Đối với chị em phụ nữ ngấp nghé độ tuổi 30, áp lực lớn nhất có lẽ đến từ các câu hỏi kiểu “Bao giờ lấy chồng”. Dù khó chịu những bạn cũng không nên bộc lộ ra bên ngoài mà hãy tìm cách để trả lời câu hỏi này một cách khôn khéo nhất, vừa được lòng người vừa thuận lòng ta. Dưới đây là một số cách trả lời thông minh và cực chất mà bạn có thể áp dụng.
Tóm tắt
Cách trả lời khi bị hỏi bao giờ lấy chồng, lấy vợ với các đối tượng người hỏi
Với hàng xóm, láng giềng – Nửa đùa nửa thật
Tình trạng đi làm xa về gặp hàng xóm hay người quen đã lâu không nói chuyện mà “bị hỏi” khi nào lấy chồng, lấy vợ, bạn đừng vội “xù lông” nếu còn đang “ế”, điều này khiến bạn mất điểm thanh lịch. Thay vì ngó lơ, câu trả lời “nửa đùa nửa thật” chắc chắn sẽ giúp bạn ghi điểm.
Bạn cũng có thể hỏi ngược lại rằng: “Bác có ai giới thiệu cho cháu không ạ?”. Câu trả lời trên khéo léo nhắc nhở người đó rằng bạn còn đang độc thân nên chưa thể kết hôn. Ngoài ra, biết đâu người đó sẽ giúp bạn tìm được nhân duyên của mình thì sao?
Thậm chí, bạn có trả lời lấp lửng rằng: “Bác chuẩn bị phong bì dự đám cưới cháu nhé. Cháu đã chọn được ngày cưới rồi, chỉ còn chọn năm và chú rể/cô dâu thích hợp nữa thôi”. Chắc hẳn nghe xong họ cũng biết bạn còn đang độc thân và không thắc mắc tiếp nữa đâu.
Với họ hàng – Đùa nghiêm túc
Thế nào là “đùa nghiêm túc”? Là bạn vẫn có thể nói những câu hài hước nhưng phải tỏ ra là mình đã trưởng thành. Thay vì “nửa đùa nửa thật” với họ hàng, bạn cần đưa ra lý do thuyết phục ví như phải tập trung sự nghiệp.
Có thể nói, họ hàng chính là đối tượng “đau đầu” nhất vì là người thân nên rất hay quan tâm đến vấn đề của bạn. Nếu không có câu trả lời thích đáng, họ sẽ hỏi bạn bằng được mới thôi. Nên hãy chia sẻ chân thành, ngắn gọn tình hình hiện tại và quan điểm của bạn để họ có thể hiểu và thông cảm.
“Bởi vì cháu đang muốn ổn định sự nghiệp. Thất tình không đáng sợ, thất nghiệp mới đáng sợ”. Đây là câu trả lời mà bạn nên thử.
Nếu là bố mẹ hỏi, bạn có thể thoải mái trả lời hài hước. “Ngày xưa bố mẹ bảo có chó mới lấy con nên mọi người sợ không dám yêu nữa rồi!” hay “Con đang chờ một người tốt giống như bố”, “Mẹ ơi con muốn cưới chị này, chị hơn con 15 tuổi.”…đều là những câu trả lời hợp lý để ứng phó với bố mẹ.
Với bạn “xã giao” – Trả lời chung chung
Với những người bạn xã giao trong công việc hay thậm chí chỉ là người quen qua đường, câu hỏi “bao giờ lấy chồng” của họ với bạn đa phần mang tính chất xã giao. Vì thế câu trả lời “duyên chưa tới”, “chưa sẵn sàng lập gia đình”, “muốn tập trung cho sự nghiệp”,…là sự lựa chọn hoàn hảo. Ngoài ra, bạn có thể đặt câu hỏi ngược lại: “lấy chồng có vui không?”, “lấy chồng làm gì”…
Dù trong tình huống nào thì hãy ghi nhớ, đừng dại dột mà tỏ ra quá cợt nhả hay cau có, khó chịu. Điều này có thể làm hủy hoại mối quan hệ của bạn.
Cách trả lời “khi nào lấy chồng, lấy vợ” thông minh, cực chất
Bẻ lái ngay lập tức
Chuyển hướng câu chuyện sang một chủ đề khác là kế thông minh nhất để “lái” sự quan tâm của mọi người đi. Hãy chuyển sự chú ý về chính người vừa “hỏi thăm” bạn, về một chủ đề hot thời gian gần đây, những sở thích chung của cả nhóm, hoặc về chính họ,… với mẫu câu:
“Cám ơn các bạn đã quan tâm nha. Mà nhắc mới nhớ, thế bạn có người yêu chưa ta?”
“Con bà nhiêu tuổi rồi ta?”
“Tui nhớ hôm trước bà vừa nhận nuôi một em mèo Anh lông ngắn phải không? Giờ em nó sao rồi?”
Bẻ lái ngay lập tức
Đáp trả thâm thuý bằng câu đùa giỡn
Nếu bạn cảm thấy thật phiền phức với câu hỏi thăm về vấn đề chồng con thì có thể nhẹ nhàng “thả” một câu đùa thâm thuý. Đôi khi sự hài hước của bạn sẽ khiến đối phương nhận ra câu hỏi của mình thật “kém duyên” và ngừng luôn ý định đào sâu câu chuyện thêm nữa.
“Yêu đương là do duyên số mà. Trời mới biết chứ làm sao em biết được…”
“Con cũng đang ráng lắm nè!”
“Để coi…Mai nhé?”
“Khi nào có tao sẽ báo, cứ yên tâm.”
“Năng suất lắm thì cũng phải 9 tháng nữa mới được bế cháu à nha.”
Ngắn gọn, thẳng thắn rằng bạn cũng không biết
Một câu “chốt hạ” ngắn gọn, không né tránh vấn đề nhưng cũng không gợi mở gì thêm có thể “dập tắt” hứng thú của người hỏi. Ví dụ:
“Câu hỏi hay ghê. Ước gì tôi biết câu trả lời.”
“Khi nào có thì có thôi.”
“Cũng đang tính nè mà tính vẫn chưa ra.”
“Vụ này thì hơi bị tốn thời gian nhé. Tui cũng mong là có sớm.”
Thật lòng chia sẻ hoàn cảnh cá nhân
Nếu bạn sẵn sàng chia sẻ, hãy thoải mái nói về lý do bạn chưa lấy chồng. Dù là những lý do chủ quan như vẫn muốn tự do, không vướng bận,… hay những lý do khách quan như kinh tế chưa ổn định, vấn đề sức khỏe,… thì đó vẫn là quyết định vô cùng chính đáng. Đây không phải là điều gì cấm kỵ hay đáng để xấu hổ cả.
Khi chia sẻ thành thật với những người thân thiết, đáng tin, quan tâm chân thành, bạn sẽ không phải nhận lại sự tọc mạch, kỳ thị hoặc sự dạy dỗ. Ngược lại, họ sẽ ủng hộ bạn về mặt tinh thần bạn có thể để xây dựng và hoàn thiện một gia đình của riêng trong tương lai.
Giữ im lặng, đi chỗ khác
Một lý do rời đi thật lịch sự ngay khi chủ đề “giục cưới” vừa chớm bắt đầu cũng sẽ khiến đối phương hiểu rằng bạn không muốn trả lời câu hỏi này. Chẳng hạn như:
“Mình đang dở chút việc, sớm hẹn gặp lại bạn nhé.”
Những câu hỏi thăm về chủ đề chồng con như một vòng lặp không hồi kết. Nó sẽ mãi tiếp tục cho đến khi bạn lập gia đình. Thay vì khó chịu với những câu hỏi như vậy, bạn hãy biến nó thành niềm vui, sự hài hước để đối đáp sao cho khéo léo nhất. Đừng để mất lòng mọi người nhé!