Tết Nguyên Đán là ngày của gia đình, của sự sum họp và đoàn tụ trong trái tim mỗi người Việt Nam. Hãy cùng dành chút thời gian để tìm hiểu ý nghĩa thực sự của Tết Nguyên Đán là gì trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt
Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết Cả, Tết Ta) là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng nhất ở Việt Nam. “Tết” là cách đọc âm Hán – Việt của từ “tiết”, “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu, “đán” là buổi sáng sớm. Do đó, nếu đọc đúng phiên âm thì phải là “Tiết Nguyên Đán”.
Xem thêm: #99 cách trang trí Tết ấn tượng
Tết Nguyên Đán được dịch sang tiếng Anh là Lunar New Year. Chúng ta thường thấy lời chúc mừng Tết Nguyên Đán bằng tiếng Anh là Happy Lunar New Year để phân biệt với Happy New Year dành cho Tết dương lịch.
Bên cạnh Việt Nam, những nước ăn Tết Nguyên Đán khác đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Bhutan và các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines…
Ở Việt Nam Tết Nguyên Đán có từ bao giờ vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tương truyền, dân ta đã có tục ăn 2 loại bánh ngày Tết Nguyên Đán là bánh chưng, bánh dày từ thời Hùng Vương. Tuy nhiên, đây chỉ là phỏng đoán, không có căn cứ lịch sử.
Tết Nguyên Đán được tính từ ngày nào?
Vì âm lịch là lịch được tính theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán thường đến muộn hơn Tết Dương lịch. Theo quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch, ngày đầu năm Tết Ta thường diễn ra từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch (sau ngày 21 tháng 1 và trước ngày 19 tháng 2). Tết Nguyên Đán thường được tính từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng.
Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, không khí ngày Tết Nguyên Đán đã lan tỏa đến mọi ngóc ngách, phố phường. Ai ai cũng rộn ràng sắm sửa quần áo, quà cáp, lễ lạt và mong chờ từng ngày xem đến Tết Nguyên Đán còn bao nhiêu ngày nữa. Mọi người cũng hy vọng thời tiết trong 3 ngày Tết Nguyên đán sẽ tạnh ráo, không mưa phùn, gió bấc để an tâm chơi Tết.
Tết Nguyên Đán 2021 (từ ngày 01/01/2021 đến ngày 03/01/2021 âm lịch) rơi vào ngày 12/02/2021 đến ngày 14/02/2021 dương lịch. Theo lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, công chức, viên chức nghỉ 7 ngày liên tục, từ ngày 10/2/2021 đến hết ngày 16/2/2021 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày Mùng 5 tháng Giêng). Sau ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, mọi người sẽ đi làm lại bình thường.
Nguồn gốc Tết Nguyên đán
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Trung Quốc, do lịch sử hơn 1000 năm Bắc thuộc. Tương truyền, Tết Nguyên Đán có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc. Tuy nhiên, mỗi thời kỳ lại có sự khác biệt về thời gian tổ chức Tết. Ví dụ, nhà Hạ thích màu đen nên chọn tháng Giêng (tháng Dần). Còn nhà Thương chuộng màu trắng nên lấy tháng Chạp (tháng Sửu). Nhà Chu lại ưa màu đỏ nên chọn tháng Mười một (tháng Tý) làm tháng Tết.
Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đổi thành tháng Dần. Nhưng thời nhà Tần thì Tần Thủy Hoàng lại chọn tháng Mười (tháng Hợi). Cho đến thời nhà Hán, đời vua Hán Vũ Đế lại quyết định chuyển về tháng Dần (tháng Giêng). Các triều đại về sau vẫn giữ nguyên cách tính này.
Theo quan điểm của học giả Đông Phương Sóc (nhà Hán) thì ngày tạo thiên lập địa có thêm gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba sinh thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm thêm trâu, ngày thứ sáu thêm ngựa, ngày thứ bảy mới sinh loài người và ngày thứ tám sinh ra ngũ cốc. Do đó, Tết thường được tính từ ngày mùng Một cho đến hết ngày mùng Bảy.
Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán không chỉ là thời khắc giao thoa giữa đất trời và con người mà còn là ngày sum họp, đoàn viên của mọi gia đình. Chính vì thế, dù ai ở đâu, làm nghề gì cũng đều mong được trở về sum họp với gia đình, được khấn vái trước bàn thờ gia tiên, thăm lại quê hương, bạn bè… trong 3 ngày Tết. “Về quê ăn Tết” còn là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người.
Không chỉ như vậy, Tết âm lịch còn được coi là ngày “làm mới”, cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, thuận buồm xuôi gió. Do đó, các gia đình đều tất bật dọn dẹp, sắm sửa và trang hoàng nhà cửa đón Tết. Đây cũng là thời điểm để tha thứ, bỏ qua mọi chuyện cũ không vui, gắn kết lại tình cảm với người thân, bạn bè.
Ngoài ra, Tết cũng là dịp để tạ ơn, con cái hiếu kính cha mẹ, cha mẹ cảm tạ ông bà, tổ tiên, học trò nhớ ơn thầy cô, đúng như câu ca: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”.
Những phong tục trong ngày tết Nguyên Đán
Tất niên
Ngày 30 tháng Chạp (năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (năm thiếu) được gọi là tất niên. Đây là thời điểm gia đình sum họp, quây quần ăn bữa cơm tất niên. Buổi tối ngày hôm đó, các gia đình cũng làm cỗ cúng tất niên.
Mâm cỗ thường bao gồm: hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, chè, thuốc, bánh chưng và cỗ mặn. Tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình cũng như phong tục của từng vùng để sửa soạn các mâm cỗ khác nhau.
Giao thừa
Giữa ngày 30 hoặc 29 tháng Chạp và ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, giờ Tý (từ 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng) có giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút ngày mùng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất năm, đánh dấu sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Thời khắc này được gọi là Giao thừa. Trong khoảng thời gian này, người thân trong gia đình thường sum vầy bên nhau, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới.
Cúng ngày Tết
Ngày mùng 1 tháng Giêng là ngày Tân niên, ngày quan trọng nhất trong dịp Tết. Do đó, mọi người thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng gia tiên và ăn uống, chúc tụng nhau trong gia đình. Phải đến ngày hôm sau khi tổ chức cúng lễ tại gia và đọc văn khấn mùng 2 Tết Nguyên đán vào sáng sớm thì gia đình mới đi chúc Tết họ hàng, người thân.
Ngày mùng 3 là ngày cuối cùng cúng cơm tại gia. Các gia đình sẽ làm lễ hóa vàng để tiễn tổ tiên trong ngày này. Sau đó, mọi người sẽ đi chúc Tết hàng xóm, thầy cô, đồng nghiệp. Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình trẻ chọn đi du lịch Tết Nguyên Đán để thay đổi không khí và tận hưởng các dịch vụ nghỉ dưỡng, thư giãn.
Xông đất
Theo quan niệm truyền thống, ngày mùng 1 đại diện cho năm mới, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, suôn sẻ thì cả năm sẽ thuận buồm xuôi gió, an lành, cát tường. Do đó, những người tốt số, khỏe mạnh, vui vẻ và hợp tuổi với gia chủ sẽ được mời đi xông đất vào sáng sớm mùng 1 hoặc ngay sau thời khắc giao thừa để lấy may.
Lì xì
Trong ngày Tết, người lớn thường tặng tiền đựng trong phong bao lì xì cho trẻ em kèm theo những lời chúc tốt đẹp như ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang…
Ngoài ra, còn có một số tập tục khác như dựng cây nêu, đi hái lộc, xin câu đối đầu năm…vẫn được duy trì ở nhiều địa phương.
Tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán
Đây là một nét văn hóa tốt đẹp, thể hiện tình cảm và gắn kết các mối quan hệ. Con cái biếu quà cho cha mẹ, ông bà, người thân, bạn bè, đồng nghiệp tặng quà cho nhau, nhân viên tặng quà cấp trên…
Các món quà Tết phổ biến nhất là: chậu đào, mai, giỏ quà Tết, hoa quả, thuốc bổ, đồ dùng nhà bếp hoặc các món đồ, trang sức phong thủy. Trong đó, đồ phong thủy ngày càng được ưa chuộng vừa để trang trí vừa mang ý nghĩa thịnh vượng, chiêu tài phát lộc cho gia chủ. Ví dụ, thiềm thừ, tỳ hưu, vòng đá quý, mặt phật bản mệnh…
Trên đây là những thông tin thú vị về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Không nên bỏ Tết Nguyên đán vì đây là khoảng thời gian sum họp ý nghĩa nhất trong năm. Dù ai đi đâu xa cũng nên trở về bên gia đình để cảm nhận tình yêu thương và sự bình yên trong tâm hồn mỗi dịp Tết đến xuân về.