Rước dâu 2 lần là một trong những phong tục lâu đời đã có ở Việt Nam và vẫn tồn tại đến ngày nay. Thực tế, việc rước dâu 2 lần ngày càng trở nên phổ biến bởi nhiều gia đình cho rằng việc này sẽ đảm bảo được hạnh phúc trăm năm cho đôi uyên ương. Vậy tại sao phải rước dâu 2 lần và các thủ tục như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay nhé.
Tóm tắt
Tại sao phải rước dâu 2 lần?
Rước dâu 2 lần là như thế nào? Đón dâu 2 lần có thể hiểu một cách đơn giản là làm lễ ăn hỏi xong đón dâu, đến ngày cưới chính thức sẽ lại đón dâu một lần nữa. Phong tục này xuất phát từ thói quen xem bói trước khi kết hôn của người Việt, để biết được cặp đôi có hợp tuổi hay gặp vận hạn gì khi lấy nhau không.
Cụ thể, nếu tuổi của cô dâu có can là Đinh, Nhâm, Quý, Giáp hoặc tuổi âm lịch có hàng đơn vị là 1, 3, 6, 8 (tức là phạm Kim Lâu) thì sẽ có thể ảnh hưởng xấu đến bản thân cô dâu và những thành viên trong gia đình.
Nếu hai bên gia đình vẫn muốn tổ chức đám cưới thì phải thực hiện rước dâu 2 lần để hóa giải những điều không may mắn và giúp lễ cưới của cặp đôi được thuận lợi, hôn nhân hạnh phúc.
Đón dâu lần 2 có quan trọng và đón dâu 2 lần cô cần xe hoa không? Việc tổ chức rước dâu 2 lần cần phải được chuẩn bị chu đáo và cẩn thận về cả vật chất lẫn tinh thần.
Về vật chất, gia đình 2 nhà trai và nhà gái phải lo liệu trang trí nhà cửa, chuẩn bị bàn thờ gia tiên cẩn thận và xe đưa đón trong cả hai lần.
Về tinh thần, nếu hai nhà có khoảng cách địa lý xa xôi khiến việc di chuyển đi lại mất thời gian, có thể gây ra nhiều mệt mỏi. Hai bên gia đình cần bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất trước khi thực hiện rước dâu 2 lần để tránh những phát sinh sự cố không mong muốn.
Trình tự tổ chức lễ đón dâu 2 lần như thế nào?
Thủ tục rước dâu 2 lần ở mỗi vùng miền trên đất nước rất khác nhau, tại miền Bắc thì các thủ tục có phần cầu kỳ, chú trọng lễ nghĩa hơn miền Nam. Sau đây hãy cùng tìm hiểu trình tự tổ chức rước dâu hai lần như thế nào ở miền Bắc và miền Nam nhé.
Thủ tục rước dâu 2 lần ở miền Bắc
Có 2 cách rước dâu 2 lần được các gia đình miền Bắc lựa chọn, trong đó cách 1 thường được ưa chuộng hơn do thủ tục đơn giản và không rườm rà.
Cách 1:
Đầu tiên, nhà trai nhà gái tổ chức lễ đón dâu lần thứ nhất ngay trong lễ ăn hỏi. Đây được coi là lần “cưới thử” vì cô dâu sẽ về nhà chồng, nghỉ lại một đêm và phải về nhà mẹ đẻ vào sáng sớm hôm sau. Thường thì cô dâu sẽ tự về nhà mẹ đẻ trước 8h sáng, không được cho ai biết, chú rể cũng không được phép đưa cô dâu về.
Vào ngày tổ chức lễ cưới sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục rước dâu lần 2. Khi đó, chú rể và nhà trai sẽ mang lễ vật đến xin rước dâu và đón vợ về nhà trai như những đám cưới bình thường khác.
Khi tổ chức rước dâu 2 lần theo cách này thì cô dâu không được động phòng trong lần rước dâu đầu tiên, cũng không được mang tư trang bên mình và không được cho ai biết. Bởi đây chỉ là lễ phụ, tiền đề cho việc đón dâu lần 2 và lúc này cả hai chưa chính thức được coi là vợ chồng. Nếu phạm phải một trong những điều trên, việc đón dâu lần thứ 2 sẽ không còn ý nghĩa.
Cách 2:
Theo cách này, mọi thủ tục đều sẽ được tổ chức như một đám cưới bình thường, gồm lễ dạm ngõ, ăn hỏi, vu quy và thành hôn. Sau đó, cô dâu về nhà chồng sống bình thường. Tuy nhiên, 3 năm sau cặp đôi sẽ tổ chức lễ cưới lại. Trong ngày cưới lại thì cũng giống như cách 1, cô dâu về nhà mẹ đẻ, sau 3 ngày chú rể mang lễ vật đến xin rước dâu như bình thường.
Lưu ý khi cưới 2 lần: Theo cách này thì cô dâu cũng không được mang theo tư trang gì theo về nhà mẹ đẻ.
Nếu đã có con nhỏ thì có thể mang con theo nhưng không được mang con trở lại nhà chồng vào lần đón dâu thứ hai. Bởi lần đón dâu thứ hai này là lần cưới thật, do đó mọi thứ cần phải được bắt đầu lại từ đầu và không vướng bận điều cũ.
Cách rước dâu 2 lần ở miền Nam
Thủ tục rước dâu 2 lần ở miền Nam có thể được tiến hành chung trong lễ cưới, tiết kiệm thời gian hơn so với thủ tục của miền Bắc.
Để thực hiện thủ tục này, nhà trai sẽ phải chuẩn bị 2 bó hoa: một bó hoa chính thật to, đẹp dành cho chú rể cầm khi bước vào phòng cô dâu và một bó hoa phụ còn lại chỉ cần chuẩn bị đơn giản, không cần cầu kỳ cho phù rể cầm.
Khi lên phòng và đưa cô dâu xuống ra mắt quan viên hai họ, phù rể là người mở cửa bước vào đầu tiên, đưa bó hoa phụ cho cô dâu. Cô dâu nhận hoa nhanh chóng bỏ bó hoa đó đi, đây tượng trưng cho việc đã qua một đời chồng.
Sau khi bỏ bó hoa phụ, chú rể sẽ trao cho cô dâu bó hoa chính và cùng nhau thực hiện lễ gia tiên. Tiếp đó, cô dâu chú rể xuống sân khấu, tiếp tục ra mắt họ hàng hai bên và tổ chức lễ cưới như bình thường.
Kinh nghiệm chuẩn bị rước dâu 2 lần
Qua những thông tin trên, hẳn bạn đã biết được rước dâu 2 lần là sao rồi phải không? Để thủ tục này được diễn ra thuận lợi, cả hai gia đình đều phải thực hiện công tác chuẩn bị thật cẩn thận.
Nhà gái cần chuẩn bị gì cho lễ rước dâu 2 lần?
Gia đình nhà gái cần chuẩn bị bàn thờ gia tiên, trang trí nhà cửa, trang phục cho cô dâu cũng như là những đồ dùng cá nhân khác một cách đầy đủ.
Thắp hương trong lễ rước dâu 2 lần tại bàn thờ gia tiên nhà gái
Việc trang trí bàn thờ gia tiên nhà gái: Cần lau dọn sạch sẽ, chuẩn bị lễ vật đầy đủ, trang trí hài hòa, đẹp mắt để thể hiện được lòng thành kính, tôn trọng của hai gia đình. Điều này thể hiện sự cầu mong ông bà phù hộ cho cặp đôi mới cưới luôn hạnh phúc, gặp nhiều sự may mắn trong hôn nhân.
Về trang phục: Cô dâu cần chuẩn bị những bộ trang phục cưới đầy đủ cho cả hai lần đón dâu. Ở lần đón dâu đầu tiên, ngoài áo cưới và phụ kiện thì cô dâu hãy chuẩn bị thêm một bộ quần áo để thay vào mặc đi ngủ trong 1 đêm tại nhà chú rể là được.
Với lần cưới thật, cô dâu cần chuẩn bị trang phục đẹp, trang điểm cẩn thận và cầu kỳ hơn lần 1. Cô dâu có thể mặc sẵn váy cưới và nhắc nhở chú rể đừng quên nhẫn cưới cùng hoa cưới để tránh những sai sót không đáng có.
Việc chuẩn bị những đồ dùng khác: Cô dâu nên chuẩn bị thêm một ít tiền lẻ, gạo, muối để thả khi đi qua các ngã 3, ngã tư, ngã 5, ngã 7 và nhất là khi đi qua cầu. Bởi theo quan niệm dân gian, việc vứt những đồ vật này xuống sẽ mang ý nghĩa mong muốn đoạn đường sắp tới của cặp đôi luôn gặp may mắn, suôn sẻ.
Nếu quãng đường giữa nhà cô dâu chú rể cách quá xa nhau, hãy chuẩn bị trước một chút đồ ăn nhẹ và một số tiền mặt để phục vụ cho việc di chuyển vào sáng hôm sau ở lần cưới thử.
Với đồ dùng cá nhân của cô dâu, bạn hãy nhờ người thân mang qua nhà chú rể từ lần cưới thử. Vào ngày cưới thật, bạn chỉ cần mang thêm một số đồ vật tượng trưng để thuận tiện cho việc di chuyển.
Nhà trai cần chuẩn bị gì cho lễ rước dâu 2 lần?
Đối với nhà trai thì lại không có quá nhiều thủ tục phức tạp và chuẩn bị cầu kỳ nên chỉ cần chuẩn bị lễ vật xin rước dâu trong lễ ăn hỏi là được. Lễ vật nhất định cần phải có là trầu cau, còn lại tùy thuộc vào sự thỏa thuận và bàn bạc của hai bên gia đình từ lễ dạm ngõ.
Ngoài những lễ vật cần thiết trên thì nhà trai cần chuẩn bị thêm 2 bó hoa cưới. Một bó cho cô dâu vào lần cưới thử và một bó cho cô dâu nhận vào ngày cưới thật.
Trên đây là tất tần tật thông tin liên quan đến thủ tục rước dâu 2 lần và những kinh nghiệm cần biết để việc rước dâu được diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Hy vọng những thông tin này sẽ có ích với bạn, chúc các bạn có cuộc sống hôn nhân vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc.