Rap là từ khóa có lượng tìm kiếm rất cao trong thời gian qua, nhất là sau sự thành công của chương trình Rap Việt. Nếu bạn chưa thực sự hiểu rõ rap là gì thì bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về các thể loại rap chi tiết nhé!
Tóm tắt
Rap là gì?
Rap là viết tắt của từ Rhythm – And – Poetry, là một hình thức nghệ thuật trong văn hóa Hip hop của người Âu Mỹ.
Đặc trưng của rap là trình diễn thông qua việc nói hoặc hô vang ca từ, lời bài hát có vần điệu, kết hợp với các động tác nhảy nhót, tạo hình bắt mắt và thu hút, đi kèm với nhịp điệu và tiếng đàn guitar bass hoặc nhạc cụ điện tử. Nhịp điệu của Rap không có cao độ hay trường độ, mà chỉ phụ thuộc vào cách đọc nhanh hay chậm của người hát rap.
Nguồn gốc ra đời của rap
Rap ra đời từ nhiều thế kỉ trước tại vùng đất ở Tây Phi, gắn liền với những nhà lịch sử học kể chuyện của vùng đất của họ bằng những nhịp trống đơn giản. Phong cách này tương tự như nhạc rap ngày nay.
Sau đó, khi người châu Phi bị ép đưa đến châu Mỹ làm nô lệ, âm nhạc chính là cách để họ đương đầu với cuộc sống khổ cực của chế độ nô lệ. Thứ âm nhạc này đã bắt đầu phổ biến tại các khu ghetto của Mỹ. Đây là khu ổ chuột ở dưới đáy của xã hội, tập trung nhiều người nghèo, nô lệ, người da màu bị miệt thị và các tệ nạn xã hội, băng đảng hoành hành.
Rap là linh hồn giúp người dân nơi đây giãi bày tiếng lòng khi sống dưới sự bất công và phân biệt chủng tộc thời bấy giờ. Đồng thời, đây cũng là thứ duy nhất giúp họ quên đi cuộc sống thực tại nghèo hèn, bần cùng.
Đặc trưng của Rap
Rap khác biệt hoàn toàn so với tất cả các dòng nhạc khác, bởi đó chính là thứ âm nhạc xuất phát từ khát khao, ước vọng được thể hiện bản chất, cái tôi mạnh mẽ. Do đó, ngôn từ của rap thường rất phóng khoáng và không bị gò bó trong một khuôn khổ nào cả, thậm chí đôi khi người sáng tác cũng thêm vào vài câu chửi thề hay ho.
Khi biểu diễn, các rapper phải thể hiện được các kĩ thuật trong câu từ một cách thành thục và phong cách, chất riêng của mình. Đặc biệt, phải chú ý tới giai điệu để hoà thanh của bài không bị phá vỡ, nghe không bị ngang phè phè, không bắt tai.
Các kỹ năng (skill) trong rap
Comparing (So sánh)
Đối chiếu giữa các sự vật, sự việc có tính tương đồng để làm nổi bật tính gợi hình và gợi cảm trong cách diễn đạt.
Ví dụ: Flow của tao thì hùng hổ như là xe tank
Flow của mày thì tàn tật như là xe lăn.
Multisyllabic rhymes/Multi (Vần kép/vần đơn)
Rhyme (vần đơn) thường được các rapper Việt sử dụng nhiều hơn.
Ví dụ: “còn tao là người tới trước/mở cửa cho tụi mày mơ ước” (Khanh Nhỏ – yall aint ready)
“ngỡ như mình đã quen từ lâu/cũng bởi anh yêu em quá đậm sâu” (Lil Knight – L.I.P)
Meta/Metaphor (Ẩn dụ)
Nhắc đến sự vật, sự việc này nhưng có ý nói đến sự vật, sự việc khác.
Ví dụ: Rồi cát bụi cũng vụt khỏi tay thôi, gió của trời sẽ khiến cho mây trôi,
Nhưng quan trọng khi đi cùng với gió, mây có hiểu được những lời do cây nói (B Ray)
Meto/Metonymy (Hoán dụ)
Gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên của sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi nhằm làm tăng tính gợi hình, gợi cảm trong cách diễn đạt.
Ví dụ:
Tao có vẻ là tin xấu, vài kẻ sợ mất đất
Tao không hề khuất tất,
Họ sẽ phải thừa nhận tao là kẻ khó hất nhất. (iCD)
Wordplay/Play-on-words (Chơi chữ)
Đây là 1 kỹ năng lyric khá khó trong rap, cả bài may ra mới có 1 word play, thậm chí vài bài mới có 1 wordplay. Rap Việt thường chơi chữ theo cách đơn giản là “từ đồng âm khác nghĩa”.
Ví dụ: “mày là 1 con cuốn chiếu/tài sản mà mày có là cuốn chiếu” (DSK – RCDN3)
Prosopopoeia + anthropomorphism (Nhân hóa)
Đây là cách gán cho các sự vật, hiện tượng khác đặc điểm, cảm xúc hay suy nghĩ của con người.
Ví dụ: “Phố núi nhắc tên em rồi”.
Spoonerism (Nói lái, nói trại, đảo vần)
Đây là một cách chơi chữ phổ biến của người Việt. Tùy từng vùng miền sẽ có cách nói lái khác nhau theo phương ngữ riêng.
- Đổi âm sau, giữ chữ đầu và thanh. Ví dụ: hiện đại => hại điện, trời cho => trò chơi, đơn giản → đang giỡn (miền Nam), đại học => độc hại (miền Nam), vô hàng => giang hồ (miền Nam)….
- Đổi toàn bộ, trước ra sau, nhưng giữ thanh. Ví dụ: đầu tiên => tiền đâu, đôi giầy => đây rồi,…
- Đổi dấu thanh điệu. Ví dụ: bí mật => bị mất, mộng năng => nặng mông, Thụy Điển => thủy điện…
- Đổi phụ âm đầu. Ví dụ: cao đẳng => đau cẳng (miền Nam), giải pháp => phải giáp…
- Đổi âm sau và thanh sau, giữ phụ âm đầu. Ví dụ: bí mật => bật mí, trâu cái => trái cau (miền Nam), mắc cười => mười cắc, tánh mạng => táng mạnh…
Twist/Fast rap
Rap với tốc độ siêu nhanh là một kỹ năng cần luyện tập thường xuyên để thực sự nhuần nhuyễn.
Ví dụ: beat đọc 16 âm trong 1 câu, nhưng nếu ai muốn twist sẽ tăng lên thành 32 âm trong 1 câu, phải đọc nhanh gấp đôi, bắn ra liên tục như đạn. Hoặc twist kiểu bone thugs thì cứ 1 nhịp là 3 âm rồi ngưng, sau đó tiếp tục là twist 3 âm, kiểu này thì nghe đứt quãng.
Ngoài ra, còn có rất nhiều kỹ năng khác như: scheme (trường từ vựng), rhyme scheme (ý đồ gieo vần), fact (thông tin khai thác), angle (góc tiếp cận để tấn công đối phương trong battle/dissing), rebuttal (bẻ gãy ca từ trong battle/dissing), dark humor (chửi tục ác ý).
Các khái niệm trong Rap
- Flow trong rap là cách rapper thể hiện sáng tác của mình, biến những lyric trở thành một “giai điệu” riêng biệt. Các rapper sẽ kết hợp nhả chữ, nhấn nhá và flow nhịp để đoạn rap đi theo một nhịp điệu nhất định, liền mạch và êm tai.
- Fastflow dùng để chỉ những rapper đi theo xu hướng rap nhanh hoặc rất nhanh. Fastflow đòi hỏi rapper phải có kỹ năng phát âm và ghi nhớ lyric rất tốt.
- Skill lyric dùng để chỉ kỹ năng viết lời của một rapper. Lyric đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp, nội dung cũng như cảm xúc. Do đó, một người rapper có skill lyric tốt đồng nghĩa sản phẩm của họ luôn được đảm bảo về mặt nội dung, ý nghĩa.
- Metaphor (Ẩn dụ) là kỹ năng để tăng độ “mean”. Nói một cách đơn giản, thay vì sử dụng từ ngữ “thô và thật”, thì rapper sẽ khéo léo dùng phép ẩn dụ trong lyric bài hát để không mang cảm giác thô tục mà vẫn đảm bảo được tính “điệu nghệ”.
- Multi Rhymes (Vần đa âm) là hình thức sử dụng các từ đơn hoặc đôi có sự tương đồng về vần. Việc gieo vần trong lyric tạo nên tính thơ, sự liền mạch, liên kết giữa các câu rap giúp người nghe dễ nhớ, dễ thuộc và không bị tụt mood.
Ví dụ: vần đơn: thương – vương, tay – bay, yêu – kiêu,… Vần đôi: yêu thương – tơ vương, tương lai – sương mai,…
- Bar: bar được hiểu đơn giản là “câu”, 1 bar bằng một câu. Độ dài của bar tùy thuộc vào các rapper và tính chất bài hát, có bar rất ngắn nhưng cũng có bar rất dài.
- Wordplay (chơi chữ): sử dụng các từ đồng âm để bày tỏ nội dung của một vấn đề khác. Tuy nhiên, không phải rapper nào cũng có thể chơi chữ một cách điệu nghệ để người nghe không bị “xoắn não” quá mức.
- Offbeat dùng để chỉ những phần trình diễn có flow nhịp lệch thông hoàn toàn với phần beat. Nói một cách đơn giản là do rapper bị mất kiểm soát khiến phần rap không ăn nhập với nhạc.
- Freestyle được hiểu giống như kiểu “xuất khẩu thành thơ”. Nếu như một bài rap thông thường, rapper phải chuẩn bị kỹ lưỡng về beat, lyric… thì với Freestyle, đây chỉ là một “con beat” được phát ngẫu nhiên, rapper phải nhanh chóng ứng biến để flow trên nền nhạc đó. Freestyle được coi là hình thức thể hiện được thực lực của một rapper chân chính.
- Beef là mâu thuẫn giữa hai hoặc nhiều người, dẫn đến những cuộc cãi vã, ẩu đả,… Tương tự, khi các rapper có “beef” với nhau thì sẽ dẫn đến những màn tranh cãi bằng rap diss.
- Diss dùng để chỉ việc rapper sử dụng lyric trên nền nhạc để công kích, đả kích một đối tượng cụ thể nào đó. Xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân nên trong rap diss thường xuất hiện khá nhiều những câu chữ gai góc, thậm chí tục tĩu.
- Punchline được hiểu là một câu chốt mang tính đả kích một cách hài hước, trào phúng hoặc khiến khán giả phải “wow” đầy kinh ngạc. Để đạt được hiệu quả như vậy, đòi hỏi rapper phải có kỹ năng chơi chữ, ẩn dụ,.. tốt.
- Chill trong rap dùng để diễn tả cảm giác thư giãn và hành động phiêu theo giai điệu của các rapper.
Nhạc rap tại Việt Nam qua các thế hệ
Thế hệ F1: 1997 – 2005
Lịch sử rap Việt Nam bắt đầu từ track Vietnamese Gang – Thai Viet G x Khanh Nhỏ. Nhưng trước đó, các bài hát của nhóm Heart2Exist (chuyên hát thể loại R&B/Soul tại hải ngoại) với những flow đơn giản nhưng hiệu quả trên nền nhạc beat cũng có thể được gọi là Rap. Vào năm 2005, Khanh Nhỏ đã mang Vietnamese Gang đến với cuộc thi rappers trẻ thế giới và được đánh giá cao về flow và chất nhạc.
Thế hệ F2: 2006 – 2008
Văn hóa Hip hop bắt đầu du nhập vào Việt Nam với sức lan tỏa rất lớn trong giới trẻ qua các bản nhạc pop và những tracks rap như Tiểu Thuyết Tình Yêu – Andree x Lee7 x It’s Lee, Tuyết Yêu Thương – Young Uno, … Trong giới Underground, nhiều rapper mới đã bắt đầu lộ diện và thành lập các tổ chức rap mới.
Thế hệ F3: 2009 – 2012
Nổi tiếng nhất trong giai đoạn này phải kể đến nhóm Joker’s Rule (Mr. A, JayTee, Mr. T, Elli’an, Bueno, Rin – các thành viên cũ của X4 band).
Thế hệ F4: 2013 – 2016
Giai đoạn này ghi nhận sự xuất hiện của rất nhiều nhóm rap mới hoạt động tích cực như: Hazard Clique theo style Hardcore Rap (với các thành viên như Pain đến từ Tây Ban Nha, Cam – á quân cuộc thi Rhymes Fes, Black Murder – quán quân 2 mùa giải Rap-Up); Sài Gòn Smoking Gangz a.k.a SG.S.G a.k.a SG Smokers (với các thành viên như D.C từ FSR, Khoa Wzzzy, LC King, Kent BC, K.SI); DC GanG + SG Prider đến từ tổ chức SPR, SK Family ở Hà Nội (Zugi, GoldFeezy, Monkey Dope,…).
Thế hệ F5: 2017 – nay
Đây là thời điểm “hồi sinh” mạnh mẽ của nhạc rap với hàng loạt các sân chơi, cuộc thi dành cho rapper Việt. Giới chuyên môn nhận định rằng Rap đang quay trở lại và “lợi hại hơn xưa” thông qua các hiệu ứng tích cực trên thị trường âm nhạc hiện nay.
Các rapper Việt nổi tiếng hiện nay phải kể đến Đen Vâu với các ca khúc như “Đừng gọi anh là idol”, “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”; JustaTee, Osad, BinZ, … hay Karik với bài hit “Người lạ ơi” đình đám.
Trên đây là tổng hợp thông tin về rap. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết này đã giúp các bạn có cái nhìn tổng quát và sâu sắc hơn về loại hình âm nhạc độc đáo và cuốn hút này!