Chúng ta thường nghe trong quảng cáo điện thoại, tivi về độ phân giải màn hình Full HD (1920×1080 pixel) hay 4K (3840×2160 pixel)… Tuy nhiên, ít ai thực sự hiểu rõ pixel là gì nếu không phải dân chuyên ngành. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về đơn vị pixel trong bài viết sau đây!
Pixel là gì?
Pixel hay px, pel (là viết tắt của cụm từ “picture element”) có nghĩa là điểm ảnh. Đây là một điểm mang tính vật lý trong hình ảnh raster, bitmap hoặc một khối màu nhỏ. Mỗi pixel sẽ có các thông số màu khác nhau, đây là đơn vị cơ bản nhỏ nhất để tạo nên 1 tấm ảnh.
Pixel thường được tạo ra từ máy quét, máy ảnh hoặc các phần mềm đồ họa chuyên dụng như Photoshop. Trong Photoshop, pixel tồn tại dưới dạng các hình chữ nhật nhỏ có nhiều màu sắc khác nhau. 1 pixel không có ý nghĩa gì hết. Bạn cần ghép các pixel đứng cạnh nhau, chứa các thông số màu khác nhau, tạo thành 1 bức ảnh hoàn chỉnh.
Một ví dụ cụ thể giúp bạn dễ hiểu hơn về pixel đó là thao tác zoom to bức ảnh. Khi bạn zoom to lên, nếu bức ảnh càng hiện ra một cách chi tiết và sắc nét thì bức ảnh đó càng chứa nhiều pixel.
Ý nghĩa của pixel
Một pixel tương ứng với một mảnh của tấm ảnh. Do đó, pixel có tính chất quyết định đối với chất lượng hiển thị của bức ảnh đó.
- Ảnh càng nhiều pixel, hình ảnh hiển thị càng rõ và chính xác hơn so với bản gốc.
- Ảnh càng nhiều pixel, ảnh sẽ có kích thước và dung lượng càng lớn khi hiển thị trên màn hình. Vì dung lượng và kích thước hiển thị của ảnh tỷ lệ thuận với lượng pixel.
- Chất lượng ảnh không chỉ phụ thuộc vào số lượng pixel. Ảnh nhiều pixel không đồng nghĩa là ảnh có chất lượng sắc nét.
- Trong lĩnh vực in ấn, bạn cần dựa vào lượng pixel để lựa chọn kích thước bản in thích hợp. Ví dụ: với một bản in có 320 x 240 = 76.800 pixel (tương đương 0,07 megapixel), bạn không thể lựa chọn bản in có kích thước lớn như 24’’ x 32’’ (61cm x 81cm).
Công thức quy đổi đơn vị Pixel
Các bức ảnh thường có hình vuông hoặc hình chữ nhật, bao gồm chiều rộng và chiều cao chứa các điểm ảnh. Để tính số lượng điểm ảnh trong bức ảnh (megapixel), ta dùng công thức sau:
Lượng pixel = Chiều rộng x Chiều cao của ảnh.
Pixel thường được quy đổi sang đơn vị có giá trị lớn hơn là megapixel. Vậy 1 megapixel bằng bao nhiêu pixel? Câu trả lời là: 1.000.000 pixel tương đương 1 megapixel.
Ví dụ, một bức ảnh có 1280 pixel chiều rộng và 1024 pixel chiều cao thì bức ảnh đó có: 1280 x 1024 = 1.310.720 pixels hay 1.3 megapixels.
Ngoài ra, bạn có thể chuyển đổi đơn vị trong Photoshop như pixel, cm, inch.
Mật độ điểm ảnh là gì?
Đây là khái niệm thường được sử dụng khi nói về độ phân giải, mức độ hiển thị của màn hình. Mật độ điểm ảnh thường được viết tắt là ppi (pixels per inch), có nghĩa là số điểm ảnh được chứa trong màn hình có đường chéo 1 inch.
Mỗi điểm ảnh (pixel) được cấu tạo từ 3 màu chủ đạo là đỏ, xanh dương, xanh lá và được xếp cạnh nhau theo từng cột, từng hàng. Mật độ điểm ảnh sẽ được tính dựa trên bề mặt có đường chéo là 1 inch (tương đương 2.54 cm).
Theo lý thuyết, màn hình càng nhiều pixel thì càng hiển thị sắc nét. Nếu cùng có kích thước màn hình giống nhau thì thiết bị nào có độ phân giải cao hơn, mật độ điểm ảnh cao hơn sẽ hiển thị sắc nét và rõ ràng hơn.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện nay kéo theo cuộc chạy đua nâng cao chất lượng độ phân giải trong các dòng sản phẩm điện tử của các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, LG, Sony… Thực tế là ngày càng có nhiều sản phẩm có màn hình hiển thị chất lượng hơn nhờ nâng cao mật độ điểm ảnh.
Bên cạnh đó, mật độ điểm ảnh còn ảnh hưởng đến khoảng cách xem tối thiểu của màn hình. Nếu màn hình có mật độ điểm ảnh thấp thì người xem phải đứng ở khoảng cách gần. Còn nếu màn hình có mật độ điểm ảnh cao thì người xem cần đứng xa màn hình hơn.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về pixel và mật độ điểm ảnh. Hy vọng qua bài viết này bạn đã có thêm hiểu biết về pixel và có thể ứng dụng trong các trường hợp cần thiết.