Với sự phong phú của mình, từ ngữ hiện nay được phân ra thành nhiều loại khác nhau đôi khi phải dựa vào quan hệ xã hội. Từ ngữ ở mỗi vùng có thể giống nhau về hình thức nhưng lại khác ý nghĩa khiến cho nhiều người rất khó để phân biệt được. Những từ như vậy được gọi là từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội. Vậy thì từ ngữ địa phương cùng với biệt ngữ xã hội là gì?
Tóm tắt
Từ ngữ địa phương là gì?
Khái niệm về từ ngữ địa phương
Từ ngữ toàn dân là những từ ngữ được sử dụng phổ biến, rộng rãi và thống nhất giữa mọi người trên toàn quốc. Từ ngữ địa phương là từ chỉ được dùng ở một số địa phương nhất định. Thậm chí nếu nói từ ngữ địa phương thì một số người ở tỉnh khác sẽ không thể nào hiểu được vì chúng không được sử dụng phổ biến rộng rãi như từ ngữ toàn dân.
Một số dạng từ ngữ địa phương
Từ ngữ địa phương có thể được chia theo vùng miền khác nhau như sau:
– Ở miền Bắc có các từ ngữ địa phương của Bắc Bộ như: u nghĩa là mẹ, thầy nghĩa là bố; giời nghĩa là trời…
– Ở miền Trung có các từ ngữ địa phương của Trung Bộ như: mô nghĩa là nào, chỗ nào; răng nghĩa là sao, thế nào; rứa nghĩa là thế…
– Tại miền Nam có một số từ ngữ địa phương của Nam Bộ như: heo nghĩa là lợn, ghe nghĩa là thuyền…
Có những dạng từ ngữ địa phương nào?
Trong một số trường hợp từ ngữ địa phương cũng có nghĩa tương ứng với từ ngữ toàn dân. Chẳng hạn như: mô tương đương với chỗ nào, tru là trâu, tô bằng bát to, cây viết là cây bút… Một số từ ngữ địa phương chỉ dùng để chỉ sự vật hay hiện tượng, sau một thời gian lại trở thành từ ngữ toàn dân.
Biệt ngữ xã hội là gì?
Khái niệm về biệt ngữ xã hội
Biệt ngữ xã hội là các từ ngữ được dùng để giao tiếp trong một tầng lớp xác định nào đó. Chỉ những ở cùng tầng lớp đó mới có thể hiểu đối phương đang nói gì.
Phân biệt giữa biệt ngữ xã hội và các từ ngữ nghề nghiệp
Đối với biệt ngữ xã hội người ta chỉ sử dụng chúng trong một tầng lớp nhất định. Đó có thể là tầng lớp học sinh, sinh viên hay có thể là tầng lớp phong kiến thời xưa…
Các từ ngữ thuộc về nghề nghiệp còn được gọi là các từ ngữ chuyên ngành. Chỉ một bộ phận những người làm trong cùng một nghề mới có thể sử dụng và hiểu chúng. Đó là những từ ngữ biểu thị một sản phẩm hay một công cụ hoặc quy trình sản xuất. Chúng đều có tính khác biệt. Mỗi nghề sẽ lại có những loại từ ngữ khác nhau.
Ví dụ về biệt ngữ xã hội
– Biệt ngữ của vua quan ở triều đình phong kiến xưa: khanh, trẫm, long thể, mặt rồng, ngự bút, ngự giá, long bào…
– Biệt ngữ của cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa: mình thánh, lòng lành, nữ tu, ông quản, cứu rỗi, ơn ích…
– Biệt ngữ của học sinh, sinh viên: gậy, trúng tủ, ngỗng, trượt vỏ chuối…
– Biệt ngữ của những người buôn bán (trong thời bao cấp): bắt mồi, dính, phảy, luộc, búa, nhẩu, nặng doa, ế vở, guồng, dầm, sôi me…
– Biệt ngữ của bọn lưu manh, trộm cắp ở thành phố (trong thời bao cấp): dạt vòm, chọi, choai, xế lô, bổ, đột vòm, rụng, táp lô, bè, đoa…
Cách dùng biệt ngữ xã hội, từ ngữ địa phương
Dù là từ ngữ địa phương hay là biệt ngữ xã hội thì đều chỉ có thể sử dụng trong một hoàn cảnh khá hẹp. Chúng không hề được sử dụng phổ biến nhiều như từ ngữ toàn dân. Vì vậy để tránh bị hiểu lầm hoặc đơn giản là gây khó hiểu cho người khác, chúng ta cần sử dụng một cách phù hợp.
Chỉ nên sử dụng biệt ngữ xã hội trong thơ văn trong những sáng tác văn học, giúp tăng tính biểu cảm. Không chỉ vậy còn thể hiện được hình ảnh một tầng lớp xã hội nhất định, làm nổi bật được tính cách của nhân vật trong đó.
Nếu có từ ngữ địa phương hay là biệt ngữ xã hội tại địa phương nơi bạn đang đến thì bạn nên sử dụng chúng để giao tiếp với họ như vậy sẽ tạo được sự thân mật, gần gũi. Bạn cần phải tìm hiểu kỹ về từ ngữ địa phương và từ ngữ toàn dân, như vậy mới có thể hiểu rõ và sử dụng chúng thật phù hợp với từng hoàn cảnh. Tránh tình trạng lạm dụng quá mức khi không thật sự cần thiết.
Trên đây là các kiến thức về từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội là gì. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn phân biệt được và sử dụng ngôn ngữ một cách phù hợp. Hãy tiếp tục đón đọc những bài viết bổ ích tiếp theo của chúng mình nhé.