Đền ông Hoàng Mười – Địa điểm linh thiêng hấp dẫn du khách

Tín ngưỡng Tứ Phủ, thờ Mẫu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam. Trong số những vị thần được thờ cúng, ông Hoàng Mười là một trong Thập vị ông Hoàng trong hệ thống thần điện của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ và được người dân vô cùng tôn kính. Vậy đền ông Hoàng mười ở đâu, đi đền ông Hoàng Mười cầu gì? Hãy cùng tìm hiểu về ngôi đền này thông qua bài viết dưới đây nhé. 

Đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An

Đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An có tên chữ là Mỏ Hạc Linh Từ. Ngôi đền nằm trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, thờ Quan Hoàng Mười. Ông là một vị quan có công hộ quốc bảo dân, được nhân dân khắp mọi miền ngưỡng mộ và tôn kính.

Vị trí địa lý của đền

Đền thờ ông Hoàng Mười ở thôn Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Nơi đây còn được gọi là đền Mỏ Hạc hoặc đền Xuân Am theo tên làng, được xây dựng vào thế kỷ 17 dưới thời vua Lê Trung Hưng. 

Khu vực bên ngoài đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An
Khu vực bên ngoài đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An

Ngôi đền nằm ở nơi có vị trí địa lý đẹp, cảnh sắc thiên nhiên ôn hoà. Xung quanh đền là dòng sông Cồn Mộc trong xanh uốn khúc, xa xa là những cánh đồng xanh mướt một màu. Sau lưng chùa là núi Con Mèo, núi Dũng Quyết hùng vĩ. Đặc biệt, ngôi đền này cách xa làng mạc, bao quanh là núi non hữu tình và rợp bóng cây tạo nên khung cảnh yên bình, trong lành.

Sự tích đền Ông Hoàng Mười

Theo tín ngưỡng Tứ Phủ trong dân gian, ông Hoàng Mười là con thứ 10 của vua Bát Hải Động Đình – quan ở thiên đình và và đệ nhất thánh Mẫu Thiên Tiên công chúa. Theo sự sắp xếp của vua cha, ông Hoàng Mười xuống trần gian để giúp con người. Ông được giao trọng trách trấn thủ Nghệ An về mặt tâm linh, được đặc cách toàn quyền kiểm sát khâm sai ở xứ Nghệ

Theo thời gian, hình tượng quan Hoàng Mười được lịch sử hoá, tức gắn liền với những nhân vật có thật trong lịch sử như Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Duy Lặc, Nguyễn Duy Nhân, Nguyễn Xí… những người anh hùng có công với vùng đất này. 

Quan Hoàng Mười là một người văn võ toàn tài, có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Ông là người thương dân, dạy dân trồng lúa, nuôi tằm, đắp đê, đánh bắt cá… do vậy, ông được người dân hết mực tôn kính.

Ngoài ra, theo một truyền thuyết khác, Ông Hoàng Mười sinh ra ở làng Xuân Am, tổng Yên Đổ, phủ Hưng Nguyên xưa (nay là Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An). Ông là một vị tướng tài ba đã lập công lớn trong Khởi nghĩa Lam Sơn, và hy sinh trong trận chiến đánh vào thành Lục Niên. Để tưởng nhớ người anh hùng này, triều đình đã lập đền tại quê hương ông và đặt là đền ông Hoàng Mười.

Kiến trúc đền thờ ông Hoàng Mười Nghệ An

Theo ghi chép lịch sử, đền Ông Hoàng Mười được xây dựng vào thời Hậu Lê. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi đền đã bị hư hại và xuống cấp. Do đó vào năm 1995, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã tôn tạo, trùng tu đền Ông Hoàng Mười theo bộ khung cũ. Nơi đây đã trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng, là một trong những điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách đến tham quan tại Nghệ An.

Điện thờ ở đền ông Hoàng Mười Nghệ An
Điện thờ ở đền ông Hoàng Mười Nghệ An

Khuôn viên của Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An bao gồm: tam quan, đài trung thiên, tắc môn, lầu cậu, lầu cô. Hệ thống tượng pháp, 21 giới luật và hiện vật chữ Hán hiện còn được lưu giữ trong đền đều có giá trị nghệ thuật và lịch sử cao.

Quần thể đền thờ Quan Hoàng Mười bao gồm ba cung: Thượng cung, Trung cung và Hạ cung. Đền Ông Hoàng Mười được trùng tu mang nét kiến ​​trúc của công trình tâm linh thời Nguyễn. Vật liệu xây dựng chùa đều bằng gỗ, sơn son thếp, chạm trổ hoa văn rồng, lân, quy, phượng rất chi tiết.

Nhìn từ bên ngoài, đền Ông Hoàng Mười Nghệ An nổi bật với mái ngói chạm trổ hình rồng, tam quan nằm liên tiếp nhau, du khách có thể dễ dàng khám phá khu đền bằng cách đi sâu vào bên trong.

Lễ hội đền thờ ông Hoàng Mười

Hội đền Ông Hoàng Mười được tổ chức từ ngày 8 đến 10 tháng 10 Âm Lịch. Tuy nhiên những thời gian khác trong năm, trung bình mỗi ngày đền đón hàng trăm lượt khách đến tạ lễ và thăm đền. Đông nhất vẫn là du khách từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn…

Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười gồm phần lễ và phần hội. Phần nghi lễ gồm lễ khai quang, lễ rước bài vị, đạo sắc từ làng Xuân Am về đền, lễ yết cáo, lễ đại tế và cuối cùng là lễ tạ. Phần hội gồm các trò chơi dân gian được tổ chức vào ngày mùng 9 và mùng 10 thu hút nhân dân huyện Hưng Nguyên như thi bóng chuyền xã, thi nhảy bao bố, kéo co, chọi gà, giao lưu văn nghệ…

Đền ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh

Ngoài ngôi đền thờ ông Hoàng Mười ở Nghệ An, một ngôi đền khác thờ ông Hoàng Mười tại Hà Tĩnh cũng là một trong những địa điểm được du khách thập phương thường xuyên đến bái lễ đầu năm.

Vị trí đền ông Hoàng Mười Hà Tĩnh

Đền thờ ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh, hay còn được gọi với cái tên thân mật khác là đền Củi, nằm ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây có vị trí đắc địa, bên cạnh là dòng sông Lam thơ mộng uốn lượn, sau lưng tựa núi Hồng Lĩnh. Ngôi đền này là điểm đến được đông đảo du khách lựa chọn bởi sự linh thiêng và phong cảnh nên thơ, hữu tình khi đến với Hà Tĩnh.

Cổng đền ông Hoàng Mười (đền Củi) ở Hà Tĩnh
Cổng đền ông Hoàng Mười (đền Củi) ở Hà Tĩnh

Truyền thuyết về đền ông Hoàng Mười Hà Tĩnh

Đối với người dân Hà Tĩnh, ông Hoàng Mười là hậu thân của tướng quân Lê Khôi, gọi Lê Lợi bằng chú. Ông đã theo Lê Lợi lập được nhiều chiến công lớn trong cuộc chiến chống quân Minh xâm lược. Ông làm quan qua 3 triều đại nhà Lê và được phong đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục, Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân.

Tương truyền ông là một người yêu nước thương dân. Có cơn bão to ập đến, ông cùng tướng lĩnh lên ngàn chặt tre, mở kho thóc giúp dân. Tuy nhiên, khi đến chân núi Hồng Lĩnh, thuyền của ông bị chìm. Thương tiếc vị tướng tài đức này, người dân lập đền thờ ông và đặt tên là đền ông Hoàng Mười.

Kiến trúc đền ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh

Đền ông Hoàng Mười Hà Tĩnh (đền Củi) được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống, đậm dấu ấn thời Nguyễn. Mặc dù đã qua vài lần trùng tu nhưng nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính xưa cũ. 

Bên trong đền thờ ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh
Bên trong đền thờ ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh

Xem thêm:

Ngôi đền được xây dựng khá uy nghi, nằm ngay bên bờ sông Lam, chính giữa có một cây cột cao 2,85m xây theo kiểu chồng diêm. Từ tam quan bước lên 12 bậc tam cấp là đến hạ điện, được bố trí thành các điện thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Ông, điện Hoàng Mười, điện Chủ Mười và điện Trần Triều.

Xung quanh đền Củi có hồ bán nguyệt, khu dạo bộ với tầm nhìn hướng ra dòng sông Lam thơ mộng. Vì vậy, vào dịp đầu năm, du khách không chỉ đến đây chiêm bái, cầu bình an, làm ăn phát đạt mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh nên thơ của ngôi đền.

Ngày lễ tại đền ông Hoàng Mười Hà Tĩnh

Ngôi đền này nổi tiếng linh thiêng từ xưa đến nay, tương truyền rằng đến tạ lễ đền Củi Hà Tĩnh, chỉ cần thành tâm thì nhất định muốn gì được nấy. Bởi vậy, không chỉ người dân Hà Tĩnh mà du khách thập phương cũng đến đây để cầu bình an, cầu danh, cầu lộc… Đặc biệt trong những ngày lễ hội, dòng người kéo về ngôi đền này không ngớt. Đền Củi hàng năm có 3 ngày lễ lớn gồm:

  • Ngày 3 tháng 3 Âm lịch: Ngày giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh
  • Ngày 20 tháng 8 Âm lịch: Ngày giỗ Hưng Đạo Đại Vương
  • Ngày 10 tháng 10 Âm lịch: Ngày giỗ Đức Quan Hoàng Mười

Đây là những ngày lễ lớn thích hợp để đến đền ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh để tạ lễ và tham gia các hoạt động lễ hội khác.

Bài viết đã giới thiệu về đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Thờ cúng thần linh và tín ngưỡng thờ Mẫu, Tứ Phủ là nét đẹp tâm linh, văn hoá ở Việt Nam. Nếu bạn đang tìm kiếm những đền thờ tâm linh đẹp và linh thiêng, đừng bỏ qua đền ông Hoàng Mười nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *