Thời gian gần đây trên mạng xã hội thường xuất hiện các cụm từ như “giả trân”, “không hề giả trân” khiến nhiều bạn hoang mang không hiểu là sao. Hãy cùng tìm hiểu giả trân nghĩa là gì và cách dùng chính xác từ lóng này trong bài viết sau đây nhé!
Tóm tắt
Giả trân, không hề giả trân nghĩa là gì?
Thực chất, Giả trân không phải là một từ trong từ điển Tiếng Việt, mà được giới trẻ sáng tạo và sử dụng rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Giả trân là sự kết hợp của 2 từ “giả” và “trân” với ý nghĩa như sau:
- Giả: không đúng sự thật, không thật.
- Trân: Trơ trơ, ngây ra, không biết xấu hổ.
Do đó, giả trân có thể được hiểu là hành động, con người hay sự việc không thật, hoặc cố tình làm như thật dù người khác “vừa nhìn là biết giả”, thậm chí khi bị phát hiện thì vẫn trơ trơ, không biết xấu hổ.
Đẳng cấp cao hơn của việc mỉa mai một người, sự việc trông giả tạo là cụm từ “Không hề giả trân”. Bạn đừng hiểu lầm cụm từ này là trái nghĩa của từ “Giả trân” mà vội mừng nhé, đây chẳng phải là lời khen đâu! Có khi người ta đang cố tình cạnh khóe bạn không lộ liễu ở một level cao hơn đấy!
Nguồn gốc của từ Giả trân
Từ Giả trân được cho là có nguồn gốc từ đoạn clip trên kênh TikTok của nữ CEO Hà Bang Chủ. Nội dung clip kể về anh shipper đi giao hàng nhưng do nắng, tắc đường nên tới muộn 20 phút thì bị khách bùng hàng và phũ phàng đuổi đi.
Sau đó, anh shipper cứu giúp một người phụ nữ trung niên bị ngất và gọi điện thoại cho con gái tới đón thì mới biết cô gái này lại chính là vị khách vừa bùng hàng.
Cô ta vừa xuất hiện đã nghi ngờ anh shipper giở trò với mẹ mình, nhưng người mẹ đã nói chính anh là người giúp đỡ. Đến lúc này, cô gái mới tự tát mình và nói xin lỗi mẹ cùng người giao hàng: “Ôi, ôi… vậy ạ! Mẹ, con xin lỗi. Tôi khốn nạn quá, tôi thật sự xin lỗi”
Đoạn hội thoại cùng nét diễn của các diễn viên trong clip đã khiến dân tình cười ra nước mắt. Kể từ đó, cụm từ “giả trân”, “không hề giả trân” thường được sử dụng khi ai đó review về clip này.
Ngoài ra, giả trân còn được dùng để nói về kịch bản dễ đoán, cách diễn xuất gượng gạo, cứng đơ, biểu cảm trăm cảnh như một của các diễn viên nghiệp dư.
Nên sử dụng từ Giả trân trong tình huống nào?
Một số ví dụ về cách dân mạng dùng “giả trân”, “không hề giả trân” trên Facebook:
- Con nhỏ đó sống giả trân/không hề giả trân tý nào!
- Biểu cảm của ca sĩ/diễn viên đó khi giao lưu với fan rất giả trân/không hề giả trân chút nào.
- Gương mặt giả trân của người đẹp A khi nói chuyện với đồng nghiệp.
Thậm chí, trên Facebook đã xuất hiện “Hội người giả trân” với phần giới thiệu “Ở đây không ai sống thật cả”, hiện đã có hơn 121 nghìn thành viên. Chia sẻ của các thành viên trong nhóm là minh chứng rõ nét nhất cho những sự việc “giả trân” trong cuộc sống như:
Lên mạng xin ảnh truyền nước để xin nghỉ làm:
Muốn thu hút sự chú ý của crush bằng cách giả vờ ngã. Nhưng trót ngã nhẹ quá nên đi xin ảnh mạng cho hiệu quả:
Có thể nói rằng, việc sử dụng từ Giả trân phụ thuộc hoàn toàn vào mục đích của bạn. Tuy nhiên, cần suy nghĩ, cân nhắc và chú ý đến cảm xúc của người khác, tránh “đùa quá mất vui” nhé!
Qua bài viết trên đây chắc hẳn các bạn đã hiểu giả trân có nghĩa là gì đúng không? Giả trân mang ý nghĩa không được tích cực cho lắm, chính vì vậy bạn cần sử dụng đúng người, đúng hoàn cảnh nhé!