Chúng ta hẳn đã biết đến rất nhiều biện pháp tu từ quen thuộc như là ẩn dụ, nhân hóa, so sánh, hoán dụ, chơi chữ… Vậy hôm nay Palada.vn sẽ cùng các bạn tìm hiểu về một phép tu từ khác đó là phép nói quá. Biện pháp nói quá là gì? Nếu bạn đang nghĩ rằng nói quá chẳng khác nào bốc phét, chém gió thì sau khi xem xong bài viết dưới đây bạn sẽ có thể tự rút ra được kết luận cho mình.
Tóm tắt
Nói quá là gì?
Nói quá là cách nói nhằm phóng đại quy mô, mức độ hay tính chất của sự vật, sự việc hiện tượng có thật trong thực tế. Cần phân biệt việc nói quá khác hoàn toàn với nói dối. Nói quá chỉ giúp phóng đại sự việc ở một quy mô, mức độ lớn hơn nhưng vẫn đúng với thực tế còn nói dối là đưa ra một thông tin sai hoàn toàn với sự thật, sự việc.
Nói quá còn có thể gọi là cách nói thậm xưng, cường điệu hay phóng đại.
Ví dụ về nói quá
Đêm tháng năm chưa kịp nằm thì đã sáng,
Ngày tháng mười chưa kịp cười đã tối.
Câu ca dao trên nói về thời tiết của 2 mùa hè và mùa đông ở Việt Nam. Đây là một cách nói quá nhằm tăng sức biểu cảm đến với người đọc. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì câu ca dao này muốn nói đến việc đêm tháng năm trời sẽ nhanh sáng hơn so với các tháng khác và tháng mười thì trời mau tối hơn các tháng mùa hè.
Tác dụng của nói quá là gì?
Trong các tác phẩm văn thơ thì nói quá là một biện pháp tu từ thường xuyên được tác giả sử dụng với chức năng nhận thức, nói sâu thêm về bản chất đối tượng nhằm tăng sức biểu cảm, gây ấn tượng mạnh cho người đọc hoặc người nghe.
Nói quá trong văn chương không phải là việc nói sai sự thật, nói dối mà chỉ làm tăng tính chất, sức biểu cảm để gây ấn tượng cho người đọc mà thôi. Đôi khi, chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp cả những biện pháp tu từ khác như so sánh vào để câu văn thêm sinh động.
Trong giao tiếp thông thường, biện pháp tu từ nói quá cũng được mọi người sử dụng với chức năng làm nhấn mạnh bản chất đối tượng. Tuy nhiên tùy vào hoàn cảnh hay tình huống và đối tượng đang nói chuyện mà chúng ta nên áp dụng biện pháp nói quá một cách thích hợp để tránh gây nên những hiểu lầm không mong muốn.
Tình thái từ là gì? Ví dụ về tình thái từ trong ngữ văn lớp 8
Điểm khác nhau giữa nói quá và nói dối
Điểm giống nhau: Đều là cách nói phóng đại về quy mô, tính chất và mức độ của một sự vật, hiện tượng.
Điểm khác nhau: Mục đích của câu nói:
– Nói quá: có tác dụng gây ấn tượng, nhấn mạnh, tăng sức biểu cảm và sự việc được nói là hoàn toàn có thật.
– Nói dối: việc này để làm cho người nghe tin vào những điều không hề có thật, mục đích là để lừa dối người đó. Đây là một hành động có tác động rất tiêu cực.
Vậy nên bạn cần phải phân biệt rõ ràng giữa nói quá và nói dối tránh để nhầm lẫn khi sử dụng trong cuộc sống hàng ngày cũng như khi diễn đạt trong các bài tập môn Ngữ văn.
Bài tập ví dụ về nói quá
Bài tập 1: Tìm biện pháp tu từ nói quá và giải thích ý nghĩa của chúng trong các câu sau:
- a) Bàn tay ta có thể làm nên tất cả – Có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm
- b) Anh hãy yên tâm đi, vết thương này chỉ xước da thôi. Từ giờ đến sáng em còn có thể đi lên đến tận chân trời.
- c) Cái cụ bá thét ra ấy hôm nay không hiểu sao lại xử nhũn mời hắn vào nhà xơi nước.
Gợi ý trả lời:
Câu a)
Biện pháp nói quá đã được sử dụng là cụm từ “sỏi đá cũng thành cơm” có ý nghĩa là đặt niềm tin vào bàn tay chăm chỉ lao động. Mỗi người đều chỉ cần có sức khỏe, ý chí và niềm tin vào bản thân mình thì mọi việc đều có thể thành công. Thậm chí đến những thứ tưởng chừng rất vô lý như “sỏi đá” cũng có thể trở thành “cơm” ăn được.
Câu b)
Cụm từ “có thể đi lên đến tận trời được” được sử dụng biện pháp tu từ nói quá. Ý người nói muốn diễn đạt là vết thương mà họ vừa bị chẳng hề có nghĩa lý gì. Sức khỏe của họ vẫn rất tốt và có thể đi đến bất cứ nơi đâu nên “anh” không cần phải lo lắng cho họ.
Câu c)
Cụm từ sử dụng phép nói quá chính là “thét ra lửa” có ý muốn nói đến những người có quyền lực và địa vị trong xã hội, cụ thể ở đây chính là cụ bá. Còn bình thường những người thật sự thét ra lửa được thì chỉ có diễn viên xiếc mà thôi. Hoặc như boss ở hình ảnh dưới đây:
Đại từ là gì? Phân loại và cho ví dụ đại từ trong Tiếng Việt
Bài tập 2 (trang 102/SGK Ngữ văn lớp 8): Điền các thành ngữ cho dưới đây vào chỗ trống để tạo ra biện pháp tu từ nói quá: bầm gan tím ruột, ruột để ngoài da, chó ăn đá gà ăn sỏi, nở từng khúc ruột, vắt chân lên cổ.
Gợi ý trả lời:
- a) Ở nơi mà chó ăn đá gà ăn sỏi thế này, cỏ còn không mọc nổi nữa là đòi trồng rau, nuôi gà.
- b) Nhìn thấy những tội ác của giặc, ai ai cũng phải cảm thấy bầm gan tím ruột.
- c) Cô hàng xóm nhà tôi tính tình rất xởi lởi, ruột để ngoài da.
- d) Lời khen của thầy giáo làm cho nó như nở từng khúc ruột.
- e) Bọn giặc bị đánh úp bất ngờ, hoảng hồn vắt chân lên cổ mà chạy nhưng cũng quá muộn.
Bài tập 3: Đặt câu với các thành ngữ có sử dụng biện pháp nói quá sau đây: dời non lấp biển, lấp biển vá trời, nghiêng nước nghiêng thành, mình đồng da sắt, nghĩ nát óc.
Gợi ý trả lời:
* Giải thích ý nghĩa các thành ngữ này để dễ dàng đặt câu:
– Nghiêng nước nghiêng thành: Miêu tả vẻ đẹp khó có ai sánh bằng của người phụ nữ. Chủ yếu từ này được sử dụng trong văn chương. Ví dụ như trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ta bắt gặp thành ngữ này trong đoạn thơ sau:
“Làn thu thuỷ lại nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm còn liễu hờn kém xanh
Một hai đến nghiêng nước, nghiêng thành
Sắc đành đòi một và tài đành hoạ hai”
– Dời non lấp biển: Câu này muốn nói đến người mang sức mạnh phi thường lại có ý chí lớn lao.
– Lấp biển vá trời: Con người có sức mạnh và ý chí vĩ đại, phi thường.
– Mình đồng da sắt: Câu này miêu tả người đàn ông có thân thể cường tráng như sắt, như đồng. Nhờ đó mà anh ấy có thể chịu được mọi hiểm nguy.
– Nghĩ nát óc: Tình trạng mệt mỏi khi gặp phải một vấn đề nan giải cần suy nghĩ quá mức.
* Cách đặt câu theo từng thành ngữ đã cho:
– Điêu Thuyền mang một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành khiến nhiều vị anh hùng phải say đắm nàng.
Giải thích: Điêu Thuyền được coi là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thời phong kiến, 3 người còn lại gồm có Vương Chiêu Quân, Tây Thi và Dương Quý phi.
– Thanh niên tuổi 17 đúng vào độ tuổi có sức dời non lấp biển, không nên cả ngày ủ rũ như vậy.
– Chỉ cần có niềm tin vào bản thân thì ngay cả lấp biển vá trời mình tin là bạn cũng làm được.
– Thánh Gióng trong truyền thuyết là một vị anh hùng người mình đồng da sắt.
– Bài toán này thật sự khó quá, mình nghĩ nát óc từ hôm qua vẫn không thể nào giải được.
Với những kiến thức được Palada.vn trình bày ở trên, hy vọng đã giúp các bạn phần nào hiểu được nói quá là gì cũng như là tác dụng của biện pháp tu từ này. Chúc các bạn sẽ đạt kết quả cao trong tất cả các kỳ thi. Ngoài các kiến thức về học tập thì chúng mình vẫn còn rất nhiều bài viết thú vị khác, hãy theo dõi để không bỏ lỡ nhé.