Tết Đoan Ngọ là gì? Và những món ăn không thể thiếu

Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn gốc Tết Đoan Ngọ là gì, các món ăn và phong tục thú vị của ngày lễ này ra sao, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

Tết Đoan Ngọ là ngày gì?

Tết Đoan Ngọ (Tết Đoan Dương) là một ngày lễ truyền thống của một số nước châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Theo đó, “Đoan” nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, Đoan Ngọ là lúc mặt trời ở gần Trái đất nhất.

Tết Đoan Ngọ là ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm
Tết Đoan Ngọ là ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm

Ở Việt Nam, ngày này được gọi với cái tên dân dã là “Tết giết sâu bọ”, là ngày phát động bắt và tiêu diệt bớt các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng, mùa màng.

Tết Đoan Ngọ tiếng Anh được dịch là Mid-year Festival – 5/5 (lunar) tại Việt Nam. Còn ở Trung Quốc, ngày lễ này được dịch thành Dragon boat Festival hoặc Duanwu Festival. Tết Đoan Ngọ 2021 rơi vào thứ 2 ngày 14 tháng 6 dương lịch (tức ngày 5 tháng 5 âm lịch).

Sự tích Tết Đoan Ngọ

Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc

Tết Đoan Ngọ Trung Quốc bắt nguồn từ cuối thời Chiến Quốc, liên quan đến Khuất Nguyên, một nhà văn hóa nổi tiếng cũng là một vị trung thần của nước Sở. Tương truyền, do không can ngăn được Sở Hoài Vương lại bị gian thần hãm hại, ông đã ôm một tảng đá trầm mình xuống sông Mịch La vào đúng ngày 5 tháng 5. Người dân địa phương nghe tin đều chèo thuyền đi vớt xác ông nhưng không thể tìm thấy. Vì vậy, họ liền đổ gạo xuống sông để cá không động đến thân xác ông.

Hằng năm cứ đến ngày 5 tháng 5, người dân lại chèo thuyền ra giữa sông, mang theo gạo để tế Khuất Nguyên. Hoạt động này tiếp tục được duy trì mãi về sau, trở thành Tết Đoan Ngọ, người ta dùng thuyền rồng thay cho thuyền con và bánh tro thay gạo để tế lễ.

Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam

Theo truyền thuyết, một năm nọ vào đầu tháng 5, sâu bọ kéo đến nhiều, ăn hết lương thực, hoa màu khiến cuộc sống của người nông dân lâm vào khó khăn. May mắn có một ông lão tự xưng là Đôi Truân đã chỉ cho người dân cách lập đàn cúng gồm trái cây, bánh tro và ra trước nhà vận động thể dục để diệt trừ sâu bọ. Kể từ đó, cứ đến mùng 5 tháng 5 là người dân lại lập đàn cúng theo lời của ông lão để “giết sâu bọ” và thường cúng vào giờ Ngọ.

Phong tục lập đàn cúng giết sâu bọ ngày 5/5
Phong tục lập đàn cúng giết sâu bọ ngày 5/5

Xem thêm: Tết Nguyên Đán là gì? Tết 2021 vào ngày nào dương lịch

Thực tế, ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm còn là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ như câu ca dao:

“Tháng năm ngày tết Đoan Dương

Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”.

Ở khu vực đồng bằng Nam Bộ, ngày này được gọi là ngày “Vía Bà” theo tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngày này lại được gọi là ngày “nước quay” do nước ở thượng nguồn đổ về làm nước sông đỏ đục và có nhiều xoáy nước, đánh dấu mùa lũ hằng năm.

Do đó, cứ đến ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, người dân Việt Nam lại sửa soạn lễ lạt và cúng tế.

Ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ đã biến thành Tết diệt sâu bọ vì đây là giai đoạn chuyển mùa, dịch bệnh, sâu bệnh dễ sinh sôi, phát triển. Ở nhiều làng quê vẫn còn giữ nếp xưa, ngày này còn là ngày Tết sum họp, đoàn tụ gắn liền với nhiều phong tục riêng của từng vùng.

Trong ngày này, làng quê sẽ trở nên nhộn nhịp hơn, mọi người dậy từ sớm để chuẩn bị lễ vật, hoa quả thờ cúng tổ tiên. Sau lễ cúng, cả nhà sẽ quây quần bên nhau, cùng ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro… để diệt trừ “sâu bọ”, xua đuổi bệnh tật…

Tết Đoan Ngọ cúng gì?

Lễ gia tiên

Mâm cúng bao gồm:

  • Một mâm cơm chay
  • Các loại bánh chay, xôi chay
  • Mâm hoa ngũ quả đủ năm vị: chua, cay, đắng, mặn, ngọt
  • 9 bông hoa đồng tiền đỏ cài lên mâm ngũ quả
  • Ba chén rượu màu trắng, đỏ, vàng, có pha một chút hùng hoàng
  • Ba chén trà hương vị khác nhau, vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá, tiền âm phủ.

Sau đó đốt 9 ngọn nến, thắp 9 nén nhang, quỳ lạy 9 lạy và đọc văn khấn mùng 5 tháng 5 Tết Đoan Ngọ. Kết thúc bằng câu “Chúng con xin đa tạ” lặp lại 3 lần.

Mâm cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ
Mâm cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ

Lễ cầu xin Ngọc Hoàng Đại Đế và Thần Tiên

Chuẩn bị đàn lễ để cúng ngoài trời, đặt quay về hướng Nam. Mâm cúng bao gồm:

  • Bàn lễ trải vải đỏ rộng
  • Một mâm xôi, các loại bánh chay
  • Mâm hoa ngũ quả đủ năm vị cay, chua, đắng, mặn, ngọt
  • 9 bông hoa đồng tiền đỏ cài lên mâm hoa quả.
  • 5 chén rượu màu trắng, xanh, đỏ, vàng, đen và pha một chút hùng hoàng.
  • 5 chén trà hương vị khác nhau, vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá.
  • Một chiếc lọng đỏ viền vàng.
  • Không cúng tiền âm phủ.

Thắp 9 ngọn nến, 9 nén nhang và đọc một đoạn kinh. Sau đó, quỳ xuống lễ 9 lễ và đọc văn khấn. Kết thúc bài khấn bằng câu “Chúng con xin đa tạ” được lặp lại 3 lần và lại quỳ lễ 9 lần.

Những món ăn trong ngày Tết 5/5

  • Cơm rượu nếp: đây là món ăn truyền thống của Tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm dân gian, ăn cơm rượu vào sáng sớm, lúc mới ngủ dậy vào ngày 5/5 sẽ tiêu diệt được sâu bọ vì cơm rượu có vị cay nồng.
  • Bánh tro: đây là món ăn truyền thống của người dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ cũng như một số tỉnh miền Bắc. Bánh được gói nhỏ xíu, thon dài hoặc hình chóp tam giác với 3 loại nhân mặn, ngọt và không nhân.
  • Trái cây: Các loại trái cây đặc trưng của ngày này là mận, vải, đào… với vị chua chua, tươi ngon, thích hợp để giết sâu bọ.
Các món ăn truyền thống Tết Đoan Ngọ
Các món ăn truyền thống Tết Đoan Ngọ
  • Thịt vịt: Theo phong tục của nhiều địa phương miền Trung, Tết Đoan Ngọ ăn gì cũng không thể thiếu thịt vịt được. Ngày 5/5 âm lịch có khí trời nóng bức mà thịt vịt lại có tính mát, giúp cân bằng nhiệt – hàn giữa Trời và Người.
  • Chè trôi nước: Đây là món ăn quen thuộc của người miền Nam trong dịp Tết này. Những viên chè làm từ bột nếp, nhân đậu xanh ăn kèm nước cốt dừa, giúp giải nhiệt, thơm ngon.
  • Chè kê: Là món ăn đặc trưng của người Huế trong ngày này. Đầu tiên là xay hạt kê, bỏ vỏ, ngâm và đun sôi cho đến khi nở mềm, sền sệt thì thêm nước đường, gừng là có món chè kê thơm ngon, bổ dưỡng.

Phong tục ngày Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam

  • Hái thuốc: Một số loại lá thường được người dân hái vào ngày này là lá mùi, đinh lăng, ngải cứu…
  • Tắm lá mùi: Ở nhiều nơi, mỗi dịp Tết Nguyên đán hoặc Đoan Ngọ, mọi người có thói quen đun nước tắm lá mùi già để giải trừ vận xui và khí độc khỏi cơ thể. Còn ở một số vùng ven sông, ven biển thì thường rủ nhau ra tắm sông, tắm biển đúng vào giờ Ngọ.
Phong tục tắm lá mùi Tết Đoan Ngọ
Phong tục tắm lá mùi Tết Đoan Ngọ

Bên cạnh đó, còn có một số tục lệ độc đáo khác như treo ngải cứu trừ tà, nhuộm móng tay, móng chân…

Lưu ý cần biết trong ngày Tết Đoan Ngọ

Trong ngày 5/5 âm lịch, bạn nên tránh làm các điều sau:

  • Vứt giày dép lộn xộn: Trong tiếng Hán, giày dép đồng âm với từ “tà” nên nếu trong ngày này để giày dép lộn xộn sẽ dễ chiêu dụ tà khí.
  • Tránh để rơi tiền: Theo quan niệm dân gian, rơi ví, rơi tiền trong ngày này là rơi mất tài lộc, tài vận.
  • Không mua vật phẩm có hình thù kỳ quái: Không mua, nhặt các thứ đồ có hình thù kỳ lạ, không rõ nguồn gốc để tránh rước tà khí về nhà.
  • Không chọn phòng đầu tiên hoặc cuối cùng ở hành lang khi ở khách sạn, nhà nghỉ: Trong quan niệm phong thủy, đây là hai vị trí dễ thu hút nguồn năng lượng tiêu cực, không tốt cho sức khỏe.
  • Tránh dừng chân ở nơi âm u: Tránh xa bệnh viện, nghĩa trang, đám ma trong ngày này vì đây là những nơi có âm khí nặng, dễ dụ tà khí, bệnh tật.

Trên đây là tổng hợp các thông tin thú vị về ngày Tết Đoan Ngọ. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu thêm ý nghĩa thực sự cũng như những phong tục, truyền thống tốt đẹp của ngày lễ này. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *