Đạo văn là một hình thức lợi dụng, ăn cắp chất xám của người khác. Trong xã hội thông tin mở hiện nay, việc đạo văn ngày càng trở nên dễ dàng bắt gặp hơn. Vậy đạo văn là gì? Làm cách nào để tránh đạo văn? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây nhé.
Tóm tắt
Tìm hiểu khái niệm đạo văn là gì?
Đạo văn được định nghĩa là việc sử dụng một ý tưởng, cách diễn đạt, từ ngữ, hình ảnh hoặc ý tưởng của một người khác đã được công bố trước đó như là sáng tạo của bản thân mình. Nó cũng có thể được coi là hành vi trộm cắp và vi phạm bản quyền.
Không chỉ sao chép nguyên văn mới được coi là đạo văn, các hành vi sau cũng có thể bị quy vào hành vi đạo văn:
- Trích dẫn nghiên cứu của người khác hoặc dữ liệu đã xuất bản mà không chú thích cuối trang.
- Sử dụng phương pháp nghiên cứu của người khác và đưa ra quan điểm giống như người khác mà không ghi chú tác giả.
- Xuất bản tác phẩm được tạo ra với sự hợp tác của người khác như tác phẩm của chính mình mà không được phép của đồng tác giả.
- Sử dụng tác phẩm trong triển lãm, quay phim và làm phim mà không được sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền đều là hành vi đạo văn.
Hậu quả của đạo văn là gì?
Đạo văn có thể đem lại những hậu quả nghiêm trọng vì nó là hành vi ăn cắp chất xám, phủ nhận thành quả lao động của người khác. Nếu một nhà nghiên cứu khoa học bị phát hiện có hành vi đạo văn, họ sẽ bị xử lý như sau:
- Bị huỷ đề tài, tác phẩm nghiên cứu khoa học, thậm chí có thể bị cấm nộp các đề tài nghiên cứu trong một thời gian.
- Có thể bị cấm xin tài trợ cho các công trình nghiên cứu sau này.
- Bị giáng chức, kỷ luật, sa thải hay thậm chí là huỷ bỏ bằng cấp.
Việc xử lý đạo văn sẽ dựa theo mức độ nghiêm trọng trong từng trường hợp nhất định. Nếu như các hình thức đạo văn bị tác giả gốc kiện vì vi phạm bản quyền, người đạo văn cũng có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với sinh viên, học sinh, việc đạo văn cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Những bài luận đạo văn có thể bị huỷ điểm, học sinh, sinh viên bị kỷ luật thậm chí đình chỉ, đuổi học.
Các hình thức phổ biến của đạo văn là gì?
Đạo văn có nhiều hình thức khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu những hình thức này ngay sau đây để tránh bị rơi vào tình trạng vô tình “đạo văn” khi sáng tạo nội dung nhé.
Đạo văn hoàn toàn
Đạo văn hoàn toàn là việc ăn cắp cả một tác phẩm mà không hề có sự thay đổi bất cứ điều gì. Ví dụ, việc lấy toàn bộ bài nghiên cứu của một người sau đó thay tên mình vào tên tác giả. Đây là hình thức đạo văn nghiêm trọng và dễ dàng bị phát hiện nhất.
Đạo văn do không trích dẫn
Đây là một trong những lỗi mà bạn cần lưu ý để tránh vô tình đạo văn. Khi sử dụng lời nói, câu văn của người khác, bạn cần sử dụng trong dấu ngoặc kép và chú thích rõ nguồn của nó thì mới không vi phạm vào hành vi đạo văn.
- Khi trích dẫn câu nói của một người, cần ghi chú rõ tên.
- Khi trích dẫn lời văn xuất hiện trong bất kì tác phẩm, bài báo, tạp chí nào, cần ghi rõ tên của tác phẩm, tên tác giả, số trang, năm xuất bản…
- Khi trích dẫn nguồn, bạn phải trích chính xác, không được có sai sót nhầm lẫn, nếu không cũng sẽ bị quy vào hành vi đạo văn.
Tự đạo văn
Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói nhiều về hành vi “tự đạo văn”. Vậy tự đạo văn là gì? Tự đạo văn xảy ra khi bạn bán bản quyền tác phẩm của mình cho nhiều người khác nhau. Ví dụ bạn gửi bài báo cho 5 tạp chí khác nhau. Khi họ cùng đăng bài báo này, vấn đề về đạo văn và xung đột bản quyền sẽ xảy ra.
Đạo ý tưởng
Đạo ý tưởng là hành vi ăn cắp ý tưởng độc đáo của người khác, nhất là khi những ý tưởng này đã được đăng ký bản quyền. Ví dụ hình ảnh về ngôi trường phép thuật, cậu bé phù thuỷ là hình ảnh đã được tác giả của Harry Potter đăng ký bản quyền và trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Nếu như có người cũng viết một tác phẩm về ngôi trường phép thuật với cậu bé phù thuỷ như vậy cũng có thể coi là hành vi đạo văn.
Đạo văn kiểu chuyển ngữ
Nếu như bạn sử dụng tác phẩm, lời văn của một người thông qua hình thức dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không ghi nguồn và tự nhận đó là của mình, bạn cũng đã vi phạm hành vi đạo văn. Hơn nữa khi chuyển ngữ một tác phẩm nào đó và công khai nó, bạn cũng cần có sự đồng ý của tác giả. Nếu không đây sẽ là hành vi vi phạm bản quyền.
Làm thế nào để tránh đạo văn?
Đạo văn là một hành vi xấu, thậm chí nếu nghiêm trọng, nó có thể bị quy vào hành vi vi phạm pháp luật. Vậy làm thế nào để tránh được đạo văn?
Sử dụng trích dẫn
Trích dẫn là từ dùng để diễn tả hành động sao chép nguyên văn một đoạn văn bản rồi chèn vào bài viết của mình. Văn bản này phải được đặt trong dấu ngoặc kép và ghi đúng tên tác giả gốc. Bạn chỉ nên sử dụng trích dẫn khi cần thiết để nhấn mạnh một điểm hoặc minh họa một ví dụ cụ thể.
Khi bạn đưa một câu trích dẫn vào bài viết của mình, hãy đảm bảo rằng nội dung đó là bản gốc và được trích dẫn chính xác. Sử dụng dấu ngoặc kép trong nội dung và trích dẫn nguồn. Ngoài ra, nếu bạn trích dẫn một tác phẩm liên quan đến học thuật như báo cáo, nghiên cứu khoa học, hãy ghi rõ tên tác giả, ngày xuất bản.
Có nhiều kiểu trích dẫn khác nhau, nhưng kiểu phổ biến nhất là kiểu APA.
Sử dụng cách viết diễn giải
Diễn giải là cách viết lại văn bản của người khác bằng từ ngữ của bạn mà vẫn giữ nguyên nghĩa. Vì vậy, hãy sử dụng cách diễn giải khi bạn muốn tránh đạo văn. Với cách viết này, bạn cần đọc kỹ văn bản gốc, hiểu rõ ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt sau đó viết lại bằng lời văn của chính mình.
Tuy nhiên, khi bạn sử dụng những ý trong bài nghiên cứu, bài báo khoa học, bạn cũng phải đề cập đến nguồn, tác giả kể cả khi dùng cách viết diễn giải này.
Sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn
Các công cụ kiểm tra đạo văn đã ra đời để người ta có thể phát hiện ra những lỗi đạo văn, đồng thời cũng giúp những người sáng tạo nội dung tránh việc trùng lặp ý tưởng và cách diễn đạt. Vậy kiểm tra (check) đạo văn hay quét đạo văn là gì?
Xem thêm:
Kiểm tra đạo văn là hoạt động của các công cụ thông minh, quét văn bản của bạn, so sánh nó với cơ sở dữ liệu có sẵn, đồng thời đánh dấu những đoạn giống với các văn bản khác. Từ đó, nó tổng kết được chỉ số % độ sao chép trùng lặp, từ đó con người có thể đưa ra kết luận rằng văn bản có được tính là đạo văn hay không.
Trước khi xuất bản tác phẩm của mình, bạn nên sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn để tránh vô tình trùng lặp diễn đạt.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi đạo văn là gì và thông tin về vấn đề đạo văn. Hành vi đạo văn là một hành vi có thể đem đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, khi sáng tác, sáng tạo bất cứ nội dung gì, bạn cũng nên dựa vào bản thân mình chứ không nên tham khảo hay sao chép tác phẩm của người khác.