Hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ thư pháp với mực tàu, giấy đỏ đã trở thành một nét đẹp truyền thống trong mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của phong tục xin chữ đầu năm trong bài viết sau đây nhé!
Tóm tắt
Nguồn gốc của phong tục xin chữ
Thời xưa, khi muốn xin chữ, mọi người thường phải soạn một lễ nhỏ gồm cau trầu, chè thuốc mang tới nhà thầy đồ. Các thầy đồ được chọn thường là người mang học vị Tú tài vua ban hoặc Nho sĩ hay chữ trong vùng. Thầy sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người xin chữ để cho chữ thích hợp.
Thầy đồ dùng cả Trí-Thần-Lực để viết chữ nên mỗi chữ viết ra đều là một tác phẩm thư pháp chứa đựng tâm huyết và trí tuệ. Người xin được chữ cũng như xin được may mắn, tài lộc, bình an trong năm mới. Dân gian còn truyền lại rằng, nếu ai không đi xin chữ nhưng lại được thầy đồ gọi vào cho chữ mới là người có “lộc chữ”, cả năm mới sẽ gặp nhiều điều tốt lành, vạn sự như ý.
Ngày nay, tục xin chữ đầu năm đã trở nên phổ biến hơn. Nhiều người thắc mắc xin chữ ông đồ ở đâu? Câu trả lời là, ở Hà Nội, bạn có thể tới Văn Miếu Quốc Tử Giám dịp Tết. Còn nếu bạn muốn xin chữ đầu năm ở Sài Gòn thì có thể tới phố ông đồ – Nhà văn hóa Thanh niên. Bên cạnh các ông đồ già học vấn uyên thâm, không thiếu những ông đồ trẻ với những nét chữ sáng tạo, bay bổng, mang hơi thở hiện đại. Không chỉ viết được chữ Hán, chữ Nôm, nhiều ông đồ còn viết được chữ Quốc ngữ theo lối thư pháp.
Mỗi khi cho chữ, các ông đồ sẽ giảng giải từng nét cho người xin chữ lĩnh hội được hết ý nghĩa sâu sắc, trọn vẹn của chữ. Ý nghĩa xin chữ đầu năm không chỉ dừng lại ở thú chơi chữ mà còn là một nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Xin chữ như thế nào?
Ngày nay, nhiều người có sở thích xin chữ thư pháp hợp tuổi, ví dụ tuổi Dần thì năm nay xin chữ gì tốt, tuổi Thân thì hợp với chữ gì… Tuy nhiên, quan niệm xin chữ đầu năm theo tuổi này mang đậm màu sắc mê tín, không phù hợp với việc xin chữ.
Tham khảo: Tết Hàn Thực là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa
Xin chữ nghĩa là gặp người “hay chữ” để xin theo mong ước, nguyện vọng trong năm mới (thi cử, công việc, tình duyên, sức khỏe, làm nhà, du học), sau đó người cho chữ sẽ viết tặng bạn chữ phù hợp nhất.
Những chữ Hán hay được xin thường khá quen thuộc như: Tâm, Phúc, Lộc, Thọ, Nhẫn… Trong khi có vô số chữ mới lạ, độc đáo, phù hợp với từng hoàn cảnh, nguyện vọng mà ông đồ có thể lựa chọn để viết tặng. Chữ Hán viết tay mang giá trị độc bản, vì vậy đã mất công đi xin chữ thì bạn nên xin các chữ độc đáo, không nên chung chung như các nhà khác.
Xin chữ ngày Tết là một phong tục bình dị nhưng ẩn chứa chiều sâu văn hóa, tư tưởng, không phù hợp với lối sống xô bồ, ồn ã. Nếu bạn muốn xin chữ để treo trong nhà lâu dài, hoành phi, câu đối thì nên tìm đến các nhà Nho uyên thâm hoặc các nhà thư pháp chuyên nghiệp để trọn vẹn cả hình thức lẫn ý nghĩa.
Ý nghĩa của những chữ được xin nhiều nhất
Xin chữ đầu năm nên xin chữ gì là thắc mắc của nhiều người. Tùy theo hoàn cảnh, lứa tuổi, nghề nghiệp, mong ước, mọi người có thể lựa chọn xin chữ khác nhau. Ví dụ, người kinh doanh buôn bán thường xin chữ Lộc, Tài, Phát, Tín. Người thi cử chọn chữ Thành, Đạt, Trí, Tài. Tặng người già, ta xin chữ Thọ. Tặng cha mẹ, ta xin chữ Hiếu. Tặng gia đình, ta xin chữ Phúc, An. Xin chữ cho con cái, ta chọn chữ Trí.
Các chữ được xin thường là chữ Nho mang nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc như:
- Chữ AN (安): Bao gồm bộ Miên (宀– mái nhà) và bộ Nữ (女– phụ nữ, con gái) ý chỉ trong nhà có người phụ nữ thì sẽ yên ấm. Chữ “An” chứa đựng nhiều ý nghĩa, mong ước về một cuộc sống an lành, an cư lập nghiệp, an toàn trong mọi việc, an lành trong tâm hồn…
- Chữ THÀNH (成): ngụ ý “Công thành danh toại”, làm chuyện gì cũng thành công
- Chữ PHÚ (富): Gồm bộ Miên (宀 – mái nhà), bộ Khẩu (口– miệng) để chỉ cuộc sống sung túc, no đủ
- Chữ ĐỨC (德): Đức trong đức độ, biểu trưng cho đạo đức, bản tính của con người. Người xin chữ “Đức” muốn răn dạy bản thân cần phải sống và làm việc theo đúng lương tâm để tâm hồn được thanh thản.
- Chữ CÁT (吉): Bao gồm chữ Sĩ (người có học thức) ghép với bộ Khẩu (miệng) – ý chỉ những lời kẻ sĩ nói ra đều là lời hay ý đẹp, với mong ước mọi sự đều tốt đẹp, như ý.
- Chữ ĐẠO (道): Đây là chữ mang tầm vóc lớn lao, được coi là lẽ phải, chân lý, luân thường đạo lý trong cuộc đời. Chính vì lẽ ấy, Lão Tử đã lựa chọn chữ Đạo để đặt tên cho Đạo giáo của mình.
- Chữ TÂM (心): Chữ Tâm hướng suy nghĩ của con người đến cái thiện, tu thân, dưỡng tính, làm nhiều điều tốt. Sống và làm việc theo cái “Tâm” sẽ nhận được thành công, hạnh phúc và sự kính trọng.
- Chữ HIẾU (孝): Được ghép từ chữ Tử (子 – con cái) và chữ Thổ (土 – đất), cùng với dấu / tượng trưng cho thanh kiếm. Ngụ ý, con cái chống kiếm đứng trông phần mộ của cha mẹ theo tục lệ để tang 3 năm của thời xưa. Do đó, chữ Hiếu thường thể hiện sự biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà.
- Chữ TÀI (才): Tài trong tài năng, ngụ ý đạt được công danh, đỗ đạt trong thi cử.
- Chữ NHẪN (忍): Bao gồm chữ Đao (刀 – con dao, cây đao) ở trên chữ Tâm (心 – trái tim, tâm trí), ý chỉ tinh thần bình tĩnh, chịu đựng, nhẫn nại, không được hành xử hấp tấp. Chữ “Nhẫn” hàm chứa ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Do đó, “Nhẫn” đứng đầu trên muôn hạnh, là phẩm chất cần thiết của con người, thể hiện tinh thần sẵn sàng đương đầu, âm thầm chuẩn bị để vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc đời.
Trên đây là những thông tin thú vị về phong tục xin chữ ngày Tết. Đây là một nét đẹp cần được gìn giữ trong cuộc sống hiện đại, du nhập nhiều nền văn hóa như hiện nay để “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua”.