Hình vuông là dạng hình phổ biến mà chúng ta có thể thường xuyên bắt gặp trong cuộc sống. Trong bài viết sau đây, chúng mình sẽ giới thiệu với các bạn hình vuông là gì, công thức tính diện tích hình vuông, chu vi hình vuông cũng như một số bài tập ứng dụng những công thức này.
Tóm tắt
Hình vuông là gì?
Hình vuông là một dạng bài khá quen thuộc trong toán học và cụ thể là môn hình học. Không khó để trả lời câu hỏi hình vuông là gì hay xác định những dấu hiệu để nhận biết về hình vuông.
Hình vuông trước hết là một hình tứ giác có 4 cạnh. Tuy nhiên, hình vuông khác với các hình còn lại là nó có 4 cạnh bằng nhau. Đồng thời hình vuông cũng có 4 góc vuông và các cặp cạnh đối diện song song bằng nhau.
Tóm lại hình vuông là một hình tứ giác có 4 cạnh bằng nhau, có bốn góc vuông và có các cặp cạnh đối diện song song bằng nhau.
Quan sát hình vẽ trên ta có hình vuông ABCD
Trong đó, các cạnh AB = CD = AD = BC
Có 4 góc vuông gồm: Góc A; B; Góc C; góc D, bốn góc đều bằng 90 độ
Tính chất hình vuông
Hình vuông thường sẽ có những tính chất sau:
– Hình vuông có 2 đường chéo bằng nhau, vuông góc với nhau và giao nhau tại trung điểm của mỗi đường.
– 2 đường chéo của hình vuông đều cắt các góc của nó.
– Hình vuông luôn có 2 cặp cạnh song song với nhau.
– Có 4 cạnh đều bằng nhau.
– Tổng 4 góc trong hình vuông bằng 360°, mỗi góc bằng nhau và bằng 360°/4 = 90°.
– Có một đường tròn nội tiếp và ngoại tiếp hình vuông đồng thời tâm của cả hai đường tròn trùng nhau chính là giao điểm của hai đường chéo của hình vuông.
– Mỗi 1 đường chéo của hình vuông sẽ chia hình vuông đó thành hai phần có diện tích bằng nhau.
– Giao điểm của các đường phân giác, trung tuyến, trung trực của một hình vuông đều trùng tại một điểm.
– Hình vuông có tất cả tính chất của các hình chữ nhật, hình bình hành, hình thoi.
Dấu hiệu nhận biết hình vuông
Một hình tứ giác là hình vuông nếu như nó là một trong những hình sau:
– Hình chữ nhật trong đó có hai cạnh kề bằng nhau.
– Hình chữ nhật với hai đường chéo vuông góc.
– Hình chữ nhật trong đó một đường chéo là phân giác của một góc.
– Hình thoi nhưng có một góc vuông.
– Hình thoi với hai đường chéo bằng nhau.
– Hình bình hành có một góc vuông, hai cạnh kề bằng nhau.
– Hình tứ giác với độ dài các cạnh lần lượt là a, b, c, d mà có diện tích S =½(a² + c²)
Công thức tính diện tích hình vuông
Diện tích hình vuông là phần diện tích mặt phẳng của hình vuông mà ta có thể thấy được.
Muốn tính diện tích hình vuông thì ta lấy cạnh nhân với cạnh.
Cụ thể, ta có công thức tính diện tích hình vuông như sau:
S = a x a
Trong đó:
S: Diện tích hình vuông
a: Độ dài cạnh hình vuông
Một số lưu ý khi tiến hành tính diện tích hình vuông
– Các cạnh của hình vuông phải lấy cùng đơn vị đo. Khi tính diện tích của hình vuông hoặc bất cứ hình nào cũng cần chú ý là các cạnh của hình đó phải cùng đơn vị đo ví dụ nếu là cm thì tất cả là cm, nếu là mét thì tất cả phải là mét. Trong trường hợp đề bài cho các đơn vị của cạnh hình vuông khác nhau thì cần đổi về cùng đơn vị sau đó mới thực hiện tính diện tích hình vuông.
– Đơn vị của diện tích hình vuông cũng là các đơn vị đo diện tích ví dụ như cm2. Đây là một lỗi thường gặp khi nhiều người lại bỏ quên đơn vị tính diện tích.
Hình hộp chữ nhật là gì? Công thức tính diện tích hình hộp chữ nhật
Chu vi hình vuông là gì?
Chu vi hình vuông được tính theo công thức lấy cạnh nhân 4 hay nói cách khác là chu vi của hình vuông bằng tổng độ dài bốn cạnh cộng lại với nhau.
Ta có công thức chu vi hình vuông như sau:
P = a x 4
Trong đó:
P là chu vi của hình vuông
a là độ dài các cạnh của hình vuông đó
Một số lưu ý khi thực hiện tính chu vi hình vuông
Khi tính chu vi hình vuông chúng ta nên lưu ý đến một số điểm như sau:
– Cũng như muốn tính diện tích hình vuông thì khi tính chu vi ta cũng cần chú ý các cạnh của hình vuông phải lấy cùng đơn vị đo.
– Đơn vị của chu vi hình vuông là một đơn vị đo độ dài, đây là điểm khác so với đơn vị dùng để đo diện tích. Đơn vị đo chu vi hình vuông có thể là m, cm…
Bài tập về tính diện tích và chu vi hình vuông
Sau đây sẽ là một số dạng bài tập về diện tích, chu vi hình vuông lớp 3 và chu vi, diện tích hình vuông lớp 4 để các bạn và các em học sinh tham khảo.
Bài tập về diện tích hình vuông lớp 3
Một tờ giấy hình vuông có cạnh là 80mm. Hãy tính diện tích tờ giấy đó theo cm vuông.
Cách làm:
Để tính diện tích tờ giấy theo cm vuông, ta phải tiến hành quy đổi mm ra cm, cụ thể đó là: 80 mm = 8 cm
Như vậy ta có diện tích của tờ giấy đã cho là:
8 * 8 = 64 cm2
Đáp án diện tích tờ giấy đã cho là 64 cm2
Bài tập diện tích hình vuông toán lớp 3
Một hình vuông chu vi là 20 cm. Tính diện tích hình vuông đó.
Cách làm:
Cạnh của hình vuông đã cho là: 20 / 4 = 5 cm
Vậy diện tích của hình vuông đó là: 5 * 5 = 25 cm vuông
Đáp án diện tích hình vuông đã cho là 25 cm vuông
Bài tập về diện tích và chu vi hình vuông toán lớp 3
Để ốp một mảng tường người ta dùng hết 9 viên gạch men, mỗi viên gạch hình vuông có cạnh 10cm. Hỏi diện tích mảng tường đó là bao nhiêu cm vuông?
Cách làm:
Diện tích một viên gạch đã cho là:
10 * 10 = 100 (cm2)
Diện tích mảng tường là:
100 x 9 = 900 (cm2)
Công thức tính chu vi tam giác thường, vuông, cân, đều trong Toán học
Bài tập tính diện tích hình vuông lớp 4
Một miếng đất ban đầu hình vuông sau khi mở rộng về một phía thêm 8 m nữa thì được một hình chữ nhật có chu vi là 116 m. Hỏi sau khi mở rộng thì miếng đất đó có diện tích là bao nhiêu?
Cách làm:
Chu vi miếng đất hình vuông ban đầu là:
116 – 8 * 2 = 100 (m)
Cạnh của miếng đất hình vuông (chiều rộng của hình chữ nhật) là:
100 / 4 = 25 (m)
Chiều dài của miếng đất là:
25 + 8 = 33 (m)
Sau khi mở rộng thì miếng đất có diện tích là:
25 * 33 = 825 (m2)
Đáp số là 825 (m2)
Trên đây là giới thiệu của Palada.vn về hình vuông là gì, công thức tính diện tích hình vuông, chu vi hình vuông cùng các bài tập củng cố kiến thức. Nếu thấy bài viết này hữu ích các bạn hãy share cho bạn bè mình cùng biết và nhớ đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng mình nhé.