Nhạy cảm là một dạng tính cách thường bắt gặp trong cuộc sống. Nếu bạn nhận thấy bản thân là một người mạnh về cảm xúc và muốn tìm một định nghĩa rõ hơn cho mình, hoặc bạn đang tìm cách để hiểu người nhạy cảm là gì, có thể bạn sẽ muốn đọc bài viết này.
Nhạy cảm nghĩa là gì?
Một người nhạy cảm thường có xu hướng cảm nhận mạnh mẽ với mọi thứ, từ cảm xúc của người khác, của chính bản thân họ, đến những điều tưởng như bình thường đang xảy ra xung quanh mình. Họ dễ bị kích động và có xu hướng phản ứng nhanh, mạnh mẽ với những chuyện có thể hết sức bình thường.
Có người cho rằng nhạy cảm có nghĩa là hay khóc. Với một số người khác thì “nhạy cảm” lại mang sắc nghĩa tiêu cực vì những người này được coi là hay quan trọng hoá vấn đề và thích “chuyện bé xé ra to”.
6 dấu hiệu bạn là người nhạy cảm
Nếu bạn có những dấu hiệu dưới đây, thì rất có thể bạn là một người nhạy cảm.
Nhận thức tinh tế
Những người nhạy cảm thường dễ dàng nhận thấy những điều mà người khác bỏ lỡ.
Chẳng hạn như là là kiểu tóc mới của một ai đó, người yêu vừa tỉa lông mày hay nhanh chóng nhận ra một sự xáo trộn nhỏ của đồ đạc trong phòng, dễ giật mình trước một âm thanh khác lạ hay là “thính” hơn đối với một số mùi hương.
Dễ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của mọi người xung quanh
Chúng ta đều có thể bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của người khác, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Thế nhưng việc ảnh hưởng này đặc biệt thể hiện mạnh mẽ ở những người có độ nhạy cảm cao.
Vì thế, nếu bạn là người nhạy cảm, bạn sẽ cảm thấy ngày hôm nay thật tuyệt vời khi ở cạnh những người có tâm trạng tích cực và ngược lại bạn sẽ cảm thấy tình hình càng não nề khi tiếp xúc với người đang có tâm trạng xấu.
Bị quá tải nhanh chóng
Nếu là người nhạy cảm, đến một lúc phải đảm nhiệm quá nhiều việc, bạn sẽ nhanh chóng trở nên quá tải và bị rơi vào trạng thái lo lắng. Theo các chuyên gia tâm lý, những người nhạy cảm thường rất khó hoàn thành tốt công việc trong một môi trường có sự hỗn loạn hoặc căng thẳng.
Để tránh bị những tình huống xấu áp đảo, bạn cần sắp xếp cuộc sống một cách ngăn nắp hoặc tìm nơi yên tĩnh để thả lỏng cơ thể, rồi bắt đầu lại công việc.
Thường xuyên ám ảnh khi bị chỉ trích
Những người bình thường xem việc nhận lời chỉ trích là một phần của cuộc sống, nhưng với người quá nhạy cảm thì những lời chỉ trích có thể trở thành nỗi đau khó có thể phai nhạt.
Họ luôn có xu hướng ghim lại những lời chỉ trích ấy trong lòng, tuy nhiên tình hình sẽ xoay chuyển dễ dàng nếu như họ nhận được một lời khen ngợi hay lời động viên mang tính chất tích cực.
Giàu lòng từ bi
Những người có tính nhạy cảm sẽ nhìn nhận vấn đề rất trực quan và có phần sâu sắc. Họ dễ dàng cảm thông với người khác, thậm chí là đôi lúc họ cảm thấy như chính họ đang trải qua những cảm xúc đau khổ mà người khác đang có.
Có lương tâm
Người nhạy cảm thường khá chu đáo và có trách nhiệm trong cách ứng xử. Họ là người đầu tiên nhận thấy khi một người nào đó đang tỏ ra thô lỗ hoặc hành động thiếu suy nghĩ.
Ví dụ như nếu đi xe buýt, người nhạy cảm sẽ có thói quen nhường chỗ cho người khác chứ không cần suy nghĩ về điều đó. Những hành động này đến với họ theo một cách tự nhiên.
Giả trân là gì? Nguồn gốc, cách dùng, nhận biết người giả trân
Giác quan thứ 6 là gì? Dấu hiệu nhận biết giác quan thứ 6 của bạn
Nhược điểm của người nhạy cảm
Tuy nhạy cảm không hẳn là xấu nhưng các bạn cũng nên hiểu được mặt trái mà nét tính cách này mang lại.
Dễ ảnh hưởng bởi người khác
Như đã nói ở trên thì một khi có cảm nhận mạnh mẽ về những thứ xung quanh, người nhạy cảm sẽ có xu hướng săm soi quá mức những gì đã xảy ra. Bạn có thể dễ chia sẻ niềm vui với người khác và ngược lại sẽ cảm thấy nặng nề khi bên cạnh là không khí căng thẳng và ảm đạm.
Đó là lý do sơ đồ cảm xúc của một người nhạy cảm cứ đi lên đi xuống liên tục như chuyến tàu mạo hiểm trong công viên giải trí, khó mà tìm được sự bình yên trong tâm hồn.
Hay lo lắng và hay nghĩ nhiều
Bên cạnh điểm tốt là biết cảm thông thì sự nhạy cảm quá mức cũng đem đến một mặt trái này cho người nhạy cảm.
Có những khi, chỉ cần một sự thay đổi nhẹ trong biểu cảm của một người cũng có thể làm bạn tự vấn rằng hình như mình đang sai sót ở đâu. Từ đó, bạn dần bị suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ, thậm chí có xu hướng đổ ngược lỗi cho người khác, vì bạn cho rằng bạn đâu làm gì sai mà người đó lại có thái độ không tốt với bạn.
Nói nhẹ nhàng thì đây là xu hướng quan trọng hóa vấn đề. Nhưng nếu nó xảy ra quá thường xuyên, thì hình như là bạn đang vô tình quen với việc đóng vai nạn nhân mất rồi.
Thường khó mà chấp nhận lời chỉ trích
Với những người nhạy cảm thì những lời phê phán chỉ trích, đôi lúc chỉ là lời góp ý, cũng rất dễ chạm vào sự tự ái làm tổn thương họ.
So với người khác, họ có thể ghim mãi những câu nói này trong lòng và không chịu bỏ qua dù sự kiện đã xảy ra trước đó nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần, nhiều năm.
Dễ bị mệt mỏi và quá tải
Vì luôn phải đối mặt với những dòng cảm xúc của bản thân mình và cả của người khác, người nhạy cảm dễ rơi vào tình trạng bị quá tải, lo lắng kéo dài.
Chẳng hạn trong môi trường công việc và học tập, họ rất dễ bị căng thẳng khi có áp lực hoặc không khí trở nên hỗn loạn, thiếu trật tự hoặc không theo quy trình họ muốn.
Cảm thấy lạc lõng
Khi là một người nhạy cảm quá mức, bạn thường không có cảm giác mình thuộc về một môi trường hay hội nhóm nào nhất định.
Bạn cảm thấy lạc lõng và đó có thể là tác động làm bạn tự động thoát ly khỏi một hội bạn hoặc nhóm đồng nghiệp dù đang rất thân thiết. Cách thức trốn tránh tổn thương này sẽ làm bạn dần đánh mất cơ hội phát triển các mối quan hệ xung quanh mình, cũng như cơ hội thăng tiến trong một môi trường làm việc.
Nếu để tình trạng này kéo dài mà không có cách xử lý, bạn có thể bị trầm cảm hay rối loạn lo âu trong tương lai gần.
Là một người có sự nhạy cảm không phải là điều xấu. Sở hữu đặc điểm này đồng nghĩa với việc bạn rất tinh tế, suy nghĩ sâu sắc và thường là biết cảm thông. Song, chúng ta cũng không nên để sự nhạy cảm này trở nên quá giới hạn và biến chất thành tâm lý hay việc suy diễn từ lúc nào không hay.
Hy vọng với bài viết này, các bạn đã hiểu được nhạy cảm là gì và dấu hiệu người nhạy cảm. Chúc bạn sẽ biết cách vượt qua những cơn bão cảm xúc của bản thân để trở thành một người tự tin, trưởng thành hơn trong mọi mặt.