Xe cơ giới là gì? Tìm hiểu các loại xe cơ giới hiện nay

Chúng ta thường nghe nhiều đến khái niệm xe cơ giới trong các bộ luật giao thông nhưng không hiểu xe cơ giới là gì và gồm những xe nào. Hãy cùng tìm hiểu khái quát về loại xe này trong bài viết dưới đây!

Xe cơ giới là xe gì? Các loại xe cơ giới hiện nay

Xe cơ giới là gì?

Xe cơ giới tiếng Anh được dịch là “Motor Vehicle”. Theo quy định và định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì xe cơ giới là tất cả những loại xe (phương tiện giao thông đường bộ) sử dụng động cơ và tiêu tốn nhiên liệu (xăng, dầu, điện). Do đó, trừ xe đạp, xe đẩy và xe lăn thì tất cả các phương tiện giao thông đường bộ đều được gọi chung là xe cơ giới.

Các loại xe cơ giới
Các loại xe cơ giới

Các loại xe cơ giới thường gặp

Xe cơ giới bao gồm các loại xe ô tô, các loại rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô,; xe mô tô hai bánh, xe mô tô 3 bánh; xe gắn máy (kể cả là xe máy điện) và các loại xe tương tự có tham gia giao thông.

Xe cơ giới chuyên dùng là xe máy chuyên dùng và ô tô chuyên dùng. Có thể nói rằng, xe cơ giới có phạm trù khá lớn.

Quy định tốc độ đối với xe cơ giới

Theo Thông tư số 13/2009 TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông:

  • Tốc độ tối đa của xe cơ giới khi tham gia giao thông ở khu vực đông dân cư:
Loại xe cơ giới Tốc độ tối đa (km/h)
Ô tô dưới 30 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 3500kg 50
Ô tô trên 30 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải trên 3500kg, ô tô sơ mi rơ moóc, ô tô kéo rơ moóc và xe khác, ô tô chuyên dùng, mô tô, xe gắn máy 40
  • Tốc độ tối đa của xe cơ giới khi tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư:
Loại xe cơ giới Tốc độ tối đa (km/h)
Ô tô dưới 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt), xe tải có trọng tải dưới 3500kg 80
Xe tải có trọng tải trên 3500kg 70
Xe buýt, ô tô sơ mi rơ moóc, ô tô chuyên dùng, mô tô 60
Ô tô kéo rơ moóc và xe khác, xe gắn máy 50

 Khi điều khiển phương tiện trên đường cao tốc, người lái xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ tối đa/tối thiểu ghi trên biển báo.

  • Chú ý khoảng cách an toàn giữa các phương tiện: Khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn quy định tương ứng với tốc độ như sau: 60km/h: 30m; từ 60-80km/h: 50m; từ 80-100km/h: 70m; từ 100-120 km/h: 90m. Trong điều kiện môi trường bất lợi, hạn chế tầm nhìn như: trời mưa, sương mù, đường trơn trượt, khúc cua, đèo dốc, người điều khiển phương tiện phải điều chỉnh khoảng cách hai xe lớn hơn khoảng cách an toàn này.
  • Các loại xe máy chuyên dùng, xe công nông, xe lam, xe máy kéo, xe xích lô máy, xe ba gác máy… không được đi quá tốc độ 30km/h khi tham gia giao thông.
Biển báo tốc độ xe cơ giới
Biển báo tốc độ xe cơ giới

Nguyên nhân dẫn tới việc vi phạm do xe cơ giới và mức xử phạt

Nguyên nhân

  • Kỹ thuật lái xe kém: Kỹ năng điều khiển phương tiện kém, xử lý tình huống thiếu kinh nghiệm là nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ va chạm và tai nạn giao thông. Không bảo dưỡng động cơ định kỳ: Nguyên nhân này xuất phát từ tính chủ quan, lơ là của chủ xe, gây ảnh hưởng tới quá trình điều khiển xe. Vì vậy, chủ xe nên đưa xe đi bảo dưỡng, thay dầu định kỳ hoặc kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường.
  • Lái xe quá nhanh hoặc quá chậm: Không nên chạy xe quá nhanh sẽ khiến người lái không phản ứng kịp trước tình huống hoặc vật cản đột ngột. Ngược lại, cũng không nên chạy quá chậm sẽ làm cản trở lưu thông trên đường. Nên lái xe với tốc độ trung bình, sau đó tăng tốc từ từ.
  • Xe chở quá trọng tải: Hiện tượng này khá phổ biến đối với xe tải như chở hàng hóa cồng kềnh, chất đống trên nóc xe. Điều này gây nguy hiểm khi di chuyển qua khu vực đông người, tiềm ẩn rủi ro nếu rơi, vỡ hàng hóa trên xe hoặc xe lắc, nghiêng khi rẽ cua hay khi đi qua đoạn đường xấu.
Lỗi chở cồng kềnh của xe cơ giới
Lỗi chở cồng kềnh của xe cơ giới

Mức xử phạt

Theo Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về mức xử phạt xe cơ giới như sau:

Lỗi vi phạm Mức phạt hành chính
Xe chạy tốc độ thấp hơn các xe đi cùng chiều mà không đi bên phải đường (trừ khi các xe khác chạy quá tốc độ quy định) 300.000 đồng đến 400.000 đồng
Xe chạy trên 5-10 km/h so với tốc độ quy định 600.000 đồng đến 800.000 đồng
Xe chạy dưới tốc độ cho phép trên đoạn đường có quy định tốc độ tối thiểu 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng
Xe chạy trên 10-20km/h so với tốc độ quy định 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Xe chạy trên 20-35km/h so với tốc độ quy định 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng
Xe chạy trên 35km/h so với tốc độ quy định  

 

7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng

Không chú ý quan sát, chạy xe quá tốc độ, tránh, vượt hoặc không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe gây tai nạn giao thông

Bên cạnh mức phạt trên, người điều khiển xe có thể bị tịch thu giấy phép lái xe từ 1 – 4 tháng tùy theo lỗi vi phạm.

Thông tin về việc đăng kiểm xe cơ giới

Quy trình đăng kiểm xe cơ giới

  • Nộp hồ sơ: Nộp hồ sơ, viết tờ khai, đóng phí kiểm định xe và lệ phí cấp Giấy chứng nhận. Hồ sơ bao gồm: Bản chính đăng ký xe, bản gốc giấy tờ xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe.
  • Chờ khám xe: Quy trình kiểm định ô tô gồm 5 công đoạn sau: Kiểm tra tổng quát xe; kiểm tra phần trên; kiểm tra trượt ngang bánh xe dẫn hướng, phanh xe; kiểm tra tiêu chuẩn môi trường (về lượng khí thải), kiểm tra phần dưới xe.
Quy trình khám xe cơ giới
Quy trình khám xe cơ giới
  • Nên bảo dưỡng và kiểm tra xe trước khi đi đăng kiểm. Nếu xe đạt yêu cầu, thời gian khám xe chỉ khoảng 5-10 phút. Nếu xe không đạt yêu cầu, nhân viên đăng kiểm sẽ đọc biển số để chủ xe mang đi sửa chữa và kiểm tra lại.
  • Đóng phí bảo trì đường bộ
  • Dán tem đăng kiểm mới: Sau khi hoàn tất thủ tục, tài xế ra xe chờ dán tem đăng kiểm mới, nhận hồ sơ là xong. Tem đăng kiểm kinh doanh có màu vàng và tem không kinh doanh có màu xanh dương.

Những điều kiện, tiêu chuẩn cho đăng kiểm viên xe cơ giới

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 72/2013/TT-BGTVT, đăng kiểm viên xe cơ giới phải có tiêu chuẩn, điều kiện như sau:

  • Trình độ chuyên môn: tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật cơ khí. Đã được đào tạo về: lý thuyết, cấu tạo, kết cấu tính toán, bảo dưỡng kỹ thuật, động cơ đốt trong và điện ô tô.
  • Trình độ tiếng Anh: từ cấp độ A trở lên.
  • Tham gia lớp Tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm xe cơ giới của Cục Đăng kiểm Việt Nam và được cấp Giấy chứng nhận.
  • Kinh nghiệm công tác: ít nhất 2 năm làm việc trực tiếp tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, sản xuất, lắp ráp ô tô hoặc ít nhất 6 tháng tập sự tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
  • Được Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới.

Tìm hiểu về bảo hiểm vật chất xe cơ giới

Bảo hiểm vật chất xe cơ giới là gì?

Là loại bảo hiểm dành cho xe cơ giới để bảo vệ thân xe và các bộ phận của xe. Bạn có thể lựa chọn các loại hình bảo hiểm khác nhau cho xe của mình như: bảo hiểm thân vỏ, bảo hiểm bộ phận hoặc bảo hiểm một bộ phận của xe như: động cơ, lốp xe, hộp số, kính xe… Mục đích là để hạn chế tổn thất cho chủ xe khi xảy ra tai nạn phát sinh trong phạm vi bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ chi trả một khoản tiền nhất định, giúp giảm thiểu chi phí cho chủ xe.

Để mua bảo hiểm vật chất xe cơ giới thì xe của bạn phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ như biển kiểm soát, đăng ký xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, môi trường.

Các rủi ro của xe cơ giới được bảo hiểm vật chất chi trả

  • Trường hợp cháy nổ, va chạm, lật xe bất ngờ
  • Trường hợp rủi ro khách quan như: động đất, bão lũ, sét đánh, sạt lở, mưa đá… hoặc do đập phá, trộm cắp….

Các trường hợp bảo hiểm vật chất không chi trả:

  • Các hành vi vi phạm pháp luật như lái xe không có giấy tờ, bằng lái, cố ý gây tai nạn, sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe, xe chở quá trọng tải, vận chuyển chất cháy nổ trái phép, đi vào đường cấm…
  • Thiệt hại, tổn thất do khủng bố, chiến tranh.
  • Hao mòn tự nhiên, hỏng hóc do sửa chữa thêm, săm lốp bị hỏng không do tai nạn…
  • Tai nạn xảy ra ở nước ngoài.
Xe cơ giới vi phạm pháp luật sẽ không nhận được bảo hiểm
Xe cơ giới vi phạm pháp luật sẽ không nhận được bảo hiểm

Điều khiển xe cơ giới cần lưu ý những gì

  • Luôn tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, cảnh sát giao thông.
  • Không phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, không sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển xe…
  • Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, thắt dây an toàn khi lái xe ô tô, mua bảo hiểm cho ô tô, xe máy…
  • Không sử dụng điện thoại để nhắn tin, nghe gọi, lên mạng khi lái xe. Trong trường hợp cần thiết thì phải tấp xe vào lề đường.
  • Chú ý quan sát khi tham gia giao thông, để ý các loại biển báo, biển chỉ dẫn để đi đúng trên làn xe cơ giới theo tốc độ quy định. Đối với làn đường hỗn hợp có nhiều loại xe cơ giới, bạn cần chú ý đến tín hiệu xi nhan của các xe khác để hạn chế va chạm.

Trên đây là tổng hợp các thông tin cần biết về xe cơ giới. Hiện nay, thị trường mua bán xe cơ giới tại TPHCM, Hà Nội khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, bạn không nên mua xe cơ giới cũ trôi nổi trên mạng hoặc qua trung gian không uy tín. Hãy lựa chọn các địa chỉ uy tín, lâu năm trong ngành, kiểm tra thật kỹ và lái thử để đưa ra quyết định đầu tư chính xác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *