Trong tín ngưỡng của dân gian Việt Nam và Trung Quốc, từ lâu, việc thờ cúng Táo quân đã trở nên rất phổ biến. Như thường lệ, cứ 23 tháng Chạp hằng năm, người người nhà nhà đều làm lễ cúng để tiễn các vị Táo quân về trời tâu những việc mà gia đình đã làm trong một năm qua với Ngọc hoàng. Xung quanh tín ngưỡng này có khá nhiều sự tích và ý nghĩa văn hóa thú vị. Hãy cùng palada.vn đi tìm hiểu cặn kẽ về nguồn gốc và ý nghĩa của ông Công ông Táo đầy đủ nhất trong bài viết này nhé!
Tóm tắt
Sự tích về ông Công ông Táo
Truyện kể rằng, Trọng Cao là chồng của Thị Nhi, tuy ăn ở mặn nồng thắm thiết với nhau nhưng mãi vẫn không có con. Vì vậy, Trọng Cao ngày một kiếm cớ gây chuyện và xô xát, dằn vặt vợ mình.
Cho đến một hôm, chỉ vì chuyện nhỏ mà Trọng Cao biến chúng thành chuyện lớn mà đánh Thị Nhi và đuổi cô ấy ra khỏi nhà. Thị Nhi cũng vì thế mà bỏ nhà đi lang thang tới một nơi xứ khác, sau đó, cô lại gặp và phải lòng Phạm Lang. Kể từ đó, hai người này kết duyên lên vợ thành chồng với nhau.
Còn về phía Trọng Cao, sau khi đã nguôi giận, anh đã vô cùng ân hận vì đã đuổi vợ mình đi. Thế nhưng tiếc thay, lúc đó Thị Nhi đã bỏ đến một nơi xa rồi. Do quá day dứt và nhớ nhung người vợ của mình nên Trọng Cao đã lên đường để tìm kiếm vợ.
Từ ngày này qua tháng nọ, mãi mà Trọng Cao không thấy Thị Nhi. Trong tay anh bấy giờ đã không còn gì, gạo hết, tiền cũng hết nên anh đành phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Thật tình cờ, sau đó một vài hôm, Trọng Cao đã ăn xin đúng nhà của Phạm Lang và Thị Nhi. Nhân lúc chồng đang không có ở nhà và nhận ra người trước mặt là chồng cũ, nên Thị Nhi đã mời Trọng Cao vào nhà và nấu cơm mời anh ăn.
Đúng lúc đó, Phạm Lang vừa hay trở về, Thị Nhi sợ chồng sẽ nghĩ oan cho mình nên đã giấu Trọng Cao dưới đống rơm sau vườn. Khi ấy, Trọng Cao vì quá mệt mỏi nên đã ngủ thiếp đi, không biết gì.
Thật không may, đúng đêm ấy, Phạm Lang đã nổi lửa đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng, thấy lửa cháy từ đống rơm đó, nên Thị Nhi đã lao mình vào để cứu Trọng Cao. Thấy vợ nhảy vào lửa, vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra và Phạm Lang khi đó rất thương vợ nên cũng nhảy theo. Kết cục là cả ba người đều chết cháy trong đống lửa.
Ngọc Hoàng trên cao thương tình, thấy cả 3 người khi còn sống đều là người có nghĩa có tình, nên đã phong cho họ làm vua Bếp (Định phúc Táo Quân). Khi đó, gia đình Táo Quân này gồm 1 bà 2 ông. Phạm Lang được phong làm Thổ Công, đảm nhiệm trông coi việc trong bếp. Trọng Cao được phong làm Thổ Địa, giữ vai trò trông coi việc trong nhà. Và Thị Nhi được phong làm Thổ Kỳ, giữ trọng trách trông coi việc chợ búa.
Ngoài việc định đoạt những may, rủi, phúc, họa của gia chủ, thì 3 ông Táo này còn ngăn cản được sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, đem lại sự bình yên cho mọi người trong nhà.
Hằng năm, cứ ngày 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép hóa rồng để lên trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về tất cả các việc làm tốt và chưa tốt của con người trong năm. Từ đó, Thiên Đình có thể định đoạt được công, tội, thưởng, phạt phân minh cho tất cả mọi người.
Theo quan niệm của người Việt Nam ta, 3 ông Táo hay 3 vị vua Bếp sẽ định đoạt cát hung, phước đức cho gia chủ. Tất cả đều dựa vào những việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người sống trong nhà.
Và cứ vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, nhà nào cũng sẽ làm lễ để tiễn Táo Quân lên chầu trời một cách long trọng, với ước muốn Thần Bếp sẽ phù hộ cho gia đình và gặp được nhiều may mắn trong năm tới. Các gia đình sẽ chuẩn bị nghi lễ với bài cúng ông Táo cùng các lễ vật khác nhau.
Ý nghĩa đặc biệt của việc ông Táo về trời
Theo những gì được truyền miệng trong dân gian Việt Nam, Táo Quân được đi ra từ sự tích của Trung Hoa, bao gồm ba vị thần chuyên cai quản việc bếp núc trong gia đình. Khi đến với Việt Nam, giai thoại này đã mang thêm khá nhiều màu sắc của nước Việt, ba vị thần bếp nay đã trở thành những Táo Ông, Táo Bà.
Việc cúng thờ các vị thần bếp ở mỗi nhà đã là truyền thống văn hóa của dân tộc nước ta từ xa xưa. Lòng tín ngưỡng ở đây được xuất phát từ những ước nguyện về một cuộc sống ấm no, đầy đủ và hạnh phúc.
Việc thờ cúng 3 vị Táo Quân cũng được xem như một cách để đề cao vị trí căn bếp trong mỗi gia đình. Bếp lửa có ấm áp, có thiêng liêng thì gia đình mới hạnh phúc, mới toàn vẹn và thân thiết với nhau. Khi cung kính các vị thần bếp, chính là bạn đang rất coi trọng căn bếp của nhà mình.
Cuối cùng, với những ý nghĩa như cai quản cũng như quyết định phước lộc, cát hung cho từng gia đình, thì việc thờ cúng ông Táo cũng chính là lời nhắc nhở hàng năm về một đạo lý làm người. Chúng ta bao giờ cũng phải sống có đạo đức, có quy chuẩn và sống tốt, bởi con mắt bốn phương của những vị thần đã, đang và sẽ luôn nhìn thấy.
Câu hỏi thường gặp vào lễ ông Táo 23 tháng chạp
Ông Táo là ai?
Như đã nói ở trên, Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian của Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần, gồm: Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, thế nhưng khi du nhập vào nước ta, giai thoại này đã được Việt hóa thành huyền tích về 2 ông 1 bà – vị thần giữ Đất, vị thần giữ Nhà và vị thần trông coi Bếp núc.
Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung 3 vị thần này là “Táo Quân” hoặc “Ông Táo” nhờ kết quả của thuyết tam vị nhất thể khá phổ biến trong các tôn giáo và tín ngưỡng. Bếp được là bản nguyên của căn nhà khi người nguyên thủy phát hiện ra lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Một số từ vựng hay về ông Công ông Táo tiếng anh là gì?
Tiếng Anh | Tiếng Việt |
Land Genie | Ông Công |
Kitchen Gods | Ông Táo |
Jade Emperor | Ngọc Hoàng |
Heaven | Thiên đình |
Golden carp | Cá chép vàng |
Ride carp | Cưỡi cá chép |
Legend | Truyền thuyết |
Set free | Phóng sinh |
Feast | Mâm cỗ |
Cook | Nấu ăn |
Clean altar | Lau dọn bàn thờ |
Worship | Thờ phụng hoặc thờ cúng |
Incense | Hương trầm |
Making offering and pray | Thắp hương |
Ritual | Lễ nghi |
Nghi thức cúng ông Táo về trời chuẩn nhất?
Lễ vật để cúng ông Táo truyền thống bao gồm:
- Mũ ông Công ba chiếc (hay ba cỗ): Hai mũ của đàn ông và một mũ của đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo sẽ có hai cánh chuồn chuồn, còn với mũ Táo bà thì sẽ không có cánh chuồn hết. Nhiều gia đình chỉ cúng một chiếc mũ ông Công loại có hai cánh chuồn chuồn để tượng trưng.
- Cá chép: Loài cá này từ lâu đã được ví như phương tiện di chuyển của ông Công ông Táo. Vì thế, bạn có thể sử dụng cá chép giấy hay cá chép thật đều được. Thông thường, ở miền Bắc, người ta sẽ cúng một con cá chép sống, thả trong chậu nước với ngụ ý “cá chép hóa rồng”. Thế nhưng tại Nam Bộ, người dân lại thường dùng cá chép giấy nhiều hơn.
- Tiền vàng
- 1 đôi hia bằng giấy
- 1 chiếc áo
Ở nhiều gia đình có trẻ con, người ta sẽ cúng Táo Quân thêm một con gà luộc. Loại gà luộc này phải thuộc loại gà mới lớn (hay gà cồ mới tập gáy) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ đó sau này lớn lên có thật nhiều nghị lực, thông minh và sinh khí hiên ngang y như con gà cồ vậy.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo theo phong tục của người Việt
Tùy theo từng gia cảnh khác nhau mà ngoài các lễ vật chính vừa kể trên, người ta sẽ làm lễ mặn hoặc lễ chay để tiễn Táo Quân về trời.
Một mâm cúng ông Táo cơ bản gồm có:
- Hành muối
- Thịt heo luộc
- Giò heo
- Gà luộc hoặc quay
- Canh mọc
- Đĩa rau xào
- Xôi gấc
- Cá chép nướng/cá lóc nướng
- Rượu, trái cây tươi, trà, cau, trầu,…
Ngày nay, một mâm cỗ cúng ông Táo đã được đơn giản hóa khá nhiều, không bắt buộc phải đầy đủ tất cả các món như những mâm cỗ truyền thống. Sự thay đổi này chủ yếu do phụ thuộc phần lớn vào văn hóa vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế vũng như khẩu vị của mỗi gia đình.
Nếu gia đình nào không có quá nhiều điều kiện hay thời gian, chỉ cần làm một mâm cúng đơn giản với 3 món là được. Đặc biệt, mâm cúng ông Táo ở ba miền sẽ đều có những đặc trưng riêng, vì thế, bạn hãy quan sát xem ở quê hương mình mọi người bày trí như nào nhé!
Ngoài ra, nơi đặt mâm cỗ để cúng ông Táo cũng rất quan trọng. Chúng cần được đặt trang trọng tại vị trí bàn thờ gia tiên hoặc tại bàn thờ ông Táo riêng, để bày tỏ lòng thành kính của gia chủ.
Thời gian tốt để cúng ông Công ông Táo về trời
Theo các chuyên gia về phong thuỷ, lễ cúng ông Công ông Táo cần phải được thực hiện trước khi họ bay về trời để báo cáo với Ngọc hoàng, tức là trước 12h00 ngày 23 tháng Chạp.
Những điều cần kiêng kị khi cúng ông Công ông Táo
- Trước khi đọc văn khấn, bạn cần phải tắm rửa thật sạch sẽ, ăn mặc nghiêm túc, kín đáo, lịch sự, để thể hiện được sự tôn kính của gia chủ đối với các vị quan thần.
- Khi đọc văn khấn, người đọc phải đọc với thái độ nghiêm túc, thành tâm, to, rõ ràng và rành mạch.
- Gia chủ không nên cầu xin tài lộc, sung túc, mà chỉ nên xin các Táo báo cáo về những việc tốt đẹp trong năm.
- Tuyệt đối không được cúng sau 12 giờ 00 ngày 23 tháng chạp.
- Không được đặt mâm lễ/cúng ở dưới bếp khi cúng.
- Không được thả mạnh cá chép từ trên cao xuống.
Ngoài ra, việc chuẩn bị một mâm cơm cúng hay các vật lễ cúng, trái cây, rượu, trà,… cũng đều quan trọng không kém trong nghi thức tiễn ông Táo về trời.
Trên đây là một số thông tin về ông Công ông Táo là gì và những ý nghĩa xoay quanh việc ông Táo về trời, cùng một vài câu hỏi liên quan tới ông Táo bà Táo,… Mong rằng những thông tin trên đã giúp cho bạn có thêm thật nhiều kiến thức về các ngày lễ quan trọng trong năm. Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết của palada.vn, hãy thường xuyên ghé thăm website của chúng tôi để cập nhật được thêm nhiều thông tin giá trị khác nhé!