Tết Thanh minh là ngày để chúng ta hướng về cội nguồn, gia đình, tổ tiên. Hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của Tết thanh minh là gì cũng như các tập tục trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt
Tết Thanh minh là gì? Tết Thanh minh là ngày nào
Tết thanh minh hay còn được gọi là Tiết thanh minh là một ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thanh minh là một trong 24 tiết khí của lịch Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Nhật Bản và Triều Tiên. Theo tiếng Hán, “thanh” có nghĩa là khí trong, “minh” là sáng sủa. Khi qua tiết Xuân phân, những cơn mưa bụi mùa xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa đó chính là sang tiết Thanh minh.
Có thể bạn quan tâm:
Tết Thanh minh không có một ngày cố định như các ngày lễ khác. Thông thường, Tết Thanh minh bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5 của tháng 4 (sau khi kết thúc tiết Xuân phân) và kết thúc vào ngày 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch.
Trong ngày này, người dân thường đi tảo mộ, cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất. Tết Thanh Minh năm 2021 sẽ rơi vào Chủ Nhật ngày 4 tháng 4 dương lịch (tức là ngày 23/2 âm lịch).
Nguồn gốc Tiết thanh minh
Tết Thanh minh Trung Quốc được bắt nguồn từ thời Xuân Thu Chiến Quốc với sự tích về Giới Tử Thôi phò tá Tấn Văn Công. Tấn vương gặp nạn mất nước, phải lưu vong khắp nơi, nhưng bên cạnh luôn có hiền sĩ Giới Tử Thôi hết lòng phò tá, thậm chí không ngại cắt cả thịt đùi cho vua ăn khi hết lương thực. Tấm lòng trung nghĩa suốt 19 năm như một của ông khiến Tấn vương vô cùng cảm kích.
Thế nhưng đến ngày giành lại ngôi báu, ban thưởng công thần thì nhà vua vô tình quên mất ông. Giới Tử Thôi biết được cũng không sinh lòng oán hận mà tự cho là đã hoàn thành bổn phận bề tôi nên đã trở về quê hương, cùng mẹ già lui về Điền Sơn ở ẩn.
Đến khi Tấn vương nhớ ra và cho người đi tìm thì ông lại kiên quyết không quay về lĩnh thưởng. Vì để thúc ép ông ra ngoài nên nhà vua đã hạ lệnh đốt rừng nhưng hai mẹ con ông vẫn kiên trì chịu cảnh chết cháy.
Xót thương cho tấm lòng trung nghĩa của Giới Tử Thôi và hối hận vì lỗi lầm của mình, Tấn vương đã lập miếu thờ ông trên núi và hạ lệnh cho người dân cả nước phải kiêng đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ nguội để tỏ lòng tưởng nhớ.
Ý nghĩa Tết Thanh minh
Tuy Thanh minh không phải là một ngày lễ lớn trong năm nhưng lại gắn liền với nét văn hóa, đạo đức của người Việt với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Đây là ngày con cháu tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên, những người đi trước, nhắc nhở con người sống hướng về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn.
Vì vậy, trong những ngày này, các hoạt động báo hiếu, đền đáp ơn sinh thành, tạo dựng của tổ tiên được tổ chức rất long trọng và thành kính.
Tục Tảo mộ đầu năm
“Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.
Lễ tảo mộ trong Tiết Thanh minh là một tập tục không thể thiếu của các gia đình Việt, thường diễn ra đầu xuân (sau Tết). Mọi người sẽ tập trung để sửa sang lại phần mộ của tổ tiên: mang cuốc, xẻng để đắp thêm nấm mồ cho đầy đặn, dọn sạch bụi cỏ xung quanh. Sau đó, con cháu sẽ thành tâm thắp hương, đốt vàng mã và khấn bái cho người đã khuất.
Trong ngày này, các khu nghĩa địa sẽ đông đúc, nhộn nhịp hơn. Các cụ già lo khấn vái tổ tiên, trẻ em theo ông bà, cha mẹ đi tảo mộ để nhận biết phần mộ gia tiên và cảm nhận sự thành kính, biết ơn với tổ tiên. Những người hay đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ và sum họp bên gia đình.
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom thường xuyên, còn có những ngôi mộ vô chủ. Những người có tấm lòng nhân hậu thường thắp một nén hương, đốt chút vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại nhiều nơi người ta còn lập một Am chúng sinh để thờ chung những ngôi mộ vô chủ, có một bà đồng phụ trách hương nhang sớm tối.
Những việc nên làm trong ngày Tết Thanh minh
Tảo mộ: dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp đất mới cho phần mộ tổ tiên và thắp nén nhang để tỏ lòng thành kính.
Ngoài ra, người dân còn làm lễ mời những người đã khuất về nhà dùng cơm với con cháu bằng lễ cúng tại gia và cúng tại mộ. Đồ cúng mộ thường bao gồm: một bộ tam sinh, nhang đèn, vàng mã, giấy ngũ sắc, quần áo giấy, rượu, các loại bánh trái, xôi, thịt,… Đồ cúng tại nhà bao gồm: nhang đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu, thịt chân giò, gà luộc hoặc khoanh giò nạc và chuẩn bị bài cúng Tết Thanh minh tại gia, tùy theo tập tục của từng vùng và gia đình.
Những điều cần lưu ý trong tiết Thanh minh
- Không nên đi cúng ở những nơi heo hút để tránh nhiễm phải âm khí. Nên đi đường lớn mọi người thường qua lại và đi đông người.
- Không được tùy tiện phá hoại cảnh quan xung quanh.
- Không được dẫm đạp lên phần mộ của người khác hay phá hoại đồ thờ cúng ở đó.
- Con gái trong kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai hoặc người đau ốm không nên đi tảo mộ.
- Phần mộ tổ tiên phải được quét dọn sạch sẽ, cắt sạch cỏ dại và vun thêm đất mới.
- Không được nô đùa, chụp ảnh trước các ngôi mộ.
- Khi về đến nhà nên đốt giấy và đưa qua đưa lại quanh người để loại bỏ vía xấu, ám muội còn đi theo bên mình.
Ngoài ra, còn có một số cấm kỵ khác như: không nên mua giày (vì trong tiếng Trung, chữ giày và chữ tà (tà khí) có phát âm giống nhau); hạn chế đi đêm…
Trên đây là tổng hợp thông tin về ngày Tết Thanh minh. Dù không phải là ngày lễ lớn nhưng ai đi xa cũng mong trở về trong ngày này để giữ trọn đạo hiếu, thể hiện lòng biết ơn cội nguồn, tổ tiên. Gìn giữ những truyền thống tốt đẹp là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người chúng ta!