Chơi chữ là gì? Ví dụ về chơi chữ và tác dụng

Với sự phong phú của Tiếng Việt thì việc chơi chữ từ xa xưa vốn đã là một nét văn hóa không thể thiếu của người Việt, nó được sử dụng rộng rãi không chỉ trong văn chương mà còn được ứng dụng rất nhiều ngay trong cả lời ăn tiếng nói hằng ngày. Cho đến ngày nay, thú vui ấy vẫn được mọi người, nhất là đối với giới trẻ sử dụng trên mạng xã hội để tạo thành những lời đối đáp giải trí vô cùng bắt trend, vui nhộn khiến ai đọc xong cũng phải thấy buồn cười. Hãy cùng tìm hiểu chơi chữ là gì và các lối chơi chữ phổ biến hiện nay nhé.

Chơi chữ là gì?

Ví dụ về chơi chữ
Ví dụ về chơi chữ

Theo Từ điển tiếng Việt, “Chơi chữ” nói chung được hiểu là việc lợi dụng các hiện tượng từ đồng âm và đa nghĩa nhằm tạo nên sự thú vị trong lời nói, câu văn với nhiều ý hiểu khác nhau, tùy thuộc vào sự liên tưởng xa xôi của người đọc, người nghe.

Không ai biết thói quen ấy đã có từ lúc nào, chỉ biết rằng nó đã tồn tại từ rất xa xưa, truyền miệng từ đời này sang đời khác và cũng là một nét đặc trưng thân thuộc trong đời sống tinh thần cũng như lời ăn tiếng nói của người Việt.

Tiếng là gì? Từ là gì? Phân biệt tiếng và từ

Tác dụng của trò chơi chữ cái?

Có rất nhiều biện pháp chơi chữ trong dân gian ta từ xưa đến nay, điển hình là việc nói lái, dùng từ đồng âm, từ đồng nghĩa và trái nghĩa,… góp phần làm phong phú thêm ngôn từ Việt Nam.

Cách nói này không chỉ thể hiện những sự dí dỏm lại sâu sắc, pha chút châm biếm từ phía người nói, hoặc để tránh những sự thô tục mà còn đem lại hiệu quả nghệ thuật rất cao trong văn chương và cho thấy sự phong phú và độc đáo rất riêng của tiếng Việt.

Các lối chơi chữ thường gặp

Tiếng Việt sở hữu một kho tàng từ vựng và biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Đây là chất liệu khá phong phú để cộng đồng mạng sáng tạo nên những cách chơi chữ dí dỏm, gợi lên nhiều liên tưởng. Nếu muốn hiểu hơn về sự biến hóa khôn lường của tiếng mẹ đẻ thì hãy cùng chúng mình điểm qua 5 trend chơi chữ đang hot gần đây.

Thả thính bằng thơ

Biện pháp chơi chữ phổ biến nhất hiện nay là lặp lại các từ đồng âm trong câu thơ. Ví dụ lòng trong món cháo lòng được sử dụng song song với lòng trong tấm lòng. Ngoài ra những từ trái nghĩa và hình thức đảo ngữ cũng được tận dụng. Thể thơ thả thính thường gặp nhất là thể lục bát.

Nếu như các bậc thầy thả thính bằng thơ như ông Xuân Diệu hay bà Hồ Xuân Hương sống lại, có lẽ họ cũng phải bật cười trước sự sáng tạo vô biên của những thi sĩ trẻ này.

– Sáng nay măm bát cháo lòng / Đã ăn hết cháo chừa lòng iu anh.

– Tìm đâu ra thuốc giải? / Khi mà tình yêu em là độc nhất?

Chế tên để chơi chữ

Để tạo ra cú twist, người chơi chữ cần phải nghĩ đến tên của mình hoặc người khác trước. Mỗi tên riêng đều có thể đi liền với các từ ghép khác nhau. Ví dụ bạn tên “Hoa” có thể đặt vào từ ghép “hoa hậu”. “Hậu” có nghĩa là phía sau. Từ mạch tư duy này, người viết sáng tạo nên câu: Hoa đến sau cùng. Hoa hậu.

Dưới đây là vài màn ghép tên nghe có vẻ vô lý nhưng hết sức thuyết phục:

– Hiền ghi bàn san bằng tỉ số với đối thủ. Hiền hòa.

– Ân bị trai trên Tinder lừa tình. Ân hận.

– Cường hôm nay kẻ chân mày rất đậm. Cường điệu.

– Thành không biết nói dối. Thành thật.

– Thanh chưa hoàn thành KPI nhưng anh ấy vẫn đắp chăn đi ngủ sớm. Thanh thản.

– Ngân được sinh ra ở Matxcova. Ngân nga.

– Hiếu thi đấu không thua. Hiếu thắng.

– An được sinh ra ở bên bển. Anh quốc.

– Tâm phát hiện ra mình có phép thuật. Tâm thần.

Cụm danh từ là gì? Cấu tạo cụm danh từ trong tiếng Việt

Chơi chữ bằng ngoại ngữ

Cách chơi chữ bằng ngoại ngữ
Cách chơi chữ bằng ngoại ngữ

Tận dụng yếu tố đồng âm trong tiếng Việt, kết hợp với cách đọc bằng tiếng Anh bồi, cư dân mạng đã nhào nặn ra hàng loạt lối chơi chữ vô cùng “mặn mà”:

– Thần sấm sét tắm xong thì sẽ thế nào? Thơm Thor (thơm tho).

– Người ta muốn lễ nào trong năm diễn ra hoài mà không kết thúc? Noel (No end).

– Con trai ăn gì sẽ không thèm để ý tới con gái? Burger (bơ girl).

– Từ bé đã là mọt sách thì gọi là gì? Non nerd (non nớt).

– Có đứa bạn không biết chăm sóc chim cò nhưng lại cứ đòi mua một con thì nên khuyên gì? Bird giùm (bớt giùm).

– Trang trại bò sữa nên được đặt ở đâu là hợp lý? Cow nguyên.

– Bạn nói tôi ăn nhiều à. Thực ra tôi ăn eat lắm (ăn ít).

– Bạn chê tôi nhạt nên bạn salt muối vào lòng tôi (xát muối).

– Bạn chê tôi gầy. Tôi chỉ lặng thin (lặng thinh).

Chơi chữ bằng nối chữ

Nối chữ kiểu đi vào lòng đất
Nối chữ kiểu đi vào lòng đất

Về quy luật, người chơi đầu tiên sẽ đưa ra một từ ghép 2 âm tiết, người thứ hai dùng âm tiết cuối của từ đó tạo ra một từ mới. Luật chơi thì khá đơn giản, nhưng cách chơi để lách luật thì rất phức tạp, thiên biến vạn hóa.

Đôi lúc, người đầu tiên nghĩ ra một từ đánh đố mà người chơi sau không thể nối được. Ví dụ với “đẹp đẽ” thì không có từ tiếng Việt bắt đầu bằng”’đẽ”, nên người nối từ lại gian lận bằng cách nói giọng địa phương là “đẽ con” (tức là đẻ con) hoặc oái oăm hơn là “đẽ mị” (các bạn tự nói lái nhé).

Trạng ngữ là gì? Các loại trạng ngữ trong tiếng Việt

Chơi chữ theo lối hỏi đáp

Chơi chữ hỏi đáp sáng tạo
Chơi chữ hỏi đáp sáng tạo

Gần giống với trend chế tên chơi chữ, ở đây người sáng tác sẽ bắt đầu bằng từ vựng đã có nghĩa sẵn, ví dụ như “ngoại tệ”, sau đó gắn từng âm tiết với cách dùng mới. “Ngoại” (nghĩa là nước ngoài) được tráo đổi với “ngoại” trong “bà ngoại” (chỉ mối quan hệ với người họ hàng). ‘“Tệ” trong tiền tệ được thay thế bởi từ “tệ” trong “tồi tệ”. Từ đó sáng tạo ra cách chơi chữ: Xin bà ngoại tiền Việt mà bà cho toàn đô la thì được gọi là gì? Ngoại tệ.

Ngoài ra ta cũng có một số kiểu chơi chữ sau:

– Đi mua trà sữa gì mà chỉ đứng nhìn chứ không được uống? Koi (Coi) thôi.

– Mệt nhưng vẫn chở người yêu đi ngắm hoàng hôn là gì? Ráng chiều.

– Ở đâu người ta chỉ thích đọc văn xuôi? Cần Thơ.

– Phải chỉ đường cho một người bị lãng tai thế nào? La lối.

– Trái bắp khờ thì gọi là gì? Ngây ngô.

Vừa rồi chúng mình đã cùng các bạn tìm hiểu chơi chữ là gì và các lối chơi chữ thường gặp trong tiếng Việt. Chúc các bạn áp dụng thành công và trở thành một con người không nhạt, đầy thú “vị” nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *