Các biện pháp tu từ là gì? Tác dụng và cho ví dụ minh họa

Các biện pháp tu từ và cách nhận biết là một nội dung quan trọng trong chương trình môn Ngữ văn, tuy nhiên không phải học sinh nào cũng nắm vững vì khá dễ gây nhầm lẫn. Để các em học sinh có được kiến thức tổng quan, dễ nhớ nhất khi ôn tập các biện pháp tu từ, hãy cùng Palada.vn tìm hiểu qua bài tổng hợp các biện pháp tu từ sau đây.

Các biện pháp tu từ và ví dụ

Các biện pháp tu từ và ví dụ

Palada.vn sẽ cùng các bạn học sinh ôn tập các biện pháp tu từ lớp 6, ôn tập các biện pháp tu từ lớp 9 và cả các biện pháp tu từ lớp 8, các biện pháp tu từ lớp 11. Các biện pháp tu từ thường gặp nhất bao gồm: So sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, đảo ngữ, điệp ngữ, nói giảm, nói tránh, liệt kê, nói quá, chơi chữ, dấu chấm lửng, câu hỏi tu từ.

Trong đó, từ 1 đến 10 là các biện pháp tu từ từ vựng, ngoài ra là các biện pháp tu từ cú pháp (câu hỏi tu từ) và các biện pháp tu từ ngữ âm (dấu chấm lửng)

Cụ thể sau đây Palada.vn sẽ phân tích chi tiết tất cả các biện pháp tu từ và ví dụ của nó:

So sánh

Biện pháp tu từ so sánh

Nói đến các biện pháp tu từ nghệ thuật phổ biến nhất thì không thể không nhắc tới biện pháp tu từ so sánh.

Khái niệm của so sánh: “So sánh là một biện pháp tu từ được sử dụng để đối chiếu các sự việc, sự vật này với các sự việc, sự vật khác giống nhau ở một điểm nào đó.”

Mục đích của so sánh: Sử dụng so sánh để làm tăng tính gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt.

Có thể phân loại biện pháp tu từ này theo 2 cách:

– Theo mức độ: So sánh ngang bằng, so sánh không ngang bằng (hơn, kém…)
Ví dụ:

“Người là cha, là bác, là anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” – thơ của Tố Hữu (biện pháp so sánh ngang bằng)
“Con đi trăm núi ngàn khe/Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm” – thơ của Tố Hữu (so sánh không bằng)

– Theo đối tượng: So sánh khác loại, so sánh cùng loại, so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng.
Ví dụ:
Mẹ già như chuối chín cây (so sánh khác loại)

Mặt trời đỏ như hòn than lửa (so sánh cùng loại)
Công cha như núi Thái Sơn (so sánh cái cụ thể với trừu tượng)

Xài hay sài là đúng chính tả? Sơ sài hay sơ sài? Cách dùng “xài” và “sài”

Nhân hóa

Biện pháp tu từ nhân hóa

Khái niệm: “Nhân hoá là biện pháp tu từ gọi hoặc miêu tả con vật, cây cối, đồ vật… bằng những từ ngữ thường được dùng để gọi hoặc tả con người”.

Tác dụng: Biểu thị những suy nghĩ, tình cảm như của con người, khiến sự vật hoặc con vật trở nên gần gũi, có hồn.

Phân loại:

– Dùng từ chỉ con người để gọi tên sự vật, sự việc.

Ví dụ: Chị ong nâu nâu, ông mặt trời, anh gà trống, chàng gió…

– Dùng từ chỉ hành động, tính chất của con người để nói về sự vật/con vật.

Ví dụ: Những sợi cỏ đang tựa lưng vào nhau, hớn hở chào đón nắng, anh gió thì thầm to nhỏ câu chuyện hôm qua chắc bạn mây hờn dỗi mặt trời nên giờ vẫn chẳng thấy tăm hơi.

Ẩn dụ

Khái niệm: Ẩn dụ là các biện pháp tu từ vựng gọi tên sự vật, hoặc hiện tượng này bằng tên của sự vật, hiện tượng khác khi giữa chúng có nét tương đồng với nhau.

Tác dụng: nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho chủ thể nhắc đến trong câu.

Phân loại:

– Ẩn dụ hình thức nghĩa là người nói hoặc người viết cố tình giấu đi một phần ý nghĩa trong câu.

Ví dụ: “Đầu đường lửa lựu lập lòe đơm bông” (trích Truyện Kiều)

Lửa lựu là ẩn dụ hình ảnh bông hoa lựu đỏ như màu lửa.

– Ẩn dụ cách thức nghĩa là người nói thể hiện vấn đề bằng nhiều cách, qua đó diễn đạt được hàm ý nào đó.

Ví dụ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Quả sử dụng các biện pháp tu từ từ vựng ẩn dụ cách thức chỉ “thành quả” lao động.

Kẻ trồng cây là biện pháp ẩn dụ chỉ người đã tạo ra thành “quả” đó.

– Ẩn dụ phẩm chất nghĩa là thay thế phẩm chất của sự vật, hiện tượng này bằng phẩm chất của sự vật hay hiện tượng khác trên cơ sở có sự tương đồng.

Ví dụ: “Người cha mái tóc bạc/nhóm lửa cho anh nằm”

Người cha là ẩn dụ nói về Bác Hồ, ngụ ý về sự ân cần của Bác như một người thân và bày tỏ lòng kính trọng với Bác như cha mẹ sinh thành.

– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác nghĩa là từ diễn đạt tính chất, đặc điểm của sự vật được cảm nhận bằng giác quan này nhưng lại được dùng để miêu tả cảm nhận trên giác quan khác.

Ví dụ: Giọng nói của cô ấy thật là ngọt ngào.

Giọng nói được nhận biết qua thính giác (bằng tai) nhưng lại dùng từ miêu tả cảm nhận của vị giác (vị ngọt ngào) để diễn đạt.

Hoán dụ

Khái niệm: Hoán dụ là các biện pháp tu từ từ vựng dùng cách gọi tên hiện tượng, sự vật hoặc khái niệm này bằng tên của một hiện tượng, sự vật, khái niệm khác. Mà giữa hai đối tượng có mối liên quan với nhau.

Tác dụng của hoán dụ: tăng sức gợi hình và gợi cảm trong sự diễn đạt.

Phân loại:

– Lấy bộ phận chỉ toàn thể

Ví dụ: “Anh ta rất nhanh chóng bị hạ gục bởi một tay súng cừ khôi”

Tay súng: Biện pháp tu từ hoán dụ lấy “tay” – 1 bộ phận cơ thể để chỉ toàn bộ con người đó.

– Lấy vật đang chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng.

Ví dụ: “Vì sao Trái Đất nặng ân tình/Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh” – thơ của Tố Hữu.

Trái Đất là vật chứa đựng nhiều đất nước dùng để chỉ vật bị chứa đựng chính là Việt Nam.

– Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật đó.

Ví dụ: Mập mờ áo hồng bên hiên lớp/Bối rối mắt xanh trốn má đào.

Áo hồng và má đào đều là dấu hiệu của một cô gái
Mắt xanh là dấu hiệu của một chàng trai trẻ bối rối khi đứng trước người mình thích

– Lấy một cái cụ thể để gọi một cái trừu tượng.

Ví dụ: “1 cây làm chẳng nên non/3 cây chụm lại nên hòn núi cao” – ca dao Việt Nam. 1 cây và 3 cây là hoán dụ để chỉ số lượng ít và số lượng nhiều.

Đảo ngữ

Khái niệm: “Đảo ngữ là các biện pháp tu từ cú pháp thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu văn”.

Tác dụng: Dùng để nhấn mạnh, gây ấn tượng về nội dung biểu đạt mà tác giả muốn người đọc hướng đến.

Ví dụ: “Lom khom dưới núi, tiều vài chú/lác đác bên sông, rợ mấy nhà” – thơ của Bà Huyện Thanh Quan.

Câu bình thường sẽ là “Dưới núi vài chú tiều đang lom khom/bên sông có lác đác rợ mấy nhà”.

Các tính từ “lom khom” và “lác đác” được đảo lên đầu câu để nhấn mạnh sự vắng vẻ, heo hút của không gian nhằm thể hiện nỗi cô quạnh sâu kín trong tâm hồn người viết.

Liệt kê

Khái niệm: “Liệt kê là cách sắp xếp, nối tiếp nhau các từ hoặc cụm từ cùng loại với nhau. Qua đó diễn tả một khía cạnh hoặc một tư tưởng, một tình cảm được đầy đủ, rõ ràng hơn đến cho người đọc, người nghe”.

Tác dụng: Diễn tả cụ thể, đầy đủ hoặc nhằm nhấn mạnh nội dung.

Ví dụ: “Cúc, ly, mai, lan, hồng… mỗi loài 1 hương, mỗi loài 1 sắc”.

Liệt kê tên nhiều loài hoa nhằm nhấn mạnh sự đa dạng, đồng thời tạo liên tưởng về khu vườn rực rỡ màu sắc và hương thơm từ các loài hoa.

Nói giảm, nói tránh, nói quá

– Nói giảm nói tránh là các biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt sao cho tế nhị, uyển chuyển, nhằm không gây cảm giác quá ghê sợ, đau buồn, nặng nề; hoặc thô bỉ, thiếu lịch sự.

Ví dụ: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền” – thơ của Viễn Phương, “nằm trong giấc ngủ bình yên” là cách nói giảm nói tránh việc qua đời của Bác Hồ chỉ như một giấc ngủ dài.

– Nói quá là các biện pháp tu từ dùng cách phóng đại quy mô, mức độ, tính chất của sự vật hoặc hiện tượng được miêu tả. Qua đó nhấn mạnh câu nói gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho câu”.

Ví dụ: “Dân công đỏ đuốc từng đoàn/Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay” – Thơ của Tố Hữu

“Bước chân nát đá” là các biện pháp tu từ cường điệu nhằm thể hiện sức mạnh, lòng quyết tâm cùng ý chí chiến đấu mãnh liệt.

Điệp ngữ

Khái niệm: Điệp ngữ hay lặp từ là các biện pháp tu từ dùng cách nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ hoặc cụm từ có dụng ý làm tăng cường hiệu quả diễn đạt.

Tác dụng: nhấn mạnh, gây ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc… và tạo nhịp điệu cho câu hay đoạn văn bản.

Ví dụ: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà, giữ đồng lúa chín” – Thép Mới viết trong “Cây tre Việt Nam”

Điệp từ “giữ” nhấn mạnh công dụng và phẩm chất cao quý của tre. Qua hình ảnh cây tre, ngợi ca, tự hào về phẩm chất chất dân tộc, con người Việt Nam.

Chơi chữ

Biện pháp tu từ chơi chữ

Khái niệm: Chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của tiếng Việt để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước… hoặc làm cho câu văn trở nên hấp dẫn và thú vị.

Ví dụ: “Bà già đi chợ cầu đông/Xem một quẻ lấy chồng lợi chăng/Thầy bói gieo quẻ nói rằng/Lợi thì có lợi nhưng răng không còn” (ca dao Việt Nam)

Giải thích: “Lợi” ở câu đầu tiên là “lợi ích” còn “lợi” thứ hai là “răng lợi” chỉ một bộ phận cơ thể.

Các cách chơi chữ thường gặp: Dùng lối nói trại âm (gần âm), dùng từ ngữ đồng âm, dùng cách điệp âm, dùng lối nói lái, dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa.

Các biện pháp tu từ khác

– Câu hỏi tu từ:

Khái niệm: Câu hỏi tu từ là các biện pháp tu từ về câu có cú pháp như một câu hỏi nhưng lại không có mục đích yêu cầu trả lời, ngược lại để diễn tả hay nhấn mạnh ngụ ý nào đó.

Tác dụng: Chủ yếu dùng để bộc lộ hoặc tăng cường thể hiện cảm xúc, trạng thái.

Ví dụ: Em ăn cơm chưa?

Ý nghĩa: Thể hiện sự quan tâm của người hỏi nhưng không nhằm mục đích hỏi người kia đã ăn chưa mà là để mở đầu câu chuyện.

– Dấu chấm lửng:

Khái niệm: Dấu chấm lửng hay thường gọi là dấu ba chấm, được sử dụng để biểu thị rằng người viết vẫn chưa diễn đạt hết ý.

Tác dụng: Tạo điểm nhấn hoặc gợi một sự lắng đọng của cảm xúc khi diễn đạt.

Ví dụ: Người đi xa, xa mãi…

Giải thích: Dấu ba chấm ở đây thể hiện nỗi buồn khi bị chia cắt, đồng thời gợi nhắc về một chuyến đi có khi không bao giờ được gặp lại.

Nguyên âm là gì? Phụ âm là gì? Phân biệt nguyên âm và phụ âm

Các biện pháp tu từ và cách nhận biết

Các biện pháp tu từ và cách nhận biết

Vừa rồi Palada.vn đã giới thiệu các biện pháp tu từ và hiệu quả của chúng khi được ứng dụng. Tuy nhiên có nhiều em vẫn dễ lẫn lộn một số biện pháp tu từ với nhau. Chúng mình sẽ giúp các bạn nhận biết, phân biệt những biện pháp tu từ này nhé:

Phân biệt các biện pháp tu từ hoán dụ và ẩn dụ

Giống nhau:

– Về bản chất thì cả hai biện pháp tu từ này đều dùng cách gọi sự vật, sự việc này để gọi sự vật, sự việc khác.

– Chúng đều căn cứ vào nguyên tắc có liên tưởng, gần gũi với nhau.

– Cả 2 biện pháp tu từ đều có sức diễn đạt, biểu cảm cao với người đọc hoặc người nghe.

Khác nhau:

Đối với các biện pháp tu từ ẩn dụ, giữa hai đối tượng A và B phải ít nhất có 1 điểm tương đồng, giống nhau. Cho dù A không hề có mối liên quan với B nhưng vẫn có thể dùng A để gọi B.

Ví dụ: “Người cha mái tóc bạc”, “Cha” là từ chỉ một người trong gia đình, có công sinh thành. “Cha” của người viết không hề có mối liên quan nào đến “Bác Hồ”. Nhưng hai đối tượng này lại có chung tính chất: quý trọng, đáng kính, là người lớn tuổi… nên tác giả dùng từ “cha” thay cho cách gọi “Bác Hồ” nhằm thể hiện sự gần gũi như máu thịt, như người trong một nhà.

Đối với các biện pháp tu từ hoán dụ, 2 sự vật/sự việc được nói đến phải vừa có sự gần gũi lại vừa liên quan trực tiếp đến nhau.

Ví dụ: “Áo trắng đến trường mà lòng phơi phới”, từ “Áo trắng” là trang phục đặc trưng của những em học sinh khi đến trường, dùng để chỉ các bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Phân biệt các biện pháp ẩn dụ từ vựng và các biện pháp ẩn dụ tu từ

– Biện pháp ẩn dụ tu từ: mang tính cá thể, phải đặt trong từng văn cảnh cụ thể để hiểu được ý nghĩa. Thường thì biện pháp tu từ này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học, người đọc phải tìm hiểu nội dung mới có thể xác định được nghĩa của các biện pháp tu từ bên trong.

– Biện pháp ẩn dụ từ vựng: là một cách nói quen thuộc, phổ biến, không có hoặc có ít giá trị tu từ. Ví dụ: cổ chai, tay ghế, mũi đất…

Các biện pháp tu từ ẩn dụ xuất hiện nhiều trong văn học và khó có thể xác định, cắt nghĩa, mang tính nghệ thuật cao. Còn ẩn dụ từ vựng thì xuất hiện trong cách nói hàng ngày, rất đơn giản và dễ hiểu.

Trên đây là kiến thức mà Palada.vn đã tổng hợp về tất cả các biện pháp tu từ thường gặp. Hi vọng sẽ hỗ trợ được các em trong môn Ngữ văn khi ôn tập các biện pháp tu từ lớp 9 môn cũng như cả cấp học THPT. Chúc các em học tốt và hãy nhớ đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng mình nhé.a

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *