Gà luộc là một trong những đồ lễ vô cùng quan trọng trong văn hóa thờ cúng của người Việt. Mùng 1, ngày Rằm, ngày lễ tết hay bất cứ một nghi thức nào cũng đều cần có gà luộc. Tuy nhiên, cách bày gà cúng trên bàn thờ thế nào cho đúng, quay vào hay quay ra thì không phải ai cũng biết. Nhân dịp tết Nguyên Đán 2023 sắp tới, hãy cùng Palada.vn tìm hiểu cách đặt gà cúng sao cho đúng nhất nhé.
Tóm tắt
Lưu ý trong cách bày gà cúng trên bàn thờ
Để có một con gà cúng đẹp, các bạn cần chú ý các điểm sau: con gà (có thể là gà trống hoặc gà mái tơ) mào phải đỏ tươi nhú cao đều nhau, lông gà mượt, chạy nhanh nhẹn, da căng vàng ức đầy, chân nhỏ, nặng từ 1,2kg đến 1,4kg là vừa, gà to quá bày sẽ không đẹp, thịt kém ngọt. Khi gà mua về nên cắt dây trói chân, thả vào chuồng hoặc vào lồng 2 đến 3 giờ để gà đi lại cho máu không bị tụ ở chân, sau đó mới tiến hành cắt tiết.
Nếu là gà dùng vào ngày 23 Tết hoặc cúng bữa cơm tất niên thì mục đích chính là để ăn, do đó cần chọn gà mái béo đã đẻ trứng một lần ăn sẽ ngon hơn. Còn gà cúng giao thừa thì các bạn nhất thiết phải chọn gà trống tơ khỏe mạnh, có mào lớn màu cờ, mình gà vàng đầy đặn, chân vàng, chưa từng đạp mái. Tốt nhất là chọn gà trống hoa mơ (có chân cao, màu vàng hoặc màu trắng), rồi mới tới gà trống tía, trống đen, trống lông tạp. Loại gà ri (màu mận, vàng sẫm, mào cờ 5 khía, chân nhỏ, chưa nhú cựa, da và chân đều màu vàng) cũng rất được ưa chuộng để làm mâm cúng.
Theo phong tục, gà cúng vào đêm giao thừa là gà trống, đặc biệt ở một số vùng nhất thiết phải là gà trống hoa, mới le te gáy, được coi như biểu tượng cho sự tinh khiết, trong sạch. Con gà trống vô cùng quan trọng trong tín ngưỡng thờ mặt trời với cư dân trồng lúa nước. Đêm giao thừa là đêm trời đất tối tăm nhất nên mỗi nhà đều sẽ cúng một con gà trống với mong muốn gọi mặt trời lên, mang lại nắng ấm, giúp hoa màu được tươi tốt. Chính vì việc lựa chọn gà cúng rất quan trọng nên các bạn không nên mua gà mổ sẵn. Nếu như ngại mổ, bạn có thể chọn gà rồi nhờ người bán làm giúp.
Đặt gà cúng giao thừa quay ra ngoài hay vào trong là đúng?
Người Việt Nam vẫn quan niệm nếu chọn được con gà cúng như ý sẽ yên tâm đón một năm mới tốt đẹp. Thế nhưng đặt gà cúng quay ra hay quay vào mới đúng?
Với mâm cúng giao thừa chúng ta nên đặt đầu gà quay ra đường để đón ngài Tân niên hành khiển đi qua. Vì theo quan niệm dân gian thì mỗi năm Thiên đình sẽ thay toàn bộ quan quân trông nom việc hạ giới. Cúng Giao thừa chính là tiễn đưa những quan quân cai quản năm cũ, đón quan quân cai quản năm mới.
Nếu như gà cúng đặt trên ban thờ, quan niệm chung thường sẽ là đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, hai cánh duỗi tự nhiên.
Tư thế này được coi như là con gà biết kêu, biết gáy và đang chầu. Không đặt gà quay đầu ra, vì quan niệm xưa cho đó là gà “không chịu chầu”. Bày gà cúng nếu như đặt đầu quay ra phía ngoài trông sẽ đẹp mắt hơn. Còn quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, không được đẹp mắt. Nhưng đó chỉ là hình thức đẹp, chứ thật sự không có nhiều ý nghĩa.
Trong cách trưng bày gà cúng thì chúng ta nên chặt gà ra hay để nguyên con? Thật ra điều này phụ thuộc vào loại gà luộc mà chúng ta đem cúng. Khi làm mâm cúng lễ thì nên để nguyên cả con gà trống vừa đẹp mắt, lại vừa nghiêm cẩn. Với gà mái, chúng ta có thể chặt miếng, nhưng khi bày đĩa nhìn không được đẹp mắt và sẽ giảm bớt phần nghiêm cẩn. Nếu chặt thành miếng, phải để gà nguội mới chặt để miếng thịt gà được gọn mắt.
Không nên chặt khi thịt gà vẫn còn nóng vì vừa bị bắn bẩn xung quanh, thịt gà lại bị nát, méo mó. Không nên dùng thịt gà quay, rán vì cả hình thức và màu sắc đều không đẹp, mất cân đối và nhất là không nghiêm cẩn.
Cách bày gà cúng đẹp
Để có được một con gà luộc đẹp thắp hương, các bạn hãy tham khảo những bước sau đây nhé.
Chuẩn bị luộc gà cúng
Nguyên liệu phụ ngoài gà đã được chọn bao gồm gừng, hành khô, một chút mỡ gà, nghệ.
Chuẩn bị một nồi luộc gà đủ lớn để đặt vừa con gà. Gà đã được mổ và làm sạch. Để gà luộc xong, đem chặt miếng được đầy đặn và đẹp mắt, bạn nên nhờ người bán hàng mổ moi, làm sạch sẽ và cứa khớp để hai chân quặp vào bụng phía sau. Cần khéo cứa chân để khi luộc gà không bị co về phía trước. Đây là tư thế gà bực tức, co chân như chuẩn bị đá song phi. Rửa gà thật sạch với muối, cần rửa sạch cả tiết để làm nước luộc không bị đục hay tiết bám đen vào da gà.
Cách buộc gà: Các bạn gập chân vào sát đùi gà, dùng chỉ hoặc dùng dây lạt buộc cố định. Dùng dây mềm để không cắt phải da gà. Tiếp tục rạch hai đường hai bên cổ, nhét cánh gà ngược ra phía miệng gà theo hai vết rạch đó, chỉ để phần đầu cánh chìa ra ngoài.
Luộc gà cúng
Để luộc gà cúng chúng ta phải chọn nồi sâu lòng, cho gà vào nồi, đổ nước ấm khoảng 30 đến 40 độ ngập thân gà. Không nên cho gà vào nước sôi vì da gà bị nóng đột ngột sẽ co lại, dễ rách, nhưng cũng không đổ nước lạnh vì quá trình làm nước nóng lâu khiến gà sẽ tiết nước ra làm thịt gà bớt ngọt.
Đun tới khi nước sôi lăn tăn (không sôi sùng sục) thì hớt bỏ bọt và để thế khoảng 7 đến 8 phút. Nướng 1 củ hành, 1 củ gừng, đập dập bỏ vào nồi nước luộc gà rồi luộc tiếp. Luộc 5 phút nếu là gà tơ để cúng Giao thừa, 10 phút với gà luộc chín để ăn. Tắt bếp, đậy vung rồi ngâm gà trong nước thêm 5 phút.
Muốn da gà được giòn, khi vớt ra thả ngay gà vào nước thật lạnh, khi nguội hẳn thì vớt ra, để ráo. Hơn nữa, gà luộc ngâm qua nước lạnh thì thịt trở nên săn, chắc, lúc chặt và xếp gà rất dễ, thịt không bị vỡ nát.
Giã một chút xíu nghệ tươi rồi vắt lấy nước, đem trộn với mỡ gà rán vàng. Khi thấy gà ngâm nước lạnh xong, vớt ra ráo nước thì quét một lớp mỏng hỗn hợp mỡ nghệ đều lên phần da gà. Da gà sẽ trở nên vàng ươm, trông rất căng và bóng.
Cách bày gà cúng tất niên
Đặt gà lên đĩa to chuyên đựng gà cúng, tháo dây, bày gà ngay ngắn, mỏ cài một bông hoa hồng đỏ (tiết, lòng đặt dưới bụng). Các bạn trình bày một đĩa muối tiêu, chanh ớt thái mỏng và thêm một ít lá chanh thái sợi cho thêm phần hấp dẫn.
Trên đây là hướng dẫn cách bày gà cúng trên bàn thờ chính xác nhất giúp quý vị độc giả tham khảo trong dịp tết 2023 này. Chúc các bạn có một năm mới may mắn ngập tràn và đừng quên đón đọc những nội dung mới nhất của Palada.vn nhé.