Luận điểm là gì? Luận cứ là gì? Phân biệt và cho ví dụ

Hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn nhầm lẫn giữa các khái niệm luận điểm, luận chứng, luận cứ mà không biết thực sự chúng khác nhau ở đâu. Nhất là đối với thể loại văn nghị luận thì việc thể hiện rõ ràng những luận điểm và luận cứ là cực kỳ quan trọng. Hôm nay hãy cùng chúng mình tìm hiểu xem luận điểm là gì, luận cứ là gì, mối quan hệ giữa chúng là như thế nào để có thể biết cách hoàn thành một bài văn dạng này cũng như áp dụng trong thực tế cuộc sống các bạn nhé.

Luận điểm là gì?

Khái niệm

Luận điểm có thể hiểu đó là các ý tưởng, lập luận chính của một văn bản nghị luận hoặc vấn đề cần nghị luận đang được đề cập.

Một bài văn thể loại nghị luận nhất thiết phải có luận điểm, vì chính luận điểm sẽ giúp cho người viết đạt được mục đích nghị luận.

Khi trình bày các luận điểm cần phải chính xác, rõ ràng, mang tính định hướng giúp người đọc hoặc người nghe hiểu rõ vấn đề đang được tác giả đề cập.

Xác định luận điểm thế nào?

Trước khi bắt đầu trình bày một chủ đề, chúng ta cần biết cách xác định các luận điểm. Một số cách đơn giản nhất để xác định luận điểm thông thường đó là:

– Dựa vào các dữ kiện đã có sẵn trong đề bài, thường thì luận điểm được nêu khá cụ thể và dễ nhận biết.

– Dựa vào cách mà tác giả bài viết đặt ra câu hỏi.

– Dựa vào cách tác giả dùng để nghị luận.

Trình bày luận điểm

Trình bày luận điểm

Một số cách để trình bày luận điểm chính là:

– Kể ra một câu chuyện từ đó nêu lên luận điểm dựa vào câu chuyện đó.

– Trình bày trong một bối cảnh cụ thể sau đó xác định luận điểm.

– Sử dụng phương pháp quy nạp để nêu luận điểm.

– Sử dụng phương pháp diễn dịch để nêu luận điểm.

Từ ghép là gì? Các loại từ ghép và cách phân biệt

Luận cứ là gì?

Khái niệm

Theo định nghĩa thông thường thì luận cứ chính là những lý lẽ, dẫn chứng đã được công nhận được dùng làm cơ sở, căn cứ cho luận điểm trong bài nghị luận.

Chúng ta có thể hiểu đơn giản luận cứ chính là cơ sở, nền tảng còn luận điểm thì có tính chất kết luận.

Luận cứ là gì?

Các yêu cầu của luận cứ

– Luận cứ cần phải phù hợp với yêu cầu của các luận điểm, nghĩa là luận cứ phải thật hài hòa với nội dung của luận điểm.

– Luận cứ cần mang tính chính xác, khi nêu lên các luận cứ tác giả phải biết rõ các thông tin đó đã được xác thực hay không? Ví dụ như luận cứ mốc thời gian, số liệu, nhân vật mang tính lịch sử…

– Luận cứ cần có tính tiêu biểu, chọn lọc những nội dung thật sự nổi bật, đặc sắc để nêu. Ví dụ như một nhà thơ có nhiều tác phẩm văn học thì tác giả hãy chọn các tác phẩm nào có giá trị và nổi bật mang tính đặc trưng nhất để đưa vào bài của mình làm dẫn chứng.

– Luận cứ cần phải thật toàn diện, khi nêu lên luận cứ tác giả cần đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu đầy đủ, có cái nhìn tổng quan nhất cho luận điểm. Tránh việc sau khi đưa ra luận cứ mà người nghe/người đọc vẫn không thể thấy độ tin cậy của luận điểm ban đầu.

Luận chứng là gì?

Luận chứng cũng là một khái niệm vô cùng phổ biến trong khi viết thể loại văn nghị luận. Các bạn cũng có thể tìm hiểu về khái niệm này. Luận chứng nghĩa là những bằng chứng được sử dụng trong văn bản nhằm lập luận chứng minh luận điểm.

Luận chứng có thể dưới dạng bằng chứng về số liệu, hay giấy tờ…

Từ Hán Việt là gì? Một số từ Hán Việt hay sử dụng phổ biến hiện nay

Bài luyện tập về luận điểm và luận cứ

Câu hỏi bài tập 1

Cho văn bản “Cần tạo ra những thói quen tốt trong đời sống xã hội”, hãy đọc và cho biết những luận cứ, luận điểm, những lập luận được sử dụng trong bài. Nhận xét về sức thuyết phục trong bài viết dạng nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống này?

Lời giải:

Luận điểm của văn bản này là:

  • Cần tạo ra những thói quen tốt ở trong đời sống xã hội.

Các luận cứ của bài gồm:

Luận cứ thứ nhất: Có những thói quen là tốt và những thói quen xấu

  • Thói quen như thế nào là tốt: luôn dậy sớm, luôn giữ lời hứa, luôn đúng hẹn, luôn đọc sách…
  • Thói quen như thế nào là xấu: hút thuốc lá, vứt rác bừa bài ném ra đường, hay cáu giận, mất trật tự…

Luận cứ thứ hai: Có những người thật ra họ biết phân biệt tốt xấu, nhưng do đã hình thành thói quen nên khó thay đổi, khó sửa.

  • Hút thuốc sau đó gạt tàn bừa bãi, ăn chuối rồi vứt vỏ ra cửa, xả rác nơi không ai để ý, nơi công cộng…

Luận cứ thứ ba: Tạo được một thói quen tốt thì khó nhưng để nhiễm một thói quen xấu thì lại vô cùng dễ.

Các lập luận trong bài gồm:

  • Giới thiệu về những thói quen tốt và những thói quen xấu.
  • Dẫn chứng về những thói quen xấu, phê phán thói quen xấu.
  • Để ra hướng thay đổi và rèn luyện thói quen tốt.

Nhận xét về sức thuyết phục của các luận điểm, luận chứng được sử dụng trong văn bản đã cho:

Văn bản vừa rồi có lập luận rất chặt chẽ, từ những vấn đề chung tác giả bài viết đã triển khai được thành các ý cụ thể, sau đó đưa ra lời khuyên với người đọc: cho nên mỗi người, hay mỗi gia đình hãy tự xem lại mình để tạo nên nếp sống đẹp, văn minh cho toàn xã hội.

Như vậy, với cách lập luận như trong bài trên, bài văn đã làm nổi bật được luận điểm và thuyết phục được tất cả người đọc bởi vì văn bản này đã đặt ra một vấn đề cấp thiết trong cuộc sống, cách giải quyết của tác giả rất chặt chẽ, xứng đáng với đề tài.

Câu hỏi bài tập 2

“Tiếng Việt có những nét đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là chúng ta nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng rất hài hòa về cả mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng lại rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là: tiếng Việt có đầy đủ khả năng diễn đạt tâm tư tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và thỏa mãn được cho nhu cầu đời sống của văn hóa nước nhà qua các thời kỳ lịch sử” (trích Đặng Thai Mai – tác phẩm Sự giàu đẹp của tiếng Việt)

  1. a) Tìm luận điểm của đoạn văn đã nêu trên.
  2. b) Chỉ ra các luận cứ nhằm làm sáng tỏ luận điểm trên.
  3. c) Cho biết cách mà tác giả Đặng Thai Mai đã sử dụng để lập luận.

Câu trả lời:

Luận điểm chính trong đoạn văn là:

  • Tiếng Việt có những nét rất đặc sắc riêng của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay.

Các luận cứ bao gồm:

  • Tiếng Việt là một thứ tiếng rất hài hòa về cả mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng lại rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu.
  • Tiếng Việt có đầy đủ khả năng diễn đạt tâm tư tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và thỏa mãn được cho nhu cầu đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kỳ lịch sử.

Tác giả Đặng Thai Mai đã lập luận bằng phương pháp:

  • Nêu lên luận cứ bằng cách giải thích luận điểm đã có ban đầu.

Như vậy thông qua bài viết vừa rồi chúng mình đã giúp các em học sinh hiểu rõ về luận điểm là gì trong bài văn. Lưu ý là khi làm một bài văn nghị luận hay là áp dụng phương pháp nghị luận trong đời sống hàng ngày thì cả luận điểm và luận cứ đều có vai trò cực kỳ quan trọng, học sinh cần phải phối hợp với nhau thật hài hòa, chặt chẽ giúp các vấn đề cần phải nghị luận trở nên có tính thuyết phục cao đối với người đọc hay người nghe. Chúc các bạn và các em học sinh áp dụng thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *