Xã hội hiện nay tuy rằng đã cởi mở hơn trong nhiều vấn đề, tuy nhiên cũng còn tồn tại không ít những định kiến cũ. Vậy thì định kiến là gì, nguyên nhân, tác hại của định kiến là như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Tóm tắt
Định kiến là gì?
Thế nào là định kiến? Định kiến là những quan điểm hay ý kiến đã được hình thành từ thời gian rất dài trước đó. Thường định kiến là các đánh giá chủ quan, không hẳn có căn cứ về các hiện tượng, sự vật hay con người. Nó dẫn đến các đánh giá hay là quan điểm thiếu chính xác mang tính chủ quan, bảo thủ.
Định kiến về một khái niệm, hiện tượng có thể bắt nguồn từ sự hiểu biết có giới hạn của con người về bản chất của điều đó ở hiện tại.
Nguyên nhân của sự hiểu biết hạn hẹp này có thể là do con người đó chưa từng tiếp cận hay đã từng tiếp cận nhưng tiếp cận kiến thức thiếu, sai hoặc kiến thức về khái niệm hay hiện tượng đó đã biến đổi qua thời gian và chưa kịp cập nhật thông tin kiến thức mới.
Sự khác nhau giữa khái niệm định kiến và thành kiến là gì? Rất nhiều người vẫn thường xuyên nhầm lẫn giữa hai khái niệm này dù thực chất thì chúng hoàn toàn khác nhau.
– Định kiến là những quan điểm của cộng đồng nơi mà chúng ta sinh sống, có trước khi chúng ta sinh ra và bản thân được thừa hưởng trong quá trình sống và học ở đó. Vì vậy nên có cụm từ “những định kiến trong xã hội”, tức là chúng có sẵn trong xã hội.
– Thành kiến lại là những quan điểm mà chúng ta tự xây dựng cho mình, chứ không có sẵn trong cộng đồng. Ví dụ khi bạn va chạm với một đồng nghiệp, có ấn tượng tiêu cực với người đó sau đó có thành kiến với rằng đây là một kẻ xấu tính.
Ví dụ về định kiến xã hội
Định kiến luôn luôn tồn tại trong rất nhiều mặt của cuộc sống, mỗi người trong chúng ta không ít lần phải đối mặt với định kiến. Điều quan trọng là bản thân cần nhận thức được cái gì đúng, cái gì sai và điều gì là quan trọng đối với mình.
Ví dụ 1: Định kiến về phân biệt giới tính, cho rằng nam giới luôn phải giữ vị thế trụ cột gia đình. Từ đó dẫn đến sự bất bình đẳng đối với những người phụ nữ trong rất nhiều khía cạnh cuộc sống.
Tuy nhiên vấn đề này trong xã hội hiện nay cũng đã nhận được những chuyển biến đáng kể. Những người phụ nữ có thể ra ngoài làm những công việc như người đàn ông. Thậm chí tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo đang ngày càng có xu hướng tăng cao.
Ví dụ 2: Định kiến về “một giọt máu đào còn hơn ao nước lã” ý muốn nói những người cùng huyết thống sẽ luôn có tình yêu thương và quý mến nhau hơn người lạ. Nhưng thực tế thì khi con người chạy theo giá trị vật chất bên ngoài mà quên đi những chuẩn mực đạo đức sẽ dẫn đến rất nhiều thực trạng đau lòng.
Ngược lại cũng có không ít những người sẵn sàng giúp đỡ người mà họ yêu quý mặc dù họ không cùng chung huyết thống. Qua đây có thể thấy, định kiến nói trên đã không còn phù hợp trong xã hội hiện nay.
Ví dụ 3: Định kiến việc phải học “Đại học” mới là tốt nhất. Nhiều người cho rằng phải học “Đại học” thì mới nên người, đó mới là một người tài giỏi, học thức cao và làm ra nhiều tiền hơn những người không được đi học “ Đại học”.
Ngày nay, định kiến này đang dần có những thay đổi tích cực. Các bậc phụ huynh đã chú trọng nhiều hơn vào sự lựa chọn của con trẻ và khả năng áp dụng kiến thức vào đời sống thực tiễn. Có rất nhiều bạn từ bỏ việc học Đại học, thay vào là học nghề, làm việc từ sớm và đạt được thành công.
Có thể nói không phải những người đi học Đại học mới giỏi nhất nhưng cũng không thể phủ nhận việc học Đại học sẽ góp một phần vào con đường thành công của một người nếu chọn đúng ngành xã hội đang cần và chăm chỉ rèn luyện trong quá trình học.
Nguyên nhân của định kiến
Định kiến xã hội luôn được hình thành và duy trì trong thời gian dài. Tồn tại rất nhiều nguyên nhân dẫn đến định kiến, có thể kể tới như:
Điều kiện kinh tế, xã hội
Định kiến được hình thành từ những điều kiện kinh tế – xã hội, gắn với sự phát triển của mỗi quốc gia, các hoạt động xã hội hay nền tảng văn hóa được phản ánh.
Ví dụ, tại những khu vực nghèo khó, không phát triển thì các định kiến càng trở nên sâu sắc, việc tiếp cận với nền văn hóa đại chúng cũng trở nên khó khăn hơn.
Thời gian hình thành, duy trì định kiến
Một số định kiến đã được hình thành từ rất nhiều thế hệ trước, theo thời gian định kiến được truyền miệng, ghi chép theo cách riêng. Định kiến xuất phát từ các bậc bề trên trong họ, trong gia đình hay tập thể, tạo ra sự áp đặt đối với người dưới. Đây cũng chính là nguyên nhân mà nhiều định kiến cổ hủ vẫn tồn tại đến ngày nay.
Sự sai lệch trong cách nhìn nhận của mỗi con người
Sự nhìn nhận sai lệch ngay từ đầu về một vấn đề nào đó cũng có thể dẫn đến hình thành các định kiến. Ví dụ như trước đây có những tay anh chị hay xăm trổ nên khi thấy ai xăm mình, một số người sẽ đánh giá họ không phải là người đàng hoàng, du côn…
Tác hại của định kiến đối với con người, xã hội
Định kiến để lại những tác hại rất lớn đối với con người, xã hội. Nó khiến cho con người trở nên xa cách, khó hòa đồng và dẫn đến bị cô lập trong một tập thể hay gia đình.
Ngoài ra những định kiến trong xã hội còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể xác và tinh thần của cá nhân bị định kiến đó áp đặt.
Chẳng hạn như từ xa xưa, có định kiến xã hội về phụ nữ không có chồng mà mang thai sẽ bị mọi người dị nghị, coi thường, thậm chí bị cạo đầu, bôi vôi đem thả trôi sông… Trong xã hội hiện nay thì định kiến khắt khe đó đã không còn tồn tại, tuy nhiên những người như vậy vẫn bị đánh giá xấu, là người có phẩm hạnh không tốt.
Làm sao vượt qua những định kiến trong xã hội?
Để vượt qua các định kiến xã hội là điều không dễ dàng, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể làm được nếu thật sự tự tin vào bản thân mình.
Trong bất cứ xã hội nào dù có văn minh đến đâu thì đều tồn tại các định kiến. Điều bạn cần làm là luôn là chính mình và tin tưởng vào bản thân. Khi những ý kiến, chỉ trích không hề có giá trị đóng góp thì bạn cũng không cần phải quan tâm. Bạn cần luôn mạnh mẽ, tỉnh táo, có lập trường vững vàng trong mọi tình huống.
Khi gặp phải rào cản của những định kiến trong xã hội, bạn có thể tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ từ người thân, bạn bè tốt. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên vô cùng bổ ích nhằm giúp bạn có thể vượt qua mọi định kiến.
Bạn nên tham gia vào các hội nhóm tích cực, tuyên truyền xóa bỏ các định kiến không còn phù hợp trong xã hội hiện nay, giúp cho mọi người có những nhận thức đúng đắn hơn. Các bạn cần chứng minh điều đó là định kiến sai lầm qua các hành động và việc làm thật sự thiết thực, ý nghĩa.
Qua nội dung bài viết này hi vọng các bạn đã hiểu được định kiến là gì, nguyên nhân và tác hại của định kiến trong xã hội. Mong rằng với những thông tin chia sẻ từ bài viết, quý bạn đọc sẽ luôn là chính mình, có lập trường vững vàng, gạt bỏ các định kiến ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc của bản thân.