Giá cát lợn trên thị trường hiện nay đã trở nên đắt một cách phi lý. Vậy thực sự cát lợn chữa bệnh gì mà lại có giá cao như vậy? Hãy cùng tìm hiểu cát lợn là gì và tại sao giá lại đến hàng tỷ đồng trong bài viết dưới đây nhé.
Cát lợn là gì?
Cục cát lợn còn gọi là trư cát, trư sa hay trứng vàng, là một loại sỏi mật lành tính được tích tụ theo thời gian trong cơ thể con lợn, được dân gian đánh giá là có giá trị lớn đối với y học.
Cát lợn được tích tụ theo thời gian, thường gặp ở lợn nái sinh sản lâu năm, có khối lượng khoảng vài trăm gram, có vị ngọt, tính mát, để khô có mùi giống thảo mộc (thuốc bắc).
Cát lợn có tác dụng gì?
Cát lợn dùng để làm gì? Nhiều người cho rằng, “cát lợn” vô cùng quý hiếm nên được dùng để làm thuốc chữa bệnh và những công dụng của nó thậm chí có thể “cải tử hoàn sinh”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về Đông y thì chúng ta không sử dụng bất cứ vị thuốc nào từ dạ dày của lợn. Do đó, thông tin cát lợn là thuốc quý có giá trị đến hàng tỷ đồng rất có thể chỉ là tin đồn.
Các chuyên gia về Đông y cũng cho biết, người xưa chỉ sử dụng sỏi mật của trâu và bò để làm thuốc trị đột quỵ ở người, có tên là ngưu hoàng – đây là một vị thuốc quý, đắt tiền. Riêng lợn, người ta không sử dụng sỏi mật của chúng để làm thuốc.
Cát lợn giá bao nhiêu?
Có nhiều thông tin cho rằng, cát lợn có nhiều giá trị trong chữa bệnh nên có giá thành cao, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu hay đánh giá cụ thể nào về những giá trị y học cũng như kinh tế mà cát lợn mang lại.
Vào tháng 10 năm 2015, truyền thông Trung Quốc đưa tin, Huang Wuzhi (ở Phúc Kiến) sau khi mổ thịt con lợn nái 5 năm tuổi đã phát hiện một vật có hình quả trứng màu vàng nhạt, xung quanh mọc toàn lông.
Quả trứng này sau đó được người dân địa phương gọi là “zhusha” – có nghĩa là “cát lợn”. Người dân ở đây cho rằng cát lợn là một loại sỏi mật quý ở lợn có giá bán lên tới 35 triệu đồng/gram. Như vậy, với vật hình quả trứng nặng 620gram, Huang Wuzhi có thể bán được 21 tỷ đồng.
Cát lợn có giá trị không?
Trước thông tin về cát lợn, bác sĩ Văn Công Viên đang là Phó khoa Khám bệnh của Bệnh viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, trong Đông Y không hề có định nghĩa nào về “cát lợn” hay “trư sa”. Đông Y cũng không sử dụng bất kỳ vật gì trong dạ dày của lợn làm thuốc.
Bác sĩ Viên cho biết thêm, theo các tài liệu y học thì chỉ có sỏi mật của loài trâu, bò (ngưu hoàng), sỏi mật của loài ngựa (mã bảo) hay sỏi mật của loài chó (cẩu bảo) mới được dùng để điều chế các vị thuốc có tác dụng thanh tâm, giải nhiệt, lợi đàm, trị co giật, khai khiếu, giải độc,…
Các loại sỏi mật nói trên được hình thành trong quá trình cặn lắng của canxi trong các túi mật. Còn “trư sa” trong dạ dày lợn thật ra là những chất cặn bã không thể tiêu hóa được, cũng không thể tống ra ngoài theo đường ruột, nên theo thời gian chúng bị đọng, xoắn lại thành một cục.
Theo bác sĩ Viên, vật thể này thường xuất hiện ở lợn nái nuôi lâu năm, bởi lợn nái thường ăn tạp để nuôi con nên nó có thể nuốt luôn cả các loại lông, tóc vào trong dạ dày. Về mùi hương của cục cát lợn khi đem phơi, bác sĩ Viên cho rằng, đó có thể chỉ là mùi hương của các loại rau lá, dây khoai lang,… bị quấn vào những sợi lông, tóc nói trên.
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Quốc Bình – hiện đang là Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, trong Đông Y không có vị thuốc nào được gọi là “cát lợn” hay lấy từ dạ dày lợn để chữa bệnh. Người dân không nên tin vào những thông tin thổi phồng, không hề có căn cứ như vậy.
Theo các lương y, nhiều người bệnh rất dễ bị “tiền mất, tật mang” nếu không tỉnh táo trước những thông tin đồn thổi, không hề có cơ sở khoa học. Người bệnh cần đến bệnh viện hay các cơ sở y tế đã được cấp phép và khám chữa bệnh bằng những phương pháp khoa học.
Trên đây là những thông tin giới thiệu cát lợn là gì, giá cát lợn trên thị trường tại sao lại đến hàng tỷ đồng. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho độc giả một số thông tin bổ ích, chúc các bạn luôn tỉnh táo trước những tin đồn vô căn cứ để không bị “tiền mất, tật mang”.