Người cố chấp trong tình yêu thường sẽ làm cho đối phương cảm thấy khó chịu và gây ra nhiều mâu thuẫn. Hãy cùng Palada.vn tìm hiểu cố chấp là gì và biểu hiện của sự cố chấp trong tình yêu cũng như cách đối phó với những đối tượng này như thế nào nhé.
Tóm tắt
Cố chấp là gì?
Cố chấp có thể được hiểu là một người cứ một mực giữ nguyên ý kiến theo những quan niệm cứng nhắc sẵn có hoặc một người hay để ý đến những sơ suất của người khác đến mức có định kiến.
Do đó, người có hành động cố chấp thường được mọi người nhìn nhận với thái độ không mấy tích cực, thậm chí là gây bất bình cho những người xung quanh. Tuy đây là một tính xấu, nhưng hầu hết mọi người có lẽ ai cũng từng mắc phải ít nhất một lần, dù là vô tình hay cố ý.
Xét về mặt tâm lý thì sự cố chấp là một trong những biểu hiện rõ nét của sự ích kỷ, độc đoán và gia trưởng. Trong môi trường tập thể, người cố chấp về lâu dài sẽ thường bị số đông xa lánh.
Nếu người lãnh đạo cố chấp, nhân viên dưới quyền thường không phục và người lãnh đạo đó sẽ bị chỉ trích là độc đoán, chuyên quyền.
Trong mối quan hệ gia đình, cố chấp chính là biểu hiện của sự gia trưởng, không tôn trọng bạn đời của mình.
Những biểu hiện của sự cố chấp trong tình yêu
Như đã giải thích cố chấp nghĩa là gì bên trên thì chúng ta đã phần nào hiểu được về sự cố chấp trong tình yêu. Vậy thì hãy tiếp tục khám phá biểu hiện của người cố chấp để biết bạn đời và bản thân mình có thuộc kiểu người độc hại này không nhé.
Người cố chấp trong tình yêu không chịu lắng nghe, phản đối với thái độ cực đoan ngay cả khi đối phương đang muốn phân tích, giải thích vấn đề với thái độ tích cực.
Những người này thường có tính cách nhạy cảm, dễ cáu giận. Họ hay tự ái, tủi thân mỗi khi ý kiến bản thân không được ai đồng ý, nhất là với người yêu hay bạn đời. Mục đích họ cố chấp để làm gì? Chính là để mọi người phải làm theo ý kiến của mình dù có không hợp lý đến đâu.
Người cố chấp không bao giờ nhận sai, ngại nói lời xin lỗi vì trong thâm tâm họ cho rằng mình có lý. Nhất là với người yêu, họ cho rằng người kia có nghĩa vụ phải dỗ dành, yêu thương, quan tâm họ vô điều kiện.
Họ áp dụng máy móc cụm từ chính kiến, cho rằng nếu ai không có lập trường, quan điểm riêng thì sẽ thành người ba phải. Từ đó mà người cố chấp sẽ luôn giữ vững cái chính kiến của họ bất kể đúng sai.
Người cố chấp trong tình yêu thường hay mù quáng. Họ luôn tin, bảo vệ mình người yêu thương bất kể đúng sai. Chính vì thường để tình cảm lấn át đi lý trí, dẫn đến việc họ tự lừa dối bản thân để biến mình thành người cố chấp, không nghe theo góp ý sáng suốt của người ngoài cuộc.
Những người có tính sĩ diện cao cũng có thể rất cố chấp. Có thể họ biết mình sai, nhưng tính họ sợ bị “quê”, sợ xấu hổ nhất nên đành phải sống chết bảo vệ ý kiến bản thân. Điều này dẫn đến việc người cố chấp cãi cùn, cãi bất chấp lý lẽ ngay cả khi thấy người yêu của mình nói đúng.
Cuối cùng, biểu hiện của sự cố chấp trong tình yêu là thường có định kiến quá mức và tiêu cực. Ví dụ như việc nhiều phụ nữ cho rằng việc đàn ông tiết kiệm trong khi đi hẹn hò, không chu cấp cho bạn gái là biểu hiện của sự keo kiệt, không có tình yêu. Họ không cần xét đến những yếu tố xung quanh như điều kiện kinh tế của người đàn ông, chi phí hẹn hò anh ta bỏ ra là bao nhiêu so với thu nhập…
Cách đối phó với người cố chấp trong tình yêu
Có thể nói là người cố chấp sẽ gây ra nhiều rắc rối trong tình yêu. Thế nhưng nếu chẳng may bạn đã quá yêu người đó, thì làm thế nào để giao tiếp hiệu quả và ít bị ức chế bởi sự cố chấp của họ? Nếu bạn muốn hạnh phúc hơn trong mối quan hệ với người cố chấp thì hãy tham khảo một số cách dưới đây.
Hãy nói cụ thể suy nghĩ của bạn
Hãy nói thật cụ thể về những gì đang xảy ra khiến bạn khó chịu. Sử dụng các từ cụ thể cùng sự kiện chính xác đã xảy ra khi muốn bày tỏ cảm xúc của bạn. Đừng phóng đại cũng đừng diễn giải vì chúng làm gia tăng tính cố chấp của người kia.
Nói về bản thân bạn
Hãy nói với họ rằng bạn cảm thấy thế nào chứ không chỉ trích. Ví dụ như: “Em thấy anh làm như vậy là không hợp lý bởi vì…”. Giữ cuộc trò chuyện dựa trên những điểm không thể thương lượng, không thể chối cãi cũng như điều chỉnh vấn đề từ kinh nghiệm trước đây của bạn.
Đừng phản ánh lại thái độ của người cố chấp
Giữ giọng nói của bạn thật đều và ổn định. Rất khó để giữ bình tĩnh khi chúng ta cảm thấy mình bị tấn công một cách phi lý, nhưng điều tối quan trọng là không nên đáp trả cơn giận dữ của người kia bằng sự tức giận lớn hơn. Sự tức giận cộng hưởng sẽ chỉ tạo ra một quả cầu lửa củng cố quan điểm của người cố chấp chống lại bạn. Sự tức giận của bạn càng khiến họ khẳng định rằng chính bạn phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra.
Thiết lập ranh giới
Đưa tay về phía người kia để ra hiệu bạn muốn dừng lại cuộc nói chuyện. Cử chỉ này tạo ra sự tách biệt và một thông điệp rằng hai bạn không thể tranh cãi theo cách đang diễn ra. Có thể kèm theo những lời nói điềm tĩnh như “vui lòng không sử dụng cách xưng hô đó với tôi”.
Lặp lại điều bản thân thật sự muốn chia sẻ
Khi người cố chấp đang muốn chuyển cuộc trò chuyện sang các chủ đề thường là nhắm vào bạn, hãy lặp lại những từ bạn đã bắt đầu chia sẻ trước đó, thật bình tĩnh như “em không thoải mái khi anh lại nói điều này…”, lại lặp lại nếu người kia tiếp tục chuyển chủ đề.
Nếu bạn tự bảo vệ cho những lời chỉ trích của họ thì bạn đã rơi vào bẫy. Cho dù cảm giác đó có khó khăn đến đâu, hãy bỏ qua những gì đang xảy ra với bạn và quay lại trải nghiệm mà bạn đang cố gắng chia sẻ ở phần đầu của hướng dẫn. Trong trường hợp mọi chuyện có vẻ tệ đi thì bạn có thể rút lui, đi làm công việc khác.
Chia sẻ với người cố chấp đúng thời điểm
Khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, trong khoảnh khắc gần gũi nào đó, hãy chia sẻ trải nghiệm của bạn về tính cố chấp của họ. Nhưng đừng làm cho họ trở nên cố chấp mà hãy nói về việc muốn gần gũi và thân mật hơn với họ.
Quan trọng nhất là hãy cho đối tác của bạn biết rằng ngay cả khi bạn đang cảm thấy buồn vì những lời họ đã nói thì bạn vẫn yêu thương và tôn trọng họ.
Ấu trĩ là gì? Tính cách, biểu hiện của người có suy nghĩ ấu trĩ
Phân biệt bảo thủ và cố chấp
Bảo thủ và cố chấp là hai khái niệm thường bị nhầm lẫn với nhau, chính vì vậy chúng tôi sẽ chia sẻ cách phân biệt chúng. Cụ thể thì hai từ này có điểm giống và khác nhau như sau:
– Cố chấp: “cố” là bền, chắc, vững, không có sự biến động (như cố định, kiên cố); “chấp” là cầm, nắm, giữ (như là chấp pháp, tranh chấp). Vậy thì “cố chấp” chính là giữ vững ý kiến mình không chịu thay đổi.
– Bảo thủ: “bảo” là giữ gìn (như là bảo hộ, bảo vệ); “thủ” cũng là giữ, coi, trông giữ, trông coi, giữ cho khỏi bị mất (như là phòng thủ, thủ thành, thủ tiết). “Bảo thủ” nghĩa là giữ gìn, giữ cái gì đó cho khỏi mất đi.
Như vậy có thể thấy là “cố chấp” thường được dùng để chỉ thái độ khăng khăng giữ ý kiến của mình một cách cứng nhắc, nhất định không chịu thay đổi. Còn “bảo thủ” mặc dù cũng gần nghĩa với “cố chấp” thế nhưng từ này thường được dùng để chỉ việc khư khư giữ lối suy nghĩ cũ, giữ nguyên lối cũ, không chịu thay đổi, không chịu cải tiến, không hề muốn đổi mới.
Với bài viết vừa rồi hi vọng các bạn đã hiểu được cố chấp là gì và biểu hiện của sự cố chấp trong tình yêu cũng như cách đối phó nếu chẳng may yêu một người cố chấp. Chúc các bạn áp dụng thành công và có một mối quan hệ lành mạnh.