Tam tòng tứ đức là tiêu chuẩn từ xa xưa về đạo đức, ứng xử mà xã hội đặt ra cho người phụ nữ. Bạn có biết Tam tòng tứ đức là gì không? Ý nghĩa của câu nói này là gì, có gì khác trong xã hội hiện đại hay không?
Tóm tắt
Nguồn gốc của Tam tòng tứ đức là gì?
Thuyết Tam cương ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức xuất phát từ trong Nho giáo
Đối với người phụ nữ, trong các nội dung đạo đức của Nho giáo thì thuyết Tam tòng, Tứ đức là quy phạm giáo dục đạo đức cơ bản đối với người phụ nữ. Tư tưởng này có ảnh hưởng sâu sắc đến vai trò, vị trí của người phụ nữ Việt Nam. Thuyết Tam tòng, Tứ đức trong lịch sử dựng nước và giữ nước từ xa xưa của dân tộc đã đóng góp những giá trị nhất định, làm nên vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Tam tòng tứ đức là gì?
Tam tòng là gì?
Tam tòng trong tiếng Trung giải nghĩa như sau: Tam 三 là ba, chữ tòng trong 顺从 thuận theo, tòng có nghĩa là nghe theo, vâng lời, thuận theo, làm theo. Tam tòng để chỉ 3 điều mà người phụ nữ xưa bắt buộc phải làm theo.
Đó là :
- Tại gia tòng phụ: Có nghĩa là con gái khi còn ở nhà đẻ phải nghe theo cha mẹ. Trong xã hội xưa một người con gái ngoan ngoãn, gia giáo thì phải biết nghe lời bố, làm theo những lời bố đề ra.
- Xuất giá tòng phu: Có nghĩa là con gái khi đã được gả đi rồi thì phải nhất nhất nghe theo lời chồng. Người phụ nữ phải có trách nhiệm vun vén và tạo dựng hạnh phúc gia đình, đứng đằng sau giúp chồng làm lên nghiệp lớn.
- Phu tử tòng tử: Có nghĩa là nếu chồng mất đi thì người vợ sẽ phải theo con, ở vậy nuôi con trưởng thành và các việc trọng đại trong gia đình thì đều do con trai quyết định.
Như vậy, tam tòng chính là tòng phụ, tòng phu tòng tử.
Tứ đức là gì?
Tứ đức trong tiếng Trung giải nghĩa như sau: Tứ là bốn, đức là đạo đức, tứ đức là bốn đạo đức mà người phụ nữ cần phải có.
Đó là:
- Công: Là công lao, sự nghiệp, là việc lớn. Có nghĩa là người phụ nữ khéo léo trong việc nội trợ, đảm đang, tháo vát. Sự nghiệp lớn của người phụ nữ chính là chăm sóc con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình.
- Dung: Dung là dung mạo, ở đây không chỉ nói ngoại hình mà còn chỉ cách ăn mặc và trang điểm. Người phụ nữ có “dung” là một người phụ nữ biết cách ăn mặc lịch sự, trang nhã, phù hợp hoàn cảnh.
- Ngôn: Ngôn là lời nói. Xã hội xưa cho rằng người phụ nữ cần phải biết cách ăn nói sao cho nhẹ nhàng, khéo léo, không bỗ bã, thô tục, hỗn hào.
- Hạnh: Là đức hạnh, là đức quan trọng nhất với người phụ nữ. Một người phụ nữ đức hạnh sẽ biết cách giáo dục con cái, biết cách dung hòa mối quan hệ trong gia đình. Hạnh còn để nói về tiết hạnh của người phụ nữ.
Tam tòng trong xã hội ngày nay
Tam tòng trong xã hội hiện đại ngày nay được hiểu một cách khái quát và rộng hơn. Phụ nữ cũng là một người con thì việc nghe lời bố mẹ là điều đúng nhưng nghe lời nên đi kèm với chính kiến cá nhân.
Khi đã lấy chồng thì dù là xưa hay nay thì người vợ vẫn luôn nên tôn trọng chồng, dung hòa và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nếu chồng qua đời thì người phụ nữ ngày nay sẽ không nhất thiết phải sống cô đơn mà có thể đi thêm bước nữa; tìm hạnh phúc mới cho riêng mình và cũng là một điểm tựa vững chắc cho con.
Ảnh hưởng của thuyết Tam tòng tứ đức với người phụ nữ Việt Nam ngày nay
Có thể thấy, xã hội đã thay đổi, người phụ nữ hôm nay cũng đã khác trước rất nhiều. Quan niệm về “Tam tòng tứ đức” ở phụ nữ hiện đại đã có nhiều thay đổi.
Tuy vậy, dù ở thời đại nào thì vai trò của người phụ nữ cũng rất quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục vượt qua mọi định kiến và thử thách.
Họ có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, có ảnh hưởng to lớn đến hạnh phúc và sự ổn định của gia đình.
Giáo dục ý thức tôn trọng kỷ cương, nề nếp gia đình, trật tự xã hội
Trước hết, thuyết Tam tòng, Tứ đức có ảnh hưởng lớn đến việc người phụ nữ trong việc giáo dục ý thức tôn trọng kỷ cương, nề nếp gia đình, lớn hơn là ổn định trật tự xã hội.
Thuyết Tam tòng, Tứ đức giúp nâng cao giá trị của người phụ nữ. Nó không phân biệt đẳng cấp, địa vị, độ tuổi, giàu nghèo, vùng miền, học vấn…Những người phụ nữ ở nông thôn, vùng cao không có nhiều điều kiện học tập vẫn có khả năng trở thành người đảm đang, giỏi giang, hết lòng vì chồng con bằng quá trình rèn luyện không ngừng.
Thuyết Tam tòng, Tứ đức góp phần tích cực trong việc giáo dục các phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho phụ nữ Việt Nam ngày nay. Góp phần làm nên những phẩm chất đạo đức quý báu của người phụ nữ Việt Nam đúng với 8 chữ mà Bác Hồ đã ưu ái đề tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Hoàn thiện vẻ đẹp hình thức và nội tâm
Thuyết Tam tòng Tứ đức giáo dục người phụ nữ hoàn thiện vẻ đẹp hình thức và nội tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội
Trong chiến tranh, người phụ nữ Việt Nam luôn đảm nhiệm tốt vai trò làm con, làm vợ, làm mẹ. Ngày nay, quan niệm về tính chất công việc của người phụ nữ được nhìn nhận ở 2 phương diện: đảm đang nội trợ, chăm chồng con và tham gia vào công việc xã hội để tạo thu nhập cho gia đình, nâng cao tri thức và góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Vẻ đẹp hình thức luôn gắn liền với vẻ đẹp tâm hồn, tính cách và ứng xử. Những giá trị tích cực của “dung” theo Nho giáo vì vậy vẫn còn ảnh hưởng trong xã hội ngày nay.
Xã hội hiện đại có nhiều biến đổi trên nhiều lĩnh vực, quan niệm về cái đẹp có thêm nhiều tiêu chí mới, nhưng chuẩn mực nét đẹp thùy mị, duyên dáng, nữ tính vẫn có giá trị đối với người phụ nữ hiện đại.
Biết giữ đúng chuẩn mực trong phát ngôn
Phụ nữ ngày nay không chỉ làm đẹp cho bản thân mà còn biết làm đẹp cho chồng con, cho ngôi nhà của mình.
“Ngôn” ngày nay vẫn chú trọng sự nhã nhặn, kín đáo, âm thanh của lời nói nhỏ nhẹ, dễ nghe. Lời nói đẹp phải gắn liền với cử chỉ phù hợp. Nói năng nhẹ nhàng, cử chỉ đúng phép tắc, toát lên sự đoan trang của người phụ nữ.
So vời thời phong kiến, phẩm hạnh của người phụ nữ hiện đại không chỉ thể hiện ở trách nhiệm với gia đình, nó còn được khẳng định ở trách nhiệm với các quan hệ khác trong xã hội như trong quan hệ với bạn bè, làng xóm, cơ quan…
Làm gì để phát huy nhưng ý nghĩa tốt đẹp của thuyết Tam tòng tứ đức
- Trước hết, cần chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tích cực đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ Việt Nam hiện nay
- Thứ hai là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ hiện đại nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thuyết Tam tòng Tứ đức đối với người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
- Thứ ba là nâng cao vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng các tổ chức xã hội nhằm phát huy mặt tích cực và khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của thuyết Tam tòng, Tứ đức đối với phụ nữ Việt Nam hiện đại.
- Thứ tư, hoàn thiện về cơ chế, chính sách cũng như hệ thống pháp luật, thực hiện bình đẳng giới nhằm phát huy tính tích cực và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của thuyết Tam tòng Tứ đức đối với người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Vậy là bài viết đã giải thích thuyết Tam tòng tứ đức là gì, có ảnh hưởng như thế nào với người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Trước những đòi hỏi thay đổi của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, bất kỳ lĩnh vực nào, vai trò của người phụ nữ là không thể thiếu. Tứ đức luôn là thước đo chuẩn mực của người phụ nữ trong mọi thời đại và nâng cao giá trị của người phụ nữ Việt Nam trong thời hiện đại đầy cơ hội và thử thách.