Hiện tượng gió phơn (gió khô nóng) hay còn gọi là gió Lào không còn quá xa lạ với người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ nước ta như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, …Hàng năm, hiện tượng này gây ra hiện tượng khô nóng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ nước ta. Vậy gió phơn là gì? Tại sao lại xảy ra hiện tượng gió phơn? Tác động của gió phơn gây ra là gì? Cùng tìm hiểu rõ hơn về hiệu ứng phơn qua bài viết sau nhé!
Tóm tắt
Gió phơn là gì?
Hiện tượng Phơn (foehn) là hiện tượng gió khô nóng. Hiện tượng phơn được lý giải như sau: đây là gió từ bên kia sườn núi thổi lên, càng lên cao không khí càng lạnh dần rồi ngưng kết tạo thành mây gây mưa ở sườn đón gió, đồng thời thu thêm nhiệt do ngưng kết toả ra. Gió sau khi vượt qua đỉnh núi, thổi xuống bên này núi, nhiệt độ của nó tăng dần lên do quá trình không khí bị nén đoạn nhiệt. Vì vậy, khi đến chân núi bên này, không khí trở nên khô và nóng hơn. Chính là “Hiệu ứng phơn”. Đỉnh núi càng cao thì chênh lệch nhiệt độ càng lớn.
Tóm lại, không khí ẩm sau khi vượt qua một chướng ngại vật (dãy núi cao) bị biến đổi tính chất, trở nên khô nóng hơn được gọi là “hiệu ứng phơn”.
Tại sao lại gọi là gió phơn?
Từ “phơn” được phiên âm từ chữ Foehn trong tiếng đức (föhn). Đây là tên gọi dùng cho loại gió ở vùng núi Alps và khu vực Trung Âu. Nhờ vào loại gió này mà khí hậu thường ấm áp. Ngoài cái tên “gió phơn”, loại gió này còn được gọi với nhiều cái tên khác, tùy vào địa phương và khu vực mà nó xảy ra.
Ví dụ như ở Tây Ban Nha, người ta gọi gió phơn là gió Bilbao, ở Mỹ và Canada gió phơn được gọi là chinook, gió Diablo hay gió Santa Ana. Ở Việt Nam gió phơn còn được gọi là gió Lào (vì thổi từ phía nước bạn Lào qua), hay gió khô nóng, hoặc gió phơn Tây Nam.
Cơ chế hình thành hiệu ứng gió phơn là gì?
Lý giải chi tiết bản chất và cơ chế hình thành gió phơn như sau:
– Khi gió mang hơi ẩm bị núi chắn ngang trên đường di chuyển, luồng gió đó buộc phải leo dốc để vượt qua dãy núi.
– Càng lên cao nhiệt độ càng giảm (trung bình cứ lên khoảng 100m thì nhiệt độ không khí giảm 0,6 độ C) điều này khiến hơi ẩm trong gió ngưng tụ lại, hình thành mây và gây mưa ở sườn núi đón gió, đồng thời khiến gió bị giảm áp suất.
– Khi vượt qua đỉnh núi, gió trở thành khối khí khô và di chuyển xuống dốc (trung bình cứ xuống 100m lại tăng thêm 1 độ C). Không khí càng khô đồng nghĩa có càng ít mây được hình thành bên sườn khuất gió, gió lúc này càng nhận được nhiều nhiệt và trở nên khô nóng hơn.
– Bên cạnh đó, càng di chuyển xuống phía dưới chân núi, gió càng bị nén lại do mật độ không khí đậm đặc hơn. Quá trình này gây ra hiện tượng đoạn nhiệt khiến nhiệt độ của gió ngày càng tăng lên. Điều này giải thích vì sao bên phía núi hứng gió đi lên thì ẩm, gây mưa còn bên phía núi gió đi xuống thì rất khô và nóng. Dãy núi càng cao thì gió phơn càng khô và nóng hơn.
Thực trạng gió phơn tại Việt Nam
Gió phơn ở Việt Nam còn được gọi là gió lào, gió Tây Nam khô nóng, xuất hiện ở vùng Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ Việt Nam. Gió phơn hình thành ở Vịnh Thái Lan, thổi theo hướng Tây Nam và Đông Bắc đi qua Campuchia và Lào. Lúc này gió còn mang hơi ẩm. Khi về đến Việt Nam, gặp dãy Hoàng Liên Sơn và Trường Sơn chắn ngang thì bắt đầu gây mưa ở mạn đón gió và lúc tràn xuống vùng Bắc và Trung Trung Bộ nước ta thì trở nên khô và nóng rát. Do vậy gió phơn còn được gọi là gió Lào, vì gió thổi từ hướng nước Lào qua
Ở Việt Nam, gió phơn hoạt động mạnh nhất trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Đây cũng là thời gian khí hậu các tỉnh miền Trung nước ta trở nên khô nóng, khắc nghiệt hơn các tháng khác. Độ ẩm giảm mạnh do dãy Trường Sơn cao và nhiệt độ có khi lên đến trên 42 độ C.
Tác hại của hiệu ứng phơn
Ảnh hưởng của hiệu ứng gió phơn tác động mạnh đến cả 2 bên mạn núi gió đi qua. Ở bên mạn núi đón gió thường ẩm và có mưa. Tuy nhiên nếu đi qua vùng núi cao và dốc sẽ gây ra lượng mưa cực lớn, dẫn đến xói mòn đất, sạt lở gây nguy hiểm cho người dân sinh sống ở chân núi mạn đón gió. Còn phía mạn gió đi xuống, tình trạng hạn hán xảy ra thường xuyên. Cây cối héo khô, tình trạng hạn hán kéo dài, dễ xảy ra các vụ cháy rừng lớn
Xem thêm:
Ở các vùng Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, người dân thường xuyên phải đối mặt với nạn hạn hán và thiếu nước tưới tiêu, ảnh hưởng đến mua màng, gây bất lợi cho ngành nông nghiệp; sông, suối, ao, hồ, đồng ruộng khô cạn.
Gió phơn khô nóng kết hợp nhiệt độ tăng cao còn ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe con người. Do vậy, người dân nên hạn chế ra đường vào khung giờ từ 10h trưa đến 3 giờ chiều, lúc này nắng nóng khá gắt và gió phơn thổi rát da, dễ dẫn đến hiện tượng say nắng, cháy da.
Trên đây là những thông tin về gió phơn, cơ chế hình thành gió phơn và những ảnh hưởng của loại gió này đến đời sống sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của con người. Hy vọng những kiến thức này hữu ích đối với bạn!