Câu rút gọn là một nội dung quan trọng trong ngữ pháp tiếng Việt. Vậy câu rút gọn là gì và cách dùng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về loại câu này trong bài viết dưới đây!
Tóm tắt
Khái niệm câu rút gọn là gì?
Câu rút gọn là loại câu bị lược bỏ một số thành phần trong câu.
Trong quá trình nói, viết, những câu rút gọn sẽ giúp câu trở nên ngắn gọn, súc tích hơn. Đồng thời, đoạn văn có câu rút gọn giúp truyền tải thông tin đến người đọc, người nghe một cách nhanh chóng, tránh việc lặp từ ngữ trong câu phía trước.
Cách dùng câu rút gọn
Để sử dụng câu rút gọn, cần chú ý hoàn cảnh giao tiếp, không nên sử dụng tùy tiện hoặc lạm dụng quá nhiều sẽ khiến người đọc/người nghe hiểu lầm hoặc gây khó chịu, phản cảm.
- Không cố tình rút gọn câu khiến người khác hiểu lầm, hiểu sai nội dung hoặc ý nghĩa của câu.
- Không rút gọn khiến câu nói trở nên cụt ngủn, cộc lốc, mất lịch sự, đặc biệt là trong hoàn cảnh trang trọng hoặc khi nói chuyện với người trên, người lớn tuổi.
Ví dụ: Hôm qua cháu được mấy điểm môn Toán?
8 điểm.
Không nên dùng câu rút gọn trong trường hợp này, mà nên trả lời đầy đủ là: Con được 8 điểm môn Toán ạ.
Ví dụ về câu rút gọn
Dựa trên khái niệm câu rút gọn là gì và cho ví dụ tương ứng trong từng trường hợp.
- Câu rút gọn chủ ngữ
Ví dụ: Bước lên phía trước!
Đây là câu rút gọn chủ ngữ. Câu đầy đủ là: Hoàng bước lên phía trước!
- Câu rút gọn vị ngữ
Ví dụ: Lớp trưởng hỏi cả lớp: “Sáng nay ai trực nhật lớp?”
An trả lời: “Tớ”.
Đây là câu rút gọn vị ngữ. Câu đầy đủ là: Tớ trực nhật lớp.
- Câu rút gọn chủ ngữ – vị ngữ
Học sinh A hỏi học sinh B: “Khi nào trường mình tổng kết học kỳ?”
Học sinh B trả lời: “Thứ hai”.
Đây là câu rút gọn cả 2 thành phần chủ ngữ và vị ngữ. Câu đầy đủ là: Thứ hai trường mình tổng kết học kỳ.
Phân biệt câu rút gọn và câu đặc biệt
Rất nhiều học sinh học câu rút gọn lớp 7 thường nhầm lẫn loại câu này với câu đặc biệt. Nguyên nhân là do câu đặc biệt và câu rút gọn đều có cấu tạo gồm 1 từ hoặc một cụm từ. Dưới đây là cách phân biệt 2 loại câu này.
Xem thêm: Câu đặc biệt là gì? Ví dụ minh họa
Câu đặc biệt theo định nghĩa:
- Cấu tạo là câu không có thành phần chủ ngữ vị ngữ. Do đó, không thể khôi phục cụm chủ vị trong câu.
- Từ và cụm từ là trung tâm của cú pháp.
Câu rút gọn ngữ văn 7 nêu rõ:
- Cấu tạo là câu đơn đầy đủ cụm chủ vị, thường bị lược bỏ chủ ngữ hoặc vị ngữ để trở thành câu rút gọn.
- Có thể xác định được thành phần chủ ngữ, vị ngữ bị lược bỏ trong câu tùy theo từng hoàn cảnh.
- Có thể khôi phục cụm chủ vị trong câu.
Ví dụ:
- Một ngày mưa. Mẹ em đi làm từ sáng sớm.
“Một ngày mưa” là câu đặc biệt vì nó không theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ và không thể khôi phục các thành phần nào được.
- Đi chơi không?
Đây là câu rút gọn vì nó là câu hoàn chỉnh, theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ bằng cách thêm chủ ngữ cho câu “Mọi người có đi chơi không?”
Trên đây là các kiến thức cơ bản về câu rút gọn, khái niệm, cách dùng và ví dụ minh họa cụ thể. Hy vọng qua bài viết trên, các bạn học sinh đã biết cách sử dụng câu rút gọn phù hợp trong từng văn cảnh và hoàn cảnh giao tiếp. Trang web palada.vn còn rất nhiều thông tin hữu ích khác, hãy nhớ truy cập và theo dõi thường xuyên nhé.