Nhận thức là một trong những quá trình quan trọng để cảm nhận thế giới xung quanh. Trong bài viết này, chúng mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu rõ hơn nhận thức là gì, một số quan điểm về nhận thức và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức. Hãy chú ý theo dõi nhé.
Tóm tắt
Nhận thức là gì?
Nhận thức là quá trình giúp cho chúng ta phản ánh lại bản thân các sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan tác động vào con người. Nhờ nhận thức mà con người có những xúc cảm, tình cảm, đặt ra mục đích và dựa vào đó mà hành động.
Như vậy, quá trình nhận thức là xuất phát từ hành động và làm tiền đề cho các quá trình tâm lý khác. Đồng thời tính chân thực của quá trình nhận thức cũng sẽ được kiểm nghiệm qua hành động: hành động có kết quả chứng tỏ chúng ta đã phản ánh đúng hành động, không có kết quả chứng tỏ là ta phản ánh sai.
Quá trình nhận thức diễn ra phức tạp gồm có hai giai đoạn là nhận thức cảm tính, nhận thức lý tính, ngoài hai giai đoạn này thì quá trình nhận thức còn có một giai đoạn nhỏ nữa, đó là khi nhận thức trở về thực tiễn, đây là lúc tri thức đó được đem ra kiểm nghiệm xem đúng hay sai. Cụ thể hai giai đoạn nhận thức này như sau:
– Nhận thức cảm tính là gì? Nhận thức cảm tính chính là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức. Đó là giai đoạn mà con người sử dụng các giác quan vốn có để tác động vào sự vật nhằm nắm bắt sự vật ấy. Nó phản ánh trực tiếp đối tượng nhận thức bằng các giác quan của chủ thể nhận thức. Tuy nhiên nhận thức cảm tính có hạn chế là chưa khẳng định được những mối liên hệ bản chất bên trong của sự vật.
– Nhận thức lý tính là giai đoạn phản ánh theo cách gián tiếp trừu tượng, khái quát lại sự vật, được thể hiện qua các hình thức như phán đoán, suy luận. Đây là quá trình nhận thức gián tiếp, nó đi sâu vào bản chất của sự vật và hiện tượng được nhận thức.
Hai giai đoạn của nhận thức là nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Từ nhận thức cảm tính mới có nhận thức lý tính và nhận thức lý tính cho thấy bản chất của sự vật được nhận thức.
Một số quan điểm về nhận thức
Quan điểm duy tâm
Những người theo chủ nghĩa duy tâm không thừa nhận thế giới vật chất tồn tại độc lập với ý thức, do đó không thừa nhận nhận thức chính là sự phản ánh hiện thực khách quan.
– Quan điểm duy tâm chủ quan cho rằng tất cả mọi cái đang tồn tại đều là phức hợp của những cảm giác của con người. Do đó, nhận thức chẳng qua là sự nhận thức cảm giác, biểu tượng của con người.
– Quan điểm duy tâm khách quan không phủ nhận khả năng nhận thức thế giới, song họ coi nhận thức cũng không hoàn toàn là sự phản ánh hiện thực khách quan mà chỉ là một sự tự nhận của ý niệm và tư tưởng tồn tại ở đâu đó ngoài con người.
Quan điểm duy vật siêu hình
Chủ nghĩa duy vật siêu hình có thừa nhận con người có khả năng nhận thức thế giới này và coi nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan bộ óc người. Tuy nhiên, do hạn chế bởi tính siêu hình và trực quan nên chủ nghĩa duy vật trước Mác đã không giải quyết được một cách thực sự khoa học những vấn đề lý luận nhận thức.
Phân tích về vai trò của thực tiễn đối với nhận thức
Thực tiễn là nguồn gốc và là cơ sở của nhận thức
Thông qua hoạt động thực tiễn, con người có thể nhận biết được cấu trúc; tính chất và các mối quan hệ giữa các đối tượng hình thành tri thức về đối tượng. Hoạt động thực tiễn bổ sung cùng với đó điều chỉnh những tri thức đã được khái quát. Thực tiễn đề ra nhu cầu, nhiệm vụ, cách thức cũng như là khuynh hướng vận động và phát triển của nhận thức.
Chính nhu cầu giải thích, nhận thức và cải tạo thế giới đã buộc con người tác động trực tiếp vào đối tượng bằng hoạt động thực tiễn của mình. Sự tác động đó đã làm cho các đối tượng được bộc lộ những thuộc tính, những mối liên hệ và quan hệ khác nhau giữa chúng đem lại cho con người những tri thức, giúp cho nhận thức được các quy luật vận động và phát triển của thế giới.
Thực tiễn chính là động lực của nhận thức
Hoạt động thực tiễn góp phần hoàn thiện cho các giác quan, tạo ra khả năng phản ánh nhạy bén, chính xác, nhanh hơn; tạo ra các công cụ và phương tiện để tăng năng lực phản ánh của con người đối với tự nhiên. Những tri thức được áp dụng vào thực tiễn sẽ đem lại động lực kích thích quá trình nhận thức tiếp theo.
– Thực tiễn về sản xuất vật chất và cải biến thế giới đặt ra yêu cầu buộc con người phải nhận thức được về thế giới.
– Thực tiễn làm cho các giác quan và tư duy của con người phát triển và hoàn thiện, từ đó giúp con người nhận thức càng ngày càng sâu sắc hơn về thế giới.
Mục đích của nhận thức
Mục đích của việc nhận thức là giúp con người hoạt động thực tiễn nhằm cải biến thế giới. Nhận thức không chỉ dùng để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết mà còn đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực hoạt động đưa lại hiệu quả cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người. Thực tiễn luôn phải vận động, phát triển nhờ đó, thực tiễn thúc đẩy nhận thức vận động, phát triển theo nó. Thực tiễn đặt ra những vấn đề cho lý luận cần giải quyết.
Chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn, tri thức con người mới thể hiện được sức mạnh của mình, sự hiểu biết của con người mới có ý nghĩa. Bằng thực tiễn mà kiểm chứng được nhận thức đúng hay sai, khi nhận thức đúng thì nó sẽ phục vụ thực tiễn phát triển và ngược lại.
Vấn đề là gì? Các cách để giải quyết một vấn đề nhanh, hiệu quả
Thực tiễn chính là tiêu chuẩn chân lý
Bằng thực tiễn mà con người có thể kiểm chứng nhận thức đúng hay sai. Khi nhận thức đúng thì tức là nó phục vụ cho thực tiễn phát triển và ngược lại. Như vậy, thực tiễn là thước đo chính xác nhất để có thể kiểm tra tính đúng đắn của tri thức, xác nhận tri thức đó có đúng phải là chân lý hay không. Mác đã từng khẳng định: “Vấn đề tìm hiểu tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan hay không, hoàn toàn không phải là vấn đề lý luận mà nó là một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn con người càng phải chứng minh chân lý”.
Trên đây là những chia sẻ về nhận thức là gì, một số quan điểm về nhận thức và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức. Hi vọng rằng bài viết đã cung cấp cho các bạn thêm những thông tin hữu ích về vấn đề này. Nếu còn gì thắc mắc, các bạn hãy để lại bình luận bên dưới cho chúng mình nhé.