Dấu chấm lửng là một trong số các loại dấu câu mà chúng ta đã được học trong chương trình ngữ văn lớp 7. Nếu bạn đã lỡ quên dấu chấm lửng là gì, có tác dụng gì thì bài viết sau đây sẽ giúp bạn tổng hợp lại kiến thức về dấu chấm lửng, cùng theo dõi nhé!
Tóm tắt
Dấu chấm lửng là gì?
Dấu chấm lửng còn được gọi là dấu ba chấm (…) là một loại dấu câu thường xuất hiện ở giữa hoặc ở cuối các đoạn văn.
Công dụng của dấu chấm lửng
Dấu chấm lửng có tác dụng gì? Chức năng của dấu chấm lửng khi xuất hiện trong câu như sau:
- Thể hiện đoạn lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng
- Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng chưa thể liệt kê hết
- Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho những từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ, hài hước và châm biếm xuất hiện
- Là sự lắng đọng những cảm xúc không thể nói thành lời
- Biểu thị sự kéo dài âm thanh khi đặt sau từ ngữ tượng thanh
- Thể hiện sự ngại ngùng, ngạc nhiên, sửng sốt trước một điều gì đó
Khi gặp dấu chấm lửng trong văn bản, người đọc nên tạm thời dừng lại, đọc ngắt quãng để suy nghĩ về nội dung vừa đọc và tạo ra sự tương tác giữa tác giả và người đọc.
Dấu chấm lửng thường xuất hiện ở những vị trí có ý nghĩa quan trọng trong văn bản hoặc mục tiêu là để làm nổi bật một phần của câu hoặc để tạo sự kỳ vọng cho phần tiếp theo của bài viết.
Việc tạm dừng và ngắt quãng khi xuất hiện dấu chấm lửng giúp người đọc tạo ra một khoảng trống trong tâm trí, tạo điều kiện để họ tiếp thu và hiểu rõ hơn về thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.
Ví dụ về dấu chấm lửng
- Chưa diễn đạt hết ý:
“Anh ta bồi hồi mở cửa phòng, bước vào căn phòng rộng lớn…”
- Ngập ngừng, ngắt quãng:
“Nếu em còn đang phân vân về quyết định…, hãy dành thêm thời gian để suy nghĩ kỹ nhé.”
- Biểu hiện cảm xúc, châm biếm:
“Chúc mừng, bạn đã hoàn thành công việc này…còn nhanh hơn cả dự kiến!”
- Âm thanh kéo dài:
“Tiếng còi xe cấp cứu vang lên…, khiến cho không gian lặng đi.”
Bài tập về dấu chấm lửng
Bài 1: Dấu chấm lửng có tác dụng gì trong câu sau:
- a) – Lính đâu? Sao bay dám để tên kia chạy xồng xộc vào đây? Không còn phép tắc gì nữa à?
– Dạ, bẩm…
– Đuổi cổ nó ra!
(Phạm Duy Tốn)
- b) Ô hay, có điều gì bố con trong nhà chỉ bảo nhau chứ sao lại…
(Đào Vũ)
- c) Cơm, áo, vợ, con,… bó buộc y.
(Nam Cao)
Đáp án
Công dụng của dấu chấm lửng:
- Thể hiện đoạn lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.
- Thể hiện đoạn lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.
- Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự vẫn chưa liệt kê hết.
Bài 2: Tác dụng của dấu chấm lửng trong đoạn văn sau là gì?
Dân ca xứ Huế có sôi nổi, tươi vui, có buồn thương, bâng khuâng, có tiếc thương ai oán…
- Thể hiện người viết đang diễn đạt rất khó khăn
- Nói lên sự phân vân, ngập ngừng của người viết
- Nói lên sự bí từ, cạn vốn từ của người viết
- Tỏ ý còn nhiều cung bậc tình cảm chưa thể kể ra hết của dân ca xứ Huế
Đáp án: D
Bài 3: Dấu chấm lửng trong câu sau được dùng với dụng ý gì?
Và Điền rất phàn nàn cho những tâm hồn cằn cỗi như vợ Điền. Đối với thị, trăng chỉ là…đỡ tốn 2 xu dầu! ( Nam Cao)
- Tỏ ý hài hước
- Tỏ ý mỉa mai, chua chát
- Tỏ ý thông cảm
- Tỏ ý bực tức
Đáp án: B
Bài 4: Dấu chấm lửng trong câu văn sau có tác dụng gì?
Một người nhà quê, mình mẩy lấm láp bùn đất, tất tả xông vào thở không ra lời:
– Bẩm…quan lớn…đê vỡ mất rồi!” (Phạm Duy Tốn)
- Thể hiện sự ngập ngừng vì không muốn nói.
- Thể hiện lời nói ngập ngừng vì quá mệt. (1)
- Thể hiện lời nói ngập ngừng vì hốt hoảng. (2)
- Cả (1), (2) đều đúng.
Đáp án: D
Bài 5: Câu nói sau đây được diễn đạt bằng rất nhiều dấu chấm lửng. Em hãy cho biết, tác giả dùng nhiều dấu chấm lửng như vậy thể hiện điều gì?
“Không…ngô của con…con gieo…đấy ạ…Con có bao giờ…dám sang vườn nhà bên đâu? Con mà sang thì con Vện…nó cắn xổ ruột con ra!” (Nguyên Hồng)
- Thể hiện sự sợ hãi, cố thanh minh.
- Thể hiện sự vô lễ.
- Thể hiện sự thách thức.
- Thể hiện sự tranh luận.
Đáp án: A
Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu được dấu chấm lửng là gì, có tác dụng gì. Từ những công dụng kể trên của dấu chấm lửng, các bạn cần chú ý sử dụng cho đúng mục đích khi hành văn để đem lại hiệu quả cao nhất.