Sử thi là gì? Phân loại, các tác phẩm sử thi kinh điển

Với những ai đã từng học môn Ngữ Văn thì hẳn không còn xa lạ gì với khái niệm sử thi. Để giúp các em học sinh củng cố kiến thức này, sau đây Palada.vn sẽ giới thiệu sử thi là gì, phân loại sử thi cùng một số tác phẩm sử thi việt nam và thế giới kinh điển nhất.

Sử thi là gì?

Sử thi là những tác phẩm tự sự dân gian với quy mô lớn. Những tác phẩm sử thi thường dùng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hay nhiều biến cố diễn ra trong đời sống cộng đồng cư dân thời cổ đại.

Bối cảnh trong một bộ sử thi
Bối cảnh trong một bộ sử thi

Sử thi được nảy sinh và tồn tại trong đời sống của các dân tộc ít người, không chỉ với tư cách một tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng lịch sử, một cuốn sách bách khoa toàn thư của dân tộc đó.

Nội dung của mỗi tác phẩm sử thi đều có tính rộng lớn, kể về sự kiện trọng đại của quá khứ, biểu hiện phần lớn đời sống văn hóa, lịch sử của cộng đồng đó, thể hiện quá trình vận động của tộc người qua các giai đoạn khác nhau. Chúng gồm những câu chuyện kể văn xuôi xen lẫn văn vần, có sử dụng thành ngữ, tục ngữ, những từ ngữ cổ, hình thức nghệ thuật ngôn từ của dân gian.

Phân loại sử thi

Thông thường có 2 cách phân loại sử thi như sau:

Sử thi anh hùng dân gian

Ở dạng cổ xưa nhất của sử thi, tính anh hùng được hiện diện trong vỏ bọc thần thoại hoang đường. Ở đó các dũng sĩ không chỉ có sức mạnh chiến đấu mà còn có năng lực siêu nhiên hay ma thuật. Kẻ địch thì luôn hiện diện dưới dạng những quái vật giả tưởng. 

Những đề tài chính được sử thi cổ xưa miêu tả thường là chiến đấu chống quái vật, người anh hùng đi hỏi vợ, sự trả thù của một dòng họ.

Sử thi Đăm Săn
Sử thi Đăm Săn

Sử thi cổ điển

Các dạng cổ điển của sử thi có nhân vật thường là các dũng sĩ và các chiến binh đại diện dân tộc, các kẻ thù của họ thường sẽ được đồng nhất với bọn xâm lược, những kẻ áp bức hay ngoại bang và dị giáo.

Thời gian sử thi ở đây khác với sử thi dân gian, chúng không còn là thời đại sáng chế các thần thoại, mà là quá khứ vinh quang trong buổi bình minh lịch sử dân tộc.

Một số bộ sử thi nổi tiếng

Dưới đây là một số tác phẩm sử thi kinh điển ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Sử thi Iliad

Sử thi Iliad là một thiên sử thi Hy Lạp cổ đại được cho là của Homer sáng tác. Sử thi gồm 15.693 dòng, chia làm 24 quyển, được viết bằng ngôn ngữ Hy Lạp, theo thể sáu nhịp daktylos, có nội dung kể về một số sự kiện quan trọng trong cuộc chiến thành Troia (Ilion).

Sử thi Iliad
Sử thi Iliad

Lấy bối cảnh cuộc bao vây thành Troia suốt mười năm của liên quân Hy Lạp, các sự kiện trong Iliad diễn ra vào khoảng năm mươi ngày trong năm cuối cùng của cuộc chiến. 

Nội dung bắt đầu từ việc Achilleus cãi vã với Agamemnon là nguyên soái của quân Hy Lạp. Sử thi kể về cơn thịnh nộ của Achilleus, những hậu quả, các trận chiến và cuộc đấu tay đôi, những toan tính của các vị thần có liên quan. 

Tuy nhiên, xuyên suốt sử thi cũng đề cập hoặc ám chỉ đến nhiều sự kiện trước đó như nguyên nhân của cuộc chiến, kêu gọi các chiến binh tham gia, các điềm báo về tương lai như cái chết của Achilleus, sự sụp đổ của thành Troia. Vì vậy, dù kết thúc trước khi cuộc chiến ngã ngũ, tác phẩm sử thi này vẫn dệt nên một câu chuyện hoàn chỉnh về Chiến tranh thành Troia.

Cùng với phần tiếp theo Odyssey cũng được cho là cùng Homer sáng tác, sử thi Iliad là một trong những tác phẩm lâu đời nhất của văn học Hy Lạp và cả nền văn học phương Tây. Cho đến nay tác phẩm vẫn còn phổ biến đối với độc giả đương đại và được tìm đọc trên khắp thế giới.

Sử thi Đăm Săn

Đăm Săn là người anh hùng, nhân vật chính trong sử thi “Bài ca chàng Đăm Săn”. Đây là bộ sử thi Tây Nguyên nổi tiếng nhất của người Êđê, dài 2077 câu, thể hiện nét lịch sử văn hóa của người đồng bào.

Theo tục nối dây trong chế độ mẫu hệ thời xưa, Đăm Săn phải lấy hai chị em Hơ Nhị và Hơ Bhị làm vợ. Chàng cưỡng lại. Trời đã chống gậy đến thu xếp việc cưới hỏi nên Đăm Săn phải khuất phục trước sức mạnh của tập tục. 

Khi về đến nhà vợ, chàng vẫn tiếp tục có thái độ chống lại cuộc hôn nhân đó. Chàng trễ nải công việc nhà vợ, không chăm sóc vợ, bỏ về nhà chị ruột. Hành động tiêu biểu nhất là Đăm Săn chặt cây smuk, một thứ cây thần sinh ra Hơ Nhị và Hơ Bhị. 

Do những hành động trên, Hơ Nhị và Hơ Bhị đã 2 lần chết. Song khi vợ chết, chàng lại khóc thương người vợ mà thần linh ban cho mình, để chàng được có người nấu cơm, sắm thức ăn, dệt khố áo. Chàng đã xin thần linh ban phép cho vợ sống lại.

Là 1 tù trưởng anh hùng, Đăm Săn đã thuần phục voi dữ, làm rẫy, bắt cá,… Kỳ tích lẫy lừng hơn cả của Đăm Săn là chiến thắng 2 tù trưởng thù địch đã cướp vợ mình là Mtao Grư và Mtao Mxây.

Với khát vọng trở thành tù trưởng hùng mạnh, Đăm Săn đi cầu hôn Nữ thần Mặt Trời nhưng thất bại vì nữ thần này đi đến đâu thì sức nóng tỏa ra từ người nàng sẽ khiến vạn vật bị thiêu. Nữ thần đã nhắc nhở Đăm Săn là chàng sẽ bị chìm trong vũng bùn lầy mà chết trong rừng sáp đen. Nhưng chàng không nghe vì đang tức giận khi bị từ chối. 

Sau khi chết, Đăm Săn biến thành con ruồi chui vào mồm của người vợ thứ nhất của mình là Hơ Nhị. Hơ Nhị sinh ra Đăm Săn con, đứa con tiếp tục đi trên con đường của Đăm Săn.

Cầm kỳ thi họa là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của cầm kỳ thi họa

Truyền thuyết là gì? Đặc điểm, phân loại truyền thuyết

Sử thi Mahabharata

Sử thi Mahabharata là một trong hai tác phẩm sử thi bằng tiếng Phạn vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ đại. Nội dung của tác phẩm nói về cuộc chiến giữa 2 nhóm anh em họ trong cuộc chiến tranh Câu Lư, số phận của các hoàng tử Kaurava và Pāṇḍava cùng những hậu nhân của họ.

Sử thi Mahabharata
Sử thi Mahabharata

Tác phẩm này chứa những tài liệu về triết học và sự tôn sùng, chẳng hạn như cuộc thảo luận về 4 “mục đích của cuộc sống”.

Sử thi Mahabharata là bài thiên trường ca dài nhất được biết đến. Phiên bản dài nhất của nó bao gồm hơn 200.000 câu thơ riêng lẻ và các đoạn văn xuôi dài. Nó có độ dài gấp khoảng mười lần sử thi Iliad và Odyssey cộng lại, hoặc khoảng bốn lần chiều dài của sử thi Ramayana.

Sử thi Ramayana

Sử thi Ramayana là một sử thi cổ đại viết dưới dạng trường ca bằng tiếng Sanskrit và là một phần quan trọng của bộ kinh Ấn Độ giáo. Đây là bộ sử thi bằng tiếng Phạn nổi tiếng thứ hai của Ấn Độ cổ đại cùng với Mahabharata. Người ta cho rằng tác giả của Ramayana chính là nhà thơ Valmiki.

Sử thi Ramayana
Sử thi Ramayana

Tên gọi sử thi Ramayana là một từ ghép được dịch ra là “những cuộc du hành của Rama”. Sử thi này gồm 24.000 câu thơ đôi, chưa bằng 1/4 khối lượng dòng thơ của sử thi Mahabharata nhưng có bố cục chặt chẽ hơn. 

Nội dung sử thi kể về câu chuyện của hoàng tử Rama của xứ Ayodhya, vợ chàng là Sita bị bắt đi bởi vua xứ Lanka, Ravana. Xưa kia ở vương quốc Kosala có ông vua tên là Dasaratha, ông có bốn người con trai do bà vợ sinh ra. 

Con cả Rama nổi bật hơn hẳn các em về tài đức. Vua muốn nhường ngôi cho chàng, nhưng vì bị trói buộc bởi lời hứa với bà vợ thứ hai xinh đẹp cho nên đã đày Rama vào rừng 14 năm, trao ngôi lại cho Bharata, con của vợ hai.

Vợ Rama, nàng Sita, cùng em trai tên Laksmana tình nguyện theo Rama vào rừng sống ẩn, luyện tập võ nghệ. Quỷ vương Ravana ở đảo Lanka đã lập mưu cướp nàng Sita đem về làm vợ. Hắn dụ dỗ và ép buộc nàng thế nhưng bị nàng kịch liệt chống cự. 

Mất đi Sita, Rama đau buồn khôn xiết. Chàng quyết tâm phải cứu bằng được vợ trở về. Trên đường đi, Rama giúp đỡ vua khỉ Xugriva, sau đó chàng được đoàn quân khỉ giúp c­ứu được Sita.

Nhưng sau chiến thắng vẻ vang đó, chàng từ chối Sita, bởi chàng nghi ngờ tiết hạnh của nàng trong thời gian bị giam cầm bên Quỷ vương Ravana. Để Rama tin ở lòng chung thủy của mình, Sita quyết tâm bước vào lửa. Thần lửa Agni biết được nàng vẫn trong sạch, đã cứu nàng. 

Rama vô cùng sung sướng và giang tay đón nàng. Hai người đưa nhau trở về kinh đô sống trong cảnh chào đón nồng nhiệt của dân chúng.

Sử thi Đẻ đất đẻ nước

Đẻ đất đẻ nước là một tác phẩm sử thi, tác phẩm văn học dân gian của người Mường. Đây là bộ sử thi lớn, hiện đã sưu tầm được 10 bản, bản trung bình 8 nghìn câu, bản dài nhất 16 nghìn câu. 

Nội dung của nó kể về gốc tích và công cuộc đấu tranh của người Mường ở thời đại xa xưa, chứa đựng những quan niệm của người Mường cổ về việc hình thành trời đất, tạo lập thế giới. Tác phẩm này được lưu truyền dưới hình thức truyền miệng, tập trung đầy đủ nhất dưới hình thức hát cúng.

Với những thông tin vừa rồi, hi vọng các bạn và các em học sinh đã nắm được sử thi là gì, phân loại cùng một số tác phẩm sử thi kinh điển của Việt Nam và thế giới. Nếu muốn biết thêm về chủ đề này, các bạn hãy để lại bình luận bên dưới cho chúng tôi nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *