực thậm chí còn đi tiểu lên thân cây trong tư thế đứng lộn đầu đuôi, vệt nước tiểu càng cao thì dấu hiệu thống trị càng rõ rệt.
Hô hấp là gì? Quá trình hô hấp thực vật, động vật
Ngành ruột khoang là gì? Đặc điểm chung của ngành ruột khoang
Ý nghĩa của tập tính bảo vệ lãnh thổ
- Chống lại các cá thể khác cùng loài để bảo vệ nơi ở và nguồn thức ăn.
- Đảm bảo phân bố hợp lý không gian để đảm bảo mỗi cá thể của loài tồn tại và phát triển tốt theo thời gian.
- Bảo vệ lãnh thổ vừa là tập tính lãnh thổ nhưng vừa là tập tính phòng vệ.
- Bảo vệ lãnh thổ nhằm duy trì số lượng cá thể, tạo điều kiện cho việc sinh sản, duy trì và phát triển nòi giống.
Trên đây là những thông tin về tập tính bảo vệ lãnh thổ là gì cùng những ví dụ cụ thể về tập tính bảo vệ lãnh thổ của một số loài động vật trong tự nhiên. Có thể thấy rằng, tập tính bảo vệ lãnh thổ không thể thiếu với bất kỳ loài vật nào, thiếu đi tập tính này, động vật sẽ không thể tồn tại và phát triển trong tự nhiên.