Truyện ngụ ngôn là gì? Đặc điểm, ý nghĩa, ví dụ truyện ngụ ngôn

Truyện ngụ ngôn là thể loại mà chúng ta đã được học trong chương trình Ngữ văn lớp 7. Khái niệm truyện ngụ ngôn là gì, bạn còn nhớ không? Cùng palada.vn ôn lại kiến thức về khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của truyện ngụ ngôn qua bài viết này nhé!

Truyện ngụ ngôn là gì?

Ngụ ngôn là lời nói có ý kín đáo để người nghe, người đọc tự suy ngẫm để hiểu.

Truyện ngụ ngôn là truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, trong đó có sử dụng biện pháp ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con vật hay kể cả con người để thuyết minh cho một chủ đề mang tính triết lý, một quan niệm nhân sinh hay một nhận xét về thực tế xã hội hay phản ánh những thói hư tật xấu của con người.

Truyện ngụ ngôn là truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần
Truyện ngụ ngôn là truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần

Nguồn gốc truyện ngụ ngôn

Truyện ngụ ngôn bắt nguồn từ truyện kể về loài vật. Người cổ đại xưa trong quá trình sống gần gũi với tự nhiên và chưa hoàn toàn tách mình ra khỏi tự nhiên đã từng quan sát, tìm hiểu các con vật (để dễ săn bắt và tự vệ). Cũng bởi sự phân biệt giữa con người và tự nhiên chưa rõ ràng nên người ta đã gán cho loài vật tính cách của con người. Truyện loài vật ra đời trên cơ sở đó. Khi con người có ý thức mượn truyện loài vật để nói về loài người thì truyện ngụ ngôn xuất hiện.

Truyện ngụ ngôn có liên quan đến cách nói thông qua hình tượng của nhân dân. Người ta thường dùng những sự vật cụ thể, những so sánh, ví von để diễn đạt cái trừu tượng (chẳng hạn ngu như bò, nhanh như cắt…). Từ đây, truyện ngụ ngôn ra đời.

Các truyện ngụ ngôn nổi tiếng

Truyện ngụ ngôn Con quạ thông minh

Một con quạ đang khát nước. Dù đã bay rất lâu để tìm nước nhưng chẳng tìm được giọt nào. Mệt quá, nó đậu xuống cành cây nghỉ và thấy một cái bình ở dưới gốc cây.

Khi tới gần, nó mới phát hiện ra cái bình có rất ít nước, và nó không thể chạm mỏ đến gần đáy để uống được. Nó thử đủ cách để thò mỏ xuống đáy bình để uống nước nhưng đều thất bại. 

Nhìn xung quanh, quạ thấy những viên sỏi nhỏ nằm ở gần đấy. Lập tức, nó dùng mỏ gắp lần lượt các viên sỏi thả vào bình. Chẳng bao lâu, nước đã dâng cao đến miệng bình. Giờ thì quạ có thể thò mỏ vào để uống. Quạ thỏa thích uống những giọt nước mát ngọt. Nó rất vui sướng khi thấy công sức của mình bỏ ra đã có kết quả. 

Truyện ngụ ngôn Con quạ thông minh
Truyện ngụ ngôn Con quạ thông minh

Bài học rút ra: Khi gặp khó khăn, chúng ta nhất định không được khuất phục trước nó mà phải tìm cách vượt qua.

Truyện ngụ ngôn Lừa và ngựa

Có con Lừa đi cùng một con Ngựa. Trên lưng ngựa chỉ có bộ yên thồ hàng, còn trên lưng Lừa chồng chất hàng hóa nặng đến mức nó không chịu nổi. Lừa cầu xin Ngựa gánh giúp nó một chút hàng hóa, nếu không nó sẽ c.h.ế.t gục trước khi tới được thành phố. Tuy nhiên, ngựa ta nghe xong từ chối thẳng thừng, thậm chí còn phì một tràng vào mặt anh bạn đồng hành.

Lừa không chịu thêm được gánh nặng trên vai và nó đã gục ngã. Sau đó, con ngựa đã phải chở toàn bộ số hàng, còn thêm cả bộ da lừa nữa.

Truyện ngụ ngôn Lừa và ngựa
Truyện ngụ ngôn Lừa và ngựa

Bài học rút ra: Đã là bạn bè thì cần phải yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn. Giúp bạn là đang giúp chính mình.

Đặc điểm của truyện ngụ ngôn

Cốt truyện và kết cấu truyện ngụ ngôn

Truyện ngụ ngôn là câu chuyện kể có cốt truyện gần với hiện thực 

Kết cấu truyện ngụ ngôn ngắn, ít tình tiết. Nét đặc biệt trong kết cấu của truyện ngụ ngôn là phần truyện kể nổi bật lên còn phần ý nghĩa sẽ lắng đọng lại mà người đọc phải tự rút ra.

Đặc điểm của truyện ngụ ngôn
Đặc điểm của truyện ngụ ngôn

Nhân vật

Nhân vật trong truyện ngụ ngôn rất đa dạng, có thể là con người, thần linh đến loài vật, cây cỏ… Nhân vật trong truyện ngụ ngôn được xây dựng thông qua sự đối lập giữa sự thông minh và ngu ngốc, tốt bụng và xấu xa, bé nhỏ và to lớn Tác giả dân gian cũng thường dùng biện pháp phủ định để khẳng định trong xây dựng nhân vật ngụ ngôn.

Biện pháp ẩn dụ trong truyện ngụ ngôn

Truyện ngụ ngôn thường ẩn dụ thông qua ngôn ngữ hàm súc. Tác giả dân gian còn miêu tả đặc điểm của các con vật để biểu trưng cho con người. Mỗi con vật tiêu biểu cho từng loại người trong xã hội. Chẳng hạn như con cáo xảo quyệt, con mèo giả dối,…

Bài học đạo đức của truyện ngụ ngôn

Yếu tố không thể thiếu của truyện ngụ ngôn là các bài học đạo đức. Các bài học đạo đức này hướng người đọc đến sự tử tế, lối sống lương thiện, không làm điều gian ác.

Bài học đạo đức trong truyện ngụ ngôn thường xuất hiện kiểu trực tiếp, tức là nội dung câu chuyện sẽ bật mí bài học cho người đọc. Tuy nhiên, cũng có truyện chúng ta phải suy luận một chút thì mới nghiệm ra được bài học của riêng mình. 

Sự hài hước trong truyện ngụ ngôn

Không chỉ là một trong các thể loại văn học dân gian, truyện ngụ ngôn còn là một công cụ giải trí của tầng lớp nông dân sau giờ làm việc vất vả. Chính vì vậy, yếu tố hài hước lag đặc điểm không thể thiếu của truyện ngụ ngôn. Sự hài hước ở đây có gắn liền với truyện cười dân gian, vốn dùng tiếng cười để châm biếm những hành động ngu dốt của con người.

Nội dung của truyện ngụ ngôn

Truyện ngụ ngôn có nội dung đả kích giai cấp thống trị

Truyện ngụ ngôn được nhân dân xưa sử dụng làm vũ khí đấu tranh chống giai cấp thống trị. Thể loại truyện này nêu lên được những nhận xét sâu sắc về tầng lớp thống trị trong xã hội cũ đó chính là thói ngang ngược của kẻ quyền thế, tội cướp của hại người và thói đạo đức giả của chúng.

Truyện ngụ ngôn phê phán các thói hư tật xấu của con người

Truyện ngụ ngôn cũng là bài học giáo dục, phê bình nhắm vào các thói hư tật xấu của con người như: thói huênh hoang, bệnh chủ quan, tính tham lam vô độ, thói đoán mò của người kém hiểu biết.

Nội dung của truyện ngụ ngôn
Nội dung của truyện ngụ ngôn

Triết lý trong truyện ngụ ngôn

Truyện ngụ ngôn nêu lên những kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống. Những kinh nghiệm này là những bài học bổ ích. Chẳng hạn, truyện ngụ ngôn khuyên con người nên đứng đúng vị trí của mình, sống cần có lập trường, tác hại của việc sống xa rời thực tế, nêu lên sức mạnh của tình đoàn kết.

Có những kinh nghiệm sống của nhân dân đã được khải quát thành quan niệm triết học thông qua truyện ngụ ngôn. Ðó có thể là quan niệm về thuyết tương đối của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên & xã hội, sự vận động và phát triển của thế giới theo quy luật khách quan.

Ý nghĩa của truyện ngụ ngôn

Mang đến những bài học giáo dục đạo đức bổ ích 

Từ thế kỷ XIX, đối tượng chính của các tác phẩm văn học ngụ ngôn là thiếu nhi. Truyện ngụ ngôn cho đến nay vẫn được giảng dạy liên tục trong các chương trình học trên toàn thế giới, bởi khả năng giáo dục các bài học đạo lý cực kỳ nổi bật của truyện ngụ ngôn. Các tác phẩm truyện ngụ ngôn luôn chứng đụng những bài học đạo đức, hướng con người đến những hành vi đối nhân xử thế đúng đắn, răn đe và phê phán những thói hư tật xấu trực diện và khách quan.

Truyện ngụ ngôn mang đến những bài học giáo dục đạo đức bổ ích 
Truyện ngụ ngôn mang đến những bài học giáo dục đạo đức bổ ích

Truyện ngụ ngôn ẩn chứa các nền văn hóa đặc sắc

Bên cạnh đó, truyện ngụ ngôn cũng chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc của các vùng miền dân tộc. Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những câu truyện ngụ ngôn hay, rất ý nghĩa, mang lại những nét văn hóa sinh hoạt của cư dân vùng đó.

Truyện ngắn là gì? Đặc điểm, ví dụ các tác phẩm truyện ngắn hay

Trên đây là những thông tin về khái niệm truyện ngụ ngôn là gì, đặc điểm, ý nghĩa và ví dụ một số truyện ngụ ngôn nổi tiếng. Có thể thấy truyện ngụ ngôn không chỉ mang đến tiếng cười giải trí cho người đọc mà nó còn chứa đựng những bài học sâu sắc về cuộc đời. Các bậc cha mẹ có thể cho con mình tiếp cận sớm với thể loại truyện ngụ ngôn để giáo dục các bé ngay từ khi còn nhỏ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *