Tham sân si là gì? Cách chế ngự tham sân si theo Đạo phật

Quan điểm về Tham Sân Si trong Phật Giáo cho rằng, nếu chúng còn tồn tại thì chúng sinh còn khổ đau. Hãy cùng chúng mình luận giải chi tiết về thế nào là Tham Sân Si, Tham Sân Si là gì để nhận diện chính xác chúng từ đó biết cách chế ngự, buông bỏ Tham Sân Si để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tham Sân Si là gì?

Bạn có hiểu được Tham Sân Si có nghĩa là gì không? Trong thế giới quan của Đạo Phật, Tham Sân Si chính là Tam độc. Đây là khái niệm chỉ 3 trạng thái tinh thần cực kì có hại của mọi chúng sinh. Đây cũng chính là khởi nguồn cho những khổ đau và bất hạnh của con người bởi tâm Tham Sân Si là căn nguyên tạo nên nghiệp ác tồn tại dưới dạng tiền định khiến tâm thức bị trói buộc.

Không Tham Sân Si
Không Tham Sân Si

Tham Sân Si nói đơn giản là sự ham muốn thái quá. Như một cơn giận dữ, nóng nảy, là sự hận thù hay đó cũng chính là sự không vừa ý, không hài lòng hay sự u tối, không biết suy xét đâu là thiệt hơn, tốt xấu, phải trái. 

Tham là gì?

Phật dạy: “Nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ 3 điều mà ra: tham, sân, si”. Trong đó, tham đứng hàng đầu, tuy nhiên đã là con người thì ai cũng có lòng tham. Từ chữ tham mới nổi lên sân hận, khiến con người si mê u tối, từ đó gây nên nghiệp ác.

Tham Sân Si
Tham Sân Si

Theo Phật pháp, tham là sự đắm say, ham muốn, đam mê một điều gì đó. Cốt lõi của lòng tham nằm ở 5 nhu cầu cơ bản của con người: Tài (tài sản có giá trị), sắc (hình thức bên ngoài), danh (tiếng tốt, sự nổi tiếng), thực (được ăn uống), thùy (ngủ nghỉ).

Khi ham muốn về 1 trong những thứ này dâng lên cao hơn mức bình thường, con người sẽ nảy sinh lòng tham được hiển hiện ra ngoài bằng những hành động, lời nói của mình.

Tham có 3 loại sau:

– Tham về tài vật tức là lòng tham về những thứ vật chất, tiền tài, nhà cửa hay là xe cộ, đất đai…

– Tham sắc dục là lòng tham về thân thể như tham sắc đẹp, ham muốn x.á.c thịt.

– Tham danh vọng là lòng tham về quyền lực, sự nổi tiếng, chỗ đứng.

Thế nhưng, lời Phật dạy về lòng tham đã khẳng định rằng, tham lam không phải là bản chất của con người. Nhân chi sơ, tính bản thiện. Con người sinh ra vốn thuần khiết như tờ giấy trắng với trái tim thuần hậu và thiện lương. Lòng tham lớn dần lên theo năm tháng, qua những sự kiện mà mỗi người gặp phải. Người không biết tiết chế lòng tham thì nó cứ lớn dần mãi lên, đưa lối dẫn đường đến những hành động sai trái. Phật nói: “Lòng tham càng lớn thì phúc đức lại càng tiêu tán”. Vì sao? Tham thường sẽ đi liền với ác. Người tham muốn đoạt được thứ mà mình muốn, dễ sinh ra làm điều ác để thỏa mãn.

Sân là gì?

Chúng ta vẫn thường nghe câu “Giận quá mất khôn”, đó chính là chỉ Sân. Sân là sự giận dữ vượt ngoài tầm kiểm soát, suy nghĩ ghi thù, hận khi không được vừa lòng, với những việc làm hay lời nói của người khác với mình. 

Sám hối là gì? Cách sám hối và ý nghĩa của việc sám hối

Tâm Tham Sân Si
Tâm Tham Sân Si

Nếu khởi nguồn của Tham là từ nhu cầu và mong muốn thì Sân bắt nguồn từ lòng yêu thích “cái tôi” hay thích “cái của tôi”. Khi người khác có lời nói, hành động liên quan trực tiếp tới “cái tôi” nhưng lại không phải là mong muốn, ý thích của ta sẽ sinh ra giận giữ và sinh lòng oán ghét. 

Ví dụ như trong một câu chuyện, nếu người ta chê bai một ai đó không phải là ta, ta sẽ không giận dữ hay khó chịu tức là “vô sân” nhưng nếu ai đó khiển trách, bình phẩm về ta hoặc những điều thuộc về ta thì chúng ta sẽ không vui, cảm thấy khó chịu, tức giận.

Sân giận không chỉ tổn hại tới tim mạch mà còn làm tâm trí của ta bị u mê, bất ngộ, không tỉnh táo để phân biệt được đúng – sai, nên hay không nên làm, dễ sinh lòng oán thù với người khác từ đó mà gieo nghiệp ác.

Si là gì?

“Si” là si mê, vô minh, u tối. Người vô minh không thể sáng suốt, không suy xét được hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc này hay dở, tốt xấu, lợi hại… nên mới làm những điều tội lỗi, có hại cho mình và người. Si, vô minh theo thế tục có thể gọi là “dại” hay “ngu”.

Vô minh che lấp tâm trí, làm cho con người ta không còn nhìn thấy được những điều đang gặm nhấm từ bên trong con người khiến các thói hư tật xấu ấy sẽ tăng dần và cuối cùng đưa con người ta vào con đường tội lỗi triền miên.

Si được biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau từ tâm tưởng, hành động của bản thân đến cách nhìn, cách nghĩ về thế gian. Một cách chung nhất thì Si có thể được chia thành 3 loại:

– Mất đi khả năng nhận biết hay thấu hiểu các đạo lý làm người, đạo đức và quy chuẩn chung của xã hội.

– Mất đi khả năng nhận biết về bản chất mọi chuyện là tốt hay xấu, đúng hay sai, phù hợp hay chưa phù hợp.

– Mất đi khả năng tự soi xét hay nhận diện về tâm, trí và thân của bản thân mình. Nói một cách khác là chỉ biết đến mình, luôn cho mình là nhất.

Vô thường là gì? Vô thường có nghĩa là gì trong phật giáo?

Tại sao phải buông bỏ Tham Sân Si?

Như trên đã phân tích, cuộc đời Tham Sân Si là nguồn cơn của mọi sự đau khổ, phiền não, bất hạnh mà chúng sinh phải gánh chịu trong một kiếp nhân sinh.

Chế ngự Tham Sân Si
Chế ngự Tham Sân Si

Trải qua những bể dâu của cuộc đời, lòng tham của con người nảy sinh và ngày càng lớn dần theo năm tháng. Khi phát sinh lòng tham, chúng sinh thường sẽ sân, si dẫn đến những ý nghĩ, hành động trái với những người xung quanh. Cũng chính từ đây, để có được điều mình mong muốn và thèm khát, chúng sinh sẽ làm điều ác để thỏa mãn chính mong ước của mình.

Ví dụ, thấy người xung quanh có của cải, giàu có, nhiều tiền tài, nếu không tự có được bằng chính sức lao động của mình mà không kiềm chế được lòng thăm hẳn sẽ nảy sinh ý nghĩ cưỡng đoạt, làm điều ác hại người để biến cái của họ thành cái của mình để cũng được như họ. Người vì muốn giàu có sẽ không từ thủ đoạn để đạt được nhưng đến khi có được lại ưu tư sợ mất nên cuộc sống cũng không được vui vẻ, tự tại.

Như vậy, lòng tham càng lớn sẽ càng dễ dẫn tới những hành động, ý nghĩ sai trái, làm hại người cũng chính là hại mình, gieo những nghiệp ác sau hưởng quả báo ác. Cho nên người đời hay có câu “Tham thì thâm”, tức là càng tham phúc đức càng tiêu tán.

Sân là sự nóng giận mà khi giận dữ người chịu tác động xấu đầu tiên lại là chính chúng ta, tự mình khiến cho tim mạch của mình bị tổn hại, gan thận thương tổn, máu lên dễ đột quỵ. Sự nóng giận chỉ khiến cho sự việc đi xa hơn theo chiều hướng tiêu cực, không giải quyết được vấn đề thậm chí làm cho mọi thứ trở nên phức tạp và tồi tệ hơn, ấy là hại mình hại người mà cho dù không hại người thì cũng tự chuốc lấy thiệt thòi về phần mình.

Người nào không Tham Sân Si thì tâm không khổ não, tâm không phải tranh giành, giằng xé, tâm có thể đạt tới trạng thái nhu hòa, tâm từ bi chính là căn nguyên để gieo hạt thiện lành, để sau này nhận về quả ngọt trái thơm.

Còn Si mê là sự vô minh ngu dốt, chỉ dùng cảm tính để nhận biết, đánh giá về người khác, việc khác mà không hiểu được bản chất. Việc đó sẽ dễ bị cám dỗ, dễ mắc sai lầm, không đủ tỉnh táo để có thể đưa ra hành động phù hợp hay sai trái. Ấy cũng chính là khởi nguồn cho những bất hạnh trong hiện kiếp và cũng chính là nhân cho một quả báo không tốt đẹp ở hàng trăm, hàng ngàn kiếp sau đó nữa.

Như vậy, muốn trở nên thiện lành trước hết phải khắc chế từ bỏ Tham Sân Si, không tham muốn cái của người, không để mình trở thành nạn nhân của lòng tham vô đáy. Muốn được phúc, trước tiên chúng ta phải biết biết đủ, không nên sân – si với người, với đời.

Nhân sinh quan là gì? Ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến người Việt

Cách chế ngự Tham Sân Si

Tham – Sân – Si vốn không phải là bản chất của con người cũng như nhân quả nghiệp báo, có thể biến chuyển tùy thuộc vào hành động của từng người trong cõi nhân sinh. Để khắc chế, loại bỏ Tham Sân Si chúng ta cần:

Buông bỏ Tham Sân Si
Buông bỏ Tham Sân Si

Trước hết, mọi sự khổ đau, tâm Tham Sân Si đều từ vô minh mà ra, không có trí tuệ, tri thức thì đương nhiên không có khả năng nhận biết điều đúng sai phải trái, không đủ tỉnh táo để đánh giá mọi sự vật, mọi sự việc. Cho nên, mỗi người cần phải không ngừng học hỏi, tự giác trau dồi tri thức để có được trí óc thông tuệ. 

Thứ 2, chúng ta luôn cần ghi nhớ rằng, mọi sự thiện – ác trên đời đều có quả báo, gieo nhân nào ắt gặt quả ấy, không gieo cũng không phải gặt. Vậy nên đứng trước các cám dỗ, con người phải thật tỉnh táo để nhận biết và từ chối nó, không để lòng tham có cơ hội được nổi lên như vậy mới không dẫn đến sai trái, không gieo các ác nghiệp, sau mới nhận được hưởng quả báo phước lành. 

Tiếp đến, Sân hận được sinh ra cũng bởi chỉ biết mình, chỉ thích “cái của mình, cái mình thích” cho nên muốn khắc chế buông bỏ Tham Sân Si thì khi sân hận nổi lên cần phải phân tích những điều người khác đang làm với mình hoặc người thân của mình có đúng không từ đó tiết chế những cảm xúc, không trở thành nạn nhân của các cơn thịnh nộ.

Không có nóng giận thì cũng không hại thân thể, không có giận dữ thì không có lòng thù ghét và không dẫn tới lòng ghen tức, không hại người thiệt thân.

Cuối cùng, để từ bỏ Tham Sân Si chúng sinh cần biết đủ và hiểu rõ: 

Biết đủ có nghĩa là thấy hài lòng với những gì mình có hoặc cái mình có thể đạt được bằng chính trí tuệ và sức lực của mình, không tham lam cái của người khác, không so sánh mình với người và cũng không nghĩ mình là nhất, mình hơn người.

Hiểu rõ về nhân quả, nhân sinh, quy luật tự nhiên của vũ trụ. Không có gì tồn tại vĩnh hằng trên đời, tất cả đều bị chi phối bởi sự vô thường cho nên sống tốt ở kiếp này, luôn nghĩ thiện làm lành, không nên gieo nghiệp ác để được sống an yên, hưởng phước. Hiểu được những điều đó ắt khắc chế, loại bỏ Tham Sân Si. 

Tham Sân Si vốn không phải bản chất của con người. Chúng ta hoàn toàn có thể chế ngự, buông bỏ Tham Sân Si. Để được hưởng phước báu, chúng ta cần gieo nhân lành, nghĩ điều tốt đẹp, không làm việc ác. Hy vọng bài viết này đã giúp quý vị hiểu được Tham Sân Si là gì, soi chiếu lại bản thân mình từ đó sống tốt đẹp hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *