Ông Công ông Táo là ai? Đồ cúng ông Công ông Táo gồm những gì

Ngày 23 tháng Chạp hằng năm hay được dân gian gọi là ngày ông Công ông Táo. Vậy ông công ông táo là ai, cùng tìm hiểu ý nghĩa thực sự của ngày lễ này trong bài viết sau đây nhé!

Ông Công ông Táo là ai? Ngày 23 tháng chạp là ngày gì?

Theo tín ngưỡng dân gian, ông Công ông Táo có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo (Trung Quốc) nhưng khi du nhập vào Việt Nam thì được chuyển thành thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc, gọi chung là Táo Quân. Hằng năm, dân ta thường tổ chức lễ ông công ông táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch.

Ông công ông Táo là vị thần cai quản nhà cửa, bếp núc
Ông công ông Táo là vị thần cai quản nhà cửa, bếp núc

Sự tích Táo Quân ở Việt Nam được lưu truyền như sau:

Trọng Cao và Thị Nhi là một đôi vợ chồng sống với nhau đã lâu mà không có con nên hay buồn phiền, cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá đánh vợ khiến Thị Nhi bỏ nhà ra đi. Sau đó, bà đã gặp và kết duyên với Phạm Lang. Về phần Trọng Cao sau khi nguôi giận thì vô cùng hối hận nên đã đi khắp nơi tìm vợ, cho đến khi tiêu hết tiền bạc đành phải đi ăn xin thì tình cờ gặp lại vợ. Hai người nhận ra nhau, Thị Nhi ân hận vì đã trót lấy chồng khác.

Đến khi Phạm Lang về nhà, sợ chồng bắt gặp chồng cũ thì khó giải thích nên mới bảo Trọng Cao trốn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng, Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết cháy. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy vậy liền nhảy vào đám cháy để chết theo. Phạm Lang không biết sự tình nhưng thấy cảnh đó cũng nhảy vào đống rơm chết theo vợ.

Cảm phục trước tình nghĩa của ba người, Ngọc Đế đã sắc phong chung làm Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người cai quản một việc:

  • Phạm Lang làm Thổ Công, cai quản việc bếp núc, danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
  • Trọng Cao làm Thổ Địa, cai quản việc nhà cửa, danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.
  • Thị Nhi làm Thổ Kỳ, quán xuyến việc chợ búa, danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Theo tích trên, ông công ông táo gồm ba người, một táo bà và hai táo ông. Phong tục ông công ông táo là tín ngưỡng từ xa xưa thể hiện mong ước về một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, yêu thương và tôn trọng nhau.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày 23 tháng 12

Lễ cúng ông Công ông Táo là một ngày lễ quan trọng trước Tết Nguyên Đán. Theo sự tích dân gian, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Táo quân cưỡi cá chép về chầu trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, các Táo lại quay về hạ giới để tiếp tục trông coi nhà cửa, bếp núc cho gia đình.

Lễ cúng ông công ông táo về chầu trời
Lễ cúng ông công ông táo về chầu trời

Xem thêm: Khẩu nghiệp là gì?

Dân gian quan niệm, một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc vào ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, vào ngày này, người ta thường làm lễ tiễn ông Táo về chầu trời rất long trọng. Ngoài ra, Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào báo cáo của Táo Quân để quyết định khen thưởng hoặc trách phạt gia chủ.

Do đó, trước khi các Táo lên thiên đình, người ta thường làm lễ cúng để cầu xin các Ngài “nói tốt” cho nhà mình, để năm mới được ban nhiều tài lộc, bình an. Không chỉ vậy, sự hiện diện của các vị Táo Quân cũng giúp bảo vệ gia đình khỏi  sự xâm phạm của ma quỷ, tà khí.

Tại sao phải cúng ông Công ông Táo?

Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng chạp hàng năm được coi là ngày Táo Quân lên trời báo cáo mọi chuyện trong năm cũ với Ngọc Hoàng một cách khách quan và trung thực nhất. Mọi người sẽ chuẩn bị lễ cúng để thể hiện lòng thành kính, đồng thời thả cá chép để ông công ông táo về trời.

Phóng sinh cá chép ngày 23 tháng Chạp
Phóng sinh cá chép ngày 23 tháng Chạp

Ý nghĩa ông công ông táo không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp và cùng nhau chuẩn bị một cái Tết vui vẻ, đầm ấm.

Mâm cúng ông Công ông Táo

Thông thường, lễ ông công ông táo cần chuẩn bị đồ cúng gồm những vật sau đây:

Bộ mã ông Công ông Táo và tiền vàng

Thông thường, bộ ông Công ông Táo đầy đủ gồm: 3 chiếc mũ (2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà), 3 đôi giày, 3 bộ quần áo ông công ông táo, 3 con cá chép giấy. Mũ Táo ông thường có 2 cánh chuồn, còn mũ Táo bà không có cánh chuồn và đều được trang trí bằng các gương nhỏ hình tròn lấp lánh và dây kim tuyến.

Gợi ý mâm cỗ cúng ông công ông táo
Gợi ý mâm cỗ cúng ông công ông táo

Bên cạnh đó, bạn còn phải chuẩn bị thêm mâm cỗ mặn. Mâm cúng ông Táo thường bao gồm:

  • 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
  • Thịt lợn luộc hoặc gà luộc
  • 1 bát canh mọc hoặc canh măng
  • 1 đĩa xào
  • 1 đĩa giò
  • 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
  • 1 đĩa chè kho
  • 1 đĩa hoa quả, 1 quả bưởi
  • 1 ấm trà sen
  • 3 chén rượu
  • 1 quả cau, lá trầu
  • 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc

Ngày nay, mâm cỗ và quy trình cúng ông công ông táo đã được giản lược rất nhiều. Các gia đình có thể sửa soạn mâm cúng phù hợp với văn hóa vùng miền, điều kiện kinh tế hoặc cúng ông công ông táo bằng hoa quả.

Bài văn khấn

Tham khảo bài văn khấn cúng rước ông công ông táo trong cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin):

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật! (3 lần)

Những lưu ý cần biết khi cúng ông Công ông Táo

Làm lễ cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp

Nhiều người thắc mắc, cúng ông công ông táo giờ nào tốt, đẹp nhất? Câu trả lời là tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp (trước 12 giờ trưa). Vì sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, các Táo Quân đã về trời. Lễ cúng ông công ông táo có làm trước được nhưng điều quan trọng là nghi lễ phải được tiến hành với sự kính cẩn và thành tâm của gia chủ.

Không được đặt mâm lễ cúng dưới bếp

Vậy cúng ông công ông táo ở đâu là đúng nhất? Nhiều người cho rằng, Táo Quân là thần Bếp núc nên cúng ông Công ông Táo dưới bếp. Thực ra, lễ cúng ngày 23 tháng chạp là cúng chung ba vị Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp. Vì vậy, lễ ông Công ông Táo phải được thực hiện tại ban thờ chính mới đúng.

Ông công ông táo cúng ở bàn thờ chính
Ông công ông táo cúng ở bàn thờ chính

Không nên xin tài lộc, sung túc

Không nên làm lễ cúng ông công ông táo ban thần tài. Vì Táo Quân lên chầu trời là để báo cáo với Ngọc Hoàng công việc diễn ra trong năm ở dưới hạ giới. Vì vậy, bạn không nên xin tài lộc, mà chỉ nên cầu xin các Táo báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng.

Không nên thả cá chép từ trên cao xuống

Khi phóng sinh cá chép, nhiều người thường bọc cá trong túi nilon hoặc đứng từ trên cao như cầu để thả xuống sông. Tuy nhiên, đây là hành động bị xem là mạo phạm, làm mất ý nghĩa tâm linh. Thay vào đó, bạn nên ra sông, hồ để thả cá và vứt túi nilon đúng nơi quy định để bảo vệ môi trường nhé.

Trên đây là những thông tin thú vị về ngày lễ ông công ông táo. Đây là một lễ cúng quan trọng để tổng kết năm cũ và đón chào năm mới. Cùng với việc sửa soạn mâm cỗ, mỗi người hãy chú ý tu thân, năng làm việc thiện, tích đức để nhận nhiều phước lành cho năm mới bình an, hạnh phúc!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *