Tết Hàn Thực là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Hàn thực

Hằng năm cứ đến ngày 3 tháng 3 âm lịch là mọi người lại nhớ đến Tết Hàn thực với những đĩa bánh trôi bánh chay thơm ngon. Nhưng không phải ai cũng hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa thực sự của ngày Tết Hàn thực là gì, hãy cùng khám phá trong bài viết sau đây nhé!

Tết Hàn Thực là gì?

Tết Hàn Thực là một ngày lễ diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Theo tiếng Hán, Hàn là lạnh, Thực là ăn, Tết Hàn Thực có nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh. Người dân Việt Nam, Trung Quốc và đồng bào Việt kiều, hoa Kiều hàng năm đều tổ chức kỷ niệm dịp lễ này. Tết Hàn thực 2021 rơi vào ngày 14 tháng 4 dương lịch.

Tết Hàn thực - ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm 
Tết Hàn thực – ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm

Xem thêm: Tết thanh minh là gì? Tết thanh minh 2021 ngày nào

Nguồn gốc

Tết Hàn thực bắt nguồn từ Trung Quốc về vị hiền sĩ Giới Tử Thôi thời Xuân Thu (770 – 221 TCN). Tương truyền, khi vua Tấn Văn Công gặp loạn phải bỏ quốc sống lưu vong tại nước Tề, nước Sở, vị trung thần Giới Tử Thôi luôn dốc lòng phò tá, thậm chí còn lén cắt miếng thịt đùi của mình để nấu dâng lên vua ăn khi lương thực cạn kiệt. Ông đã phò tá Tấn vương suốt 19 năm trời với biết bao khó khăn, hiểm nguy, nằm gai nếm mật cho đến ngày Tấn Văn Công giành lại ngôi vương. Tuy nhiên, lúc phong thưởng ban tước, Tấn vương lại vô tình quên mất Giới Tử Thôi.

Ông biết được nhưng không hề oán trách mà lẳng lặng về quê, đưa mẹ già vào núi Điền Sơn ở ẩn, sống bình yên qua ngày. Sau này khi Tấn Văn Công nhớ ra, bèn sai người quay lại tìm ông. Nhưng vì bản tính không màng danh vọng, ông nhất quyết không chịu quay về nhận thưởng. Tấn vương muốn thúc ép ông xuất hiện nên đã ra lệnh đốt rừng, không ngờ ông lại kiên định cùng mẹ chịu cảnh chết cháy.

Quá đau lòng, thương tiếc và hối hận vì hành động của mình, Tấn vương đã lập miếu thờ Giới Tử Thôi trên núi và đổi tên núi thành Giới Sơn. Sau đó, nhà vua đã hạ lệnh kiêng đốt lửa ba ngày (từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 3 âm lịch), chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn để tỏ lòng tưởng nhớ. Tết Hàn Thực cũng ra đời từ đó và lưu truyền đến ngày nay. 

Ý nghĩa của bánh trôi bánh chay trong Tết Hàn thực của người Việt

Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực ở Việt Nam lại mang sắc thái riêng, thể hiện tấm lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của ông bà, tổ tiên đã khuất.

Khác với Trung Quốc, vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường, thậm chí còn sáng tạo ra bánh trôi, bánh chay tượng trưng cho đồ ăn nguội – hàn thực. Nhắc đến Tết Hàn thực là nghĩ tới bánh trôi bánh chay. Tết Hàn thực cúng gì cũng không được thiếu hai món bánh này.

Bánh trôi bánh chay là món ăn đặc trưng của Tết Hàn thực
Bánh trôi bánh chay là món ăn đặc trưng của Tết Hàn thực

Hướng về cội nguồn

Ý nghĩa Tết Hàn thực của người Việt là hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Ví dụ, tục dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng vào ngày 6 tháng 3 ở Hà Tây. Hay lễ giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3, người Việt từ mọi miền đất nước về dâng hương và chuẩn bị những đĩa bánh trôi bánh chay để thờ cúng…

Truyền thống dân tộc

Bánh trôi bánh chay là món ăn đặc trưng của ngày lễ này, là một nét văn hóa truyền thống. Hai loại bánh đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, nhân đường đỏ, luộc trong nồi nước sôi, đến khi bánh nổi lên thì vớt ra. Còn bánh chay thì nặn hình tròn dẹt, không nhân, khi ăn đổ nước đường lên trên.

Ôn lại chuyện xưa

Đây là dịp người thân ngồi lại bên nhau cùng thưởng thức hương vị của bánh trôi, bánh chay và ôn lại chuyện cũ, những câu chuyện lịch sử xa xưa của dân tộc.

Thậm chí, có truyền thuyết kể rằng, nguồn gốc của hai loại bánh này liên quan đến sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra 50 người con lên rừng theo mẹ. Còn bánh chay tượng trưng cho 50 người con theo cha xuống biển.

Những điều kiêng kỵ

Kiêng cúng mâm cao cỗ đầy

Trong ngày này, mọi gia đình không cần phải chuẩn bị mâm cao cỗ đầy mà chỉ cần cúng bánh trôi, bánh chay đơn giản để dâng lên tổ tiên, thành tâm nguyện cầu gia đình bình an, hạnh phúc.

Tết Hàn thực giản dị với bánh trôi bánh chay
Tết Hàn thực giản dị với bánh trôi bánh chay

Kiêng chuyển nhà

Không nên chuyển nhà trong ngày này vì vong linh người đã khuất sẽ luôn theo ở bên cạnh người thân ở chốn trần gian. Việc chuyển nhà trong ngày này sẽ khiến vong linh bị xáo trộn.

Kiêng ăn mặn

Trong ngày 3 tháng 3, các gia đình nên ăn chay, tránh sát sinh, để linh hồn người đã mất sớm được siêu thoát.

Tết Hàn Thực có phải là tết Thanh Minh không?

Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa 2 ngày lễ này vì đây đều là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Tết Hàn thực tưởng nhớ ông bà tổ tiên
Tết Hàn thực tưởng nhớ ông bà tổ tiên

Tuy nhiên, Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch và thường chỉ kéo dài nhiều nhất là 1 tuần. Trong ngày này, mọi người thường nấu bánh trôi, bánh chay để dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên.

Còn Tết Thanh Minh thường bắt đầu từ khoảng ngày 4, 5 tháng 4 dương lịch, sau Lập Xuân 45 ngày, ngày đầu tiên của tiết khí Thanh Minh. Ngày này, các gia đình thường tụ họp với nhau cùng đi tảo mộ ông bà, tổ tiên, để thể hiện sự thương nhớ, biết ơn và lòng thành kính đối với những người đã khuất.

Qua bài viết trên đây chắc hẳn các bạn đã hiểu Tết Hàn thực là gì đúng không? Bên cạnh Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Trung thu, thì đây cũng là một ngày lễ của gia đình, của đoàn viên được mọi người mong đợi mỗi năm. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *