DropShipping là gì? Ưu – nhược điểm của DropShipping

DropShipping là một hình thức kinh doanh khá nổi tiếng trên thế giới cho những người ít vốn, có nhiều thời gian rảnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, rất ít người hiểu được DropShipping là gì. Hãy cùng tìm hiểu về cách vận hành và đánh giá ưu, nhược điểm của mô hình kinh doanh này trong bài viết dưới đây!

DropShipping là gì?

Drop Shipping (hay DropShip) là một thuật ngữ tiếng Anh, có nghĩa là giao hàng bỏ qua khâu vận chuyển.

Theo đó, bạn không cần phải mua dự trữ hàng trong kho giống như các đại lý, việc vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng do đối tác thực hiện. Bạn chỉ cần thực hiện công việc Marketing, tìm kiếm khách hàng và chốt đơn mà không cần quan tâm đến việc giao hàng. Bạn và những người bán hàng theo hình thức này được gọi là Dropshipper.

DropShipping là mô hình kinh doanh nổi tiếng trên thế giới
DropShipping là mô hình kinh doanh nổi tiếng trên thế giới

Ví dụ, bạn mua sản phẩm từ nhà sản xuất hoặc nhà bán sỉ với giá thấp. Sau đó, bạn bán sản phẩm đó cho khách hàng với giá cao hơn. Lợi nhuận của bạn chính là khoản chênh lệch đó. Tùy thuộc vào khả năng lựa chọn loại sản phẩm và nhà cung cấp, bạn có thể bỏ túi khoản chênh lệch lên tới vài trăm %, còn thông thường lợi nhuận sẽ dao động ở mức 30-60%.

Với sự phát triển của mạng Internet phủ sóng toàn cầu, bạn có thể dễ dàng lựa chọn nguồn hàng DropShipping Amazon, Ebay hay trên AliExpress, Shopify, Wholesale2b, Dropship Direct, DHgate…

Những người thích hợp với Dropshipping

Sinh viên

Sinh viên là đối tượng rất thích hợp của mô hình Drop Shipping. Họ có nhiều thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu thị trường, tìm kiếm sản phẩm và học hỏi kinh nghiệm. Mô hình này còn đặc biệt thu hút bởi vốn kinh doanh ban đầu gần như bằng 0. Điều duy nhất cần đó chính là thời gian.

Sinh viên là đối tượng thích hợp Dropshipping 
Sinh viên là đối tượng thích hợp Dropshipping

Dân văn phòng

Dropship là công việc làm thêm lý tưởng cho dân văn phòng. Họ chỉ cần bỏ ra khoảng 2-3 tiếng/ngày sau giờ làm là có thể kiếm thêm một nguồn thu nhập nhỏ khác ngoài lương. Thậm chí, không ít người đã quyết định nghỉ việc làm fulltime để theo đuổi mô hình này.

Người khởi đầu bước chân vào kinh doanh online

Đối với các bạn trẻ bắt đầu tập bán hàng online thì đây chính là một bài test trước khi chính thức dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh. Bạn sẽ học hỏi được các kiến thức về phân tích thị trường, tìm kiếm sản phẩm, nguồn hàng, ship hàng, kiến thức Marketing online… từ Dropship. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tăng thu nhập, tích lũy vốn cho startup trong tương lai. 

Các bước thực hiện dropshipping?

  • Bước 1: Tìm sản phẩm, lựa chọn nhà cung cấp, đàm phán giá cả, lựa chọn phương thức và thời gian vận chuyển.
  • Bước 2: Lựa chọn kênh bán hàng phù hợp với bạn. Ví dụ, đăng sản phẩm lên Facebook, Fanpage, Blog hoặc Store của bạn trên Amazon, Ebay…
  • Bước 3: Khách hàng mua hàng trên Store của bạn và trả tiền qua tài khoản ngân hàng, Paypal, Payoneer hoặc một Paygate mà bên bán chấp nhận. Hoặc khách hàng muốn ship COD (chỉ áp dụng với khách hàng trong nước).
  • Bước 4: Bạn nhận tiền của khách hàng, qua nhà cung cấp mua hàng, sau đó nhà cung cấp giao sản phẩm cho khách hàng hoặc yêu cầu nhà cung cấp ship COD.
  • Bước 5: Nhà cung cấp đóng gói, giao hàng cho khách. Gửi tracking info để bạn theo dõi đơn hàng và chăm sóc khách hàng.
  • Bước 6: Tổng kết chi phí, phân tích các loại sản phẩm sau 1 tháng và tối ưu kế hoạch kinh doanh cho tháng tới.
Quy trình DropShipping
Quy trình DropShipping

Phân loại các hình thức Dropshipping

Hình thức truyền thống

Dropshipping tại Việt Nam đã xuất hiện nhưng chỉ dừng ở hình thức kiếm tiền nhỏ lẻ, lợi nhuận thấp. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình thức này trong các thông báo tuyển cộng tác viên từ các shop online, các đơn vị bán hàng.

Ví dụ, shop giày nữ cần tuyển đại lý bán hàng trên Facebook. Điều kiện là sử dụng Facebook cá nhân, nhưng phải để avatar hình shop và thông tin các sản phẩm shop đang bán. Các cộng tác viên phải thực hiện theo đúng các thỏa thuận này. Sau đó, họ sẽ đăng tải sản phẩm, giới thiệu, chốt đơn và liên hệ để shop giao hàng cho khách. Với một đơn hàng thành công, cộng tác viên sẽ nhận được chiết khấu % tương ứng, thanh toán theo tuần, tháng hoặc theo số lượng đơn hàng.

Hình thức Internet online

Đây là hình thức DropShipping chuyên nghiệp hơn, đòi hỏi sự đầu tư nhất định. Thông thường là các cá nhân hoặc công ty nhỏ. Họ sẽ tạo các cửa hàng, trang web, fanpage và có kế hoạch bán hàng online, offline cụ thể để tăng tỉ lệ chốt đơn và số lượng đơn hàng.

Hình thức này được chia làm 2 loại là:

  • Bán hàng trên các kênh Free Traffic. Free Traffic nghĩa là nguồn lưu lượng truy cập miễn phí trên các kênh như: Blog, Mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter, Group, Diễn đàn…) Bạn có thể tận dụng giới thiệu sản phẩm và bán hàng miễn phí trên tài khoản Blog, Facebook, Instagram cá nhân, trên các fanpage, nhóm hoặc diễn đàn bạn đã tham gia.
  • Xây dựng store riêng – sử dụng pay traffic, SEO để bán hàng. Bạn đầu tư vào việc làm SEO website hoặc chạy quảng cáo để thu hút lưu lượng truy cập (traffic) của khách hàng về website, fanpage bán hàng của bạn.

Ưu và nhược điểm của Dropshipping?

Ưu điểm

Không cần nhiều vốn: Số vốn đầu tư ban đầu rất nhỏ. Bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí mua hàng, thuê kho bãi, thuê nhân viên, chi phí bảo quản, vận chuyển và không bao giờ phải quan tâm đến vấn đề hàng tồn kho. Đôi khi, bạn chỉ cần một chiếc laptop có kết nối mạng là được.

Dễ dàng khởi nghiệp với DropShipping
Dễ dàng khởi nghiệp với DropShipping

Dễ startup: Thành lập một doanh nghiệp bán hàng trực tuyến bao giờ cũng dễ dàng hơn doanh nghiệp truyền thống. Hình thức Dropship giúp bạn không cần lo lắng về các đầu công việc như:

  • Quản lý, trả phí thuê kho hàng
  • Đóng gói và vận chuyển sản phẩm
  • Theo dõi và bảo quản hàng tồn kho
  • Xử lý nghiệp vụ kế toán, thuế, hải quan
  • Nhập thêm hàng và xử lý hàng tồn kho
  • Thoải mái lựa chọn mặt hàng: Bạn có thể tìm kiếm, lựa chọn và cung cấp hàng loạt các sản phẩm khác nhau cho khách hàng. Bạn có thể bán các sản phẩm trong danh mục hàng hóa của nhiều nhà cung cấp.

Dễ mở rộng quy mô kinh doanh: Các doanh nghiệp DropShipping có thể mở rộng quy mô lên gấp 3, gấp 5 lần trong thời gian ngắn. Nhờ tận dụng vấn đề hàng hóa, kho bãi, thủ tục vận chuyển của nhà cung ứng, các doanh nghiệp này có thể tiết kiệm nhiều chi phí cũng như thủ tục giấy tờ quản lý khác. So với các doanh nghiệp truyền thống, các doanh nghiệp Dropship luôn có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều.

Nhược điểm

  • Lợi nhuận thấp: Mô hình kinh doanh Drop Shipping có tỉ lệ cạnh tranh cao do chi phí đầu tư và vận hành rất nhỏ, ai cũng có thể tham gia. Dù hoạt động nhỏ lẻ, không đầu tư nhiều vào xây dựng hình ảnh thương hiệu, song nhiều cá nhân hoặc công ty nhỏ vẫn thu được lợi nhuận nhờ bán hàng số lượng lớn với mức giá rẻ “sập sàn”. Do đó, đây là một “đại dương đỏ” với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
  • Theo dõi hàng tồn kho: Nếu bạn có kho hàng riêng thì bạn có thể dễ dàng theo dõi số lượng, chất lượng hàng hóa của mình. Tuy nhiên ở hình thức này, bạn phải phụ thuộc vào nguồn hàng từ nhà cung ứng, do đó bạn không thể quản lý sản phẩm. Quy trình vận chuyển phức tạp: Bạn bán nhiều sản phẩm của các nhà cung cấp khác nhau. Do đó, bạn phải theo dõi liên tục nhiều đơn hàng cùng lúc và phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp trong khâu giao hàng.
  • Lỗi từ nhà cung cấp: Đôi khi nhà cung cấp khiến bạn phát điên khi làm thất lạc hàng, hỏng hàng, đóng gói kém. Điều này có thể xảy ra với bất cứ đơn vị cung cấp nào, kể cả các đơn vị uy tín. Điều này sẽ gây tổn hại đến uy tín cá nhân hoặc doanh nghiệp của bạn.
Khó đảm bảo chất lượng giao hàng
Khó đảm bảo chất lượng giao hàng

Lưu ý khi bắt đầu kinh doanh trên mô hình Dropshipping

  • Không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để tránh làm mất uy tín của bạn trong giới bán hàng.
  • Nên lựa chọn các mặt hàng tiềm năng, mới lạ, độc đáo, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hơn là các mặt hàng dễ bán, có tính cạnh tranh cao.
  • Có kế hoạch, chiến lược đầu tư cụ thể, nghiêm túc
  • Quan tâm đến đánh giá của khách hàng về các vấn đề như: Thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng…
  • Chăm sóc khách hàng thường xuyên qua các công cụ như: hotline tư vấn, email, bình luận hoặc chat trực tuyến… để đảm bảo tạo dựng cho mình một tệp khách hàng trung thành
  • Quan tâm tới các chính sách hoàn tiền, đổi, trả hàng: Đây là vấn đề thường gặp khi kinh doanh thương mại điện tử. Do đó, bạn cần xử lý chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Trên đây là những chia sẻ tổng quan về mô hình kinh doanh DropShipping. Với những người muốn thử nghiệm kinh doanh thì đây là một khởi đầu tốt giúp bạn làm quen và tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, mô hình này cũng phù hợp với cả những cá nhân, tổ chức đã kinh doanh lâu năm trên thị trường. Hãy bước vào thế giới DropShipping đầy màu sắc và trải nghiệm thôi!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *