Thời gian gần đây trên mạng xã hội, mỗi khi gửi lời chia buồn tới bạn bè có người thân vừa mới mất, nhiều người thường viết câu “Thành kính phân ưu!”; hay “Thành kính chia buồn!”. Ngoài đời, những dòng chữ này cũng được viết lên các dải băng gắn trên vòng hoa viếng người đã khuất. Vậy thành kính phân ưu là gì? Cách dùng chính xác của câu này là thế nào?
Tóm tắt
Thành kính phân ưu là gì?
“Phân ưu” hay 分憂 là từ Việt gốc Hán [分 nghĩa là chia; 憂 nghĩa là lo, buồn], có thể dịch là “chia buồn”. Dù vậy vẫn có sự khác nhau trong cách giải nghĩa từ vựng của những nhà biên soạn từ điển:
– Từ điển tiếng Việt (từ điển Vietlex) giải thích: phân ưu (分憂) nghĩa là trang trọng, được dùng để chia buồn với gia đình có tang.
Ví dụ: “Quan phủ và quan Bố xin cáo thoái về, sau khi đã có vài lời phân ưu theo thói quen” (Vũ Trọng Phụng).
– Từ điển từ và ngữ Việt Nam (của GS Nguyễn Lân): phân ưu nghĩa là chia buồn với gia đình mới có tang.
Tuy nhiên, “phân ưu” thật ra vốn không được dùng (và thực tế không chỉ được dùng) với nghĩa cụ thể là “chia buồn với gia đình có tang”:
– “Hán điển” (từ điển zidic.net) giải thích “phân ưu” 分憂 nghĩa là: “chia sẻ nỗi lo buồn với người khác, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, hoạn nạn”.
Vô tâm là gì? 6 biểu hiện nhận biết người vô tâm trong tình yêu
Cách dùng thành kính phân ưu
Vì từ “phân ưu” hay là “chia buồn” không chỉ dùng cho chuyện tang ma nên người ta vẫn nói xin chia buồn với gia đình ông (bà, anh, chị…) ngay cả trước một tai nạn, hay có sự tổn thất về tài sản nào đó. Bởi vậy trong Việt Nam tự điển (tác giả Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính) mới giải nghĩa “chia buồn” với ý nghĩa khái quát là: “Chịu một phần buồn với người có việc buồn”.
Xét về phương diện ngôn ngữ và đời sống, cách nói “Thành kính phân ưu” hay “Thành kính chia buồn”, theo chúng mình là không đúng. Ở đây dường như có sự nhầm lẫn giữa “thành kính” (nghĩa là thành tâm và kính cẩn) với từ “chân thành” (thành thật, xuất phát tự đáy lòng).
Người xưa đã có câu “tử giả vi thần” 死者為神 (dịch là người chết thành thần). Chữ “thần” ở đây không phải là thần thánh, thần phật mà chínhlà quỷ thần (tức hồn ma, linh hồn của người chết). Người chết đã hóa thành “ma” thì dù già trẻ thế nào đều được những “người trần mắt thịt” dùng chữ “kính”…
Có nên lạm dụng “thành kính phân ưu”?
Hiện nay rất nhiều người còn nhầm lẫn (thậm chí là đánh đồng) giữa “phân ưu” (nghĩ là “chia buồn”) với “viếng” hoặc “kính viếng”. Cho nên, nhiều nơi hai chữ “kính viếng” ở dải băng gắn trên vòng hoa viếng đám ma trước đây, đã bị thay bằng “thành kính phân ưu” hoặc là “thành kính chia buồn”. Nhưng “phân ưu”, hay “chia buồn” chính là sự chia sẻ đau thương, mất mát, an ủi, động viên dành cho người còn sống; còn vòng hoa là dùng để viếng người chết.
Đành rằng việc “phân ưu” hay “chia buồn” và “viếng”, “điếu tang” thường sẽ diễn ra cùng lúc. Khi đến “viếng” người chết hay có mặt trong đám tang của họ đã là một cách chia buồn với người thân còn sống. Ngược lại, nói lời “phân ưu”, “chia buồn” với người sống, cũng là để thể hiện lòng thương cảm đối với người chết. Tuy nhiên, khi nói và viết, tùy từng tình huống chúng ta cũng phải phân biệt rạch ròi “chia buồn” )tức là an ủi, chia sẻ nỗi đau với người sống) và “điếu”, “viếng” (bái lạy, dâng hương, thể hiện lòng thành kính và xót thương người đã chết). Ví dụ như Nhà nước Việt Nam gửi “Điện chia buồn” cho Nhà nước và nhân dân Cuba, còn gửi vòng hoa để viếng ông Fidel Castro, chứ không có chuyện ngược lại.
Có thể thấy tiếng Việt đã có từ “chia buồn” rất thông dụng, chính xác và dễ hiểu thì có nhất thiết cần phải dùng đến “phân ưu”, “thành kính phân ưu” để thay thế. Chúng ta đang dùng “viếng”, “kính viếng” chính xác, sao lại thay bằng “phân ưu”, “thành kính phân ưu” nghe vừa xa lạ, xã giao, lại khó hiểu thậm chí sai hoàn toàn về nghĩa? Nhiều người cho rằng dùng từ Hán Việt sẽ sang hơn bình thường chăng?
Trên đây là giải nghĩa thành kính phân ưu là gì cùng cách sử dụng chính xác nhất của từ này. Hi vọng bài viết đã cung cấp một kiến thức hữu ích với các bạn. Đừng quên tiếp tục theo dõi những nội dung mới nhất của chúng mình nhé.