Ngày Lễ Thất tịch là gì? Những điều tuyệt đối không nên làm vào ngày lễ Thất tịch để tránh vận xui

Trước đây, Ngày lễ Thất tịch thường không được người Việt để tâm. Tuy nhiên, từ khi trào lưu ăn chè đậu đỏ để có người yêu dịp Lễ Thất Tịch rộ lên thì mọi người bắt đầu tìm hiểu về ngày lễ này. Ngày Lễ thất tịch bắt nguồn từ một câu chuyện tình yêu buồn của Trung Quốc. Với mỗi quốc gia phương Đông, ý nghĩa của ngày Lễ Thất Tịch sẽ khác nhau. Cùng chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày lễ Thất Tịch 7/7 nhé!

Ngày Thất tịch là ngày gì? 

Ngày Lễ Thất Tịch (tên gọi khác là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”), dựa theo truyền thuyết từ xa xưa của Trung Quốc, dân gian chọn ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm là ngày Lễ Thất Tịch. 

Như vậy, theo Dương lịch, lễ Thất Tịch năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày Thứ Ba, 22/8/2023.

Ngày Thất tịch bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu buồn của Trung Quốc
Ngày Thất tịch bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu buồn của Trung Quốc

Lễ Thất Tịch bắt nguồn từ truyền thuyết tình yêu của Trung Quốc. Đó là câu chuyện tình yêu buồn giữa nàng Chức Nữ – một nàng tiên dệt vải trên trời, con gái của Vương Mẫu Nương Nương và chàng Ngưu Lang – một người phàm trần 

Ngưu Lang – Chức Nữ vốn rất yêu nhau nhưng bị ép phải chia lìa vì nàng vốn không phải người phàm trần. Chàng Ngưu Lang do quá yêu nàng, một mực chờ nàng Chức Nữ quay trở lại. Điều này khiến Vương Mẫu cảm động và đồng ý cho họ gặp nhau mỗi năm một 1 lần vào ngày 7/7 âm lịch, chính là Lễ Thất Tịch ngày nay.

Câu chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ – Nguồn gốc của lễ Thất tịch

Như đã nói, lễ Thất Tịch gắn liền với sự tích câu chuyện tình Ngưu Lang và Chức Nữ

Chuyện kể rằng xưa kia có một chàng trai chăn trâu tên Ngưu Lang, gia cảnh nghèo khó, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Trong lúc chăn trâu trên đồi, anh phát hiện tại có 7 nàng tiên đang nô đùa tại một hồ nước gần đó, trong số đó anh đã phải lòng cô tiên nữ trẻ nhất. Chú trâu của anh biết được tình cảm này bèn bày kế cho anh chàng cướp xiêm y của cô tiên nữ đó, để cô không thể quay về và mãi ở lại chốn trần giang cùng với anh. Cô gái đó chính là Chức Nữ – con gái út của Ngọc Hoàng và Vương Mẫu Nương Nương.

Khi đến giờ phải bay về trời, các chị cô bay về hết bỏ mặc nàng tiên út khóc lóc một mình loay hoay tìm đồ. Chàng Ngưu Lang lúc này thấy cô khóc nên đã mủi lòng, đem bộ xiêm y ra trả lại cho nàng và thú nhận tất cả. Đồng thời chàng không quên thổ lộ tấm chân tình của mình và mong ước được lấy nàng làm vợ. Thấy chàng có vẻ thật thà, dễ thương, chân thành nên Chức Nữ đã đồng ý. Từ đó, hai người sống hạnh phúc cùng nhau dưới trần gian.

Cầu Ô Thước do dàn quạ trời tạo nên để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau mỗi dịp lễ Thất Tịch 7/7
Cầu Ô Thước do dàn quạ trời tạo nên để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau mỗi dịp lễ Thất Tịch 7/7

Sau khi Ngọc Hoàng phát hiện con gái út mất tích đã sai binh lính xuống trần bắt con về trời. Chàng Ngưu Lang vì quá thương  nhớ vợ nên đã mang theo 2 con đuổi theo nàng. Nhưng Vương Mẫu Nương Nương biết chuyện đã vạch ra ranh giới giữa 2 cõi trần và tiên, chính là sông Ngân Hà. Tuy nhiên, Ngưu Lang nhất quyết không chịu từ bỏ và quyết định ở đó chờ nàng quay về.

Cảm động trước tấm chân tình của cả hai, Vương Mẫu Nương Nương đã cho phép Ngưu Lang gặp Chức Nữ mỗi năm một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch (Lễ Thất Tịch) trên cây cầu Ô Thước do đàn quạ trời tạo nên.

Ý nghĩa của Lễ Thất tịch ở các quốc gia Đông Á

Lễ Thất tịch ở Trung Quốc

Lễ Thất Tịch và câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đến tận ngày nay, lễ Thất Tịch vẫn luôn là một dịp lễ quan trọng với người dân Trung Hoa, với những hoạt động vô cùng sôi nổi.

Lễ Thất Tịch thuở đầu là dịp để những thiếu nữ chưa chồng gửi lời cầu nguyện tới nàng Chức Nữ với mong muốn mình có được đôi bàn tay khéo léo trong các công việc nữ công gia chánh như là thêu thùa, may vá, dệt vải. Cũng không ít cô gái lại cầu nguyện với mong ước sau này sẽ lấy được một người chồng tốt,…

Tục thả kim tại Trung Quốc dịp lễ Thất tịch
Tục thả kim tại Trung Quốc dịp lễ Thất tịch

Ngoài ra, các cô gái trẻ Trung Quốc còn thả một cây kim lên mặt nước và hy vọng rằng nó không chìm. Cây kim này tượng trưng cho sự thông minh, khéo léo và trưởng thành.

Một số nơi khác ở Trung Quốc sẽ cùng nhau làm bánh bột nhào theo nhóm. Trong những chiếc bánh này, người ta sẽ giấu 1 cây kim, 1 giấy màu đỏ và 1 đồng xu. Người nào chọn trúng chiếc bánh có cây kim sẽ trở nên khéo léo, người chọn được giấy đỏ sẽ có một tình yêu đẹp và hôn nhân viên mãn, người chọn được đồng xu sẽ trở nên giàu có.

Lễ Thất tịch ở Hàn Quốc

Lễ Thất Tịch của Hàn Quốc có tên là lễ Chilseok. Lễ Chilseok của người Hàn rơi vào mùa mưa. Người dân Hàn Quốc gọi nước mưa là nước Chilseok, họ sẽ tắm dưới nước mưa này để cầu mong sức khỏe, bình an.

Trong lễ hội Chilseok, ngoài việc tắm nước mưa, người Hàn Quốc còn ăn bánh nướng và mì. Chilseok được biết đến như là lễ hội để thưởng thức những món ăn làm từ lúa mì bởi sau ngày lễ Chilseok, những cơn gió lạnh sẽ khiến hương vị lúa mì không còn thơm ngon.

Lễ Thất tịch ở Nhật Bản

Lễ Thất tịch ở Nhật Bản có tên là Tanabata Matsuri

Thời Nara (năm 710-784), khi văn hóa Trung Hoa du nhập vào đất nước Nhật Bản, người Nhật cũng có truyền thuyết về anh chàng chăn trâu Hikoboshi và nàng tiên dệt vải Orihime khá giống câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ ở Trung Quốc.

Những mảnh giấy đầy màu sắc là nơi gửi gắm những ước mơ của người dân Nhật Bản vào dịp lễ Thất tịch
Những mảnh giấy đầy màu sắc là nơi gửi gắm những ước mơ của người dân Nhật Bản vào dịp lễ Thất tịch

Vào ngày lễ này, người Nhật Bản viết mong ước của mình lên những mảnh giấy màu sắc Tanzaku và treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu mong nàng Orihime giúp họ khéo léo hơn trong may vá, viết chữ đẹp và mong muốn chàng Hikoboshi sẽ mang đến cho họ những vụ mùa bội thu. Ngoài ra cặp đôi đang yêu nhau cũng tới các đền thờ để cầu nguyện, những người độc thân thì cầu mong tìm được nửa kia ưng ý. 

Đặc biệt, Tanabata là một ngày hội lớn với trẻ nhỏ. Ở trường học và ở nhà, lũ trẻ sẽ cùng nhau trang trí cho các cành trúc mà ở đó chúng sẽ treo những mảnh giấy sắc màu ghi nguyện ước của mình.

Một trong những biểu tượng của Lễ Thất tịch ở Nhật Bản là những cột giấy Fukinagashi với các màu sắc sặc sỡ tượng trưng cho những sợi chỉ may vá của nàng tiên Orihime. Với độ cao trung bình từ 5–6m, cột giấy Fukinagashi là một trong 7 vật trang trí được xem như vật mang lời cầu nguyện của con người đến với tổ tiên và thần linh

Lễ Thất tịch ở Việt Nam

Ngày lễ Thất Tịch (Mùng 7 tháng 7 Âm lịch) tại Việt Nam còn được biết đến với cái tên ngày “ông Ngâu bà Ngâu” – theo cách gọi Ngưu Lang và Chức Nữ trong văn hóa người Việt Nam. Trong ngày lễ Thất Tịch, trời thường đổ mưa ngâu rả rích suốt cả ngày. Tương truyền rằng đó chính là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ vì quá hạnh phúc khi được gặp nhau.

Trào lưu ăn chè đậu đỏ để mong cầu tình duyên thuận lợi dịp lễ Thất tịch của các bạn trẻ Việt Nam
Trào lưu ăn chè đậu đỏ để mong cầu tình duyên thuận lợi dịp lễ Thất tịch của các bạn trẻ Việt Nam

Vài năm gần đây, trên các trang mạng xã hội, giới trẻ lan truyền thông tin về việc ăn chè đậu đỏ trong ngày Lễ Thất Tịch sẽ có người yêu. Hành động này được hưởng ứng nhiệt tình và đã trở thành trào lưu. Giới trẻ ở Hà Nội cũng thường đến chùa Hà để cầu duyên dịp này.

Người ta tin rằng, trong ngày Thất Tịch nếu hai người yêu nhau cùng ngồi ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ thì sẽ được hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

Những điều nên làm và kiêng kỵ ngày Lễ Thất tịch

Ngày Thất Tịch được cho là ngày mang nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh. Cùng tìm hiểu xem chúng ta nên và không nên làm gì vào ngày lễ Thất tịch để tránh xui rước lộc về nhà nhé! 

Nên làm gì vào ngày Lễ Thất tịch?

Đi chùa cầu duyên

Đi chùa vẫn là cách mà người Việt Nam làm để cầu bình an và hạnh phúc cho mình. Vào ngày Thất Tịch, các cặp đôi cũng nên đến chùa để cầu cho chuyện tình cảm của hai người được suôn sẻ. 

Đối với “hội người ế” thì việc đi chùa cầu duyên sẽ mang ý nghĩa là cầu cho đường tình duyên được thuận lợi, sớm tìm thấy ý trung nhân của mình.

Ăn chè đậu đỏ

Ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch chỉ mới trở thành trend trong giới trẻ vài năm gần đây. Cũng nhờ trào lưu này mà ngày Lễ Thất Tịch được người Việt Nam quan tâm hơn. Người ta tin rằng, việc ăn chè đậu đỏ trong dịp lễ này sẽ giúp cho chuyện tình cảm lứa đôi được suôn sẻ, tình yêu sẽ “ập đến” với những ai còn cô đơn

Ý nghĩa thực của ngày lễ Thất Tịch dù không hẳn ai cũng biết nhưng đây là một ngày lễ kỷ niệm nhằm ca ngợi tình yêu đôi lứa, sự chung thủy. Ngày lễ này chính là dịp để những cặp đôi yêu nhau thể hiện tình cảm của mình dành cho đối phương, cùng nhau làm việc thiện, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Không nên làm gì vào ngày Lễ Thất tịch?

Tránh việc cưới hỏi

Kiêng kỵ này xuất phát từ truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ. Đây là ngày họ có thể đoàn tụ nhưng lại chỉ được ở bên nhau đúng 1 ngày ngắn ngủi. Sau đó, họ lại phải chia xa trong 1 năm dài đằng đẵng. Nhiều người cho rằng đây là ngày không may mắn cho những ai đang định ngày kết hôn, nên duyên vợ chồng.

Không nên động thổ, xây nhà 

Quan niệm không nên động thổ xây nhà vào lễ Thất Tịch được hình thành bởi nhiều nguyên do khác nhau, một phần là do điều kiện thời tiết vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm ở Việt Nam vì cứ vào ngày này, trời thường sẽ đổ mưa ngâu, gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng. 

Kiêng động thổ, xây nhà vào tháng 7 âm lịch
Kiêng động thổ, xây nhà vào tháng 7 âm lịch

Xem thêm:

Người ta cũng kiêng kỵ làm nhà trong cả tháng 7 âm lịch vì cho rằng đây là “tháng cô hồn” – thời điểm ma quỷ được thả tự do lên trần gian để quấy phá. Do đó, nếu làm nhà vào khoảng thời gian này thì việc thi công căn nhà sẽ không thuận lợi, dễ phát sinh sự cố và những sai sót không mong muốn.

Không nên cãi nhau hay chia tay vào ngày Thất tịch

Dân gian cho rằng ngày 7/7 âm lịch là ngày cực âm và tháng cực âm. Chia tay vào ngày Thất tịch thì trong tương lai khso mà tìm được hạnh phúc, không được Ngưu Lang Chức Nữ chúc phúc, đường tình duyên sẽ càng thêm lận đận.

Kiêng kỵ mặc quần áo có vết rách

Trong truyền thuyết kể lại rằng Chức Nữ làm nghề dệt vải. Nếu như quần áo có vết rách nghĩa là chuyện tình cảm xuất hiện gặp vấn đề, có thể xảy ra rạn nứt, khó hàn gắn. Nên trong ngày, cả những ai còn đang độc thân hay những người đã có đôi có cặp không nên mặc quần áo có vết rạch, vết thủng hay vết xước để tránh bất trắc trong chuyện tình cảm.

Kiêng la mắng, dịch chuyển giường trẻ con

Theo quan niệm dân gian, mỗi em bé đều có các bà Mụ bảo vệ. La mắng trẻ nhỏ chính là chọc giận họ, làm giảm phước lành của bé. Người ta cũng kiêng xê dịch giường của trẻ nhỏ vào ngày 7/7 âm lịch vì cho rằng nó làm kinh động đến các bà Mụ, khiến may mắn của trẻ bị suy giảm.

Tránh làm những điều ác

Làm việc thiện, tránh điều ác là lời mà Phật Giáo khuyên răn con người. Điều này nên được thực hiện hàng ngày chứ không riêng ngày Thất Tịch. Tuy nhiên, vào ngày này, tránh làm điều ác là điều đặc biệt cần thiết để cầu bình an cho bản thân và tạo ấn tượng tốt với mọi người. Dân gian cũng cho rằng tránh làm việc ác trong ngày này sẽ giúp bạn may mắn hơn trong tình duyên của mình.

Với những thông tin mà bài viết vừa cung cấp, chắc hẳn các bạn đã hiểu được lễ Thất tịch là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Thất tịch. Dù chỉ là niềm tin tâm linh và chưa có bằng chứng khoa học nào về việc ăn chè đậu đỏ ngày Lễ Thất Tịch để cầu duyên nhưng bạn hãy cứ thử xem sao, biết đâu kết quả lại đúng như nguyện ước của bạn đấy!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *