Cây đắng cảy là món ăn đậm đà dư vị núi rừng. Nếu chưa biết cây đắng cảy là gì, hãy đọc ngay bài viết dưới đây của Palada.vn để khám phá thêm một loại rau đặc sản nhé.
Tóm tắt
Cây đắng cảy là gì?
Cây đắng cảy là loại rau dại mọc nhiều trên rừng và khu vực núi cao. Người dân nơi đây từ lâu đã biết hái lộc cây đắng cảy về ăn và dần thành “nghiện” món rau rừng này.
Rau đắng cảy có thân nhỏ, thân cành khẳng khiu, lá màu xanh ngắt. Điều đặc biệt là nếu lá đắng cảy có vị đắng thì phần rễ lại có vị ngọt mát. Vì thế, người ta thường lên núi đào lấy rễ về băm nhỏ, phơi khô và sao vàng lên để hãm nước uống như một vị thuốc quý.
Vào khoảng tháng giêng, tháng hai, mưa xuân lất phất, khí hậu ấm áp, cây đắng cảy ra lộc non. Ở khắp thân cành, những búp non mọc chi chít thật mỡ màng. Đó là thời điểm rau đắng cảy ngon nhất và chỉ đợi đến lúc ấy, người dân miền núi rủ nhau lên núi hái lộc non đắng cảy về chế biến.
Cây đắng cảy phân bố ở đâu?
Cây đắng cảy thuộc một chi lớn có các loài là cây bụi, bụi trườn, một số loài là loại cây gỗ. Trên thế giới, sự phân bố của chi này tập trung ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Bắc bán cầu.
Ở Việt Nam, chi này có 12 loài, 9 loài được dùng làm thuốc, trong đó có cây đắng cảy. Cây này phân bố ở phía nam Trung Quốc, Lào, Ấn Độ… Ở Việt Nam cây đắng cảy thường gặp ở các tỉnh trung du miền núi phía bắc như Phú Thọ, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu… với độ cao phân bố đến 1500m. Ở Ấn Độ giới hạn này là 600 đến 2100m.
Cây đắng cảy ưa sáng, có thể chịu hạn, thường mọc trong các quần thể thứ sinh, ven rừng ẩm hoặc trên các bờ nương rẫy để làm hàng rào. Cây đắng cảy ra hoa quả nhiều hàng năm, khi cây còn nhỏ thường dễ nhầm lẫn với các loài khác cùng chi. Loại cây này trồng được bằng hạt, phát triển nhanh.
Cây đắng cảy có tác dụng gì?
Tác dụng của cây đắng cảy trong cuộc sống vô cùng đa dạng.
Theo dân gian, cây đắng cảy bổ dưỡng và có lợi cho máu, huyết áp.
Hạt cây đắng cảy được dùng chữa đau bụng, tiêu chảy. Lá đắng cảy sắc đặc ngậm chữa sâu răng và nấu nước để xông, rửa, chữa mề đay, phong hủi.
Trong y học cổ truyền Ấn Độ, người ta thường dùng vỏ, quả và hạt đắng cảy làm dễ tiêu, trị đầy hơi, và giun sán. Vỏ thân dùng để làm sạch răng. Quả và hạt đắng cảy chữa sốt và khó tiêu. Cao từ quả cây đắng cảy có tác dụng tẩy giun đũa.
Do tính chất khử mùi, tẩy uế và sát trùng, quả đắng cảy được dùng trị bệnh về răng, làm thuốc bôi trị ghẻ, chống ruồi trong nhà. Vỏ và nhiều bộ phận khác của cây dùng làm bả cá và xua côn trùng. Quả khô cho tinh dầu để sản xuất xà phòng và các chế phẩm về răng miệng.
Một số bài thuốc có dùng cây đắng cảy:
Chữa đau bụng, lạnh dạ, tiêu chảy: Hạt cây đắng cảy 8g sao và tán nhỏ, uống với nước nóng.
Chữa đau bụng giun: Hạt đắng cảy 8g, ô mai 12g đem sắc uống.
Cách chế biến rau đắng cảy
Sau khi đã biết những công dụng thần kì của loại rau này, các bạn hãy tìm hiểu cách chế biến rau đắng cảy để có cho mình những món ăn ngon bổ rẻ, hiếm có khó tìm nhé.
Rau đắng cảy hái về nên ăn ngay mới ngon và giòn. Chúng ta có thể chế biến loại rau này thành nhiều món, mỗi món đều để lại dư vị đậm đà. Rau đắng cảy có thể xào trứng gà, luộc chấm muối vừng lạc, hấp trong nồi cơm hoặc lam trong ống nứa, lá già băm nhỏ đem nấu canh dùng để giải cảm rất tốt…
Khi thưởng thức, cây đắng cảy có vị bùi bùi, ngăm ngăm đắng. Theo kinh nghiệm, muốn có những đọt rau đắng cảy tươi ngon thì người dân phải lên núi hái vào tiết trời ấm áp.
Cây đắng cảy là một món ăn dân dã trong bữa cơm thường ngày. Trong mâm cỗ, nếu có đĩa đắng cảy xào trứng thì càng đáng quý bởi đây còn là món ăn được người dân các tỉnh miền núi phía Bắc chế biến đãi khách đến thăm nhà.
Trên đây là những thông tin về cây đắng cảy là gì cùng cách chế biến rau đắng cảy ngon bổ nhất. Chúc các bạn áp dụng thành công và có thêm một món ngon cho gia đình.